Hội chứng đầu phẳng (Bệnh đầu dẹp) ở trẻ sơ sinh

đăng bởi Tiên Tiên

Hội chứng đầu dẹp (hay còn gọi là đầu bẹt, bé bị đầu bẹp cá trê hay đầu phẳng, đầu lép) là hiện tượng hay gặp ở trẻ sơ sinh. Thông thường đầu trẻ có thể tự tròn lại hoặc nhờ mẹ quay hướng nằm, xoa đầu... Nếu đầu trẻ méo nghiêm trọng cần có cách chữa bẹp đầu như vật lý trị liệu hoặc mũ chỉnh đầu tròn cho bé. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn với bài viết dưới đây nhé!

 

Chứng đầu dẹp và chứng đầu ngắn là gì?

Bé bị bẹp đầu cá trê khi trên đầu bé có vùng phẳng ở đằng sau hoặc dẹt sang một bên được gọi là chứng đầu dẹp. Chứng đầu dẹp là đầu lép phía sau ở một bên, nhưng hầu hết mọi người chỉ gọi là đầu bẹp hoặc đầu phẳng. Mỗi vùng lại có cách gọi khác nhau với hội chứng này.

>> Đầu trẻ sơ sinh bị lõm, mềm có sao không?

Nếu toàn bộ phía sau đầu của em bé bị lép sẽ được gọi là tật đầu ngắn. Dấu hiệu nhận biết của hội chứng này là đầu của em bé bè ra và trán của bé hơi phồng lên. Hội chứng này phổ biến ở bé trai hơn bé gái, tuy nhân vẫn chưa có nguyên nhân rõ ràng cho vấn đề này.

Hội chứng đầu phẳng thường gặp ở trẻ dưới 5 tháng tuổi. Nguyên nhân là bởi vì xương trong hộp sọ của trẻ sơ sinh rất mềm và có thể di chuyển được khi được sinh ra.

Xương sọ của trẻ sơ sinh mềm để giúp trẻ được sinh ra dễ hơn nhưng đồng thời đầu bé cũng dễ bị biến dạng. Tất cả xương của bé sẽ dần dần cứng lại trong những năm tới.

Trẻ sơ sinh bị bẹp đầu 

Trẻ sơ sinh bị bẹp đầu 

Mẹ đừng quá lo lắng về hình dạng đầu của bé. Đầu của mỗi em bé có một kích cỡ và hình dạng khác nhau, và việc trẻ nhỏ có đầu hơi lệch một chút là điều bình thường.

Em bé sẽ phát triển rất nhiều, và việc làm tròn đầu tự nhiên chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển của bé.

Nguyên nhân gây ra chứng đầu phẳng, bẹp đầu ở trẻ sơ sinh

Hội chứng đầu phẳng của bé được gây ra bởi một áp lực nhẹ ở một điểm trên hộp sọ. Bé có thể đã hình thành một vùng bằng phẳng trên đầu trước khi sinh vì thiếu không gian trong tử cung của mẹ. Điều này có thể xảy ra nếu:

  • Thai nhi nằm ngược hoặc nằm ngang
  • Mẹ mang thai đôi
  • Bé là con đầu tiên của mẹ. Đầu của trẻ sơ sinh có xu hướng phát triển nhanh trong thai kỳ, trong khi phần cơ trong tử cung và bụng của mẹ thì dãn ra với tốc độ chậm hơn
  • Lượng nước ối trong tử cung của mẹ thấp không đủ để bao bọc cho bé

Sau khi sinh, vùng phẳng trên đầu có thể phẳng thêm nếu bé giữ nguyên một vị trí nằm trong thời gian dài. Trong những tháng đầu thì điều này là bình thường vì em bé chưa thể tự di chuyển đầu.

Hội chứng đầu phẳng đã trở nên phổ biến hơn từ khi các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ nên cho bé nằm ngửa.

Em bé nằm ngửa khi ngủ sẽ tránh khỏi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Ngày nay nệm dùng trong cũi cũng được khuyến cáo dùng loại cứng, những điều này lại vô tình làm tăng áp lực lên đầu em bé.

Nằm ngửa vẫn là cách an toàn nhất, tuy nhiên mẹ đừng cố gắng đặt bé nằm nhiều khi không ngủ để giúp đầu bé tròn ra.

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc hội chứng đầu phẳng cao hơn vì hộp sọ của con rất mềm và con phải mất nhiều thời gian nằm trong lồng kính với máy hô hấp. Trẻ sinh non thường thích nghiêng đầu vào một bên vì bé không thể tự di chuyển đầu.

Một lý do khác khiến em bé mắc chứng đầu dẹp là bé bị căng cơ cổ (torticollis). Sự căng cơ này khiến bé thích nằm nghiêng đầu trong một tư thế. Nếu em bé bị căng cơ cổ, bác sĩ sẽ giới thiệu mẹ đến một nhà vật lý trị liệu.

Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ chỉ cho mẹ cách giúp bé tập các bài tập kéo cơ cổ nhẹ nhàng nhiều lần trong ngày, chẳng hạn như trong mỗi lần thay tã.

Em bé dễ mắc tật đầu nghiêng hơn nếu bé chậm lẫy, chậm ngồi dậy và bò. Vì nếu con chậm thực hiện các kỹ năng này thì trẻ sẽ phải nằm ở một tư thế lâu hơn.

Trong một vài trường hợp rất hiếm, bé có thể bị tật đầu biến dạng do một tình trạng không phải là tật đầu dẹp hay tật đầu ngắn. Chẳng hạn như khi xương sọ của em bé dính liền sớm (craniosynostosis).

Trường hợp này xảy ra khoảng 1 trong 2.000 em bé. Dính liền khớp sọ sớm không phải lúc nào cũng cần điều trị, nhưng nếu nghiêm trọng trẻ cần được điều trị bằng phẫu thuật.

Nếu mẹ lo lắng về hình dạng đầu của em bé, mẹ hãy đưa bé đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá và quyết định xem bé có cần đến bác sĩ chuyên khoa hay không.

>> Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị bẹp đầu

Tật đầu nghiêng (tật đầu ngắn) có hại cho bé không?

Cả tật đầu dẹp và tật đầu ngắn đều vô hại không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến cách não của bé phát triển.

Các mẹ thường lo lắng về việc đầu của bé trông như thế nào, đặc biệt là nếu tóc bé mỏng thì hình dạng đầu sẽ trông sẽ nổi bật hơn.

Mẹ cũng quan tâm đến việc con sẽ cảm thấy thế nào về ngoại hình của mình khi lớn lên. Thực tế là đầu của bé sẽ tròn hơn khi bé lên hai tuổi nếu đã được điều trị. Vì vậy mẹ không cần quá lo lắng khi con lớn lên.

Bé bị bẹp đầu lớn lên có hết không?

Nếu em bé chỉ bị ảnh hưởng nhẹ đầu của bé sẽ tròn ra theo thời gian mà mẹ không cần làm gì cả. Tuy nhiên, nếu mẹ muốn đầu của bé tròn hơn, mẹ có thể nhẹ nhàng thay đổi tư thế khi bé ngủ, bú và chơi.

Thay đổi vị trí nằm hoặc tác động lên vùng bằng phẳng trên đầu bé để định hình lại một cách tự nhiên. Mẹ có thể thử định hình lại đầu cho bé ngay từ khi sinh con ra. Tuy nhiên, để giữ an toàn cho bé, mẹ hãy luôn đặt bé nằm ngửa để ngủ.

Dưới đây là một số cách mẹ có thể thử để khuyến khích bé không nằm trên phần phẳng của đầu mình:

  • Khi mẹ đặt bé nằm ngửa, đặt phần tròn của đầu bé tiếp xúc với nệm.
  • Nếu bé nằm trong cũi mẹ hãy đặt đầu con hơi nghiêng về từng bên. Em bé thường sẽ thích nằm một hướng vì vậy mẹ cần quay đầu con lại theo hướng còn lại.
  • Nếu em bé ngủ trong cũi, mẹ hãy xoay cũi thường xuyên để bé không luôn luôn nhìn về cùng một hướng.

Mẹ có thể thử một tấm nệm đặc biệt được đúc mềm để đầu em bé nằm trên một diện tích lớn hơn. Theo thông tin từ các nhà sản xuất, điều này giúp giảm áp lực luôn được đặt lên một phần hộp sọ của em bé.

Nệm đúc sẽ giúp giảm áp lực lên đầu của trẻ

Nệm đúc sẽ giúp giảm áp lực lên đầu của trẻ

Tuy nhiên, nệm đúc đắt hơn so với nệm thông thường và bằng chứng về việc nệm đúc giúp điều trị hội chứng đầu phẳng còn rất hạn chế.

Không nên cho bé sử dụng gối đặc biệt, hoặc gối giúp định hình đầu có một vết lõm nơi đầu của em bé đặt vào. Thêm một chiếc gối vào trong cũi của bé có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Tập trung vào những hoạt động mẹ có thể làm khi bé còn thức sẽ hiệu quả và an toàn hơn. Dưới đây là các cách để khuyến khích bé di chuyển đầu và giảm áp lực cho phần đầu phẳng:

  • Di chuyển đồ chơi và những thứ thú vị khác từ một bên cũi của bé sang bên kia. Điều này sẽ khuyến khích bé quay đầu nhiều hơn.
  • Đặt bé tập nằm sấp. Mẹ có thể thử cho bé nằm sấp ngay sau khi bé sinh ra, đặt bé nằm trên đùi hoặc trong vòng tay của mẹ. Khi mẹ cảm nhận được bé đã sẵn sàng, hãy thử để bé trên một tấm chăn trên sàn trong một căn phòng trống. Mẹ hãy từ từ tăng thời gian nằm sấp cho bé từ một hoặc hai phút lên ít nhất nửa giờ mỗi ngày. Sau ba tháng, mẹ sẽ có thể chơi với bé khi bé nằm sấp.
  • Giảm thời gian em bé nằm với đầu ở cùng một vị trí, chẳng hạn như ghế ngồi ô tô hoặc xe đẩy. Mẹ có thể bế bé lên nếu cảm thấy con đã nằm trong xe đẩy đủ lâu.
  • Bế em bé trên vai hoặc hông, và đảm bảo đầu của em bé không luôn luôn ở cùng một tư thế.

Từ bốn tháng đến sáu tháng, em bé sẽ rất vui khi được mẹ cho tựa vào, hoặc có thể bắt đầu ngồi mà không cần mẹ hỗ trợ. Điều này sẽ giảm áp lực cho hộp sọ của bé vào ban ngày và giúp đầu bé trở nên tròn hơn.

Thông thường, tất cả các biện pháp này đủ để điều chỉnh hội chứng đầu phẳng và em bé sẽ không cần điều trị thêm. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh sẽ mất tới vài tháng. Vì vậy, mẹ đừng quá lo lắng nếu đầu của trẻ chưa thể tròn ngay lại.

Những phương pháp điều trị tật đầu dẹp và tập đầu ngắn ở trẻ sơ sinh

Bé bị bẹp đầu phải làm sao cũng là băn khoăn của nhiều mẹ. Nếu mẹ lo lắng rằng đầu của bé không tròn ra một cách tự nhiên, hãy trao đổi với bác sĩ. Ví dụ, nếu bé cảm thấy khó quay đầu khi nằm bé có thể cần sự can thiệp của phương pháp vật lý trị liệu.

Các bác sĩ khuyên mẹ nên tập vật lý trị liệu cùng với việc thường xuyên di chuyển tư thế đầu của bé. Đây được coi là phương pháp điều trị tốt nhất cho tật đầu dẹp và tật đầu ngắn. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy phương pháp này đem lại hiệu quả tốt đối với hầu hết các bé.

Ngoài ra, hiện nay còn có phương pháp mũ bảo hiểm chuyên dụng giúp điều chỉnh đầu bé nhưng khá tốn kém và không rõ hiệu quả ra sao. 

Điều trị bằng mũ định hình còn được gọi là tái tạo sọ hoặc chỉnh hình sọ. Phương pháp này có hiệu quả tốt nhất với những em bé mắc tật đầu ngắn nặng, khó định hình lại kể cả khi đã có sự can thiệp của vật lý trị liệu.

Tuy nhiên để thực hiện phương pháp này mẹ cần đến gặp bác sĩ vật lý trị liệu. Các chuyên gia sẽ kiểm tra đầu em bé để làm riêng một chiếc mũ định hình cho con. Trẻ sẽ phải sử dụng mũ hầu như suốt cả ngày trong vài tháng. Trong thời gian đó trẻ sẽ được kiểm tra theo tuần để bác sĩ theo dõi sự phát triển của con và điều chỉnh mũ cho phù hợp.

Sử dụng mũ chỉnh hình có thể gây khó chịu cho bé. Đầu bé dễ ra mồ hôi và bết dính nên mẹ cần gội đầu cho bé thường xuyên. Con cũng có nguy cơ bị kích ứng da và phát ban do tiếp xúc liên tục với mũ.

Vì đầu của em bé có thể tự tròn nên khá khó để biết em bé đang tăng trưởng bình thường hay nhờ sự can thiệp của mũ.

Nguồn: Babycenter

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo