Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ sơ sinh

đăng bởi Tiên Tiên

Trẻ sốt đi tiểu nhiều có phải là dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu không? Biểu hiện nhiễm trùng đường tiết niệu là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ là gì? Mời ba mẹ cùng tìm hiểu với bài viết dưới đây nhé!

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Đường tiết niệu của con bao gồm thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo. Niệu quản là các ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang xuống bộ phận sinh dục của bé trai.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo từ vùng da xung quanh hậu môn và cơ quan sinh dục của con. Các vi khuẩn có thể gây viêm tại bất kỳ vị trí nào dọc theo đường tiết niệu.

Trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường ốm sốt, mệt mỏi

Trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường ốm sốt, mệt mỏi

Có hai loại nhiễm trùng đường tiết niệu: 

  • Nhiễm trùng niệu trên là nhiễm trùng thận, niệu quản
  • Nhiễm trùng niệu dưới là nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang), nhiễm trùng niệu đạo

Các dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ

Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ thường khó nhận biết. Nếu con không khỏe kèm theo bất kỳ biểu hiện nào dưới đây thì có khả năng trẻ đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Sốt
  • Nôn
  • Buồn ngủ và ngủ lịm 
  • Dễ cáu
  • Biếng ăn
  • Sụt cân
  • Vàng da
  • Có máu trong nước tiểu của con
  • Nước tiểu có mùi khó ngửi

Nếu con lớn hơn và đã biết dùng bô, con cần đi tiểu nhiều lần và có thể bị đau khi đi tiểu. Vì vậy mà trẻ không muốn đi tiểu và con có thể kêu đau bụng.

Mẹ có nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ hay không?

Mẹ cần đưa con đến bác sĩ ngay nếu nghi ngờ con bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng niệu trên mà không được điều trị có thể gây ra các vấn đề về thận.

Nếu con có biểu hiện bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ có thể cần lấy mẫu nước tiểu vô trùng để tìm ra vi khuẩn gây ra bệnh.

Việc lấy mẫu nước tiểu vô trùng của con khá khó. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho mẹ cách tốt nhất để lấy được mẫu phẩm. Mẹ có thể cởi bỏ tã của con rồi theo dõi và chờ cho đến khi con đi tiểu. Sau đó mẹ có thể thu được nước tiểu của con trong một cái chậu sạch.

Một phương pháp khác để thu được nước tiểu của con là đặt một miếng thấm vào tã của con, sau đó bơm chích để lấy mẫu nước tiểu ra. Tuy nhiên, cách này thường không cung cấp một mẫu nước tiểu vô trùng vì mẫu dễ bị nhiễm các vi khuẩn khác.

Bác sĩ có thể viết giấy giới thiệu để trẻ làm các xét nghiệm và điều trị khác tại bệnh viện nếu:

  • Con nhỏ hơn ba tháng tuổi và bị nhiễm trùng niệu trên hoặc nhiễm trùng niệu dưới 
  • Con lớn hơn ba tháng tuổi và bị nghi nhiễm trùng niệu dưới

Bác sĩ đa khoa sẽ khẩn trương chuyển con đến chuyên khoa nếu lo rằng con có thể sẽ gặp những vấn đề nghiêm trọng do nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong một số trường hợp rất hiếm, nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể phát triển thành nhiễm trùng huyết.

Nhiễm trùng huyết xảy ra khi sự lây nhiễm vi khuẩn kích hoạt cơ thể tự tấn công các mô và cơ quan trong chính cơ thể. Trường hợp này rất hiếm, nhưng việc bác sĩ phải kiểm tra các triệu chứng của con để đề phòng con bị nhiễm trùng huyết là rất quan trọng.

Ở bệnh viện, con có thể được siêu âm thận. Siêu âm giúp bác sĩ biết được thận và bàng quang của con hoạt động như thế nào.

Mời ba mẹ xem thêm:

 

Phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ

Bác sĩ sẽ kê cho con một đợt điều trị kháng sinh tại nhà trong vòng ba ngày.

Nếu nhiễm trùng xảy ra ở thận của con, con sẽ cần dùng kháng sinh trong khoảng từ 7-10 ngày. Mẹ phải cho con uống thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Mẹ cũng nên đưa con đến bác sĩ khám lại nếu con trở nên yếu hơn hoặc con có bất kỳ triệu chứng mới.

Nếu con dưới ba tháng tuổi hoặc bị nhiễm trùng rất nặng, mẹ cần đưa con cần đến bệnh viện để các y tá truyền thuốc kháng sinh cho con.

Bác sĩ có thể đề xuất tiếp tục siêu âm trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi con bị nhiễm trùng, tùy thuộc vào độ tuổi, loại nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Nếu con vẫn tiếp tục bị nhiễm trùng đường đường tiết niệu dù đã được điều trị, bác sĩ có thể khuyên mẹ cho con dùng kháng sinh hàng ngày để khắc phục tình trạng bệnh.

Mẹ có thể làm gì để phòng tránh bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cho trẻ?

Một số em bé có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn những em bé khác nên mẹ cần đặc biệt chú ý. Dưới đây là một số việc mẹ có thể làm để phòng tránh viêm nhiễm đường tiết niệu ở trẻ:

  • Lau vùng mông của con từ trước ra sau khi thay tã.
  • Thay tã cho con ngay sau khi con đi đại tiện xong. Con có thể bị dính một ít phân vào trong niệu đạo nếu con mặc một cái tã bẩn, đặc biệt là nếu con ngọ nguậy trong khi mẹ đang thay tã.
  • Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu để tăng cường hệ miễn dịch và giúp con không bị táo bón. Táo bón có thể khiến ruột của con ép vào bàng quang làm con đi tiểu khó khăn. Mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc nhân viên y tế nếu con đang bị táo bón.
  • Mẹ hãy cho con uống nhiều nước để giúp ngăn ngừa táo bón và loại bỏ vi khuẩn. Khi con khỏe mạnh, nước tiểu của con trong và nhạt màu suốt cả ngày. Mẹ hãy cho con bú bất cứ khi nào con muốn. Nếu con dùng sữa bột, mẹ hãy pha bằng nước đun sôi để nguội là tốt nhất.
  • Mẹ không nên tắm cho bé bằng các sữa tắm có mùi thơm.

Nguồn: Babycenter 

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo