Chắc chắn mẹ nào cũng đã từng rơi vào tình trạng đứng ngồi không yên mỗi khi con ho, cảm lạnh hay cúm. Các triệu chứng này thường sẽ không phát triển nặng thêm nếu mẹ chăm sóc con đúng cách.
Tuy nhiên trong một số trường hợp chúng lại báo hiệu một vài bệnh lý nguy hiểm khác và khi ấy con cần có sự điều trị của bác sĩ. Vậy những bệnh lý có thể xuất hiện là gì và mẹ cần làm gì để chăm sóc con tốt nhất, mời mẹ tìm hiểu trong bài viết Ho, cảm lạnh và cúm ở trẻ sơ sinh nhé!
Con yêu khỏe mạnh, luôn vui cười là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ.
Ho, cảm lạnh và cúm ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị ho
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho có thể là do virus hoặc do cơ thể con phản xạ để tống xuất các dị vật ở đường thở ra ngoài. Mẹ thường thấy trẻ có hai trạng thái ho là ho khan và ho có đờm.
Trẻ thường bị ho khan khi con tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng như bụi, lông động vật, thời tiết hay do sữa mẹ có chứa thành phần thức ăn gây dị ứng.
Vì thế khi trẻ ho khan, mẹ nên vệ sinh sạch mắt, mũi cho trẻ, cách ly con khỏi môi trường gây dị ứng và điều chỉnh chế độ ăn của mình.
Vậy khi trẻ sơ sinh bị ho mẹ nên ăn gì? Mẹ nên ăn nhiều rau, củ, quả và các loại đạm lành tính như thịt lợn, thịt gà trắng và tránh ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, hải sản... để đảm bảo chất lượng sữa mẹ khi cho con bú.
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho kèm theo sốt trên 38 độ có thể là biểu hiện của viêm phổi, viêm họng cấp.
Khi trẻ sơ sinh bị ho có đờm, mẹ sẽ thấy các tiếng ho của con kèm theo tiếng khò khè từ đờm trong họng và con có thể sẽ dễ bị nôn trớ hơn bình thường.
Nếu con không thể tự ho ra đờm, mẹ nên thực hiện vỗ rung long đờm đúng cách để giúp con dễ dàng tống được đờm ra ngoài hơn.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị ho, sổ mũi và mẹ quan sát thấy trong mũi con có nhiều dịch nhầy nước mũi, mẹ nên xịt nước muối biển cho bé (như Sterimar hay Xisat loại dành cho trẻ sơ sinh) và hút mũi đúng cách. Mẹ không nên thực hành tự rửa mũi ở nhà cho bé.
Triệu chứng ho thường không gây nguy hiểm cho trẻ và có thể chấm dứt nhanh chóng nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời. Nếu muốn sử dụng thuốc ho cho con, mẹ nên đưa trẻ đến khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà.
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm thường được nhận biết sớm nhất là hắt xì hơi nhiều lần, chảy nước mắt, nước mũi, ho, nghẹt mũi. Sau đó con có thể sẽ bị sốt nhẹ, sưng họng, nghẹt mũi hay thậm chí là nôn trớ...
Trẻ dễ bị cảm lạnh nhất khi bước vào mùa đông và mùa xuân, vào khoảng tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Nếu con bị cảm lạnh ở mức độ bình thường, không kèm theo các triệu chứng nguy hiểm thì con có thể dứt bệnh nếu được chăm sóc đúng cách tại nhà.
Biểu hiện cảm lạnh ở trẻ sơ sinh thường gặp nhất là ho, chảy nước mắt, mệt mỏi và nghẹt mũi.
Khi trẻ bị cảm lạnh nên ăn gì? Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, thức ăn quan trọng nhất mà con cần lúc này vẫn là sữa mẹ, mẹ nên cho con bú nhiều hơn bình thường vì con rất dễ bị mất nước khi bị cảm lạnh.
Nếu con đã ăn dặm, mẹ nên cho con ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như cháo thịt, cháo rau... và không nên giới thiệu món ăn mới cho con trong giai đoạn này.
Vì trong người cảm thấy mệt mỏi nên con có thể sẽ biếng ăn, mẹ hãy bù thêm dinh dưỡng bằng cách cho con bú thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có nên tắm không?
Việc giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh của con. Mẹ nên tắm cho trẻ bằng nước ấm ở nơi kín gió, tắm thật nhanh, lau khô người kĩ càng cho con và giữ ấm cơ thể cho con sau khi tắm.
Mẹ không nên dùng cách giải cảm lạnh cho bé theo kinh nghiệm dân gian như sử dụng tinh dầu tỏi hay xông hơi nóng nếu không được sự đồng ý của bác sĩ. Điều này tránh việc chữa trị không đúng cách khiến bệnh tình của con nặng thêm.
Thay vào đó, mẹ có thể rửa mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý, chườm ấm hạ sốt nếu con sốt dưới 38 độ và chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Mời mẹ tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại bài viết Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh.
Viêm thanh khí phế quản
Viêm thanh khí phế quản bệnh học còn được gọi là viêm thanh quản, là một loại bệnh nhiễm trùng cấp thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Bệnh viêm thanh khí phế quản ở trẻ sơ sinh biểu hiện bằng một số triệu chứng như đau họng, ho ông ổng, sổ mũi, sốt, mệt mỏi. Khi nghe tiếng thở của trẻ mẹ có thể thấy hơi thở của con không đều, con thở rít khi hít vào hoặc thở khò khè.
Khi bị ốm, con có thể sẽ mệt mỏi và quấy khóc nhiều hơn ngày thường.
Viêm thanh phế quản ở trẻ em thường chỉ kéo dài vài ngày và con có thể khỏi bệnh nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng khác như nhiễm khuẩn phổi hay viêm phổi, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý khi chăm sóc trẻ.
Bệnh viêm phế quản ở trẻ cũng là một bệnh thường gặp ở trẻ và có triệu chứng giống như viêm thanh khí phế quản. Vì thế nếu phát hiện dấu hiệu bệnh ở con, bố mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để xác định chính xác bệnh và có phương hướng điều trị phù hợp.
Mẹ cũng nên phòng tránh bệnh cho con bằng cách hạn chế cho con tiếp xúc với khói bụi, nấm mốc, khói thuốc lá và môi trường có độ ẩm không khí quá thấp hoặc quá cao.
Mời mẹ đọc thêm tại bài viết Viêm thanh khí phế quản ở trẻ sơ sinh của POH.
Trẻ sơ sinh bị cúm
Nếu trẻ sơ sinh bị cảm nghẹt mũi đi kèm với triệu chứng sốt trên 38 độ C, tiêu chảy, nôn mửa và con mệt mỏi do cơ thể đau nhức thì rất có thể bé yêu đang bị cúm.
Cúm là bệnh do virus gây ra và có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin.
Nhưng vắc xin cúm lại chỉ được chỉ định tiêm cho trẻ trên 6 tháng tuổi, vì thế để bảo vệ con khỏi bệnh cúm trong 6 tháng đầu đời, mẹ nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai ít nhất là 1 tháng.
Khi chữa cảm cúm cho trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi, nên tăng cường cho trẻ bú mẹ để bù nước cho con và giúp con nhanh khỏi bệnh.
Cách chữa cúm cho trẻ sơ sinh tại nhà hiệu quả nhất là cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ nhiều, ăn nhiều sữa và thức ăn lỏng (nếu trẻ đã ăn dặm), chườm ấm hạ sốt cho trẻ. Nếu tình trạng của con không khá hơn, mẹ nên đưa con đến khám và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Việc chữa cúm cho trẻ nhỏ theo các phương pháp dân gian có thể dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn, vì thế mẹ nên cân nhắc thật kĩ trước khi áp dụng bất kì phương pháp gì để chữa bệnh cho con.
Để biết thêm về cách chăm sóc khi con bị cúm cũng như cách phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ mắc bệnh, mời mẹ đọc thêm trong bài viết Trẻ sơ sinh bị cúm.
Ho gà ở trẻ sơ sinh
Ho gà là bệnh do vi khuẩn ho gà gây ra và có khả năng lây qua đường hô hấp nếu con tiếp xúc hoặc ở chung một không gian với người mắc bệnh.
Mẹ có thể nhận biết tiếng ho gà ở con nếu con ho khan, không có đờm liên tục và có thể kéo dài tới một phút, tiếng ho hổn hển và mặt con chuyển màu đỏ như da gà khi con ho quá nhiều.
Ho gà ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Câu trả lời là có, bệnh ho gà có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu không được chữa trị kịp thời như khó thở, ngừng thở, tổn thương phổi, co giật, tổn thương não hay thậm chí là tử vong.
Vì thế nếu nghi ngờ con bị ho gà, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để xét nghiệm chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt.
Triệu chứng ho gà ở trẻ sơ sinh khi mới mắc bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường.
Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm ho gà cho trẻ để chẩn đoán chính xác bệnh bằng bằng cách xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm dịch ở mũi, họng của con để xem có sự xuất hiện của vi khuẩn ho gà hay không và đưa ra phác đồ điều trị chính xác.
Điều trị ho gà ở trẻ em cần sử dụng kháng sinh theo đúng phác đồ, vì thế tốt nhất mẹ nên cho trẻ điều trị nội trú tại các bệnh viện uy tín để con nhận được sự chăm sóc tốt nhất từ các bác sĩ chuyên khoa chứ không nên tự ý chữa trị tại nhà.
Mời mẹ đọc thêm bài viết Ho gà ở trẻ sơ sinh để hiểu hơn về căn bệnh nguy hiểm này.
Virus hợp bào hô hấp ở trẻ sơ sinh (RSV)
Virus hợp bào hô hấp là gì? Virus hợp bào hô hấp (thường được gọi là virus RSV) là loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp rất dễ gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Virus này dễ dàng lây lan trong không khí và qua các đồ vật mà người bệnh đã tiếp xúc.
Biểu hiện nhiễm virus RSV sẽ xuất hiện sau khi con bị nhiễm virus khoảng 3-5 ngày, vì virus gây bệnh cho hệ hô hấp của trẻ nên các biểu hiện dễ nhận thấy nhất là sổ mũi, nghẹt mũi, ho, khó thở, sốt...
Các biểu hiện này thường rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác ở trẻ.
Trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp nhiều nhất vào thời điểm từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm.
Thông tường, trẻ nhiễm virus RSV có thể được chữa khỏi nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách tại nhà.
Tuy nhiên nếu con xuất hiện các biểu hiện nặng hơn như ho nặng và có thể nghẹt thở khi ho quá nhiều, sốt cao, cực kì mệt mỏi, bỏ ăn... thì mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị.
Một số trẻ nhiễm virus RSV có thể dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn nếu trẻ sinh non (dưới 35 tuần), có bệnh tim bẩm sinh, đang mắc bệnh về phổi hoặc trẻ có hệ miễn dịch yếu.
Vì thế khi chăm sóc những đối tượng trẻ này, mẹ cần hết sức để ý đến các triệu chứng của trẻ để đưa con đến bệnh viện kịp thời.
Cách giúp con phòng ngừa virus RSV, cách điều trị khi con mắc bệnh cùng một số thông tin quan trọng khác về vấn đề này được POH gửi đến mẹ trong bài viết Virus hợp bào hô hấp ở trẻ sơ sinh, mời mẹ đọc thêm nhé!
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi là đối tượng dễ bị mắc bệnh viêm phổi nhất. Nguyên nhân của bệnh là do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào phổi khiến phổi bị nhiễm trùng.
Biểu hiện viêm phổi ở trẻ sơ sinh gồm có ho, sốt, khó thở và mệt mỏi. Nếu con ho rất nhiều, ho có đờm xanh, vàng, nâu hoặc dính máu hoặc vừa sốt vừa run và đổ mồ hôi thì mẹ nên đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nếu triệu chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh được bác sĩ chẩn đoán chỉ là biểu hiện bệnh nhẹ thì có thể bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ tại nhà. Nếu con bị bệnh nặng hơn, con sẽ cần phải điều trị nội trú ở bệnh viện đến khi bệnh khỏi hẳn.
Mẹ chỉ nên điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ nếu con chỉ có biểu hiện nhẹ, không quá nguy hiểm.
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà cách điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh trong từng trường hợp sẽ khác nhau. Trong trường hợp viêm phổi do vi khuẩn, con có thể sẽ được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh.
Còn nếu con bị viêm phổi do virus gây ra thì bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách chăm sóc để tăng cường hệ miễn dịch cho con, giúp cơ thể con nhanh chóng khỏe mạnh trở lại.
Vậy viêm phổi ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi? Điều này còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, nếu được điều trị đúng cách, nhiều bé có thể khỏi bệnh trong khoảng 1 tuần nhưng có những trường hợp bệnh quá nặng và kèm theo các biến chứng khác thì thời gian điều trị của trẻ sẽ dài hơn.
Mời bố mẹ đọc thêm bài viết Viêm phổi ở trẻ sơ sinh để hiểu rõ hơn về căn bệnh này của trẻ.
Hội chứng Reye ở trẻ
Reye Syndrome, dịch là hội chứng Reye là hội chứng rất hiếm gặp nhưng lại có khả năng ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng ở trẻ em trong giai đoạn đang hồi phục các bệnh do virus gây ra.
Triệu chứng hội chứng Reye ở trẻ xuất hiện rất đột ngột, ban đầu con có thể sốt, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, buồn ngủ, phát ban, thở không đều,...
Sau đó nếu bệnh phát triển ảnh hưởng đến não, con có thể trở nên kích động, hiếu thắng, co giật, mê sảng hoặc rơi vào trạng thái hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Cách điều trị hội chứng Reye tốt nhất là đưa trẻ đến bệnh viện và tiếp nhận điều trị của bác sĩ càng sớm càng tốt.
Tại bệnh viện, con sẽ được điều trị để ngăn chặn não, gan và các cơ quan khác bị tổn thương do bệnh và được nhận các biện pháp chăm sóc hỗ trợ khác để hồi phục sức khỏe.
Nếu trẻ mắc Reye, con cần được điều trị đúng cách tại bệnh viện.
Hội chứng Reye không phải là một hội chứng có khả năng lây nhiễm và nguyên nhân gây ra hội chứng này hiện nay cũng chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra sự liên quan giữa sự xuất hiện hội chứng Reye và việc sử dụng aspirin ở trẻ.
Mối liên quan của hội chứng Reye và aspirin được các nhà nghiên cứu tìm ra khi nghiên cứu về hội chứng này dựa trên các ca mắc tại Mỹ và kết quả thu được là có đến 95% người mắc hội chứng Reye đã sử dụng aspirin để chữa các loại bệnh do virus gây ra trước đó.
Vì thế nên để giảm thiểu nguy cơ mắc hội chứng nguy hiểm này ở con, mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ sử dụng aspirin hoặc các thuốc có thành phần aspirin khi con bị mắc các bệnh do virus, nếu con bị bệnh khi đang bú mẹ thì mẹ cũng không nên uống loại thuốc này vì thành phần thuốc có thể truyền qua sữa mẹ.
Mời mẹ đọc thêm bài viết Hội chứng Reye ở trẻ để hiểu hơn về hội chứng nguy hiểm này.
Bệnh lao ở trẻ sơ sinh
Bệnh lao là bệnh do vi khuẩn lao gây ra, vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh tại nhiều cơ quan như phổi, não, cột sống, xương khớp,... Bệnh lao có thể gặp ở các lứa tuổi nhưng trẻ em là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Vì sao trẻ càng nhỏ nguy cơ mắc bệnh lao càng cao?
Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho tình trạng này, có thể do cơ thể con chưa thích nghi hoàn toàn với môi trường sống, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc trẻ đang mắc bệnh khiến hệ miễn dịch suy yếu, tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
Nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm lao càng tăng cao nếu trẻ không được tiêm phòng lao đúng thời điểm. Trẻ nên được tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao càng sớm càng tốt sau khi sinh.
Nếu thấy biểu hiện bệnh lao ở trẻ sơ sinh sau khi con tiếp xúc với người mắc bệnh thì bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Triệu chứng bệnh lao ở trẻ sơ sinh gồm có mệt mỏi, sốt, chán ăn, sụt cân. Con có thể xuất hiện một số triệu chứng khác ít phổ biến hơn như ho khan hoặc có đờm, khó thở, đau ngực.
Vì các triệu chứng của bệnh lao ở trẻ rất giống với nhiều loại bệnh khác nên nếu con đã từng tiếp xúc với người bị lao hoặc bố mẹ nghi ngờ con bị lao thì nên đưa con đến bệnh viện để được chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất.
Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm lao phổi ở trẻ em và các biện pháp y tế chuyên môn khác để xác định bệnh và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho trẻ.
Mời mẹ đọc thêm thông tin về bệnh lý nguy hiểm này trong bài viết Bệnh lao ở trẻ sơ sinh.
Chăm sóc trẻ sơ sinh bị ốm
Nhận biết những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh
Trẻ dưới 1 tuổi rất dễ bị ốm, sốt hoặc xuất hiện một số vấn đề về sức khỏe do hệ miễn dịch của con vẫn chưa được hoàn thiện và những căn bệnh nhỏ cũng là “thử thách” giúp hệ miễn dịch của con ngày càng khỏe mạnh hơn.
Trẻ dễ bị sốt, phát ban, ho gà,... do hệ miễn dịch của con chưa hoàn thiện.
Nếu những dấu hiệu trẻ phát triển bình thường của con bao gồm số đo vòng đầu, chiều cao, cân nặng, mốc phát triển kĩ năng... của con vẫn tốt. Con vẫn ăn khỏe, ngủ ngoan, chơi vui thì mẹ hoàn toàn không cần lo lắng nếu thỉnh thoảng con lại xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Tuy nhiên, những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh có thể trở thành dấu hiệu báo động nguy hiểm của con nếu chúng vượt quá các “ngưỡng” bình thường.
Vậy làm thế nào để mẹ nhận biết các dấu hiệu bất thường nguy hiểm của con? Mời mẹ đọc trong bài viết Nhận biết những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh của POH nhé!
Khi nào nên đưa trẻ đi khám?
Trẻ sơ sinh dễ mắc các bệnh thông thường hơn người lớn, đặc biệt là vào giai đoạn chuyển mùa trong năm hoặc sau khi con tiêm phòng.
Nhiều trường hợp, con có thể khỏi bệnh nếu được bố mẹ chăm sóc đúng cách tại nhà nhưng đôi khi, việc điều trị tại nhà không có tác dụng và còn khiến con bị lỡ mất thời điểm tốt nhất để điều trị bệnh tại bệnh viện.
Vì thế bố mẹ cần biết khi nào nên đưa trẻ đi khám, khi nào có thể điều trị tại nhà bằng cách xem xét các biểu hiện bệnh của con.
Một số biểu hiện bệnh thường gặp khi trẻ mà bố mẹ có thể dễ dàng quan sát là ho, nôn trớ, mệt mỏi, lờ đờ, chán ăn và phổ biến nhất là sốt.
Trẻ sốt khi nào cần đi viện là điều quan trọng mà bố mẹ nào cũng cần nhớ.
Vậy bé sốt bao nhiêu độ thì đi bệnh viện? Tùy vào độ tuổi của trẻ sơ sinh mà mức nhiệt báo động có thể khác nhau.
Khi con dưới 3 tháng tuổi, mẹ nên đưa con đến bệnh viện khi con sốt trên 38 độ và đối với trẻ 3-6 tháng tuổi thì mức nhiệt báo động là trên 39 độ.
Để biết rõ hơn về các trường hợp nên đưa trẻ đến bệnh viện, mời mẹ đọc tại bài viết Khi nào nên đưa trẻ đi khám? nhé!
Trẻ sơ sinh bị sốt
Sốt là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đây là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của con đang “làm việc” để chống lại các virus, vi khuẩn trong cơ thể trẻ. Đôi khi trẻ có hiện tượng sốt nhưng khi sờ tay, sờ chân trẻ thì lại thấy lạnh hơn bình thường.
Trẻ sơ sinh bị sốt chân tay lạnh có thể xảy ra khi trẻ bị sốt và các mạch máu ở tay, chân co lại.
Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy con bị nhiễm siêu vi và có thể dẫn đến một số bệnh lý nghiêm trọng. Vì thế nếu thấy con sốt cao mà chân tay lạnh thì bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện.
Trẻ bị sốt có thể là dấu hiệu của một số bệnh đã nói đến ở các phần trên như cúm, viêm thanh khí phế quản, nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi... Nhưng thường gặp nhất ở trẻ là sốt khi mọc răng và sốt sau khi tiêm phòng.
Trẻ sơ sinh bị sốt mẹ nên ăn gì để bổ sung dinh dưỡng cho sữa mẹ, giúp trẻ mau hạ sốt là thắc mắc của nhiều mẹ bỉm sữa.
Hiện tượng trẻ sơ sinh bị sốt mọc răng sẽ tự biến mất khi chiếc răng xinh của con nhô lên. Thế nên nếu thấy con vẫn tiếp tục sốt sau khi răng đã mọc mà không rõ lý do thì bố mẹ cần lưu ý theo dõi các biểu hiện của con để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bố mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt khi tiêm phòng? Đầu tiên là bố mẹ cần bình tĩnh và theo dõi nhiệt độ cơ thể của con, không nên cho con uống bất kì thuốc gì hoặc chườm thứ gì lên vết tiêm của con nếu không được bác sĩ chỉ định.
Sau đó tăng cường cho con bú mẹ để bù nước, để con ngủ nhiều hơn và tạo môi trường thoải mái nhất cho trẻ.
Sốt là hiện tượng nhiệt độ cơ thể trẻ cao hơn mức bình thường, vì thế trẻ được coi là sốt nếu nhiệt độ cơ thể con vượt quá 37 độ C. Tùy vào mức nhiệt độ của trẻ mà mẹ cần có các cách chăm sóc trẻ khác nhau.
Vậy khi trẻ sơ sinh bị sốt 38 độ thì phải làm sao?
Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt 38 độ, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức. Đối với trẻ trên 3 tháng thì mẹ vẫn có thể áp dụng các cách hạ sốt khoa học ở nhà nếu nhiệt độ cơ thể con dưới 39 độ và con không xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm khác.
Để hiểu hơn về hiện tượng sốt ở trẻ cũng như tìm hiểu các dấu hiệu nguy hiểm có thể xuất hiện khi trẻ sốt, mời bố mẹ đọc tại bài viết Trẻ sơ sinh bị sốt.
Trẻ sơ sinh bị mất nước
Trẻ có thể bị mất nước khi lượng nước cung cấp cho cơ thể không đủ để bù lại lượng nước được cơ thể con đào thải ra ngoài. Nguyên nhân mất nước thường gặp ở trẻ là do trẻ không chịu bú, nôn trớ nhiều, sốt cao, hoặc tiêu chảy.
Mẹ có thể nhận biết dấu hiệu trẻ sơ sinh thiếu nước khi môi và miệng con khô lại, con đi vệ sinh ít hơn bình thường và nước tiểu có màu đậm hơn...
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với việc mất nước và con có thể đối mặt với các tình trạng sức khỏe xấu hơn nếu không được bù nước kịp thời.
Bú mẹ, uống nước là cách bù nước cho trẻ bị tiêu chảy hiệu quả.
Cách bù nước cho trẻ sơ sinh tốt nhất là tăng cường cho con bú mẹ hoặc uống nước (nếu con đã ăn dặm).
Nếu con tiếp tục nôn ngay sau mỗi lần được bù nước và con từ chối bú mẹ, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ đánh giá tình hình sức khỏe và tiếp nước cho trẻ.
Bên cạnh việc bù nước thì bố mẹ cũng cần chữa trị các nguyên nhân gây ra tình trạng mất nước của trẻ để cơ thể con sớm hồi phục lại trạng thái khỏe mạnh như bình thường.
Mời bố mẹ đọc thêm về vấn đề này trong bài viết Trẻ sơ sinh bị mất nước.
Cách cho trẻ uống thuốc
Rất nhiều bé không chịu uống thuốc khi bị ốm vì con cảm thấy mệt mỏi và thuốc thường có mùi vị khác lạ so với sữa mẹ hoặc các thực phẩm trẻ đã từng được ăn. Vì thế cho trẻ uống thuốc là việc làm tương đối khó khăn với các mẹ.
Cách cho trẻ uống thuốc không bị sặc là điều mẹ nào cũng muốn biết vì thuốc của trẻ sơ sinh đa phần là các loại thuốc dưới dạng dung dịch uống.
Có ba kinh nghiệm hiệu quả thường được các mẹ truyền tai nhau đó là lựa chọn thời điểm, cách chọn dụng cụ và tư thế cho con uống thuốc.
Mẹ nên chú ý tư thế cho trẻ uống thuốc để hạn chế việc con sặc hoặc nhè thuốc ra ngoài.
Dụng cụ cho bé uống thuốc nước có thể được cung cấp kèm theo thuốc, đó thường là một ống nhỏ giúp mẹ đo lường chính xác lượng thuốc và dễ dàng khi cho trẻ uống. Mẹ nên lấy lượng thuốc theo đúng liều lượng đã được hướng dẫn.
Sau đó mẹ nên cho bé uống thuốc khi bế bé hơi nghiêng người, cho thuốc từng chút một vào giữa lợi và má của con. Nếu con phải uống nhiều, mẹ hãy chờ cho con nuốt hết thuốc rồi mới tiếp tục cho con uống để con không bị sặc.
Về thời điểm thì việc nên cho bé uống thuốc trước hay sau khi ăn tùy thuộc vào chỉ định của từng loại thuốc.
Nhưng mẹ nên nhớ không nên cho bé uống thuốc khi con đang cáu gắt vì quá buồn ngủ hoặc khi con đang khóc dữ dội. Khi cho con uống thuốc, mẹ nên âu yếm và dỗ dành để trấn an bé nhé!
Rửa tay khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ là việc làm cực kì quan trọng mà bố mẹ cần nhớ khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Thế nhưng lại rất ít gia đình biết đến và quan tâm đến việc làm này.
Tại sao phải rửa tay khi chăm sóc trẻ sơ sinh? Hệ miễn dịch của con còn rất yếu ớt nên các loại virus, vi khuẩn rất dễ xâm nhập và gây bệnh cho bé.
Trong khi đó, tay người lớn lại được mệnh danh là “ổ vi khuẩn” do tiếp xúc với rất nhiều thứ, vì thế trước khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn chất lượng.
Người lớn nên rửa tay thật sạch sẽ trước khi bế hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh.
Bố mẹ nên rửa tay khi bế bé, trước và sau khi thay tã hoặc vệ sinh thân thể cho trẻ, trước khi pha sữa công thức, trước khi vệ sinh bình sữa và núm ti cho trẻ, trước khi cho con bú, trước khi nấu ăn và cho bé ăn...
Số lượng vi khuẩn trên bàn tay người lớn rất khủng khiếp, có đến hàng trăm triệu vi khuẩn cư ngụ trên bàn tay, vì thế bố mẹ cũng nên khuyên những người đến thăm bé nên rửa tay sạch sẽ trước khi bế hoặc tiếp xúc với trẻ.
Mời bố mẹ đọc thêm về tầm quan trọng cũng như cách rửa tay chuẩn trong bài viết Rửa tay khi chăm sóc trẻ sơ sinh.
Mùa đông chăm sóc thế nào để trẻ sơ sinh không bị ốm?
Việc chăm sóc sức khỏe cho bé vào mùa đông là việc làm bố mẹ phải đặc biệt lưu ý vì khi thời tiết trở lạnh cũng là lúc các loại vi khuẩn, virus, mầm bệnh phát triển mạnh mẽ và dễ tấn công vào hệ miễn dịch non yếu của trẻ.
Điều quan trọng nhất cần nhớ khi chăm sóc bé khi trời lạnh là giữ ấm cơ thể cho trẻ. Mẹ nên mặc cho bé các bộ quần áo liền khi ở nhà để giúp bé che kín toàn thân, nếu cho trẻ ra ngoài, mẹ cần mặc thêm áo ấm, đội mũ, quàng khăn, che kín tay chân cho trẻ.
Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh vào mùa đông tốt nhất là mặc quần áo dài và giữ nhiệt độ phòng hợp lý cho trẻ.
Nhiệt độ phòng mùa đông cho trẻ sơ sinh cũng là điều mẹ cần lưu ý. Khi thời tiết trở lạnh thì nhiệt độ trong nhà cũng giảm xuống, vì thế mẹ nên giữ phòng kín gió và sử dụng máy sưởi, điều hòa ấm để giữ nhiệt độ phòng cho trẻ ở mức hợp lý.
Tuy nhiên mẹ cần để ý khoảng cách giữa bé và nguồn nhiệt cũng như cung cấp đủ độ ẩm cho phòng.
Ngoài ra, còn có những việc làm quan trọng khác bố mẹ nên làm để giúp con khỏe mạnh trong suốt mùa đông, mời bố mẹ tham khảo thêm trong bài viết Mùa đông chăm sóc thế nào để trẻ sơ sinh không bị ốm.
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo