Trẻ sơ sinh chưa thể bày tỏ được cảm giác của con một cách chính xác và rõ ràng. Vì vậy ba mẹ cần hết sức chú ý tới các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của con để biết con có đang bị ốm sốt, khó chịu hay không được khỏe ở đâu. Ba mẹ nên lưu ý những dấu hiệu như trẻ quấy khóc, cáu gắt, ho, phát ban, chảy mũi, nghẹt mũi, nôn và tiêu chảy, giảm cân hoặc tăng cân rất chậm… Đây đều là những dấu hiệu cho thấy con không khỏe. Để hiểu rõ hơn, mời ba mẹ tham khảo bài viết sau!
Làm sao để biết trẻ không được khỏe
Hầu hết ba mẹ sẽ phải chăm trẻ ốm ít nhất một lần trong năm đầu đời của con. Đây là một điều hết sức bình thường vì hệ thống miễn dịch của trẻ đang không ngừng phát triển. Hệ thống miễn dịch của con khỏe dần lên bằng cách chống lại những căn bệnh nhỏ, những trận ốm nhẹ. Đó là một phần của sự trưởng thành.
Trẻ chưa thể nói với mẹ con cảm thấy như thế nào. Nhưng ngay cả khi trẻ không có triệu chứng rõ ràng nào thì bản năng làm cha mẹ cũng giúp ba mẹ nhận ra con không giống với bình thường.
Ba mẹ sẽ nhận ra những dấu hiệu bất thường của trẻ
Những lần con không khỏe sẽ bắt đầu từ việc sắc mặt con tái đi và hơi hoảng sợ. Chẳng bao lâu con sẽ xuất hiện những triệu chứng rõ ràng rằng mình không khỏe. Khi các triệu chứng xuất hiện trẻ có nguy cơ gặp các vấn đề như:
Trẻ bị sốt
Trẻ bị sốt có nghĩa là nhiệt độ cơ thể bé tăng lên do nhiễm trùng. Cơ thể nóng hơn sẽ giúp hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng tốt hơn. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể.
Mẹ có thể dễ dàng nhận ra con đang lên cơn sốt khi chạm vào con. Da của trẻ sẽ nóng hơn bình thường. Mẹ hãy kiểm tra nhiệt độ ở trán của con, với trẻ ít hơn ba tháng tuổi mẹ hãy kiểm tra bụng hoặc lưng. Hai má của trẻ có thể đỏ ửng lên và con bị đổ mồ hôi hoặc cảm thấy rất khó chịu.
Nếu mẹ muốn biết chính xác con có bị sốt không hãy đo nhiệt độ bằng nhiệt kế.
Hầu như những cơn sốt của trẻ không cần điều trị. Tuy nhiên mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay trong trường hợp:
- Trẻ dưới ba tháng tuổi sốt 38 độ C trở lên
- Trẻ ba đến sáu tháng tuổi sốt từ 39 độ C trở lên
Trẻ bị phát ban
Rất nhiều trẻ sơ sinh bị ốm gây ra phát ban, và hầu hết đều không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trẻ bị phát ban khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Các đốm, mụn nước hoặc vết nám trên da con là phản ứng với chất độc do nhiễm trùng hoặc phản ứng miễn dịch của cơ thể với các vi khuẩn xâm nhập.
Phát ban nghiêm trọng nhất cần lưu ý là phát ban viêm màng não do vi khuẩn gây ra. Phát ban do viêm màng não nhìn giống như những vết kim châm màu đỏ và tím. Các vết này không mờ đi khi mẹ ấn nhẹ vào, gọi là phát ban không mờ.
Nếu mẹ nghi ngờ trẻ xuất hiện các vết phát ban không mờ này, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ tới thẳng khoa tai nạn và cấp cứu của bệnh viện gần nhất.
Tuy nhiên viêm màng não do vi khuẩn gây ra rất hiếm. Trẻ cũng có thể chỉ mắc các bệnh phát ban thông thường ở trẻ dưới 1 tuổi. Các phát ban thường gặp ở trẻ bao gồm:
- Thủy đậu
- Hội chứng má tát (nhiễm trùng ban đỏ)
- Bệnh tay chân miệng
- Bệnh ban đào
Hầu hết các phát ban thông thường của trẻ nhỏ có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số ít được gây ra bởi các bệnh cần chú ý đặc biệt bao gồm:
- Sốt tinh hồng nhiệt
- Bệnh sởi
- Rubella
Những bệnh cần được chú ý đặc biệt là bệnh mà các bác sĩ cần báo cho các cơ quan y tế có thẩm quyền. Vì vậy mẹ cần báo lại với các bác sĩ nếu nghi ngờ trẻ gặp phải các bệnh cần chú ý đặc biệt.
Sốt tinh hồng nhiệt không phổ biến và thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Sởi và rubella hiện nay cũng ít xuất hiện vì trẻ đã được tiêm phòng MMR.
Một vùng đỏ và sưng trên da có thể là bệnh chàm. Trẻ có nguy cơ gặp bệnh chàm nếu trong gia đình có tiền sử dị ứng hoặc da của bé nhạy cảm với các sản phẩm và thực phẩm cụ thể. Nếu mẹ nghi ngờ trẻ bị chàm hãy đưa con đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ cần chẩn đoán trước khi trẻ được điều trị.
Trẻ bị ho
Trẻ bị ho thường do cảm lạnh thông thường. Mẹ có thể điều trị các cơn ho cho trẻ tại nhà và trẻ sẽ hồi phục nếu được mẹ chăm sóc trong vòng một hoặc hai tuần.
Những cơn ho nghiêm trọng khiến mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện có thể do:
- Viêm thanh khí phế quản
- Viêm phế quản
- Ho gà
- Viêm phổi, khi trẻ bị cảm lạnh nặng gây ra ho có đờm xanh hoặc vàng, thậm chí màu nâu có máu.
Một điều cần hết sức lưu ý là mẹ nên đưa bé đến bác sĩ ngay nếu con chưa được tiêm phòng mà bị ho gà. Trẻ cần được tiêm phòng vắc-xin chống ho gà từ 2 tháng tuổi.
Trẻ bị chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
Nghẹt mũi hay sổ mũi đều là những vấn đề thường gặp trong suốt quá trình phát triển của trẻ. Chất nhầy có vai trò quan trọng trong việc giữ sức khỏe cho trẻ. Chất nhầy giúp bôi trơn và bảo vệ đường thở, tránh các hạt bụi và chống lại vi khuẩn xâm nhập.
Trẻ có thể bị sổ mũi ngay cả khi không bị cảm lạnh. Có một lượng chất nhầy bình thường tích tụ trong mũi của con, nhưng trẻ không biết cách xì mũi để đẩy chất nhầy đó ra.
Sổ mũi là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh
Nếu trẻ bị nghẹt mũi và không thể hít thở khi bú mẹ, hãy thử cho trẻ bú từng chút một và thường xuyên hơn. Hoặc mẹ có thể cho trẻ bú trong phòng tắm có hơi nước.
Khi trẻ đã lớn hơn, nghẹt mũi hoặc sổ mũi là dấu hiệu của cảm lạnh thông thường. Cơ thể bé sẽ tiết ra nhiều chất nhầy hơn để đối phó với vi khuẩn xâm nhập.
Nghẹt mũi có thể khiến trẻ bỏ ăn và bỏ bú. Con sẽ khó ngủ, cáu kỉnh và cảm thấy mệt mỏi.
Trẻ bị cảm lạnh thường hồi phục sau một vài tuần với sự chăm sóc của mẹ. Cảm lạnh thông thường không cần thiết điều trị y tế.
Nếu cơn cảm lạnh của con chuyển biến xấu, con có thể đã bị cúm. Bên cạnh các triệu chứng của cảm lạnh thông thường con sẽ bị sốt đột ngột và đau cơ. Trẻ không thể kêu với mẹ rằng con bị đau, nhưng chắc chắn con sẽ khó chịu hơn so với bị cảm lạnh.
Trẻ bị nhiễm trùng tai
Chất nhầy trong đường thở của bé do cảm lạnh cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng tai. Nhiễm trùng xảy ra khi tai trong của con bị dính chất nhầy và sưng. Dấu hiệu của nhiễm trùng tai là:
- Trẻ kéo tai hoặc dùng tay chà sát vành tay
- Cáu gắt
- Ngủ không ngon vào ban đêm
- Ăn một cách miễn cưỡng
- Ho hoặc sổ mũi
- Bị tiêu chảy
- Không nhận thấy âm thanh nhỏ
Nhiễm trùng tai sẽ tự khỏi sau hai hoặc ba ngày. Nếu sau thời gian đó trẻ vẫn không đỡ hoặc viêm tai khiến trẻ rất đau đớn, mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.
Trẻ bị nôn và tiêu chảy
Nôn và tiêu chảy cùng lúc thường là những dấu hiệu cho thấy em bé có vấn đề ở bụng.
Một số trẻ dễ bị trớ ra sữa, đặc biệt là trong vài thắng đầu khi hệ tiêu hóa của trẻ đang phát triển. Hiện tượng này gọi là ọc sữa và nó không giống với nôn mửa.
Nếu trẻ bị nôn, tất cả mọi thứ trong bụng con sẽ bị ộc ra ngoài. Trẻ có thể bật khóc vì nôn là một phản xạ bắt buộc mạnh mẽ. Con có thể bị đau bụng do nhiễm trùng.
Hiện tượng nôn sẽ đỡ hơn sau một đến hai ngày. Con cũng không cần điều trị cụ thể nào ngoài việc uống thật nhiều nước để tránh mất nước.
Tuy nhiên, nôn dai dẳng và xuất hiện các triệu chứng bất thường khác có thể là dấu hiệu của viêm màng não. Nếu mẹ không rõ mức độ nôn như thế nào là nghiêm trọng mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay. Xem thêm các thông tin về viêm màng não tại đây.
Đôi khi, đi vệ sinh lỏng là bình thường. Nhưng trẻ có thể bị tiêu chảy nếu xuất hiện triệu chứng đi lỏng liên tục. Trẻ sẽ hồi phục sau khi bị tiêu chảy năm đến bảy ngày.
Vấn đề lớn nhất của việc nôn mửa và tiêu chảy là mất nước. Trẻ bị nôn và tiêu chảy sẽ nhanh chóng mất nước. Mẹ nên cho bé bú thường xuyên nếu con đang bú mẹ. Với các em bé uống sữa công thức mẹ hãy cho bé uống nước đun sôi, để nguội.
Trẻ bị mất nước
Cơ thể của bé rất nhỏ và bé có thể bị mất nước một cách nhanh chóng. Khi trẻ không khỏe hoặc không ăn được, con sẽ rất dễ bị mất nước. Mẹ hãy kiểm tra các dấu hiệu mất nước như:
- Môi, miệng và mắt khô, khóc không nước mắt
- Một vùng bị lõm vào trên đầu (thóp mềm trên đầu trẻ)
- Ít tã ướt hơn bình thường
- Nước tiểu màu vàng đậm
- Trẻ chậm chạp và không tỉnh táo
- Bàn tay và bàn chân lạnh, tái nhợt
Nếu em bé của bạn bị mất nước dù mẹ đã cố gắng bổ sung mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.
Trẻ tụt cân hoặc tăng cân chậm chạp
Cân nặng của bé chắc chắn sẽ dao động, nhưng nhìn chung con nên tăng cân. Bác sĩ sẽ đo và khám cho bé thường xuyên trong khoảng một năm đầu và lưu vào sổ khám hoặc hồ sơ sức khỏe cá nhân của bé.
Bác sĩ có thể khuyên mẹ nên cân bé với tần suất như sau:
- Trẻ hai tuần đến sáu tháng: mỗi tháng một lần
- Trẻ từ 6 đến 12 tháng: hai tháng một lần
- Trẻ trên một tuổi: tối đa ba tháng một lần
Trẻ bị ốm sẽ ngừng tăng cân, thậm chí bị giảm cân một chút. Nhưng con sẽ phục hồi và bắt đầu tăng cân trở lại trong vòng hai đến ba tuần.
Nếu mẹ lo lắng rằng con vẫn tiếp tục giảm cân hoặc không tăng cân mẹ cần thảo luận với bác sĩ trong lần khám sau. Bác sĩ sẽ giúp kiểm tra em bé có khỏe không và giúp con tăng cân trở lại.
Có cần đưa trẻ đi khám ngay không?
Đưa bé đến thăm khám bác sĩ nếu mẹ lo lắng về các triệu chứng của trẻ và không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh của con. Tương tự như vậy khi con bị ốm lâu ngày không khỏi với tốc độ bình thường. Bản năng làm cha mẹ sẽ giúp mẹ biết con có cần trợ giúp y tế hay không.
Nhiều bệnh thông thường ở trẻ là do nhiễm virus, không thể điều trị bằng kháng sinh mà phải dựa vào khả năng miễn dịch của con. Trẻ sẽ phục hồi tốt hơn nếu được mẹ chăm sóc và an ủi. Trong trường hợp này mẹ không cần đưa bé đến bệnh viện.
Mẹ có thể hỏi dược sĩ tại các cửa hàng thuốc về việc có nên đưa trẻ đi khám bác sĩ không. Nếu sức khỏe của con không quá đáng ngại, mẹ có thể tự tìm hiểu các phương pháp sơ cứu trẻ tại nhà để yên tâm mỗi khi con không khỏe.
Mời ba mẹ tham khảo thêm bài viết:
Nguồn: Babycenter
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo