Trẻ sinh non thường yếu hơn các bạn sinh đủ tháng. Trẻ sinh non có thông minh không và có phát triển bình thường không còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền, cách chăm sóc và nuôi dạy của bố mẹ. Để biết thêm về cách chăm sóc trẻ sinh non, dinh dưỡng cho trẻ sinh non và các vấn đề về sức khỏe mời ba mẹ đọc bài viết sau!
MỤC LỤC
Nuôi con bằng sữa mẹ cho trẻ sinh non
Những nguy cơ về sức khỏe của trẻ sinh non
Trẻ sinh non phát triển như thế nào?
Triển vọng cho trẻ sinh non trước 28, 31, 33 hoặc 36 tuần
NICU - Đơn vị chăm sóc tích cực cho trẻ sinh non
Trẻ sinh non là gì?
Trẻ sinh non là trẻ ra đời trong khoảng từ tuần thứ 28 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Một thai kỳ thông thường kéo dài khoảng 40 tuần nhưng bé ra đời từ 37 tuần thai trở lên cũng được coi là trẻ đủ tháng.
Chăm sóc trẻ sinh non 36 tuần cũng gần giống như chăm sóc trẻ sinh đủ tháng vì sự phát triển của trẻ 36 tuần và trẻ 37 tuần không khác biệt quá lớn.
Trẻ sinh non có thông minh không còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền, cách chăm sóc và nuôi dạy của bố mẹ.
Tuy nhiên đối với trẻ sinh sớm hơn thì bố mẹ có thể sẽ vất vả hơn rất nhiều, trẻ sinh càng sớm thì con càng có nguy cơ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Vấn đề trẻ sinh non thông minh như trẻ đủ tháng hay không cũng là trăn trở của rất nhiều bố mẹ.
Mặc dù trẻ sinh non có nguy cơ sở hữu chỉ số IQ thấp hơn trẻ đủ tháng nhưng trí tuệ của con có thể được bồi dưỡng và phát triển như bình thường nếu được chăm sóc và nuôi dạy đúng cách.
Để chăm sóc và nuôi dạy trẻ sinh non thật tốt, bố mẹ cần hiểu rõ những đặc điểm của trẻ sinh non, các nguy cơ mà trẻ có thể gặp phải và cách bố mẹ có thể giúp đỡ con để vượt qua các nguy cơ đó.
Tất cả những thông tin quan trọng đó được POH tổng hợp và gửi đến bố mẹ trong bài viết này, mời bố mẹ cùng theo dõi nhé!
Nhu cầu của trẻ sinh non
Sự phát triển của trẻ sinh thiếu tháng có thể sẽ chậm hơn một chút so với trẻ đủ tháng.
Nếu muốn so sánh các mốc phát triển của con với mốc chuẩn, mẹ không nên tính bằng tháng tuổi thực tế của con mà nên tính tháng tuổi dự kiến, nghĩa là thời gian từ ngày dự sinh cuối cùng đến thời điểm lấy mốc.
Các nhu cầu của trẻ sinh non cũng tương tự như các trẻ đủ tháng, con cần được bú sữa, ngủ đủ, mặc đồ thoải mái, được giữ vệ sinh và an toàn tốt.
Tuy nhiên đối với trẻ sinh quá sớm, khi mới chào đời, con có thể sẽ cần thêm sự trợ giúp y tế để có thể ổn định sức khỏe tốt hơn.
Cách cho trẻ sinh non bú bình là điều mẹ cần đặc biệt lưu ý. Con có thể không sử dụng được núm bình nhỏ nhất dành cho trẻ đủ tháng mà cần núm bình đặc biệt cho trẻ sinh non.
Con sẽ cần nhiều sự chăm sóc và trợ giúp hơn khi chào đời trước mốc 37 tuần.
Thậm chí có nhiều trẻ không thể bú mẹ ngay mà bắt buộc mẹ phải vắt sữa và cho con ăn bằng bình chuyên dụng. Vì thế mẹ nên lưu ý và có biện pháp dự phòng cho các tình huống này.
Ngoài ra, cách tắm cho trẻ sinh non cũng có thể khó khăn hơn vì cơ thể trẻ sinh non thường nhỏ và sức đề kháng của con chưa hoàn thiện. Mẹ nên tắm nhanh cho con trong phòng kín gió, nhanh chóng lau khô người và mặc đồ cho con ngay sau khi tắm.
Nếu không tự tin và chưa có kinh nghiệm tắm cho trẻ, mẹ nên tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có kinh nghiệm như bà nội, bà ngoại hoặc các y tá, điều dưỡng ở bệnh viện.
Để hiểu rõ hơn về nhu cầu đầy đủ của trẻ, mời mẹ đọc thêm thông tin tại bài viết Nhu cầu của trẻ sinh non.
Dinh dưỡng cho trẻ sinh non
Trẻ sinh non có thể sẽ không thể bú được sữa mẹ nếu con ra đời quá sớm hoặc gặp các vấn đề sức khỏe đặc biệt và bị cách ly khỏi mẹ để điều trị.
Trong trường hợp ấy, con sẽ được bổ sung dinh dưỡng bằng các cách đặc biệt, ví dụ như truyền dinh dưỡng hoặc được ăn sữa bằng các ống chuyên dụng.
Khi con có đủ khả năng để bú mẹ thì mẹ cần tính toán và cân nhắc lượng sữa sao cho con bú đủ nhưng không quá no, gây áp lực không tốt lên hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
Vậy trẻ sơ sinh bú bao nhiêu là đủ? Mỗi trẻ có một nhu cầu ăn khác nhau, mẹ nên cho con ăn cữ ăn cách nhau 2-3 tiếng và quan sát sức ăn của con để điều chỉnh cho phù hợp. Trẻ được cung cấp đủ sữa sẽ thay khoảng 6-8 chiếc tã ướt mỗi ngày.
Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh thiếu tháng là điều mẹ cần quan tâm để giúp con phát triển toàn diện.
Để giúp trẻ sinh non tăng cân nhanh, ngoài việc cho trẻ ăn đủ thì mẹ cần chú ý đến thời gian và chất lượng giấc ngủ của trẻ. Trẻ cần ngủ đủ giấc, đặc biệt là giấc đêm vì đây là thời điểm trí não và cơ thể trẻ phát triển nhanh nhất trong ngày.
Việc bổ sung canxi cho trẻ sinh non cũng như các vitamin và dưỡng chất khác cũng là điều mẹ cần lưu ý. Để biết con cần bổ sung dưỡng chất như thế nào và liều lượng bao nhiêu, mẹ nên đưa trẻ đến khám và tham khảo thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Mời mẹ tìm hiểu thêm về vấn đề dinh dưỡng trong bài viết Dinh dưỡng cho trẻ sinh non.
Nuôi con bằng sữa mẹ cho trẻ sinh non
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non. Trí não, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ sẽ phát triển tốt hơn khi con được bú sữa mẹ ngay từ khi chào đời thay vì sữa công thức.
Vì thế việc kích sữa cho mẹ sinh non là điều quan trọng mà các y tá và bác sĩ ở bệnh viện sẽ thực hiện để bầu vú mẹ tiết ra sữa cho trẻ càng sớm càng tốt.
Mẹ sẽ được massage, làm ấm ngực để kích thích sữa về. Bên cạnh đó mẹ cũng cần uống đủ nước và giữ tinh thần thoải mái.
Trẻ sinh non dù ở tuần tuổi nào cũng thiệt thòi hơn trẻ sinh đủ tháng vì con chưa nhận được đủ dinh dưỡng để phát triển hoàn thiện trong bụng mẹ, do vậy con cần thời gian để học các kĩ năng cần thiết, việc bú mẹ hay bú bình cũng là một kĩ năng mà con cần phải học dần dần.
Mẹ nên tập cho trẻ sinh non bú mẹ khi thực hiện phương pháp da kề da.
Mẹ có thể tập cách cho trẻ sinh non bú mẹ bằng cách thực hiện phương pháp da kề da và để con tự tìm đến vú mẹ và làm quen với động tác bú mẹ. Thực hiện da kề da còn giúp trẻ sinh non thư giãn, điều hòa nhịp tim và giảm nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ,...
Mẹ cũng sẽ được hướng dẫn cách cho trẻ sinh non bú bình nếu con không thể bú mẹ. Con sẽ cần các dụng cụ chuyên dụng để giúp đỡ trong việc bú bình, nhiều trẻ thậm chí không thể ngậm núm vú giả mà cần được uống sữa bằng kim tiêm, thìa hoặc cốc.
Cách tính lượng sữa cho trẻ sinh non cũng là điều mẹ cần quan tâm. Trẻ sinh non có thể ngủ rất nhiều và ngủ qua cả cữ ăn, mẹ nên để ý và nhẹ nhàng đánh thức trẻ để con nhận được đủ lượng sữa theo nhu cầu phát triển của mình.
Mời mẹ tiếp tục đọc bài Nuôi con bằng sữa mẹ cho trẻ sinh non để hiểu rõ hơn về vấn đề này khi nuôi dạy trẻ sinh non.
Những nguy cơ về sức khỏe của trẻ sinh non
Sinh con non tháng là điều không mẹ bầu nào mong muốn, thế nhưng đây lại không phải là việc mẹ có thể lựa chọn được. Trong những trường hợp bất khả kháng buộc phải sinh non, mẹ nên trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe của trẻ sinh non để chăm sóc con tốt hơn.
Nguy cơ của trẻ sơ sinh non tháng càng tăng cao nếu thời điểm trẻ ra đời cách mốc 37 tuần càng xa. Thậm chí nếu trẻ ra đời quá sớm, con còn có nguy cơ tử vong do gặp quá nhiều vấn đề về sức khỏe.
Vậy trẻ sinh thiếu tháng có nguy cơ gì? Mỗi trẻ là một cá thể riêng nên không phải trẻ nào cũng gặp rắc rối giống trẻ nào. Nhìn chung, con sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, khó khăn trong việc ăn uống hơn so với trẻ đủ tháng.
Con cũng có nhiều khả năng gặp phải vấn đề hô hấp do phổi không có đủ thời gian để trưởng thành trong bụng mẹ.
Trẻ sinh non thường cần hỗ trợ thở máy sau khi chào đời.
Vì thế hình ảnh trẻ sinh non thở máy rất dễ gặp khi đến các phòng chăm sóc trẻ sơ sinh. Có trẻ thở máy vì mắc hội chứng suy hô hấp, có trẻ phải thở máy vì hơi thở không đều hoặc mắc bệnh về phổi ngay khi chào đời.
Trẻ cũng dễ gặp các vấn đề về thị lực, tim và não. Trong đó vấn đề về não thường được bố mẹ quan tâm nhiều nhất vì đây là bộ phận điều khiển mọi hoạt động sống của cơ thể và quyết định trí tuệ của trẻ.
Bố mẹ thường băn khoăn trẻ sinh non có thông minh không khi nghĩ về sự phát triển não bộ của bé non tháng.
Thực tế, trí tuệ của con có thể được phát triển và bồi dưỡng nhờ vào cách chăm sóc của bố mẹ, vì thế bố mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề này.
Để hiểu rõ hơn về tất cả các nguy cơ mà trẻ sinh con có thể phải đối mặt, mời bố mẹ đọc thêm tại bài viết Những nguy cơ về sức khỏe của trẻ sinh non.
Chăm sóc trẻ sinh non
Cách chăm sóc trẻ sinh non ở mỗi trường hợp là khác nhau tùy theo mức độ phát triển và những vấn đề trẻ gặp phải. Thời gian cần được chăm sóc tại bệnh viện ở mỗi trẻ cũng khác nhau và con sẽ được đưa về nhà khi sức khỏe đã ổn định.
Ví dụ như việc chăm sóc trẻ sinh non 35 tuần hoặc trẻ sinh non 36 tuần có thể đơn giản hơn nhiều so với trẻ sinh non ở tuần thứ 29 hoặc 30.
Đó là do ở tuần 35 hoặc 36 thì các chức năng của con đã hoàn thiện gần hết, con có thể chỉ cần một chút trợ giúp y tế trong những ngày đầu mà thôi.
Việc chăm sóc trẻ sinh non 36 tuần có thể thực hiện gần giống như chăm sóc trẻ sinh đủ tháng.
Mẹ nên học cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà từ các bác sĩ và điều dưỡng có chuyên môn.
Mẹ cũng cần nhớ các quy tắc an toàn khi chăm sóc trẻ như đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ, không để chăn, gấu bông hay các vật dụng có thể gây ngạt thở khác ở gần trẻ mà không có sự giám sát của người lớn,...
Việc lập kế hoạch chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng cũng là điều cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp có nhiều người cùng mẹ chăm bé. Kế hoạch này sẽ giống như thời gian biểu của bé và có thể thay đổi tùy theo tháng tuổi của con.
Mời mẹ tham khảo thêm thông tin về vấn đề này trong bài viết Chăm sóc trẻ sinh non.
Trẻ sinh non phát triển như thế nào?
Sự phát triển của trẻ sinh non phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài thời điểm chào đời thì yếu tố di truyền, dinh dưỡng, chế độ chăm sóc, chất lượng giấc ngủ và các vấn đề sức khỏe là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ.
Mẹ có thể lập biểu đồ tăng trưởng của trẻ sinh non để theo dõi sự phát triển của con chính xác theo từng tuần, từng tháng.
Nếu mẹ so sánh sự phát triển của con với biểu đồ chuẩn, mẹ nên so sánh với số tháng tuổi tương ứng của con tính từ ngày dự sinh chứ không phải ngày sinh thực tế của trẻ.
Trẻ sinh non có thể bắt kịp tốc độ phát triển của trẻ đủ tháng nếu con được chăm sóc đúng cách.
Biểu đồ phát triển của trẻ sinh non nhẹ cân có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn các bạn sinh đủ tháng khác trong một vài tháng đầu. Mẹ không nên quá áp lực mà hãy tôn trọng nhịp độ phát triển riêng của con.
Trẻ sinh non cần khám những gì? Trước khi trẻ được xuất viện trở về nhà, tùy vào tình hình sức khỏe của con mà bác sĩ sẽ hẹn lịch khám lần sau cho bé, mẹ nên ghi lại và cho con đến khám đúng lịch.
Trong quá trình chăm sóc trẻ sinh non tại nhà, nếu mẹ phát hiện các dấu hiệu bất thường ở trẻ như sốt cao, mê man, khó thở, nôn trớ nặng,... thì mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bé càng sớm càng tốt.
Thông tin đầy đủ về sự phát triển của trẻ sinh non được POH gửi đến mẹ trong bài viết Trẻ sinh non phát triển như thế nào?, mời mẹ đọc thêm nhé!
Triển vọng cho trẻ sinh non trước 28, 31, 33 hoặc 36 tuần
Các chức năng của trẻ sinh non 36 tuần về cơ bản gần giống với trẻ đủ tháng, tuy nhiên trẻ sinh non 36 tuần thường nhẹ cân hơn so với trẻ 37 tuần.
Con vẫn có nguy cơ gặp một số vấn đề về sức khỏe nhưng thường không quá nguy hiểm và có thể hồi phục nhanh chóng.
Những trẻ sinh non 7 tháng tuổi, tức là vào khoảng 28 tuần, thường được hỗ trợ thở máy vì phổi của con chưa phát triển hết. Con cũng nhẹ cân và có nguy cơ gặp các biến chứng y khoa nguy hiểm nhưng tỉ lệ sống sót của trẻ sinh non ở tháng tuổi này cũng tương đối cao.
Trẻ sinh non trước 7 tháng có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Còn đối với những trẻ sinh non 27 tuần hoặc trước 27 tuần thì trẻ sẽ có tỉ lệ sống sót thấp hơn và nguy cơ khuyết tật cao hơn.
Hầu hết trẻ đều rất nhẹ cân, không thể tự thở, nuốt và thậm chí là không thể khóc. Con cần được cách ly và chăm sóc với chế độ đặc biệt dành cho trẻ sinh non.
Để hiểu rõ hơn về triển vọng và nguy cơ đối với trẻ sinh non theo từng tháng tuổi, mời mẹ đọc thêm trong bài viết Triển vọng cho trẻ sinh non trước 28, 31, 22 hoặc 36 tuần.
Da kề da
Da kề da là gì? Đây là một phương pháp chăm sóc sơ sinh sớm được thực hiện bằng cách đặt em bé vừa chào đời nằm sấp trên bụng hoặc ngực của mẹ để làn da của hai mẹ con tiếp xúc trực tiếp với nhau.
Phương pháp da kề da được thực hiện rất đơn giản nhưng lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ nên được da kề da với mẹ càng sớm càng tốt ngay sau sinh để được hưởng trọn vẹn các lợi ích mà phương pháp này mang lại.
Phương pháp da kề da sau sinh mang lại cho rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và con.
Da kề da sau sinh sẽ giúp ổn định nhịp tim và thân nhiệt của trẻ, giúp con cảm thấy an toàn, kích thích bản năng tìm vú và bú mẹ,... Đối với mẹ, phương pháp này giúp mẹ giảm đau, giảm stress và ổn định tâm lý nhanh hơn.
Quy trình da kề da đôi khi còn được thực hiện giữa bố và con, đây chắc chắn là một trải nghiệm đáng nhớ đối với các ông bố trẻ.
Phương pháp này còn đem lại rất nhiều lợi ích to lớn khác, mời mẹ tìm hiểu đầy đủ trong bài viết Da kề da của POH nhé!
NICU_Đơn vị chăm sóc tích cực cho trẻ sinh non
Chi phí nuôi trẻ sinh non trong trường hợp con cần sự chăm sóc đặc biệt tại các phòng NICU thay đổi tùy theo lượng máy móc và dịch vụ hỗ trợ sức khỏe cần thiết cho trẻ.
Chi phí này cũng khác nhau theo từng bệnh viện, vì thế bố mẹ nên hỏi kĩ để chuẩn bị tâm lý và tài chính sẵn sàng.
Tại đây, con thường được nằm trong lồng ấp trẻ sơ sinh và cơ thể được kết nối với nhiều loại máy, thiết bị khác nhau để bác sĩ có thể theo dõi các chỉ số sinh tồn của trẻ. Hầu như tất cả mọi hoạt động chăm sóc trẻ đều được các bác sĩ, y tá thực hiện trong lồng ấp này.
Trẻ sinh non cần được chăm sóc NICU để ổn định sức khỏe và chức năng của cơ thể.
Nếu trẻ cần được chăm sóc trong NICU có nghĩa là con bị tách khỏi mẹ từ khi mới chào đời và mẹ có thể sẽ lo lắng và cảm thấy tình cảm hai mẹ con không gắn bó với nhau.
Trong trường hợp này, mẹ có thể trao đổi với bác sĩ để có thể tham gia vào một số công việc chăm sóc trẻ.
Ví dụ như việc thay tã cho bé chẳng hạn. Việc thay tã lần đầu cho con có thể khiến mẹ rất lúng túng và thay tã cho một em bé sinh non lại càng đòi hỏi nhiều kĩ năng hơn, mẹ có thể học cách thay tã từ các y tá và điều dưỡng để có thể làm tốt hơn vào những lần sau.
Việc massage cho bé sinh non có thể chưa được thực hiện khi con vẫn còn nằm trong lồng ấp vì con không chịu được quá nhiều kích thích, thay vào đó các y tá sẽ hướng dẫn mẹ tiếp xúc với con bằng cách đặt tay nhẹ nhàng lên đầu hoặc cơ thể bé.
Mời mẹ đọc thêm thông tin trong bài viết NICU_Đơn vị chăm sóc tích cực cho trẻ sinh non để hiểu rõ hơn về quy trình chăm sóc trẻ tại đây.
Trẻ sinh non cần xét nghiệm những gì?
Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh được thực hiện ở cả trẻ sinh non và trẻ sinh đủ tháng để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và dị tật bẩm sinh.
Tuy nhiên trẻ sinh non thường phải trải qua thêm một số xét nghiệm nâng cao và cần được khám chuyên sâu hơn trẻ đủ tháng.
Trẻ sinh non cần khám những gì còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bé và chỉ định của bác sĩ. Thông thường, con sẽ được kiểm tra hơi thở, nhịp tim, thính giác, xét nghiệm máu,...
Xét nghiệm máu gót chân là xét nghiệm sàng lọc quan trọng của trẻ sơ sinh.
Siêu âm tim có thể được chỉ định nếu bác sĩ phát hiện bất thường khi kiểm tra nhịp tim cho trẻ hoặc trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc bệnh tim. Kết quả siêu âm sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm các bất thường của tim và đưa ra chỉ định điều trị kịp thời.
Các xét nghiệm cho trẻ sinh non trong phòng chăm sóc đặc biệt gồm xét nghiệm máu, chụp CT, siêu âm các bộ phận,... sẽ được thực hiện thường xuyên hơn nếu con cần được điều trị tại NICU.
Mời mẹ đọc thêm thông tin về các xét nghiệm quan trọng của trẻ tại bài viết Trẻ sinh non cần xét nghiệm những gì?
Cách tính tuổi cho bé sinh non
Mẹ có thể tính tuổi cho bé sinh non theo hai cách, đó là tính tuổi theo ngày, tháng, năm sinh của bé hoặc tính tuổi theo ngày dự sinh của con trong lần siêu âm cuối cùng trước khi mẹ chuyển dạ, hay còn được gọi là tính tuổi hiệu chỉnh.
Mẹ có thể tính tuổi hiệu chỉnh của bé bằng cách lấy thời điểm hiện tại trừ đi ngày dự sinh của trẻ hoặc lấy thời điểm hiện tại trừ đi thời gian mà bé sinh non. Ví dụ như trẻ sinh non 4 tuần thì mẹ lấy thời điểm hiện tại trừ đi 4 tuần là ra tuổi hiệu chỉnh của con.
Sự phát triển của trẻ sinh non được đánh giá theo tuổi hiệu chỉnh chứ không phải tuổi khai sinh của con.
Cách tính tuổi theo ngày tháng năm sinh cho bé thì dễ hiểu hơn, mẹ cứ lấy thời điểm hiện tại trừ đi ngày tháng năm sinh của con là ra tuổi khai sinh của trẻ.
Giữa tuổi hiệu chỉnh và tuổi khai sinh thì tuổi hiệu chỉnh là tuổi được các chuyên gia dùng để đánh giá mức độ tăng trưởng của bé. Nghĩa là nếu con có tuổi khai sinh là 6 tháng và con sinh sớm 1 tháng thì con sẽ được đánh giá mức độ tăng trưởng ở mốc 5 tháng tuổi.
Vì thế khi đưa trẻ sinh non đến khám bác sĩ, mẹ nên thông tin đầy đủ về cả tuổi hiệu chỉnh và tuổi khai sinh của bé để bác sĩ hiểu và đánh giá tình hình sức khỏe của trẻ chính xác hơn.
Mời mẹ tham khảo thêm về cách tính tuổi cho trẻ trong bài viết Cách tính tuổi cho bé sinh non.
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo