Mẹo xử lý áp lực khi cai sữa

đăng bởi Tiên Tiên

Thời điểm nào nên cai sữa cho trẻ?

Mẹ là người quyết định khi nào nên cai sữa cho con. Mọi người xung quanh có thể sẽ có ý kiến khác nhau ​​về thời điểm thích hợp để cai sữa, nhưng mẹ là người cuối cùng quyết định, dựa trên những gì tốt nhất cho hai mẹ con.

 Nhiều Mẹ phải chịu áp lực khi quyết định cai sữa cho trẻ

Các chuyên gia khuyên rằng trẻ sơ sinh nên bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng, nhưng ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, trẻ thường được bú sữa mẹ cho đến khi 2 tuổi hoặc lớn hơn. Vì vậy, mẹ không phải là người duy nhất muốn tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ khi bé chưa sẵn sàng cai sữa.

Làm thế nào để giải thích với mọi người là mẹ chưa muốn cai sữa?

Nếu người khác đang gây áp lực buộc mẹ phải ngừng cho con bú trước khi mẹ và con sẵn sàng thì đây là cách xử lý:

“Chồng tôi cảm thấy khó chịu khi con bú” 

Các chị em được chồng hỗ trợ và tham gia vào việc cho con bú thường sẽ tự tin hơn. Vì vậy các chị em nên để chồng tham gia và hiểu được tầm quan trọng của sữa mẹ.

Đôi khi bố cảm thấy bị bỏ rơi hay bị thay thế trong thời gian mẹ cho con ăn, điều này là hoàn toàn bình thường. Hãy nói chuyện về cách bố có thể cùng mẹ dành thời gian cho con.

Một số điều bố có thể làm:

  •   Tắm hoặc thay tã cho con
  •   Âu yếm và tiếp xúc da kề da với con nhiều hơn
  •   Mát xa cho con
  •   Sử dụng xe đẩy để gần gũi với con hơn

Bố có thể cảm thấy rằng mối quan hệ giữa hai vợ chồng đang lùi lại. Thậm chí bố bực bội vì không thể động vào ngực mẹ nữa.

Hãy dành thời gian cho nhau, ngồi lại và nói chuyện với nhau về cảm xúc của mẹ, mặc dù chuyện này không hề dễ dàng vì mẹ còn phải tập trung và con.

Bố cần hiểu cách cho con bú và sự giúp đỡ của bố rất quan trọng với mẹ. Mẹ hãy tâm sự lý do tại sao mẹ muốn tiếp tục cho con bú, và những cách mà cả hai mẹ con đều có lợi. Nếu bố muốn cho con ăn, mẹ cũng có thể vắt sữa và bố sẽ là người cho bé ăn.

Cuối cùng, mẹ có thể trấn an bố rằng việc cho con bú không diễn ra mãi mãi. 

“Bà ngoại nói rằng tôi chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ cho con”

Nuôi con bằng sữa mẹ là điều tốt nhất cho sức khỏe của bé, cả hiện tại và tương lai. Và mẹ có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), NHS và Unicef ​​ủng hộ quan điểm này!

Tổ chức Y tế Thế giới khuyên các bà mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và sau đó tiếp tục cho con bú trong hai năm, đồng thời cho trẻ ăn dặm.

Sữa mẹ bảo vệ con khỏi bị nhiễm trùng và nó sẽ tiếp tục có tác dụng đó miễn là mẹ vẫn cho con bú. Mẹ cho con bú càng lâu, sự bảo vệ càng lâu và lợi ích cho bé càng lớn. Trên thực tế, cho con bú sữa mẹ mang lại những lợi ích về sức khỏe kéo dài đến hết cuộc đời trưởng thành của bé.

Hãy nói với bà về những lợi ích mẹ nhận được từ việc cho con bú. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và ung thư buồng trứng trong tương lai.

Mẹ cần nói cho bà hiểu sự giúp đỡ và ủng hộ của bà là rất cần thiết  đối với mẹ để có thể cho con ăn theo cách của mẹ.

“Con không cần bú sữa mẹ khi bắt đầu ăn dặm” 

Trong sáu tháng đầu đời, con không cần gì ngoài sữa mẹ. Sau sáu tháng, mẹ có thể cho con bú cùng với ăn dặm miễn là hai mẹ con muốn. Bằng cách đó, con sẽ có khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống để  lớn lên và phát triển lành mạnh.

Sữa mẹ là một điều tuyệt vời. Nó có rất nhiều chất dinh dưỡng và nó cũng thay đổi khi bé lớn lên để đáp ứng nhu cầu thay đổi của bé.

Vì vậy, sữa của mẹ sẽ khác khi con được sáu tuần tuổi hay khi được sáu tháng hoặc một tuổi. Ngay cả khi con ăn dặm, sữa mẹ vẫn cung cấp cho con các chất dinh dưỡng quan trọng.

Bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ khuyên rằng con cần được bổ sung vitamin D hàng ngày từ khi sinh ra.

Điều này không phải là vì sữa mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng mà chỉ bảo đảm rằng con có đủ dinh dưỡng cần thiết, trong trường hợp cơ thể con không tổng hợp đủ vitamin D từ ánh nắng mặt trời.

“Mẹ không thể cho con bú khi trở lại làm việc”

Rất nhiều chị em tiếp tục cho con bú khi họ đi làm trở lại. Một số người gửi con ở gần nơi làm việc để có thể cho bú trong giờ nghỉ.

Những người khác vắt sữa để con ăn trong ngày, một số mẹ còn kết hợp bú sữa mẹ và bú bình. Phải nói rằng, một số chị em cảm thấy việc họ quay trở lại làm việc sẽ ảnh hưởng đến việc cho con bú.

Hãy nói với sếp về việc mẹ muốn vắt sữa tại nơi làm việc càng sớm càng tốt. Mẹ hãy giải thích rằng mẹ sẽ cần một nơi nào đó để vắt sữa và tủ lạnh để bảo quản sữa.

Ngay cả khi quan hệ giữa mẹ và sếp không thân thiết lắm, mẹ nên trình bày bằng văn bản để sếp có thời gian chuẩn bị.

Sẽ có những lúc mẹ rất nhớ con trong giờ làm việc. Buổi tối khi hai mẹ con gặp lại sẽ vui vẻ hơn mẹ được ôm và cho con bú. Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp cả hai mẹ con rất nhiều khi ban ngày cả hai phải xa nhau.

“Nếu mẹ không quen biết mẹ nào cũng vẫn cho con bú thì sao?”

Sẽ khá là khó xử khi mẹ là người duy nhất trong nhóm bạn vẫn cho con bú, nhưng những người bạn tốt sẽ không để mẹ cảm thấy áp lực.

Và tất nhiên, cho con bú không chỉ là thức ăn, nó còn là việc nuôi dưỡng và sự thoải mái nữa.

Khi con lớn lên, việc cho con bú sẽ giúp mẹ gần gũi với con, xây dựng sự gắn bó giữa hai mẹ con. Sự an toàn mà con cảm thấy trong khi được cho ăn thực sự sẽ giúp bé tự lập, thay vì dựa dẫm. 

Nguồn: Babycenter

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo