Tình trạng sức khỏe và các bệnh thường gặp ở trẻ

đăng bởi

Khi nuôi con nhỏ, bất kì một vấn đề sức khỏe nào của bé cũng có thể khiến bố mẹ lo lắng, đứng ngồi không yên. Vì thế tốt nhất là bố mẹ luôn phải chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với các loại bệnh có thể tấn công cơ thể yếu ớt của bé.

Bố mẹ hãy cùng POH tìm hiểu về tình trạng sức khỏe và các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh để có thêm hành trang hữu ích cho quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ nhỏ nhé!


Con rất cần sự bảo vệ và chăm sóc của bố mẹ để phát triển mạnh khỏe, hạnh phúc.

Bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh từ 0-12 tháng tuổi

Viêm màng não là bệnh rất nguy hiểm và có khả năng để lại di chứng nặng nề  ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh này do vi khuẩn, virus xâm nhập vào màng não, tủy sống và gây tổn thương ở các bộ phận này.

Viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do vi khuẩn gây ra. Đây là tình trạng viêm màng não nghiêm trọng nhất, có khả năng đe dọa tính mạng của trẻ và để lại các tổn thương nặng nề cho con như tổn thương não, điếc,...

Viêm màng não do virus xuất hiện phổ biến hơn và mức độ nghiêm trọng cũng ít hơn viêm màng não do vi khuẩn gây ra. Trẻ có thể bị nhiễm virus, vi khuẩn gây viêm màng não khi tiếp xúc với người bệnh hoặc đi đến nơi có dịch.

 

Dấu hiệu bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh rất khó nhận biết.

Bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh có chữa được không? Đối với trường hợp viêm màng não do virus thì trẻ có khả năng tự phục hồi sau 5-7 ngày và không để lại di chứng nếu con được chăm sóc đúng cách.

Còn nếu bị viêm màng não do vi khuẩn gây ra thì con cần được điều trị tại bệnh viện càng sớm càng tốt. Thời gian và phương pháp điều trị sẽ được quyết định tùy theo tình trạng bệnh của trẻ.

Biểu hiện viêm màng não của trẻ sơ sinh phổ biến nhất là sốt cao, nôn, co giật, rất mệt mỏi và lơ mơ, ngủ li bì, cổ cứng,...

Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng sẽ xuất hiện các biểu hiện này khi con bị viêm màng não, vì thế mẹ cần quan sát và theo dõi con thật kĩ, luôn sẵn sàng đưa trẻ đến bệnh viện nếu con xuất hiện các biểu hiện khác thường.

Một số dấu hiệu quan trọng có thể xuất hiện khi trẻ bị bệnh cũng như thông tin chi tiết về loại bệnh nguy hiểm này được POH gửi đến mẹ trong bài viết Bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh từ 0-12 tháng tuổi, mời mẹ tìm hiểu thêm nhé!

Khả năng nghe của trẻ sơ sinh

Sự phát triển thính giác của trẻ sơ sinh bắt đầu ngay từ khi con còn nằm trong bụng mẹ và thính giác của con thậm chí còn nhạy cảm hơn cả người lớn.

Trẻ sơ sinh sẽ được bác sĩ, y tá kiểm tra thính giác ngay sau khi chào đời qua một bài kiểm tra phản ứng của trẻ khi được cho nghe âm thanh. Nếu con vượt qua bài kiểm tra này thì có nghĩa là thính giác của con bình thường, không có vấn đề gì.

Trường hợp trẻ sơ sinh không phản ứng với âm thanh trong bài kiểm tra này cũng không có nghĩa là con có vấn đề về thính giác mà có thể là trong tai con vẫn đang còn nước ối cản trở việc nghe âm thanh.

Con sẽ cần trải qua một bài kiểm tra thứ hai để được đánh giá đúng khả năng nghe của mình.

 

Con sẽ được kiểm tra thính giác ngay sau khi chào đời.

Dấu hiệu trẻ nghe kém có thể xuất hiện nếu mẹ mắc một số chứng bệnh trong thai kì, gia đình có tiền sử thính giác kém hay do một số yếu tố nguy cơ khác. Nếu phát hiện con có vấn đề về thính lực thì tốt nhất mẹ nên chữa trị cho con càng sớm càng tốt.

Mẹ có thể cùng con chơi các trò chơi phát triển thính giác cho trẻ mọi lúc mọi nơi, ví dụ như hát và kể chuyện cho con nghe, miêu tả cho con những gì đang xảy ra hoặc giải thích cho con về một tiếng động lạ mới xuất hiện.

Mẹ đừng nghĩ con còn bé thế nên có nói con cũng không hiểu nhé, con sẽ ghi nhớ tất cả mọi thứ và điều này vừa giúp ích cho thính giác, vừa giúp ích cho khả năng ngôn ngữ của con sau này nữa đấy!

Mời mẹ tìm hiểu thêm về thính giác của con trong bài viết Khả năng nghe của trẻ sơ sinh.

Bệnh tưa miệng ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị nấm lưỡi, hay còn gọi là tưa lưỡi, là do nồng độ nấm trong miệng con tăng lên và gây ra nhiễm trùng.

Trong miệng cũng như hệ tiêu hóa của con có chứa các loại nấm và vi khuẩn có lợi, nếu con dùng kháng sinh hoặc mẹ dùng kháng sinh khi cho con bú thì những chất có trong thuốc sẽ khiến môi trường nấm trong miệng con bị mất cân bằng và gây nên bệnh tưa miệng.

Ngoài ra bệnh còn có thể xuất hiện do một số nguyên nhân khác như hệ miễn dịch của con còn yếu, bình sữa, núm ti của con không được vệ sinh đúng cách,...

Triệu chứng tưa lưỡi ở trẻ rất dễ nhận biết, mẹ có thể thấy các vị trí trong miệng con bao gồm bên trong má, lợi, lưỡi, vòm miệng xuất hiện các đốm trắng giống như cặn sữa nhưng không thể dễ dàng lau đi được, nếu được lau đi, chúng sẽ để lại một mảng niêm mạc màu đậm hơn bình thường.

 

Hình ảnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh.

Khi bị tưa miệng, trẻ sẽ cảm thấy đau miệng dẫn tới việc biếng ăn, bỏ ăn. Nấm gây tưa lưỡi còn có thể lây truyền từ miệng bé sang vú mẹ khiến mẹ bị nhiễm trùng, sưng đau núm vú. Vì thế mẹ cần sớm điều trị cho bé khi phát hiện con bị tưa miệng.

Bác sĩ thường sẽ chỉ định cho bé dùng các loại thuốc dạng nước hoặc dạng kem có hoạt chất chống nấm, an toàn cho trẻ sơ sinh và hướng dẫn bôi trực tiếp vào miệng của trẻ.

Mẹ cũng có thể tham khảo các video đánh tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh để biết cách bôi thuốc cho con. Mẹ chú ý chỉ nên đánh tưa lưỡi, tưa miệng cho trẻ bằng thuốc được bác sĩ kê đơn và thực hiện điều trị trước khi cho con ăn.

Mời mẹ đọc thêm thông tin trong bài viết Bệnh tưa miệng ở trẻ sơ sinh.

Bệnh chân tay miệng ở trẻ sơ sinh

Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh là đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng nhất do bệnh lây lan rất nhanh và hệ miễn dịch của các con thì không đủ khỏe để chống lại virus gây bệnh.

Biểu hiện bệnh chân tay miệng ở trẻ sơ sinh là tình trạng sốt nhẹ hoặc sốt cao, xuất hiện các vết rát đỏ, mụn nước ở miệng, tay, chân, mông hoặc háng trẻ.

Nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời, bệnh tình của trẻ sẽ tiến triển nặng hơn và con có thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng khác.

 

Bệnh tay chân miệng có lây không là băn khoăn của nhiều mẹ đang nuôi con nhỏ.

Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ sơ sinh nghiêm trọng hơn là mất nước, sốt cao không hạ, nhiễm trùng vết loét, quấy khóc dai dẳng. Khi xuất hiện những dấu hiệu này, mẹ cần đưa con đến bệnh viện điều trị ngay lập tức.

Tất cả các cách điều trị bệnh chân tay miệng tại nhà chỉ nên được áp dụng nếu có sự chỉ dẫn của bác sĩ vì tình trạng bệnh của mỗi trẻ mỗi khác và bệnh có thể sẽ phát triển rất phức tạp.

Khi trẻ bị bệnh chân tay miệng uống thuốc gì? Bệnh chân tay miệng do virus gây ra, vì thế bệnh không có thuốc đặc trị.

Thay vào đó con sẽ được chăm sóc và sát khuẩn vùng da tổn thương, ăn uống để tăng cường hệ miễn dịch. Con có thể được chỉ định dùng kháng sinh nếu các vết loét bị nhiễm trùng.

Để hiểu hơn về loại bệnh thường gặp này ở trẻ, mời mẹ đọc thêm tại bài viết Bệnh chân tay miệng ở trẻ sơ sinh.

Bệnh ban đào ở trẻ sơ sinh

Bệnh ban đào là gì? Đây là bệnh do một chủng virus herpes gây ra, thường gặp ở trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi. Con có thể nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm virus hoặc tiếp xúc với người bệnh khi họ ho, hắt hơi.

Triệu chứng bệnh ban đào ở trẻ là sốt cao đột ngột (38-42 độ) có thể kèm theo sổ mũi, viêm họng, ho và tiêu chảy nhẹ, sau vài ngày cơn sốt biến mất và da của bé xuất hiện các nốt sần màu đỏ, đỏ hồng.

 

Trẻ xuất hiện phát ban sau khi sốt có thể là triệu chứng của bệnh ban đào.

Bệnh ban đào do virus gây ra, vì thế bệnh không được điều trị bằng kháng sinh. Khi con bị bệnh, mẹ nên cho con uống đủ sữa và nước, cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý và giữ cơ thể con được mát mẻ để giúp con nhanh chóng khỏi bệnh.

Để phòng ngừa bệnh ban đào cho trẻ sơ sinh, mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường xung quanh trẻ, hạn chế cho trẻ đến những khu vực đông người, ô nhiễm,...

Mời mẹ tìm hiểu thêm về bệnh lý này ở trẻ trong bài viết Bệnh ban đào (sốt phát ban) ở trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh bị đỏ 2 bên má

Má trẻ bị đỏ có thể do rất nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là con bị nẻ, mụn sữa, rôm sảy, viêm da cơ địa hoặc có thể do con mắc một loại bệnh có tên là bệnh đỏ má.

Bệnh đỏ má gây ra những vệt phát ban ở hai bên má của trẻ, nhìn giống như con bị ai đó tát mạnh vào má. Đây là bệnh do virus có tên là Parvo B19 gây ra.

Trước khi hai bên má bị ửng đỏ, con có thể xuất hiện một số triệu chứng ban đầu khác như sốt, sổ mũi, khó chịu, buồn ngủ và chán ăn.

Vì triệu chứng giống như các loại bệnh do virus khác nên mẹ rất hay nhầm lẫn trong việc xác định chính xác bệnh đỏ má.

 

Bé bị đỏ 2 bên má trông giống như vừa bị ai đó tát là biểu hiện của bệnh đỏ má.

Sau đó con sẽ nổi mẩn đỏ hai bên má rồi lan dần xuống cơ thể, cánh tay và đùi. Các nốt phát ban này có thể khiến con ngứa ngáy, khó chịu và tình trạng phát ban có thể sẽ tệ hơn nếu con bị nóng hoặc nô đùa quá lâu.

Bệnh đỏ má ở trẻ em có thể tự khỏi trong khoảng 2 tuần khi con được chăm sóc đúng cách. Mẹ nên cho con bổ sung thêm nước bằng cách bú mẹ, uống nước, cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, giữ gìn vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là ở các vùng phát ban.

Mời mẹ đọc thêm bài viết Trẻ sơ sinh bị ban đỏ nhiễm khuẩn (đỏ 2 bên má) để hiểu hơn về vấn đề này.

Trẻ sơ sinh tăng cân chậm

Làm sao để trẻ sơ sinh tăng cân chuẩn theo từng tháng tuổi là một trong những vấn đề được bố mẹ quan tâm hàng đầu vì cân nặng là một yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ phát triển của trẻ.

Thông thường trẻ sơ sinh tăng cân chậm trong tháng đầu vì con có thể có hiện tượng sụt cân sinh lý sau khi sinh và con chưa quen với việc sinh hoạt ở môi trường bên ngoài. Nhưng đến cuối tháng, cân nặng của con vẫn có thể cao hơn cân nặng khi mới được sinh ra.

 

Trẻ sơ sinh biếng ăn chậm tăng cân là vấn đề khiến nhiều mẹ vô cùng lo lắng.

Từ 1-3 tháng, trẻ sơ sinh tăng cân chuẩn sẽ tăng từ 1-2kg mỗi tháng và tăng từ 0,5-1,5kg/tháng kể từ tháng thứ 4 trở đi.

Sự phát triển cân nặng của bé không chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn mà còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe, chất lượng giấc ngủ, yếu tố di truyền,...

Nếu trẻ sơ sinh tăng cân quá ít trong một thời gian dài và con thường xuyên mệt mỏi, lờ đờ thì mẹ nên cho trẻ đến khám bác sĩ để kiểm tra nguyên nhân.

Còn nếu con tăng cân ít nhưng con vẫn vui tươi, ăn tốt, ngủ tốt thì mẹ không cần phải quá lo lắng về vấn đề cân nặng của trẻ.

Để hiểu hơn về sự phát triển cân nặng cũng như làm cách nào để con tăng cân tốt hơn, mời mẹ đọc thêm tại bài viết Trẻ sơ sinh tăng cân chậm nhé!

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh dễ nhận thấy nhất là xuất hiện các mụn nước hoặc các đốm mụn nước trên da trẻ. Con cũng có thể có một số triệu chứng khác kèm theo như sốt, nhức mỏi, quấy khóc, chán ăn,...

Bệnh thủy đậu do một loại virus gây ra nên không thể chữa trị bằng kháng sinh trừ khi các mụn nước có tình trạng nhiễm khuẩn, thay vào đó con sẽ được chăm sóc bằng cách giữ gìn vệ sinh cơ thể, đặc biệt là ở các nốt mụn nước, bổ sung thêm nước, mặc quần áo thoáng mát và bôi thuốc giúp các nốt mụn nước mau lành.

 

Trẻ 3 tháng tuổi bị thủy đậu có thể có biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc đúng cách.

Vậy trẻ sơ sinh bị thủy đậu bôi thuốc gì? Bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho trẻ dùng dung dịch xanh-methylen để bôi lên các vết mụn nước.

Mẹ lưu ý không nên tự ý bôi thuốc cho con, không tắm cho con bằng lá cây và tránh làm vỡ các nốt mụn nước khi chăm sóc trẻ.

Nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời, bệnh thủy đậu có thể kéo theo các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não,...

Tiêm phòng thủy đậu cho trẻ sơ sinh là cách tốt nhất để giúp con phòng bệnh. Mũi tiêm thủy đậu thường được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Vì thế đối với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ cần biết cách phòng ngừa và chăm sóc cho con nếu con bị thủy đậu.

Mời mẹ đọc thêm về cách chăm sóc trẻ khi con bị thủy đậu trong bài viết Thủy đậu ở trẻ sơ sinh.

Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh

Chỉ số đường huyết của trẻ em được điều chỉnh bởi hormone insulin. Hormone này lưu trữ lượng đường trong máu hoặc giải phóng đường khi cơ thể cần và giữ cho lượng đường trong máu của con luôn ở mức cân bằng.

Đôi khi, lượng đường trong máu của con thấp hơn mức bình thường và gây ra tình trạng hạ đường huyết, điều này dễ gặp ở trẻ sinh non, nhẹ cân, hạ thân nhiệt hoặc trẻ có mẹ bị tiểu đường,...

Biểu hiện của trẻ bị hạ đường huyết tương đối khó nhận biết, con có thể trở nên cáu kỉnh, hốt hoảng, mệt mỏi hoặc buồn ngủ bất thường. Cách tốt nhất để xác định lượng đường trong máu của trẻ là xét nghiệm máu.

 

Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Cách điều trị hạ đường huyết ở trẻ em khác nhau tùy thuộc và tình trạng của trẻ. Đối với trẻ sinh đủ tháng và có cân nặng tốt, con có thể bổ sung đường trong máu thông qua việc bú mẹ, da kề da và giữ ấm cơ thể.

Đối với trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc có mẹ bị tiểu đường, việc bú mẹ và giữ ấm có thể không cung cấp đủ lượng đường trong máu cần thiết cho trẻ. Khi đó con có thể sẽ cần được cung cấp thêm lượng glucose thích hợp với nhu cầu cơ thể.

Tình trạng hạ đường huyết kéo dài ở trẻ sơ sinh rất khó xảy ra nếu con được chăm sóc đúng cách. Trong trường hợp con bị hạ đường huyết do bệnh lý, mẹ nên tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Mời mẹ tìm hiểu thêm về vấn đề này trong bài viết Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh.

Thoát vị ở trẻ sơ sinh

Thoát vị là tình trạng một khối u hoặc túi phồng của các cơ quan bên trong cơ thể dịch chuyển khỏi vị trí cố định, xuyên qua các cơ và tạo thành các khối phồng lên. Tình trạng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là thoát vị thành bụng.

Thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh xảy ra khi cơ thành bụng của trẻ còn yếu, có nhiều chỗ hở khiến các cơ quan nội tạng bên trong bị đẩy ra ngoài do áp lực trong khoang bụng. Có nhiều loại thoát vị thành bụng, bao gồm thoát vị rốn, thoát vị bẹn,...


Các cơ vùng rốn của trẻ sơ sinh còn yếu nên con rất dễ bị thoát vị rốn.

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là loại thoát vị dễ gặp nhất do các cơ ở vùng rốn của con chưa phát triển hoàn thiện để bịt kín dây rốn, khiến cho một phần ruột có thể xuyên qua cơ và tạo thành một khối phồng mềm mỗi khi bụng của trẻ có áp lực, ví dụ như khi trẻ khóc, trẻ cười, trẻ vặn mình,...

Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh xảy ra khi lớp cơ dưới bẹn của trẻ phát triển không đủ hoàn thiện. Thoát bị bẹn thường xuất hiện ở bên phải và trẻ sinh non có nguy cơ bị thoát vị bẹn cao hơn những trẻ sinh đủ tháng.

Thoát vị bìu ở trẻ sơ sinh là một dạng của thoát vị bẹn, chỉ xảy ra ở bé trai. Khi đó mẹ có thể quan sát thấy bìu của con to lên bất thường, đặc biệt là khi con khóc, cười to hay rặn khi đi đại tiện.

Mời mẹ đọc thêm về bệnh lý này tại bài viết Thoát vị ở trẻ sơ sinh.

Bệnh herpes miệng ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị loét miệng hay trẻ bị lở môi có thể là do bị lây nhiễm virus herpes từ những nụ hôn của người lớn.

Virus herpes rất phổ biến nhưng có nhiều người không có biểu hiện nhiễm virus nên chính họ cũng không hề biết mình là nguồn bệnh và vẫn vô tư ôm hôn trẻ sơ sinh.

Những vết lở loét hoặc rộp nước do virus herpes gây ra có thể bị nhiễm trùng và lan rộng nếu không được điều trị kịp thời. Thậm chí có trường hợp trẻ sơ sinh đã tử vong vì bị mắc bệnh này, vì thế nếu phát hiện các vết rộp nước bất thường ở con, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để con được chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác.


Trẻ bị lở khóe miệng có thể là biểu hiện của việc nhiễm virus herpes.

Cách tốt nhất để phòng ngừa loại bệnh này cho trẻ là không để những người bị nhiễm virus herpes ôm, hôn hoặc tiếp xúc với trẻ, luôn giữ vệ sinh đồ dùng của trẻ sạch sẽ và cho trẻ dùng đồ dùng riêng, không dùng chung với đồ dùng của cả gia đình.

Mời mẹ đọc thêm về bệnh lý này tại bài viết về trẻ bị rộp môi và cách điều trị.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm khuẩn tiết niệu là gì? Nhiễm khuẩn tiết niệu hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiểu là tình trạng vi khuẩn xâm nhập và gây viêm, nhiễm trùng tại đường tiết niệu của trẻ.

Nhiễm trùng đường tiểu được chia thành hai loại là nhiễm trùng đường tiết niệu trên (nhiễm trùng ở thận hoặc niệu quản) và nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (nhiễm trùng ở bàng quang hoặc niệu đạo). Trẻ có thể mắc một trong hai hoặc cả hai loại nhiễm trùng này cùng một lúc.

 

Trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể bị đau mỗi khi tiểu tiện.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có nguy hiểm không? Các vi khuẩn gây viêm có thể làm tổn thương cơ quan tiết niệu dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, suy giảm chức năng thận.

Thậm chí các vi khuẩn này có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng máu nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Con sẽ được điều trị nhiễm trùng tiểu bằng kháng sinh dạng uống hoặc truyền qua tĩnh mạch tùy vào tình trạng nhiễm trùng của mình.

Để biết thêm thông tin về bệnh cũng như cách phòng tránh bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ, mời mẹ tiếp tục tìm hiểu trong bài viết Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh thở khò khè

Tiếng thở khò khè của trẻ nghe giống như tiếng huýt sáo nhẹ và được nghe rõ hơn mỗi khi con thở ra. Đây có thể là một hiện tượng bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy con đang bị bệnh.

Khi mới chào đời, trẻ sinh mổ bị khò khè nhiều hơn là trẻ sinh thường do khi chào đời bằng phương pháp sinh mổ, con không được trải qua áp lực như khi chào đời bằng cách sinh thường khiến nước ối vẫn còn lưu lại trong đường thở và tạo ra tiếng khò khè mỗi khi con hít vào, thở ra.

Nếu trẻ sơ sinh thở khò khè nhưng không ho, không sốt, không khó thở và vẫn ăn ngủ bình thường thì mẹ không cần quá lo lắng vì hệ hô hấp của con chưa hoàn thiện nên một chút sữa hoặc dịch cũng khiến hơi thở của con có âm thanh khác lạ.

 

Trẻ sơ sinh thở khò khè và hay vặn mình có thể là dấu hiệu cho thấy con đang bị bệnh.

Trong trường hợp bé thở khò khè và ho nhiều, kèm theo triệu chứng sốt, khó thở, bỏ ăn thì rất có thể con đang mắc bệnh liên quan đến hô hấp, mẹ cần đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt để con được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Trẻ sơ sinh thở khò khè về đêm rất dễ dẫn đến tình trạng nặng hơn như thở khó, thở rít hay nghẹt thở nếu không được phát hiện kịp thời. Vì thế bố mẹ cần hết sức cẩn thận khi chăm sóc trẻ sơ sinh khi con có dấu hiệu thở khò khè.

Mời mẹ đọc thêm về vấn đề này trong bài viết Trẻ sơ sinh thở khò khè.

Sởi ở trẻ sơ sinh

Sởi và sốt phan ban ở trẻ rất dễ nhầm lẫn với nhau do hai bệnh này đều có biểu hiện đặc trưng là các nốt đỏ phát ban trên bề mặt da bé. Tuy nhiên hai bệnh này có cách điều trị khác nhau, vì thế mẹ cần phải đánh giá đúng tình trạng bệnh của con để có biện pháp xử lý phù hợp.

Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ dưới 1 tuổi bao gồm sốt, sổ mũi, ho, đau mắt, đau nhức người, quấy khóc, cáu kỉnh,... Khi các nốt phát ban xuất hiện, trẻ có thể sốt cao lên tới 40 độ C.

 

Em bé bị bệnh sởi cần có một chế độ chăm sóc và điều trị đặc biệt.

Khi trẻ sơ sinh bị sởi phải làm sao? Khi phát hiện các dấu hiệu nghi là bị sởi ở trẻ, mẹ nên bổ sung nước đầy đủ cho trẻ, cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, giữ vệ sinh sạch sẽ và đưa trẻ đến khám bác sĩ để biết cách điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của con.

Mẹ có thể phòng bệnh sởi cho trẻ sơ sinh bằng cách tiêm phòng sởi trước khi mang thai ít nhất là 3 tháng, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường xung quanh, hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người hoặc nơi có dịch.

Khi con đủ tuổi tiêm phòng sởi, mẹ nên đưa con đến các cơ sở uy tín để tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cho trẻ.

Mời mẹ tìm hiểu thêm về bệnh lý này trong bài viết về bệnh sởi ở trẻ sơ sinh.

Trào ngược bàng quang-niệu quản ở trẻ

Nguyên nhân trào ngược bàng quang - niệu quản ở trẻ là do các van tại niệu quản có vai trò ngăn nước tiểu từ bàng quang trào ngược trở lại thận không hoạt động đúng cách. Khi đó nước tiểu của con có thể trào ngược trở lại thận, gây viêm nhiễm tại cơ quan này.


Cho con bú đủ sữa, uống đủ nước có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh liên quan đến đường tiết niệu.

Điều này cũng có thể gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ. Để biết con có bị trào ngược bàng quang - niệu quản hay không, mẹ cần đưa trẻ đến khám và xét nghiệm tại các cơ sở y tế.

Một số trẻ có thể tự khỏi bệnh khi hệ tiết niệu của con phát triển tốt hơn, một số trẻ sẽ cần điều trị kháng sinh hoặc các biện pháp y tế khác.

Mời mẹ đọc thêm bài viết Trào ngược bàng quang-niệu quản ở trẻ để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Trẻ sơ sinh nhẹ cân khi chào đời

Trẻ sơ sinh nặng 2,5kg và dưới 2,5kg sau khi chào đời được con là trẻ nhẹ cân. Cân nặng của con phụ thuộc vào số lượng thai nhi, yếu tố di truyền, giới tính, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của mẹ khi mang thai, tình trạng sức khỏe và thai kì,...

Nếu trẻ sinh đủ tháng nhưng nhẹ cân thì sức khỏe của trẻ có thể không có gì đáng lo ngại. Nhưng nếu trẻ nhẹ cân mà sinh non thì con có thể sẽ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe như các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, hạ đường huyết,...

 

Trẻ sinh non nhẹ cân có thể sẽ được chăm sóc bằng các biện pháp y tế đặc biệt.

Vì thế cách chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân thiếu tháng là điều cần bố mẹ hết sức lưu ý. Con có thể sẽ phải nhận các biện pháp y tế đặc biệt và được cách ly trong phòng chăm sóc đặc biệt để được điều trị và theo dõi.

Khi tình trạng sức khỏe của con khá hơn, con mới được chăm sóc bên cạnh bố mẹ.

Nên cho trẻ sơ sinh nhẹ cân uống sữa gì?

Không gì tốt với sức khỏe của con bằng sữa mẹ, đặc biệt là sữa non ngay sau khi sinh. Trong trường hợp con phải cách ly khỏi mẹ, các y tá sẽ hướng dẫn mẹ cách vắt sữa để con có thể bú sữa mẹ ngay cả khi phải theo dõi trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Để tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến cân nặng của trẻ, mời mẹ đọc trong bài viết Trẻ sơ sinh nhẹ cân khi chào đời.

Hội chứng đầu phẳng ở trẻ sơ sinh

Hội chứng đầu bẹt là tên gọi hiện tượng bẹt đầu ở phía trước, phía sau, bên trái hoặc bên phải của trẻ. Hội chứng này thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 5 tháng tuổi và có thể tự hết khi con lớn lên.

Bé bị bẹp đầu cá trê là cách dân gian thường gọi khi em bé bị bẹt đầu ở phía sau khiến đầu bé khi nhìn nghiêng giống hình dạng đầu cá trê. Nguyên nhân trẻ bị bẹt đầu phổ biến là do con nằm cùng một tư thế trong thời gian dài khiến xương sọ của con bị biến dạng.

 

Trẻ dễ bị méo đầu do nằm một tư thế quá lâu.

Trường hợp đầu trẻ sơ sinh bị dài ngay sau khi chào đời bằng phương pháp sinh thường không phải là hội chứng đầu bẹt mà nguyên nhân là do xương sọ của con thay đổi hình dạng để con dễ dàng di chuyển từ tử cung của mẹ ra ngoài hơn.

Đầu của con sẽ trở lại hình dạng bình thường vài tuần sau khi chào đời.

Làm thế nào để ngăn chặn và cải thiện tình trạng bẹt đầu ở trẻ? Mời bố mẹ tìm hiểu trong bài viết Hội chứng phẳng đầu ở trẻ sơ sinh.

Cắt bao quy đầu cho trẻ

Nhiều mẹ nghĩ rằng cần cắt bao quy đầu cho trẻ sơ sinh vì quan sát thất bao quy đầu của con che hết dương vật và không thể lột ngược lại được.

Điều này không đúng vì bao quy đầu của trẻ không thể kéo ngược lại trong những năm đầu đời mà lớp da của bao quy đầu sẽ dần tách ra khỏi quy đầu trong quá trình lớn lên của con.

Việc cắt bao quy đầu cho bé trai chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ vì lý do y tế. Trong những trường hợp khác, rủi ro mà con có thể phải đối mặt khi thực hiện cắt bao quy đầu lớn hơn lợi ích mà việc này có thể mang lại rất nhiều.


Để biết có nên cắt bao quy đầu cho trẻ hay không thì mẹ cần có sự đánh giá và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Nên cắt bao quy đầu cho trẻ ở đâu trong trường hợp được chỉ định bắt buộc phải cắt hoặc vì lí do tôn giáo? Mặc dù chỉ là tiểu phẫu nhưng mẹ cũng nên đưa con đến thực hiện tại các bệnh viện lớn, uy tín chứ không nên thực hiện ở các phòng khám tư nhỏ lẻ.

Thủ thuật cắt bao quy đầu cho trẻ chỉ nên được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn trong môi trường vô trùng để hạn chế tối đa biến chứng và tình trạng nhiễm trùng ở bộ phận nhạy cảm này của trẻ.

Mời mẹ tìm hiểu thêm về vấn đề này trong bài viết Cắt bao quy đầu cho trẻ.

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo