Thật khó chịu khi chứng kiến con yêu lần đầu tiên bị cảm lạnh. Bé sẽ không thoải mái chút nào vì bị ngạt mũi và có thể không chịu bú sữa. Nhưng cha mẹ có thể giúp làm để giảm bớt sự khó chịu cho con mình.
Hiện tượng này được gọi là cảm lạnh thông thường vì đây là bệnh rất phổ biến. Con yêu có thể bị cảm lạnh đến bảy lần hoặc hơn thế trước khi bé tròn 1 tuổi.
Hiện tượng này có thể xuất hiện nhanh chóng và các triệu chứng thường ở mức tồi tệ nhất trong hai hoặc ba ngày đầu tiên.
Sổ mũi, ngứa họng, nghẹt mũi và hắt hơi là những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị cảm dễ thấy
Cảm lạnh có xu hướng tồn tại ở trẻ nhỏ lâu hơn so với người lớn, nhưng các triệu chứng của con sẽ hết trong vòng khoảng hai tuần, ho nhẹ thì có thể kéo dài đến ba tuần.
Đây không phải là một căn bệnh nghiêm trọng, nhưng sẽ phải tốn rất nhiều khăn giấy cùng một vài đêm dài khó ngủ cho cả gia đình đấy ba mẹ ạ.
Nguyên nhân gây cảm lạnh?
Cảm lạnh là sự nhiễm trùng miệng, mũi và cổ họng (đường hô hấp trên), nó có thể được gây ra bởi một trong nhiều loại virus khác nhau. Trẻ có xu hướng bị cảm lạnh nhiều vì hệ thống miễn dịch của bé vẫn đang phát triển.
Cảm lạnh có thể lây lan khi người bị hắt hơi hoặc ho truyền virus vào không khí và người khác hít phải. Cảm lạnh cũng lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt là tiếp xúc bằng tay. Vì vậy, hãy luôn luôn che miệng khi bạn ho, và rửa tay sau khi xì mũi xong nhé.
Nếu đang chơi đùa cùng một em bé khác bị cảm lạnh thì hãy tránh dùng chung đồ chơi, điều này sẽ giúp ngăn ngừa virus cảm lạnh.
Các chuyên gia không thực sự chắc chắn tại sao cảm lạnh lại phổ biến hơn nhiều vào mùa đông so với mùa hè.
Một giả thuyết cho rằng, trời lạnh và việc hít thở không khí lạnh sẽ khiến cho bệnh cảm lạnh thông thường dễ phát triển hơn, nhưng chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chắc chắn về điều đó.
Cảm lạnh ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
Nếu em bé nhà bạn bị cảm lạnh thông thường, ba mẹ có thể nhận thấy một số triệu chứng sau:
- Bồn chồn và khó chịu
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Hắt xì
- Ho
- Sốt
Con có thể bị khó thở nếu bé bị nghẹt mũi, vì vậy việc cho ăn sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu trẻ đã bắt đầu có thể ngoan ngoãn ngủ xuyên đêm thì việc con bị cảm lạnh sẽ khiến các mẹ được nhắc nhở về những tuần đầu tiên của bé đấy, bởi con có thể thức dậy nhiều lần vì bị khó thở.
Hãy âu yếm thật nhiều để giúp con cảm thấy tốt hơn nhé.
Đôi khi, một cơn ho tồi tệ có thể khiến em bé bị nôn. Mặc dù điều này có thể gây khó chịu nhưng không có gì phải lo lắng cả.
Trong trường hợp hiện tượng này xảy ra thường xuyên, hoặc nếu các mẹ có bất kỳ lo ngại nào về điều này hay những triệu chứng khác, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe của mình.
Làm thế nào để điều trị cảm lạnh?
Không có cách chữa trị bệnh cảm lạnh thông thường, nhưng bệnh sẽ tự khỏi sau vài tuần. Trong khi đó, có một số điều các bậc cha mẹ có thể làm để giảm bớt sự khó chịu của bé:
- Nghỉ ngơi theo nhu cầu của con.
- Cho con ngồi thẳng khi có thể, vì điều này giúp bé dễ thở hơn.
- Cho bé ăn thêm sữa mẹ để giữ nước. Trong trường hợp con được nuôi bằng sữa bột, hãy cho bé uống thêm nước - chỉ cần đảm bảo đun sôi nước và để nguội nếu trẻ dưới sáu tháng tuổi.
- Sử dụng thuốc Paracetamol và Ibuprofen cho trẻ sơ sinh có thể giúp giảm sốt và các cơn đau. Các mẹ có thể cho con uống Paracetamol từ hai tháng tuổi nếu bé chào đời sau 37 tuần và nặng hơn 4kg, Ibuprofen được dùng cho trẻ ba tháng tuổi trở lên và nặng ít nhất 5kg. Hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ nếu không chắc chắn về liều lượng chính xác để cung cấp cho bé nhé.
Bé bị cảm lạnh sổ mũi cần được ăn đủ và nghỉ ngơi nhiều hơn
- Em bé còn quá nhỏ để tự xì mũi, vì vậy ba mẹ hãy giúp con dễ thở hơn bằng cách lau mũi cho bé. Nếu trẻ gặp khó khăn khi bú vì bị nghẹt mũi, nước muối vô trùng có thể giúp thông mũi đấy. Các mẹ có thể mua những thứ này ở hiệu thuốc ngay gần nhà, nhỏ một hoặc hai giọt vào mỗi bên mũi của trẻ 15 phút trước khi cho ăn.
- Dầu thoa VapoRub có thể giúp bé dễ thở hơn. Ba mẹ có thể mua từ hiệu thuốc nhưng hãy tuân theo các nguyên tắc về độ tuổi của nhà sản xuất vì chúng thường chỉ phù hợp với trẻ em từ ba tháng tuổi trở lên. Xoa dầu vào ngực và lưng của con nhưng đừng xoa vào mũi của bé nhé, vì điều này không an toàn và khiến con bị khó chịu.
- Nếu vùng da quanh mũi của bé bắt đầu bị rát, bạn có thể thoa một ít sáp dầu dưỡng ẩm để làm dịu và bảo vệ mũi bé. Tuy nhiên, hãy thoa ít thôi nhé để tránh cho con không hít vào hoặc ăn phải nó.
- Hít thở bằng hơi nước có thể giúp nới lỏng đường thở bị tắc nghẽn của trẻ và giảm ho. Các mẹ có thể thử ngồi ở phòng tắm trong vài phút, bật vòi sen trong khi bế bé, nhưng đừng để con quá gần nước nóng, vì nó có thể làm bé bị bỏng đấy.
Đừng cho con uống bất kỳ loại thuốc ho và thuốc cảm lạnh không kê đơn nào. Chúng không phù hợp với trẻ em dưới bảy tuổi vì nguy cơ gây tác dụng phụ, và có rất ít bằng chứng cho thấy thuốc có tác dụng.
Ngoài ra, hãy tránh các cách chữa cảm cúm cho trẻ sơ sinh tại nhà bằng mật ong vì chúng không an toàn cho trẻ dưới một tuổi đâu ba mẹ nhé.
Khi nào nên đưa bé đi khám?
Các mẹ nên thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của bé với chuyên gia y tế hoặc đưa con đến khám bác sĩ nếu có bất kỳ mối băn khoăn nào.
Nếu không có vấn đề gì, họ có thể giúp trấn an và cung cấp cho ba mẹ nhiều lời khuyên hữu ích hơn để chăm sóc em bé tại nhà đấy.
Khi trẻ bị cảm lạnh, ba mẹ nên đưa con đến bác sĩ nếu:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt từ 38 độ C trở lên, hoặc trẻ từ 3-6 tháng tuổi với nhiệt độ từ 39 độ C trở lên.
- Các triệu chứng của trẻ dần trở nên tồi tệ hơn sau khoảng năm ngày.
- Bé đã bị ho trong ba hoặc bốn tuần.
- Con thường xoa tai và có vẻ cáu kỉnh, điều này có thể là dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa.
- Con đại tiện ra phân màu xanh lá cây hoặc nâu vàng từ 10 ngày trở lên.
Nếu tại bất kỳ thời điểm nào, con nhỏ của bạn dường như khó thở, hãy lập tức đưa bé đến thẳng bệnh viện gần nhà nhất.
Làm thế nào để phòng tránh cảm lạnh cho trẻ?
Nếu các mẹ đang cho con bú, hãy cố gắng tiếp tục vì đây là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bé. Nó truyền kháng thể cho con yêu và giúp con chống lại cảm lạnh các bệnh nhiễm trùng khác.
Sữa mẹ là thuốc kháng sinh rất tốt giúp phòng tránh nhiều bệnh tật cho con yêu của ba mẹ
Ba mẹ cũng có thể bảo vệ trẻ bằng cách cố gắng để con tránh xa những người bị ho hay cảm lạnh, hoặc yêu cầu họ rửa tay kỹ trước khi bế bé.
Khi bé bị cảm lạnh, hãy đảm bảo mọi người trong gia đình thường xuyên rửa tay để giảm thiểu nguy cơ lây lan.
Thật không vui chút nào khi phải thấy con trẻ bị khó chịu vì thay đổi thời tiết, nhưng một vài cái ôm ấm áp từ cha mẹ và được nghỉ ngơi nhiều sẽ giúp con nhanh chóng khỏe mạnh bình thường trở lại đấy.
Nguồn: Babycenter
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo