Những biến chứng trong chuyển dạ và sinh đẻ

đăng bởi

Càng gần đến ngày dự sinh, các mẹ càng lo lắng nhiều đến an toàn của hai mẹ con trong thời gian chuyển dạ sinh nở vì quá trình này tiềm ẩn rất nhiều biến chứng khó lường. Tai biến trong sản khoa cũng được các bác sĩ đánh giá là nguy hiểm và không thể coi thường.

Tai biến sản khoa bao gồm cả những tai biến sau khi sinh và tai biến xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Các tai biến thường gặp nhất là vỡ tử cung, tiền sản giật, băng huyết sau khi sinh, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn hậu sản,...

 

Mẹ tròn con vuông là mong muốn của tất cả các mẹ khi sinh con.

Nguy cơ tai biến sản phụ sau sinh như băng huyết, nhiễm trùng hậu sản có thể kéo dài tới 6 tuần sau khi sinh con, vì thế mẹ bầu nên được chăm sóc, vệ sinh và theo dõi sức khỏe thật cẩn thận.

Chuẩn bị kiến thức và tâm lý kĩ càng khi chuyển dạ, sinh con là cách hữu ích giúp mẹ có thể tự tin, chủ động và phối hợp cùng bác sĩ thật tốt để hạn chế nguy cơ biến chứng, tai biến trong chuyển dạ và sinh đẻ.

Vậy POH mời mẹ đọc và tìm hiểu thông tin về chuyển dạ trong bài viết dưới đây nhé!

10 cách giúp mẹ bầu sinh nở dễ dàng hơn

Không phải mẹ bầu muốn sinh thường là sẽ được sinh thường mà điều này còn tùy thuộc vào ngôi thai, tình trạng sức khỏe của mẹ, tình trạng sức khỏe của thai nhi khi mẹ chuyển dạ, độ mở của cửa tử cung và rất nhiều yếu tố khác nữa. 

Có nhiều mẹ có đầy đủ điều kiện để sinh thường nhưng cổ tử cung không mở đủ để có thể sinh con bằng phương pháp thông thường thì mẹ vẫn có thể sẽ phải sinh mổ.

Thế mẹ nên làm gì để tử cung mở nhanh? Cổ tử cung của mẹ có thể kích thích mở nhanh hơn nếu mẹ chịu khó di chuyển nhẹ nhàng, ngồi trên bóng sinh hoặc thực hiện một số động tác khác.

Mẹ không nên uống nước lá tía tô, nước dứa ép hay làm một số cách dân gian nếu không có sự đồng ý của bác sĩ.

Mẹ có thể tập cách sinh con nhanh ngay từ trong thai kỳ với các bài tập thể dục hoặc yoga nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe.

Một cách để nhanh chuyển dạ khác mà mẹ có thể áp dụng đó là giữ tinh thần thoải mái, thư giãn bằng cách nghe nhạc, hít thở sâu, massage nhẹ nhàng hoặc thiền.

Khi mẹ thoải mái, hormone oxytocin - loại hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dạ sẽ được cơ thể giải phóng nhiều hơn và giúp mẹ chuyển dạ thuận lợi hơn.

Nếu mẹ đang tìm kiếm cách đẻ thường không bị rạch tầng sinh môn thì mẹ có thể thử massage vị trí này một đến hai lần một tuần trong những tuần cuối cùng và tập bài tập kegel thường xuyên trong suốt thai kỳ. Điều này sẽ giúp cơ sàn chậu của mẹ khỏe và linh hoạt hơn khi sinh con.

Ngoài ra, các mẹ muốn sinh thường có thể tham khảo thêm cách cách khác tại bài viết 10 cách giúp mẹ bầu sinh nở dễ dàng hơn.

Thai ngôi mông

Đến những tháng cuối cùng của thai kỳ, các bé thường sẽ quay dần đầu xuống bên dưới đáy xương chậu của mẹ, vị trí này của con được gọi là thai ngôi đầu - ngôi thai thuận lợi nhất trong quá trình sinh nở.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thai 36 tuần chưa quay đầu, lúc này bác sĩ có thể sẽ đề nghị xoay ngôi thai từ bên ngoài cho bé nếu mẹ đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên phương pháp này có thể dẫn đến một số rủi ro nhất định, vì thế mẹ nên cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định.

Có rất nhiều yếu tố khiến ngôi thai bị ngược, ví dụ như do mẹ mang song thai, đa thai nên các con không có đủ không gian để quay đầu, mẹ có quá nhiều hoặc quá ít nước ối khiến con khó di chuyển hoặc do con chưa đủ ngày đủ tháng để xoay đầu về vị trí thuận,...

Những ngôi thai không thuận có thể là thai ngôi mông, ngôi vai hoặc ngôi xiên,... Trong đó thai ngôi mông là vị trí thường gặp hơn cả. Nếu ở vị trí này thì đầu của thai nhi sẽ hướng lên phía trên, trong khi mông lại hướng về phía đường sinh.

Bác sĩ có thể giúp mẹ xoay ngôi thai của con từ bên ngoài để con trở về ngôi thai thuận lợi cho việc sinh nở.

Vậy thai nhi ngôi mông có nguy hiểm không? Nếu sinh thường, thì mông và chân của con sẽ ra trước, vì thế nên đầu của bé có thể bị mắc lại, khiến quá trình chuyển dạ kéo dài và gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con.

Vì thế các mẹ có thai ngôi mông thường lựa chọn sinh mổ, tuy nhiên vẫn có trường hợp mẹ mang thai ngôi mông có thể sinh thường con an toàn.

Mẹ nên trao đổi kĩ về việc sinh thường hay sinh mổ ngôi mông với các bác sĩ trước khi chuyển dạ. Các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe, tiền sử thai kỳ, vị trí của thai nhi và các yếu tố khác để đưa ra lời khuyên và chỉ định an toàn, có lợi nhất cho cả hai mẹ con.

Mời mẹ tìm hiểu thêm về thai ngôi mông cũng như kỹ thuật xoay ngôi thai từ bên ngoài và các cách giúp con quay đầu dễ dàng hơn trong bài viết Thai ngôi mông của POH nhé!

Những điều cần biết về phẫu thuật tầng sinh môn

Phẫu thuật tầng sinh môn là gì?

Tầng sinh môn là vùng cơ giữa âm đạo và hậu môn có nhiệm vụ quan trọng đó là bảo vệ và nâng đỡ các cơ quan vùng đáy chậu như âm đạo, trực tràng, bàng quang, tử cung,... Đây cũng là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong đời sống tình dục của các mẹ.

Khi mẹ sinh con, tầng sinh môn sẽ giãn nở để con được sinh ra, vì vậy nếu tầng sinh môn của mẹ mở không đủ kích thước thì khi sinh thường mẹ dễ bị rách tầng sinh môn hoặc các bác sĩ có thể chủ động cắt tầng sinh môn của mẹ để giúp em bé chào đời nhanh chóng và dễ dàng hơn.
 

Các mẹ sinh thường có thể sẽ phải rạch tầng sinh môn khi chuyển dạ.

Những trường hợp đẻ thường rạch tầng sinh môn có thể là do nhịp tim thai không ổn định vào những phút cuối nên bác sĩ cần đẩy nhanh quá trình sinh nở của mẹ để con được sinh ra càng nhanh càng tốt.

Nếu phải phẫu thuật tầng sinh môn khi sinh con thì mẹ sẽ cần một thời gian để cơ thể làm lành vết thương. Tuy nhiên ngay cả khi đã lành lại thì phẫu thuật này vẫn có thể ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tình dục sau này của mẹ.

Chăm sóc sau phẫu thuật tầng sinh môn

Mẹ có thể sẽ phải chịu đựng vết khâu tầng sinh môn bị sưng, đau rát trong khoảng vài tuần sau khi sinh con. Việc tiểu tiện, đi lại của mẹ cũng sẽ gặp khó khăn vì tổn thương tầng sinh môn. Trong giai đoạn này, nếu mẹ không chăm sóc, vệ sinh cẩn thận thì vết thương rất dễ bị rách, bục chỉ, hoặc thậm chí là nhiễm trùng.

Nếu vết khâu tầng sinh môn có mủ, ngứa, đau bất thường, có mùi hôi và mẹ có một số biểu hiện như sốt, ớn lạnh, đau bụng dưới,... thì mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra vết khâu ngay vì rất có thể vết khâu tầng sinh môn của mẹ đang bị nhiễm trùng nghiêm trọng.

Tìm hiểu kĩ về phẫu thuật tầng sinh môn khi sinh con là điều rất cần thiết đối với mẹ bầu, vì thế nên POH mời mẹ đọc thêm thông tin về vấn đề này tại bài viết Những điều cần biết về phẫu thuật tầng sinh môn.

Kích thích chuyển dạ

Trong nhiều trường hợp, ví dụ như quá ngày dự sinh hoặc mẹ đã bị vỡ ối nhưng vẫn chưa có các cơn co thắt chuyển dạ, mẹ sẽ được các bác sĩ chỉ định kích thích chuyển dạ bằng thuốc hoặc bằng một số kỹ thuật khác.

Các cách kích thích chuyển dạ khi quá ngày dự sinh thường được thực hiện nếu đã quá ngày dự sinh một đến hai tuần mà mẹ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ vì lúc này chức năng nhau thai đang dần kém hiệu quả, làm tăng nguy cơ thai lưu và một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh.

 

Có nên kích thích chuyển dạ khi đã quá ngày dự sinh hay không?

Và dù kích thích chuyển dạ bằng thuốc hay bằng các phương pháp khác thì mẹ đều nên thực hiện dưới sự chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa chứ không nên tự ý thực hiện tại nhà.

Ngay cả việc quan hệ kích thích chuyển dạ cũng vậy, mặc dù đây là việc riêng tư của hai vợ chồng nhưng mẹ cũng đừng ngại mà hỏi ý kiến bác sĩ xem tình trạng thai kỳ của mẹ có nên thực hiện không và thực hiện vào thời điểm nào thì có hiệu quả.

Bác sĩ cũng có thể hướng dẫn thêm cho mẹ một số bài tập giúp nhanh chuyển dạ mà mẹ có thể tập luyện khi gần đến ngày dự sinh.

Mời mẹ tham khảo thêm về việc kích thích chuyển dạ bằng thuốc cũng như những thông tin quan trọng khác về vấn đề này trong bài viết Kích thích chuyển dạ.

Dụng cụ hỗ trợ sinh – kẹp forcep và giác hút ventouse

Bên cạnh bộ dụng cụ đỡ đẻ thường được sử dụng khi chuyển dạ, các mẹ khi sinh thường có thể sẽ cần đến sự hỗ trợ của hai dụng cụ khác, đó là kẹp forcep và giác hút ventouse.

Phương pháp đẻ forceps

Kẹp forceps là một dụng cụ hỗ trợ sinh thường có cấu tạo giống như một chiếc kẹp lớn. Khi sử dụng, bác sĩ sẽ đưa kẹp forceps vào âm đạo của mẹ và ôm lấy đầu của thai nhi, sau đó bác sĩ sẽ dùng một lực nhẹ nhàng, vừa đủ để kéo nhẹ nhàng đầu em bé ra ngoài.

Các mẹ có nguy cơ dùng kẹp forceps khi sinh thường là các mẹ sinh khó, thời gian chuyển dạ quá dài, mẹ mất sức không thể rặn đẻ, khung chậu nhỏ,... và với các trường hợp đầu thai nhi quá to so với khung xương chậu của mẹ, thai nhi có trọng lượng lớn hoặc ngôi thai không thuận lợi,...

Trong nhiều ca sinh thường, các bác sĩ có thể sẽ phải sử dụng kẹp forceps để giúp mẹ trong quá trình sinh con.

Sử dụng kẹp forceps để hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ có thể giúp ích rất nhiều trong việc đảm bảo an toàn của cả hai mẹ con, tuy nhiên phương pháp này cũng tiềm ẩn một số nguy cơ. Ví dụ như nguy cơ rách âm đạo, mất máu, rách cổ tử cung,...

Những trẻ được đỡ đẻ forceps có nguy cơ xây xát, biến dạng đầu, tổn thương hộp sọ, ảnh hưởng đến thần kinh,... Dù những nguy cơ này rất hiếm nhưng mẹ cũng nên bàn bạc với bác sĩ và cân nhắc thật kĩ về tất cả các trường hợp có thể xảy ra khi mẹ chuyển dạ.

Hỗ trợ sinh bằng giác hút sản khoa (ventouse)

Giác hút sản khoa là một dụng cụ hút chân không có cấu tạo giống như một chiếc ly có đế dài. Dụng cụ này thường được sử dụng bằng cách đưa vào bên trong âm đạo của mẹ, ôm lấy đầu của con và hút với một lực vừa đủ cùng lúc với đợt rặn đẻ của mẹ để đưa đầu bé ra ngoài dễ dàng hơn.

Giác hút sản khoa có hình dạng giống như chiếc ly và được sử dụng để hỗ trợ mẹ trong quá trình chuyển dạ sinh thường.

Liệu sinh hút có ảnh hưởng đến em bé hay không? Nhiều ý kiến cho rằng bé được hỗ trợ sinh bằng giác hút sản khoa sẽ có ít nguy cơ rủi ro hơn so với các bé phải sử dụng kẹp forceps. 

Tuy nhiên giác hút sản khoa lại có tác dụng hỗ trợ kém hơn và nhiều trường hợp mẹ vẫn cần sử dụng kẹp forceps khi giác hút không có tác dụng.

Mời mẹ tìm hiểu thêm về hai dụng cụ hỗ trợ sinh thường này tại bài viết Dụng cụ hỗ trợ sinh - kẹp forcep và giác hút ventouse của POH nhé!

Quá trình chuyển dạ kéo dài bao lâu?

Quá trình chuyển dạ bình thường được chia thành ba giai đoạn, đó là giai đoạn tiền chuyển dạ (gồm 2 giai đoạn nhỏ là chuyển dạ sớm và chuyển dạ tích cực), giai đoạn rặn đẻ và giai đoạn sổ rau. Trong ba giai đoạn này thì giai đoạn tiền chuyển dạ thường là giai đoạn diễn ra lâu nhất.

Đối với quá trình chuyển dạ con so, giai đoạn tiền chuyển dạ có thể kéo dài tới 16 đến 18 tiếng. Giai đoạn này ở các mẹ sinh con rạ có thể diễn ra nhanh hơn vì cổ tử cung của mẹ giãn nở dễ dàng hơn.

Các mẹ sinh con đầu có thể thử áp dụng một số cách làm cổ tử cung mở nhanh hơn để rút ngắn giai đoạn tiền chuyển dạ, ví dụ như hạn chế nằm một chỗ, tích cực đi lại nhẹ nhàng, kích thích bầu ngực và núm vú, hoặc sử dụng thuốc kích thích chuyển dạ theo chỉ định của bác sĩ.

 

Thời gian chuyển dạ của các mẹ sinh con đầu lòng thường dài hơn so với các mẹ sinh con rạ.

Khi các cơn gò chuyển dạ xuất hiện với cường độ mạnh mẽ theo chu kỳ từ 2 phút rưỡi đến 3 phút một lần, mỗi lần kéo dài 1 phút hoặc lâu hơn và cổ tử cung của mẹ mở từ 8 đến 10 cm thì mẹ sẽ chuyển sang giai đoạn chuyển dạ tiếp theo, đó là giai đoạn rặn đẻ. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài phút tới vài tiếng đồng hồ.

Sau khi em bé ra đời vài phút, tử cung của mẹ bắt đầu co lại và giai đoạn cuối cùng của quá trình chuyển dạ - giai đoạn sổ rau sẽ bắt đầu và kéo dài khoảng 5 đến 10 phút.

Để hiểu rõ hơn về quá trình chuyển dạ cũng như các cách có thể giúp mẹ rút ngắn thời gian sinh nở, mời mẹ tìm hiểu thêm thông tin tại bài viết Quá trình chuyển dạ kéo dài bao lâu?

Đau đẻ sớm và sinh non

Nếu mẹ sinh con trước tuần thai thứ 37 thì đó được gọi là sinh non. Trẻ sinh non có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, những em bé được sinh ra càng gần ngày dự sinh thì nguy cơ này càng nhỏ và ngược lại, nếu trẻ ra đời quá sớm, các chức năng của cơ thể con chưa hoàn thiện thì khả năng con có thể sống và phát triển bình thường là rất thấp.

Có rất nhiều nguyên nhân sinh non và khoảng 25% các ca sinh non là được lên kế hoạch từ trước do mẹ có biến chứng trong thai kỳ, mắc bệnh hoặc gặp phải một số vấn đề khác. Còn lại phần lớn các ca sinh non là tự phát.

 

Nếu mẹ có dấu hiệu sinh non tuần 33 hoặc bất kì thời điểm nào trong thai kỳ như xuất hiện cơn gò chuyển dạ, bong nút nhầy, rỉ ối, vỡ ối,... thì mẹ nên đến bệnh viện ngay lập tức.

Mẹ có thể sẽ có dấu hiệu đau đẻ sớm nếu mẹ đã có tiền sử sinh non, mang song thai hoặc đa thai, hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích, thường xuyên stress và phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống,... 

Tuy nhiên không phải cứ xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ sớm là mẹ sẽ sinh con ngay. Nhiều trường hợp mẹ có dấu hiệu dọa sinh non nhưng vẫn giữ được con đến tuần thứ 37 hoặc lâu hơn nhờ sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa.

Sinh non chắc chắn là điều mà không mẹ bầu nào mong muốn, vì thế mẹ nên trang bị kiến thức thật kĩ để có thể hạn chế tối đa nguy cơ sinh non cũng như chủ động hơn nếu xuất hiện cơn đau đẻ sớm.

Mời mẹ tham khảo tại bài viết Đau đẻ sớm và sinh non của POH nhé!

Sinh thường sau sinh mổ: Cân nhắc những lợi ích và rủi ro

Nếu mẹ đã từng sinh mổ thì ở lần sinh tiếp theo mẹ có thể sẽ không bắt buộc phải sinh mổ mà còn có thể chọn sinh thường, lựa chọn này còn được gọi là sinh thường sau sinh mổ (VBAC).

Tuy nhiên không phải mẹ nào muốn sinh thường sau 1 lần sinh mổ là đều có thể thực hiện được. Sinh thường sau sinh mổ chỉ nên được thực hiện nếu có sự đồng ý của bác sĩ trong trường hợp sức khỏe của mẹ tốt, vết mổ cũ đã lành hoàn toàn và vết mổ cũ là vết rạch ngang, mẹ mang thai đơn, ngôi thai thuận,...

Về ưu điểm của VABC thì mẹ nào đã sinh thường sau sinh mổ đều có thể nhận thấy, đó là thời gian hồi phục sau khi sinh con nhanh hơn, giảm mất máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng và quan trọng là còn giảm được rủi ro sức khỏe do việc sinh mổ nhiều lần gây ra.

 

Mẹ vẫn có thể lựa chọn sinh thường sau sinh mổ nếu đủ điều kiện sức khỏe và được sự đồng ý của bác sĩ.

Trước khi quyết định có nên VBAC hay không thì mẹ có thể tham khảo thêm kinh nghiệm sinh thường sau sinh mổ trong cộng đồng các mẹ bỉm sữa hoặc xin ý kiến tư vấn từ chính bác sĩ phụ trách thai kỳ của mình.

Mẹ có thể thực hiện vài bí quyết sinh thường sau sinh mổ an toàn và được nhiều mẹ áp dụng thành công đó là kiểm soát cân nặng khi mang thai, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất, thường xuyên tập thể dục phù hợp với sức khỏe và tập kegel hàng ngày.

Những mẹ đang có mong muốn tập 1 sinh mổ tập 2 sinh thường cũng cần lưu ý đến việc chọn nơi để theo dõi, chăm sóc thai kỳ cũng như sinh con vì không phải bệnh viện, cơ sở y tế nào cũng thực hiện sinh thường sau sinh mổ.

Bên cạnh đó, VBAC cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Vậy những rủi ro đó là gì và tỉ lệ thành công của các ca VBAC là bao nhiêu, mời mẹ đọc thêm trong bài viết Sinh thường sau sinh mổ: Cân nhắc những lợi ích và rủi ro.

Sót nhau thai sau sinh điều trị thế nào?

Sót nhau thai sau sinh là hiện tượng bánh nhau không được đẩy ra ngoài hoàn toàn trong giai đoạn cuối cùng của quá trình chuyển dạ khiến một số phần của nhau thai vẫn còn lưu lại trong tử cung của mẹ. Đây là biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của mẹ.

Những mẹ sinh mổ có bị sót nhau không? Mẹ sinh mổ sẽ không phải trải qua giai đoạn sổ nhau như các mẹ đẻ thường mà thay vào đó, bác sĩ sẽ trực tiếp lấy bánh nhau ra khỏi tử cung sau khi em bé đã chào đời. 

Tuy nhiên mẹ vẫn có thể bị sót nhau nếu nhau thai chưa được lấy ra hết và vẫn mắc lại ở tử cung hoặc cổ tử cung.

Trong các dấu hiệu sót nhau sau sinh mổ cũng như sau khi sinh thường thì ra máu bất thường là dấu hiệu thường gặp và quan trọng nhất. Máu có thể ra nhiều, lẫn với sản dịch, có mùi hôi và có cả máu tươi lẫn máu cục.

Sau khi con chào đời và bánh nhau được lấy ra ngoài thì lúc đó mẹ mới hoàn thành xong quá trình chuyển dạ.

Cùng với dấu hiệu ra máu bất thường, mẹ bị sót nhau thai còn có thể bị đau bụng dưới, sốt, hơi thở có mùi hôi, mệt mỏi,... Nếu có các dấu hiệu sót nhau như vậy thì mẹ nên đến bệnh viện để được điều trị, xử lý ngay lập tức.

Có nhiều cách xử lý khi bị sót nhau thai mà các bác sĩ có thể thực hiện sau khi đã siêu âm và chẩn đoán chính xác tình trạng của mẹ.

Mẹ có thể sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc điều trị sót nhau thai và theo dõi vài ngày. Nếu không có tác dụng thì bác sĩ có thể sẽ phải thực hiện thủ thuật giúp mẹ nạo hút hết nhau thai còn sót lại trong buồng tử cung.

Còn rất nhiều thông tin về biến chứng nguy hiểm này đang chờ mẹ tìm hiểu tại bài viết Sót nhau thai sau sinh điều trị như thế nào?, mời mẹ đọc thêm nhé!

Vỡ tử cung là gì?

Nguyên nhân vỡ tử cung khi mang thai phổ biến nhất là do rách vết sẹo ở tử cung của lần sinh mổ hoặc của một cuộc phẫu thuật tử cung nào đó trước đây. Vì thế nên các mẹ có tiền sử sinh mổ thường có nguy cơ bị vỡ tử cung cao hơn các mẹ sinh thường.

Nếu đã có tiền sử sinh mổ thì mẹ nên chú ý đến các dấu hiệu dọa vỡ tử cung có sẹo mổ cũ, ví dụ như đau vết sẹo bất thường, đau bụng dữ dội hoặc chảy máu âm đạo, đặc biệt là đối với các mẹ sinh thường sau sinh mổ.

 

Thai nhi quá to cũng có thể làm tăng nguy cơ vỡ tử cung, đặc biệt là ở các mẹ đã từng sinh mổ hoặc có sẹo ở tử cung.

Ngoài ra, thai phụ vỡ tử cung có thể là do tử cung dị dạng, khung chậu bất thường, do thai nhi quá to hoặc do việc can thiệp thủ thuật hỗ trợ chuyển dạ không đúng cách gây ra,...

Dù nguyên nhân là gì thì ngay khi có dấu hiệu vỡ tử cung khi mang thai hoặc trong quá trình chuyển dạ thì mẹ cũng nên được mổ cấp cứu càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả hai mẹ con. 

Để hiểu rõ hơn về biến chứng này, mời mẹ tiếp tục đọc tại bài viết Vỡ tử cung là gì?

Suy thai: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Nguyên nhân suy thai

Tình trạng suy thai xuất hiện khi thai nhi bị thiếu oxy và có thể xảy ra trong thai kỳ hoặc trong quá trình chuyển dạ. 

Nguyên nhân của tình trạng này  có thể do tư thế nằm của mẹ gây áp lực, chèn ép lên động mạch và tĩnh mạch truyền máu đến thai nhi, do mẹ bị thiếu máu, mất máu quá nhiều hoặc mắc một số bệnh lý khác.

Ngoài ra, suy thai còn có thể xảy ra do các nguyên nhân liên quan đến thai nhi, nhau thai, dây rốn hoặc các nguyên nhân sản khoa khác.

 

 Thai máy giảm là dấu hiệu suy thai 3 tháng cuối bố mẹ nên lưu ý.

Suy thai có ảnh hưởng gì không?

Suy thai có thể khiến thai nhi chết lưu hoặc tổn thương trí não do thiếu oxy quá lâu. Vì thế nếu phát hiện các dấu hiệu suy thai trong thai kỳ thì mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để các bác sĩ thăm khám, đánh giá chính xác tình hình và có phương án điều trị phù hợp.

Các biện pháp xử trí suy thai trong chuyển dạ sẽ được các bác sĩ thực hiện nếu phát hiện mẹ có dấu hiệu suy thai trong bất kì giai đoạn nào của quá trình chuyển dạ. 

Tùy vào nguyên nhân suy thai mà mẹ có thể sẽ được mổ cấp cứu hoặc chỉ định nằm nghiêng bên trái để giúp oxy và máu lưu thông đến thai nhi dễ dàng hơn,...

Mời mẹ tham khảo thêm thông tin đầy đủ và quan trọng về vấn đề này trong bài viết Suy thai: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị.

Thai nhi bị kẹt vai trong chuyển dạ

Tuy khó sinh do kẹt vai là tai biến sản khoa ít gặp nhưng nó lại được đánh giá là một trong những tai biến nguy hiểm nhất có thể xảy ra với các mẹ sinh thường. Tai biến này xảy ra khi đầu của con đã được đẩy ra ngoài nhưng vai vẫn mắc kẹt bên trong.

Thai nhi quá to so với khung xương chậu của mẹ có thể dẫn đến tình trạng kẹt vai khó sinh.

Lúc này dây rốn của thai nhi có thể sẽ bị chèn ép khiến oxy không thể truyền đến con qua dây rốn mà cơ thể lại chưa ra ngoài, phổi vẫn bị ép nên con cũng không thể hít thở được. Nếu không được hỗ trợ kịp thời và đúng cách, thai nhi có thể bị tổn thương não, tổn thương thần kinh hoặc tử vong do thiếu oxy quá lâu,...

Mẹ cũng có thể sẽ phải đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm như mất nhiều máu, rách âm đạo hoặc tổn thương các bộ phận nội tạng trong khung xương chậu.

Làm thế nào để có thể giảm thiểu nguy cơ khó sinh do kẹt vai và nếu điều này xảy ra thì hai mẹ con nên làm gì để phục hồi sức khỏe, mời mẹ tìm kiếm câu trả lời tại bài viết Thai nhi bị kẹt vai trong chuyển dạ.

Quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh chóng, đột ngột có ảnh hưởng gì không?

Quá trình chuyển dạ bình thường được chia làm 3 giai đoạn và có thể kéo dài từ vài giờ cho tới vài ngày, tùy vào tình trạng thai kỳ và cơ địa của từng mẹ.

Có mẹ phải chịu đựng cơn đau đẻ hàng chục giờ đồng hồ nhưng cũng có những mẹ chuyển dạ rất nhanh, chỉ mất vài tiếng là đã “hoàn thành nhiệm vụ” và được bế con yêu trên tay.

Nhiều mẹ trải qua quá trình chuyển dạ rất nhanh.

Nếu thời gian từ khi mẹ xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ là các cơn gò tử cung cho đến khi em bé ra đời kéo dài chưa đến 3 tiếng thì mẹ được coi là chuyển dạ nhanh. Thậm chí trường hợp mẹ chuyển dạ nhanh đến nỗi “đẻ rơi” con ngay trên đường đến bệnh viện.

Vậy liệu chuyển dạ nhanh có gây nguy hiểm gì cho mẹ và bé hay không, mời mẹ tìm hiểu trong bài viết Quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh chóng, đột ngột có ảnh hưởng gì không? của POH nhé!

Ba mẹ giúp con yêu ăn no ngủ đủ như thế nào?

Trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ sơ sinh, ba mẹ gặp phải không ít khó khăn trong vấn đề ăn ngủ của con yêu. Vậy làm thế nào để con được ăn no, ngủ đủ giấc và cách luyện trẻ sơ sinh tự ngủ là gì?

Hiểu được điều này, chuyên gia Hachun Lyonnet đã xây dựng EASY ONE_chương trình chăm sóc trẻ sơ sinh 0 - 19 tuần trên nền tảng App của POH. Điểm khác biệt trong chương trình của POH là tính cá nhân hóa sâu sắc và chi tiết theo “NGÀY HÔM NAY” của bé.

EASY ONE giúp bạn xây dựng một trình tự sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của con theo từng tuần tuổi, giúp con được ăn no, ngủ đủ giấc, tự ngủ. Để con có thể phát triển tốt nhất.

Các nội dung được sắp xếp theo từng ngày tuổi của con, giúp bạn dễ dàng nắm bắt và chăm sóc con hàng ngày. Chương trình được thiết kế để bạn tham gia từ lúc mang bầu cho tới khi con được 19 tuần tuổi.

Trong quá trình tham gia, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ của hơn 100 mẹ đã áp dụng EASY thành công trong group của EASY ONE (gói cơ bản)

Với gói cao cấp, bạn sẽ được trực tiếp chị Hachun chat hoặc gọi điện qua messenger, hỗ trợ bạn thành công trong 19 tuần đầu tiên (100% thành công)