Viêm màng não ở trẻ sơ sinh từ 0-12 tháng tuổi

đăng bởi Tiên Tiên

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh là bệnh gì? Viêm màng não nguy hiểm như thế nào? Bệnh này có chữa được không? Các xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh viêm màng não? Bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị nào với trẻ viêm màng não? Mời ba mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết sau để biết chi tiết!

Viêm màng não (Hib) là gì?

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh (Meningitis in babies - Hib) là tình trạng màng bao phủ não (màng não) và tủy sống bị viêm. Viêm màng não phát triển rất nhanh chóng và có thể rất nghiêm trọng. Đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh.

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, viêm màng não được chia thành hai dạng chính là viêm màng não do nhiễm vi khuẩn và viêm màng não do nhiễm virus:

  • Viêm màng não do nhiễm vi khuẩn. Đây là dạng viêm màng não nghiêm trọng nhất, có thể đe dọa tính mạng của trẻ và gây ra khuyết tật, chẳng hạn như điếc hoặc tổn thương não. Viêm màng não do vi khuẩn gây ra nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu trên diện rộng rất nguy hiểm. Nhiễm trùng máu sẽ gây ra các đốm đỏ hoặc tím, các đốm này không bị mờ đi kể cả khi mẹ ấn vào.
  • Viêm màng não do nhiễm virus. Đây là loại viêm màng não phổ biến nhất, và tương đối nhẹ hơn so với viêm màng não do vi khuẩn. Mặc dù các triệu chứng của bệnh giống với bệnh cúm và gây khó chịu cho em bé, nhưng bé có khả năng tự phục hồi trong khoảng 7 đến 10 ngày mà không cần phải chữa trị.

bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Hậu quả của bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh (Hib) rất nghiêm trọng

Ngoài ra, tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chẩn đoán em bé bị viêm màng não cấp, viêm màng não mủ, viêm màng não tủy...

Những loại vắc-xin giúp ngăn ngừa bệnh viêm màng não ở trẻ

Tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm ban đầu giúp bảo vệ trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút gây ra, bao gồm cả viêm màng não.

Dưới đây là một số bệnh do nhiễm trùng gây ra và các loại vắc-xin bảo vệ trẻ khỏi các bệnh này.

  • Bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu loại B gây ra. Phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin MenB lúc 2 tháng tuổi, 4 tháng và 1 tuổi.
  • Bệnh do vi khuẩn Haemophilusenzae loại B (Hib) gây ra. Phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin Hib lúc 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
  • Bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu loại C gây ra. Phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin MenC lúc 1 tuổi, kết hợp với vắc-xin tăng cường chống lại Hib.
  • Bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin liên hợp phế cầu khuẩn (PCV) lúc 2 tháng và 4 tháng tuổi.
  • Bệnh sởi, quai bị và rubella. Phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin MMR kết hợp bảo vệ chống lại ba bệnh nhiễm trùng trên khi trẻ 13 tháng tuổi.

Viêm màng não lây lan như thế nào?

Các vi khuẩn và vi rút gây viêm màng não sống trong mũi, họng và ruột của con người và tự những vi khuẩn và virus này không có khả năng gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới sức khỏe. Bệnh viêm màng não chỉ phát triển khi những vi khuẩn hoặc virus này xâm nhập vào màng quanh não và tủy sống.

Những người bị viêm màng não rất ít khi có thể vượt qua bệnh khi bệnh đã phát triển. Do đó, những người sống cùng với người bị viêm màng não do vi khuẩn thường được khuyến cáo nên dùng kháng sinh để phòng ngừa, vì có khả năng đây là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

Trẻ có thể bị nhiễm vi khuẩn và vi rút khi:

  • Được người khác hôn hoặc chạm vào
  • Người nhiễm bệnh hắt hơi và ho gần bé
  • Sử dụng dụng cụ ăn uống và đồ dùng cá nhân khác như bàn chải đánh răng chung với người khác

Mẹ có thể bảo vệ bé khỏi bị nhiễm trùng bằng cách tuân thủ vệ sinh cho bé thật tốt. Rửa tay sau khi ho, hắt hơi, xì mũi và sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã. Cố gắng đảm bảo rằng bất cứ ai tiếp xúc gần gũi với bé cũng vệ sinh như vậy.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não

Các dấu hiệu ban đầu của loại viêm màng não nguy hiểm nhất là viêm màng não do vi khuẩn. Trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn sẽ khó phát hiện. Các triệu chứng xuất hiện ở trẻ tương tự như cảm lạnh, bụng nóng cồn cào hoặc cúm, bị sốt hoặc chán ăn.

Ngoài ra, các dấu hiệu của viêm màng não có thể khác nhau với từng đối tượng và không xuất hiện theo bất kỳ thứ tự nhất định nào, vì vậy thường không có chẩn đoán cố định nào để có thể phát hiện ra bệnh.

Nếu bé bị viêm màng não, bé sẽ nhanh chóng bị ốm rất nặng. Nếu bé bị viêm màng não do vi khuẩn, bé cần được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng. Hầu hết trẻ nhập viện trong vòng khoảng 24 giờ sau khi phát hiện bệnh.

Mẹ hãy gọi cứu thương ngay hoặc đưa bé đến khoa tai nạn và cấp cứu (A&E) gần nhất nếu mẹ thấy bé có một hoặc một vài dấu hiệu của bệnh viêm màng não dưới đây:

  • Trên người bé xuất hiện những nốt phát ban. Các nốt này không mờ đi khi mẹ ấn một chiếc ly vào. Mới đầu chỉ xuất hiện một vài nốt phan ban nhỏ màu đỏ, dần dần các nốt phan ban tăng lên cả về số lượng và kích thước và chuyển sang màu tím đậm.
  • Con kích động và bồn chồn, và có vẻ không vui khi mẹ bế con lên.
  • Có một điểm mềm (thóp) trên đầu bé bị phồng.
  • Bé thấy buồn ngủ, lả người đi hoặc không phản ứng lại.
  • Tiếng khóc của con cao vút lạ thường.
  • Con bị nôn và không chịu ăn
  • Bàn tay và bàn chân của bé lạnh.
  • Cổ và cơ thể của bé cứng đờ.
  • Con có vẻ không thích đèn sáng.
  • Hơi thở của con đã thay đổi, nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường và tiếng thở của bé rất mạnh.
  • Lưng bé cong
  • Bụng bé sưng lên.
  • Con lên cơn co giật. Có một loại động kinh đặc biệt gọi là động kinh trạng thái co giật do viêm màng não gây ra.

Đây không phải là một danh sách để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm màng não. Ví dụ, một số trẻ nhỏ bị viêm màng não không bị cứng cổ, không bị phồng thóp hoặc tiếng kêu không the thé.

Phát ban cũng không phải lúc nào cũng xuất hiện. Mẹ hãy tin vào bản năng của một người mẹ và tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bé có các triệu chứng đáng lo ngại hoặc bất thường khác.

Làm thế nào để biết liệu phát ban của bé có phải là phát ban do viêm màng não hay không?

Phát ban do viêm màng não ban đầu cũng giống như phát ban bình thường, nhưng các nốt có thể rất nhỏ chỉ bằng mũi kim. Các nốt có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể bé, bao gồm cả vòm miệng hoặc bên trong mí mắt của bé. Các đốm sẽ dễ nhìn thấy hơn khi ở trên các vùng trên cơ thể bé, như:

  • Ở lòng bàn chân của bé
  • Trên lòng bàn tay của bé
  • Trên bụng của bé

Mẹ có thể dùng ly thủy tinh để kiểm tra. Dùng một bên của một chiếc ly thủy tinh trong suốt nhấn vào các nốt phát ban. Nếu nốt phan ban đó là do viêm màng não thì sẽ không bị mờ đi. Các nốt này được gọi là phát ban không bị mờ.

Phát ban do viêm màng não xảy ra do nhiễm trùng máu làm tổn thương các mạch máu, gây ra rò rỉ máu. Máu bị rò rỉ gây ra các đốm đỏ như đầu mũi kim trên da. Khi máu bị rò rỉ ngày càng nhiều, các nốt nhỏ này sẽ thành các đốm đỏ hoặc tím lớn hơn, như vết bầm tím và phồng rộp có máu.

Phát ban là một dấu hiệu cho thấy bệnh tình của bé đang rất nặng và bé cần được giúp đỡ y tế khẩn cấp.

Trong một số trường hợp, bé còn bị nhiễm trùng máu, khi đó hệ thống miễn dịch phản ứng một cách dữ dội với nhiễm trùng bằng cách làm viêm toàn bộ cơ thể. Mẹ hãy gọi ngay cứu thương hoặc đưa bé đến Khoa tai nạn và cấp cứu (A&E) nếu mẹ nghi ngờ bé bị viêm màng não, vì rất có thể bệnh tình của bé đã chuyển sang nhiễm trùng huyết.

Cách chẩn đoán viêm màng não

Khi đưa bé đến bệnh viện, bác sĩ nhi khoa sẽ nhanh chóng đánh giá tình trạng của bé, xem xét các dấu hiệu viêm màng não. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu của bé hoặc một mẫu dịch tủy từ cột sống bằng phương pháp chọc dò tủy sống để kết luận đó là viêm màng não do virus hay vi khuẩn. 

Để thực hiện chọc dò tủy sống, bác sĩ sẽ đưa một cây kim rất nhỏ, rỗng vào cột sống dưới của bé để hút dịch từ các mô xung quanh tủy sống. Dịch tủy sống sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm.

Bác sĩ có thể mất đến 45 phút để hoàn thành việc chọc dò tủy sống. Mẹ sẽ cảm thấy khá đau lòng khi thấy con trải qua các phương thức can thiệp y tế, tuy nhiên các phương pháp này là cần thiết. Mẹ sẽ thấy nhẹ nhàng hơn khi bước ra ngoài và nghỉ ngơi một chút. Con vẫn sẽ được chăm sóc chu đáo ngay cả khi mẹ ở bên ngoài.

Bác sĩ sẽ có kết quả chọc dò tủy sống trong vòng 48 giờ, nhưng bác sĩ sẽ không chờ để biết kết quả nếu nghi ngờ con bị viêm màng não do vi khuẩn. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho bé uống thuốc kháng sinh càng sớm càng tốt.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bé chụp cắt lớp vi tính (CT) ở não để kiểm tra chỗ sưng. Bé sẽ được đặt trong một chiếc máy ghi lại hình ảnh của các cấu trúc bên trong não của bé. Phương thức này được gọi là chụp cắt lớp vi tính vì nó sử dụng một loại tia X đã được vi tính hóa.

Phương pháp điều trị viêm màng não

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại viêm màng não mà bé mắc phải.

Viêm màng não do vi khuẩn

Viêm màng não do vi khuẩn cần điều trị ngay bằng kháng sinh trong bệnh viện. Nếu em bé bị ốm nặng, con sẽ được chăm sóc trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Việc điều trị của bé sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng của bé. Các phương pháp điều trị viêm màng não do vi khuẩn gây ra bao gồm:

  • Truyền nhỏ giọt thuốc kháng sinh vào tĩnh mạch của bé để đảm bảo cơ thể bé được cung cấp thuốc thường xuyên.
  • Truyền nhỏ giọt dung dịch để giúp bé không bị mất nước.
  • Đeo mặt nạ oxy
  • Sử dụng thuốc steroid để giúp giảm sưng xung quanh não.

Con có thể cần phải ở lại bệnh viện trong vài ngày, hoặc thậm chí vài tuần, tùy thuộc vào mức độ bệnh của bé.

Viêm màng não do virus

Viêm màng não do virus không phản ứng lại với kháng sinh, vì vậy bé sẽ chỉ cần được nghỉ ngơi và chăm sóc. Bé có thể bị đau đầu, đau bụng, mệt mỏi và không muốn ăn. Nhưng con sẽ tự hồi phục trong vòng một tuần đến 10 ngày. Trong thời gian đó, mẹ nên:

  • Khuyến khích bé uống từng ngụm sữa nhỏ thường xuyên 
  • Cho bé uống paracetamol hoặc ibuprofen dành cho trẻ sơ sinh để giảm đau đầu cho bé.
  • Giữ cho môi trường xung quanh con bình ổn và yên tĩnh.

Trong một vài trường hợp rất hiếm, viêm màng não do virus có thể gây viêm não. Viêm não là một tình trạng nghiêm trọng bắt đầu với các triệu chứng giống như cúm thông thường, nhưng có thể dẫn đến các dấu hiệu bệnh nghiêm trọng hơn nhiều. Mẹ hãy gọi xe cứu thương ngay hoặc đưa bé đến Khoa tai nạn và cấp cứu (A&E) nếu mẹ thấy các dấu hiệu sau:

  • Con trở nên rất kích động, và không giống thường ngày
  • Con bị co giật (bất tỉnh).
  • Con di chuyển mắt một cách kỳ lạ, ví dụ, chuyển động mắt nhanh sang hai bên.

Viêm não là một biến chứng của viêm màng não do virus được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút tại bệnh viện.

Nguy cơ trẻ mắc viêm màng não

Rất hiếm khi trẻ sơ sinh bị viêm màng não. Viêm màng não ở trẻ sơ sinh phát triển trong 28 ngày đầu đời của trẻ. Trong số 775.000 trẻ sinh ra mỗi năm ở Anh, chỉ có 300 trẻ bị viêm màng não sơ sinh.

Trẻ sinh non trước 33 tuần và trẻ sơ sinh có cân nặng khi sinh thấp có nguy cơ bị viêm màng não sơ sinh cao hơn các em bé sinh đủ tháng.

Viêm màng não sơ sinh thường do vi khuẩn E coli và streptococcus nhóm B gây ra. Em bé có thể tiếp xúc với những vi khuẩn này trong khi sinh, nếu mẹ có những vi khuẩn này trong cơ thể.

Nếu mẹ bị nhiễm vi khuẩn listeria khi mang thai, vi khuẩn này cũng có thể truyền qua nhau thai cho em bé, nhưng trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Nhiễm khuẩn listeria làm tăng nguy cơ bé bị viêm màng não sơ sinh hoặc viêm màng não sau khi sinh.

Ngày càng ít phụ nữ bị nhiễm vi khuẩn listeria nhờ sự nhận thức rộng rãi về những rủi ro mà bệnh có thể gây ra và cách phòng bệnh.

Viêm màng não sơ sinh có thể khó chẩn đoán. Nếu mẹ thấy lo lắng về em bé sơ sinh của mình và con có vẻ không ổn, mẹ hãy gọi bác sĩ để nhờ tư vấn y tế ngay lập tức.

Mẹ có thể tham khảo các hướng dẫn trên trước khi gọi điện cho bác sĩ, và hãy luôn tin tưởng vào bản năng của một người mẹ.

Nguồn: Babycenter

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo