Sức khỏe tai, mắt ở trẻ sơ sinh - Một số vấn đề mẹ cần quan tâm

đăng bởi

Các vấn đề về tai, mắt của trẻ không chỉ đơn thuần là vấn đề sức khỏe mà còn có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến hai giác quan quan trọng là thính giác và thị giác của trẻ. Vì thế bố mẹ cần trang bị kiến thức, kĩ năng để giúp con bảo vệ thật tốt hai cơ quan này.

Các vấn đề về tai, mắt có thể ảnh hưởng đến thị giác, thính giác của trẻ.

Mời bố mẹ cũng POH tìm hiểu về sức khỏe tai, mắt của trẻ sơ sinh, cách chăm sóc và đối phó với các vấn đề sức khỏe thường gặp ở hai cơ quan này nhé!

Sức khỏe đôi tai ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tai

Tình trạng nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh xảy ra rất phổ biến, nhất là trong độ tuổi từ 6 đến 15 tháng tuổi. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, trẻ bị nhiễm trùng tai có nguy cơ mất thính lực hoặc điếc vĩnh viễn.

Bệnh này khiến trẻ đau nhức và nếu trẻ biết nói, sẽ rất dễ dàng để con nói cho mẹ biết là con cảm thấy đau tai, nhưng đối với trẻ sơ sinh chưa biết nói thì mẹ cần biết cách quan sát các dấu hiệu nhiễm trùng tai ở trẻ.

Dấu hiệu nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh là sốt cao, bỏ ăn, khó ngủ, nôn mửa, giảm nhạy cảm với âm thanh hơn bình thường. Đôi khi mẹ có thể thấy con hay cho tay lên tai hoặc ôm đầu kèm với các dấu hiệu trên.

Nếu trẻ sơ sinh bị chảy nước vàng ở tai hoặc mẹ ngửi thấy trong tai con có mùi khó chịu thì rất có thể bệnh của con đã trở nặng. Mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.


Nhiễm trùng tai ngoài ở trẻ sơ sinh tại vành tai và ống tai là loại nhiễm trùng tai trẻ dễ mắc phải nhất.

Hai loại nhiễm trùng tai thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh là nhiễm trùng tai ngoài và nhiễm trùng tai giữa, đây là hai bộ phận quan trọng và dễ bị tổn thương nhất ở tai của trẻ.

Nếu trẻ sơ sinh bị chảy máu tai, xước tai vùng tai ngoài (ống tai và vành tai) thì virus, vi khuẩn từ ngoài môi trường sẽ rất dễ xâm nhập vào các vết thương hở này và gây ra tình trạng viêm tai ngoài ở trẻ. Vì thế các mẹ nên hết sức cẩn thận, nhẹ nhàng khi vệ sinh tai cho con.

Trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa thường là do khi con bị cảm lạnh hoặc các bệnh hô hấp khác, chất nhầy ở mũi, họng mang theo virus, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây viêm ở vùng tai giữa của trẻ.

Mời mẹ tìm hiểu thêm về tình trạng bệnh phổ biến này ở trẻ sơ sinh trong bài viết Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tai.

Điều trị nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh

Một số trường hợp viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi sau vài ngày khi được chăm sóc đúng cách, đặc biệt là các trường hợp viêm tai giữa do virus và viêm tai giữa ở trẻ trên 3 tháng tuổi.

Nhưng nếu tai trẻ sơ sinh có dịch vàng, dù con ở bất kì độ tuổi nào, mẹ nên đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám cho con ngay lập tức, tránh các biến chứng đáng tiếc. Tai con chảy dịch vàng có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương màng nhĩ của trẻ.

 

Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Khi chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa, mẹ nên cho con uống đủ sữa và nước, không để nước lọt vào tai trẻ, giữ vệ sinh tai con sạch sẽ, không nhét hoặc bôi thứ gì vào tai con nếu không có sự đồng ý của bác sĩ.

Mẹ cũng có thể hạn chế nguy cơ nhiễm trùng tai giữa ở trẻ bằng cách không cho trẻ vừa nằm vừa ăn mà cho con ăn ở tư thế đứng hoặc ngồi để hạn chế trào ngược thức ăn, không cho con tiếp xúc với thuốc lá và tiêm vắc xin phế cầu khuẩn đầy đủ cho trẻ.

Mời mẹ đọc thêm bài viết Điều trị nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh để hiểu rõ hơn về cách điều trị cũng như chăm sóc khi con bị nhiễm trùng tai.

Trẻ sơ sinh bị viêm tai ngoài

So với viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh thì con dễ mắc bệnh viêm tai ngoài hơn vì vành tai và ống tai của con thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn, virus bên ngoài môi trường. Hai vị trí tai ngoài này cũng dễ bị tổn thương hơn khi bị tác động bởi ngoại lực bên ngoài.

Con cũng có thể dễ mắc bệnh viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh hơn nếu con thường xuyên bị nước vào tai (khi đi bơi hoặc tắm gội), có dị vật ở trong tai, có quá nhiều hoặc ít ráy tai và da ở tai con bị mắc một số bệnh về da như chàm, vẩy nến,...

  

Hình ảnh viêm tai ngoài ở trẻ sơ sinh có thể quan sát từ bên ngoài khi mẹ chăm sóc tai của bé.

Nếu trẻ sơ sinh bị chảy máu tai do bị ngã, bị vật cứng quệt vào hay do chính con cào tai mình thì mẹ cần giữ vệ sinh và che chắn vết thương thật tốt, không để cho virus, vi khuẩn có cơ hội xâm nhập làm viêm tai trẻ.

Mẹ có thể phát hiện con bị viêm tai ngoài bằng cách quan sát vành tai và ống tai của con, nếu phát hiện có mụn, nhọt hoặc tình trạng sưng đau, đỏ da ở tai trẻ thì rất có thể con đang bị viêm tai ngoài.

Trường hợp tai trẻ sơ sinh có mùi hôi hoặc tai trẻ sơ sinh có mủ, chảy dịch là dấu hiệu báo động cho thấy tình trạng viêm tai của con đang diễn biến rất xấu.

Mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám tại bệnh viện để bác sĩ đánh giá tình hình của con và có phương pháp điều trị kịp thời.

Mời mẹ tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết Trẻ sơ sinh bị viêm tai ngoài.

Ráy tai của trẻ sơ sinh: Dấu hiệu bình thường và bất thường

Ráy tai được sinh ra với mục đích để làm sạch và bảo vệ ống tai nhưng đôi khi những bất thường của ráy tai cũng là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề trong tai trẻ. Con có thể có ráy tai ướt hoặc ráy tai khô tùy vào đặc điểm cơ thể của trẻ.

Ráy tai trẻ sơ sinh màu vàng sáng, không có mùi hôi là tình trạng bình thường. Đối với các bé ráy tai ướt, mẹ có thể quan sát thấy ráy tai của con giống như một lớp sáp mỏng dính vào ống tai ngoài của trẻ.

Các trẻ ráy tai khô thì mẹ có thể thấy các đám ráy tai nhỏ trong lỗ tai của trẻ.

Nếu phát hiện ráy tai có mùi hôi ở trẻ sơ sinh thì rất có thể con đang bị viêm tai, mẹ cần quan sát kĩ các dấu hiệu khác của con như sốt cao, bỏ ăn, khó ngủ, nghe không rõ,...

Tốt nhất, mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để biết cách chăm sóc cũng như là điều trị kịp thời cho con.

 

Dụng cụ lấy ráy tai cho bé cần đảm bảo vệ sinh và an toàn với đôi tai non nớt của con.

Nhiều mẹ lầm tưởng ráy tai là chất bẩn là cố gắng lấy ráy tai liên tục cho trẻ, nhưng thực tế ráy tai là chất bảo vệ tai trẻ khỏi bụi, nước và các yếu tố khác. Vì thế mẹ không cần phải thường xuyên lấy ráy tai cho con mà chỉ nên lấy khi ráy tai gây ra các vấn đề bất tiện cho bé.

Cách lấy ráy tai cho bé không đau, an toàn đối với các bé ráy tai ướt rất đơn giản. Mẹ chỉ cần lấy một chiếc khăn xô mềm mịn và lau nhẹ nhàng ráy tai cho bé. Mẹ chú ý không nên chọc sâu vào bên trong mà chỉ lau ráy tai ở ngay bên ngoài lỗ tai của trẻ mà thôi.

Cách lấy ráy tai khô cho em bé để đảm bảo an toàn và khiến con không bị đau, khó chịu thì có thể sẽ phức tạp hơn một chút.

Mẹ có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý hoặc các dung dịch nhỏ tai được bác sĩ khuyên dùng để giúp ráy tai của con mềm hơn và được đẩy ra ngoài dễ dàng hơn. Sau khi ráy tai được đẩy ra ngoài, mẹ lấy khăn mềm lau sạch cho con là xong.

Ngoài ra, mẹ cũng nên nhẹ nhàng lau vành tai ngoài và phía sau tai của trẻ để giúp con giữ vệ sinh tai tốt hơn.

Mời mẹ đọc thêm về vấn đề này tại bài viết Ráy tai của trẻ sơ sinh: Dấu hiệu bình thường và bất thường.

Sức khỏe đôi mắt ở trẻ sơ sinh

Mọc lẹo và các vấn đề về mắt ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị mọc mụn ở mí mắt có thể là dấu hiệu cho thấy mí mắt của con đang bị vi khuẩn tấn công. Các vết mụn sưng đỏ, sờ vào thấy hơi cứng, có thể mọc ở mí mắt trên hoặc mí mắt dưới của trẻ còn được dân gian gọi là lẹo mắt.

Cách chữa lẹo mắt ở trẻ sơ sinh đơn giản và có thể thực hiện tại nhà. Đầu tiên mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ vùng mí mắt cho trẻ, sau đó hàng ngày dùng bông sạch nhúng nước ấm áp lên mí mắt của trẻ một vài lần để giúp vết lẹo nhanh lành.

 

Mí mắt trẻ sơ sinh bị sưng đỏ có thể là dấu hiệu con bị mọc lẹo ở mắt.

Nếu tình trạng mọc lẹo ở trẻ sơ sinh không cải thiện sau vài ngày chăm sóc tại nhà hoặc con xuất hiện các dấu hiệu khác như sốt cao, mọc lẹo mới liên tục bao quanh mí mắt thì mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.

Trường hợp xuất hiện mụn nước ở mí mắt trẻ sơ sinh kèm theo mí mắt sưng đỏ có thể là dấu hiệu cho thấy con đang bị viêm bờ mi. Mẹ nên giữ vệ sinh mắt cho trẻ và có thể dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ để giúp con nhanh hết viêm và dễ chịu hơn.

Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp rất nhiều vấn đề về mắt khác, mời mẹ tìm hiểu thêm trong bài viết Mọc lẹo và các vấn đề về mắt ở trẻ sơ sinh.

Bệnh đau mắt đỏ - viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

Mắt trẻ sơ sinh có vệt đỏ ở lòng trắng chưa chắc đã là dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ mà đó có thể là do con vừa dụi mắt hoặc có bụi rơi vào mắt trẻ.

Nhưng nếu lòng trắng trong mắt con đỏ lên kèm theo một số dấu hiệu sau thì rất có thể con đang bị đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc.

Bé đau mắt đỏ sưng húp mí mắt trên và mí mắt dưới, mắt đỏ nhiều, nhạy cảm, chảy nhiều nước mắt, có nhiều gỉ mắt hoặc mủ. Bé có thể mắc bệnh do nhiễm vi khuẩn, virus từ âm đạo của mẹ trong quá trình chuyển dạ hoặc từ môi trường bên ngoài,...

 

Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm cho thị lực của trẻ không?

Cách chữa viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh được quyết định tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh của trẻ.

Nếu bé bị viêm kết mạc do virus thì bệnh có thể tự khỏi khi con được chăm sóc và giữ vệ sinh mắt đúng cách. Đối với trường hợp bệnh do vi khuẩn gây ra, con có thể sẽ được điều trị bằng kháng sinh.

Vậy viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi? Đối với các trường hợp bệnh không quá nghiêm trọng, con có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần khi được chăm sóc và điều trị.

Mời mẹ đọc bài viết Bệnh đau mắt đỏ - viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh để biết thêm thông tin về các nguyên nhân gây bệnh khác cũng như các cách điều trị khi trẻ bị đau mắt đỏ.

Bệnh lác và nhược thị ở trẻ

Bệnh lác ở trẻ

Nhiều mẹ sốt sắng tìm hiểu cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh vì thấy hai mắt của con thường xuyên nhìn về hai hướng khác nhau.

Thế nhưng hiện tượng lác ở trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi không phải là bệnh lý mà do hệ thần kinh điều khiển mắt của con chưa hoàn thiện nên sự phối hợp hai mắt chưa được thuần thục.

Tật lác ở trẻ sơ sinh sẽ được cải thiện và mắt con sẽ dần bình thường từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 trở đi, khi hệ thần kinh của con phát triển đầy đủ hơn.


Hai mắt không cùng nhìn về một hướng là hiện tượng thường gặp ở trẻ dưới 4 tháng tuổi.

Đối với trẻ lớn hơn, mẹ có thể phát hiện mắt con bị lác khi hai mắt con không cùng nhìn vào một vật mà lệch về hai hướng khác nhau. Trẻ bị lác mắt cần phải được chữa trị, nếu không một trong hai mắt của con dần dần sẽ bị suy giảm thị lực, dẫn đến tình trạng nhược thị.

Nhược thị ở trẻ em là gì?

Nhược thị ở trẻ, hay còn gọi là bệnh mắt lười, là tình trạng giảm thị lực ở một bên mắt. Nguyên nhân gây ra nhược thị có thể do bẩm sinh, lác mắt, cận thị, viễn thị, loạn thị hoặc do một bên mắt bị bệnh ảnh hưởng đến thị lực.


Nhược thị bẩm sinh có chữa được không?

Nhược thị cần được điều trị càng sớm càng tốt, điều trị càng muộn thì khả năng hồi phục thị lực của mắt càng thấp. Mắt bị nhược thị thậm chí có thể bị mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

Mẹ có thể áp dụng cách điều trị nhược thị tại nhà cho trẻ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc phối hợp điều trị tại nhà và điều trị tại bệnh viện sẽ giúp thị lực của con hồi phục tốt hơn.

Để hiểu thêm về tình trạng lác và nhược thị ở trẻ cũng như cách phát hiện, chăm sóc con khi con bị bệnh, mời bố mẹ đọc thêm trong bài viết Bệnh lác và nhược thị ở trẻ.

Nhận biết dấu hiệu cho thấy các vấn đề về thị lực của trẻ

Trẻ nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi nhìn một vật, thường xuyên dụi mắt cả khi không buồn ngủ, nhạy cảm với ánh sáng hoặc lòng đen hai mắt của con có kích cỡ khác nhau rất có thể là dấu hiệu cho thấy mắt con đang gặp một vấn đề gì đó.

Mẹ có thể áp dụng cách kiểm tra mắt cho bé tại nhà trước khi đưa con đến phòng khám nhãn khoa bằng cách dùng điện thoại bật chế độ ánh sáng flash chụp hình mặt con khi trẻ đang mở mắt.


Việc kiểm tra thị lực cho bé nên được thực hiện thường xuyên tại các cơ sở nhãn khoa uy tín.

Thông thường khi được chụp như vậy, trong mắt sẽ hiện lên đốm sáng màu đỏ, nếu mắt con có các màu ánh sáng bất thường khác thì rất có thể con đang gặp vấn đề về thị lực. Mẹ nên cho con đi kiểm tra thị lực để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Dấu hiệu cận thị ở trẻ em là dấu hiệu dễ nhận biết so với các tật khúc xạ khác như viễn thị, loạn thị,...

Khi bị cận thị, con thường phải tiến sát đến vật hoặc nheo mắt, nghiêng đầu để nhìn rõ các vật ở xa. Mẹ cũng có thể thấy con chớp mắt liên tục hay thường xuyên dụi mắt nếu con bị cận thị.

Mời mẹ tham khảo thêm về các dấu hiệu khác trong bài viết Nhận biết dấu hiệu cho thấy các vấn đề thị lực của trẻ.

Khám mắt cho bé

Mẹ có thể cho con đến viện mắt trẻ em hoặc các viện mắt uy tín để kiểm tra thị lực và sức khỏe của mắt nếu nghi ngờ mắt của con đang gặp phải vấn đề nào đó.

Mẹ lưu ý không nên cho bé đi khám tại các cơ sở không có bác sĩ nhãn khoa hay không có trang thiết bị khám chuẩn.

Mời mẹ đọc thêm bài viết Khám mắt cho bé để hiểu rõ hơn về quy trình khám mắt của trẻ.

Kiểm tra mắt cho bé ở đâu là vấn đề được bố mẹ quan tâm khi phát hiện con có vấn đề về thị lực.

Địa chỉ khám mắt cho bé tại Hà Nội được các mẹ tin tưởng nhất là Bệnh viện Mắt Trung Ương tại địa chỉ 85 Bà Triệu.

Nếu đưa con đến khám tại đây, các mẹ lưu ý nên đi sớm và vào thẳng quầy tiếp đón của bệnh viện để hỏi thông tin và đăng kí khám chứ không nên nghe theo lời chỉ dẫn của những người bên ngoài cổng bệnh viện.Nếu không khám mắt cho bé ở viện Mắt Trung Ương, mẹ có thể tham khảo một số bệnh viện mắt uy tín khác hoặc khoa Mắt của một số bệnh viện lớn như BV Bạch Mai, BV 108...

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo