Nuôi con bằng sữa mẹ với cặp song sinh

đăng bởi Tiên Tiên

Nuôi cả hai em bé bằng sữa mẹ một lúc sẽ là một nhiệm vụ vô cùng vất vả. Điều quan trọng là chị em cần tin vào bản thân, tin rằng mình có thể nuôi cả 2 em bé bằng sữa mẹ. Lúc bắt đầu cho cặp sinh đôi bú có thể hơi khó khăn, nhưng sau đó mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi mẹ đã quen và có được sự hỗ trợ phù hợp.

Mẹ hoàn toàn có thể nuôi trẻ sinh đôi chỉ bằng sữa mẹ

Ngay khi xác định mình sẽ sinh đôi, các mẹ hãy lên kế hoạch trước để nhận được sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè, đặc biệt là những người đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh đôi.

Mẹ có thể nói chuyện với nữ hộ sinh để được hướng dẫn cách cho con bú và tìm hiểu các hội thảo hoặc nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho cặp song sinh hay đa sinh. 

Điều quan trọng nhất là hãy dành nhiều thời gian thực hành cho con bú đúng khớp ngậm và vỗ ợ hơi cho bé. Khi mẹ đã hiểu rõ cách cho bé bú, mẹ có thể tiết kiệm thời gian bằng cách cho cả hai ăn cùng một lúc.

Trước khi mẹ có thể kiểm soát hoàn toàn thời gian cho trẻ bú mẹ, mẹ hãy tránh những cuộc hẹn sát giờ cho con ăn. Có lẽ mẹ nên báo trước với mọi người rằng mẹ sẽ không thể luôn luôn đúng giờ.

Mẹ có thể tìm hiểu thêm một số bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ tại đây.

Liệu mẹ có đủ sữa cho cặp song sinh không?

Mẹ hoàn toàn có đủ sữa cho cả hai bé bú. Nếu mẹ cho con bú mỗi khi con đói, cơ thể mẹ sẽ tự điều chỉnh và sản xuất đủ sữa cho cả hai bé.

Nguồn cung sữa mẹ chủ yếu dựa vào nhu cầu của con. Nếu mẹ đang vật lộn để làm quen với việc cho con bú, hãy thử vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy đều được, để giữ nguồn cung sữa.

Nhiều chị em tưởng nhầm rằng họ không đủ sữa. Có thể do khi mới bắt đầu cho con bú con giảm cân, nhưng điều này là hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh những ngày đầu.

Các chị em cũng có thể thấy ngực thiếu sữa khi con đang trong giai đoạn phát triển nhảy vọt và đột nhiên ăn nhiều hơn. 

Nếu các mẹ lo lắng về chuyện mình thiếu sữa ở một giai đoạn nào đó khi cho con bú, mẹ hãy:

  • Kiểm tra xem con bú đúng khớp ngậm không: Hãy hỏi nữ hộ sinh hoặc bác sĩ để được hướng dẫn cách cho con bú đúng khớp ngậm.
  • Cho con ăn nhiều hơn: Nếu con cần ăn nhiều, hãy cứ đáp ứng con, bởi cho con bú sẽ kích thích tuyến sữa sản xuất ra nhiều sữa hơn. Bộ ngực của mẹ cần một vài ngày để thích ứng với giai đoạn phát triển nhảy vọt của con, vì vậy mẹ hãy kiên nhẫn. Nếu không đủ sữa trong giai đoạn này, mẹ có thể bù sữa ngoài để đáp ứng nhu cầu giai đoạn nhảy vọt này.
  • Vắt sữa thường xuyên hơn: Nếu các chị em vẫn cảm thấy ngực căng sau khi cho con ăn, hãy tận dụng tối đa sữa thừa bằng cách vắt vào túi vô trùng hoặc hộp sau đó bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đá.

Nếu mẹ lo lắng về việc con có bú đủ sữa hay không, hãy xem các dấu hiệu sau khi con bú. Nếu con đã ăn đủ, con sẽ vui vẻ nhả vú mẹ ra giống như đang say sữa. Nếu chưa được bú đủ con sẽ buồn bã hoặc cáu gắt.

Hoặc mẹ có thể đếm xem mỗi bé có bao nhiêu tã ướt. Trong 48 giờ đầu sau khi chào đời, thường mỗi bé có thể chỉ có từ 2-3 chiếc tã ướt. Nhưng khi con được năm ngày tuổi, mẹ sẽ cần thay 5-8 tã/ngày cho mỗi bé. Sau tuần đầu tiên, con sẽ ăn ít nhất 6-8 lần/ngày.

Mẹ hãy cố gắng ghi lại thời gian cho ăn. Ghi nhớ bé nào bú ở ngực nào và mỗi bé có bao nhiêu tã ướt. Mẹ có thể theo dõi cân nặng của bé thường xuyên để biết con có đang được ăn no ngủ đủ không.

Có nên cho hai bé ăn theo lịch?

Trong vài tuần đầu tiên, tốt nhất mẹ nên cố gắng hiểu con và đáp ứng đủ cung - cầu sữa mẹ.

Nuôi cả hai con bằng sữa mẹ có thể là một thách thức lớn khi mẹ mới đang học cách cho con bú. Bác sĩ hoặc chuyên gia về sữa mẹ sẽ giúp mẹ thực hành cho con bú trước khi mẹ xuất viện.

Khi mẹ về nhà, chắc chắn mẹ sẽ cần giúp đỡ để cho cả hai con ăn. Hãy để chồng, bạn bè hoặc người thân trong gia đình giúp đỡ. Có thêm người dỗ dành đứa này trong khi mẹ đang cho đứa kia ăn hoặc sửa tư thế hai bé sẽ giúp trẻ cảm thấy bớt áp lực hơn nhiều.

Nên cho hai bé sinh đôi ăn lần lượt hay cùng một lúc?

Lúc đầu, mẹ nên cho con ăn lần lượt dễ dàng hơn, đặc biệt nếu đây là lần đầu làm mẹ.

Điều này có nghĩa là mẹ sẽ sử dụng cả hai tay để ôm con. Tùy vào tư thế cho con bú, mẹ có thể rảnh một tay để ăn hoặc uống chút gì đó.

Cho bé ăn lần lượt tất nhiên sẽ dễ dàng hơn. Cho ăn riêng cũng sẽ dễ dàng hơn khi mẹ đi lại hay muốn dùng điện thoại. Tuy nhiên, mẹ sẽ bị ám ảnh rằng lúc nào cũng là thời gian cho con bú.

Cho hai bé ăn cùng một lúc sẽ nhanh hơn và mẹ có thể ngủ nhiều hơn một chút sau những lần cho con ăn đêm. Nếu một bé bú khỏe hơn, bé sẽ kích thích phản xạ sữa xuống nhanh hơn bé kia.

Phản xạ sữa xuống là khi các tế bào cơ trong ngực được kích thích để bóp túi chứa sữa. Đây là phản xạ để tạo sữa cho con bú. Vì điều này diễn ra đồng thời ở cả hai vú, nó có lợi cho cả hai bé cùng một lúc. Tuy nhiên đôi khi mẹ sẽ cảm thấy đau tức ngực khi có phản xạ sữa xuống.

Cho cặp song sinh ăn cùng một lúc nghĩa là mẹ sẽ trấn an và thỏa mãn cơn đói của hai đứa trẻ cùng một lúc. Nhưng vì mỗi con là một cá thể riêng biệt nên một bé có thể cần ăn nhiều hơn bé kia. 

Dưới đây sẽ là một số mẹo để cho cặp song sinh ăn cùng lúc:

  • Sử dụng đệm hoặc gối. Ví dụ, gối hình chữ V, chữ C được thiết kế đặc biệt cho cặp song sinh Mẹ có thể cần giúp đỡ để đặt cả hai con lên gối và gối sẽ hỗ trợ cả hai con cùng lúc. Tay mẹ sẽ thoải mái để đổi tư thế cho con hay giúp con ợ hơi, hoặc mẹ có thể uống nước hoặc dùng điện thoại

Gối chuyên dụng giúp hỗ trợ mẹ cho cả 2 trẻ ăn cùng một lúc

  • Sử dụng tư thế nằm ngả lưng hoặc dùng một cái gối, mẹ có thể đổi tư thế cho bú. Ví dụ, mẹ có thể chuyển từ tư thế trong nôi sang tư thế giữ bóng bầu dục, hoặc có thể sử dụng cả hai tư thế. Tư thế ngả lưng cho phép con nằm trên khắp cơ thể mẹ theo bất kỳ hướng nào mà vẫn có thể bú mẹ.

Để hiểu rõ hơn, mời mẹ tham khảo bài viết Cách cho con bú đúng tư thế

Một số chị em cho mỗi bé bú một bên trong những ngày đầu. Tuy nhiên, tốt hơn hết là nên đổi vú khi cho con ăn, bởi có thể hai bé không bú theo cùng một cách. Và kết quả là lượng sữa mà cơ thể mẹ cung cấp cho mỗi vú có thể khác nhau, bởi một bé có thể ăn khỏe hơn bé kia.

Đổi vú khi cho ăn cũng sẽ điều tiết sữa ở cả hai vú của mẹ, mẹ sẽ luôn có nhiều sữa cho cả hai con. Nếu chị em cảm thấy khó theo dõi con bú, hãy thử đổi vú sau một ngày, thay vì đổi vú sau mỗi lần cho ăn. Hoặc chị em có thể dùng ứng dụng hoặc vở để ghi lại mỗi lần cho ăn.

Cho hai bé ăn riêng hay ăn cùng lúc đều có những lợi ích nhất định. Mẹ cho con ăn theo cách nào là quyết định của mẹ. Hãy chọn cách nào khiến mẹ cảm thấy thoải mái nhất. Sau vài tuần, mẹ sẽ nhận ra ba mẹ con sẽ quen với tư thế phù hợp nhất.

Cho trẻ bú mẹ có nhanh hơn bú bình không?

Cho con bú bình có lẽ tốn nhiều thời gian hơn so với bú mẹ, vì mẹ cần chuẩn bị  hâm sữa. Điều này mất quá nhiều thời gian trong khi con đang rất đói.

Ngay cả khi mẹ sử dụng sữa pha sẵn, mẹ vẫn cần rửa và tiệt trùng bình sữa mỗi ngày.

Bởi vậy cho trẻ bú mẹ không chỉ giúp tăng sự gắn kết giữa mẹ và con mà còn giúp tiếp kiệm thời gian.

Tuy nhiên, nếu mẹ không đủ sữa mỗi cữ bú của con hoặc không thể cho con bú hoặc mẹ phải đi làm thì bú bình là giải pháp tốt nhất trong thời điểm này.

Nếu hai bé sinh đôi cần ở phòng chăm sóc đặc biệt thì sao?

Kể cả khi con được chăm sóc đặc biệt, con vẫn cần bú sữa mẹ. Sữa mẹ giúp con phục hồi sau khi sinh non và chống lại bệnh tật. Thêm nữa, bụng của con sẽ khỏe hơn nếu được bú sữa mẹ.

Mẹ cần bắt đầu vắt sữa trong vòng một giờ ngay sau khi sinh. Mẹ vắt sữa đều đặn sau mỗi 2 hoặc 3 tiếng, nguồn cung sữa sẽ càng nhiều. Lúc đầu, vắt sữa có thể là cách duy nhất để mẹ có thể chăm sóc con.

Y tá sẽ chỉ cho mẹ cách vắt sữa và mẹ sẽ có nhiều sự trợ giúp nếu cảm thấy không khỏe sau khi sinh. Mẹ có thể vắt sữa bằng tay, bằng bơm thủ công hoặc bằng bơm điện.

Đợt sữa đầu tiên được gọi là sữa non, rất đặc và chứa nhiều các kháng thể và protein giúp con chống lại nhiễm trùng.

Sau vài ngày, mẹ sẽ có nhiều sữa hơn. Lúc này mẹ nên dùng bơm điện, bởi bơm điện có thể vắt hai vú cùng một lúc. Hãy đảm bảo rằng phễu trên bộ dụng cụ bơm có kích thước phù hợp, để núm vú không bị cọ xát.

Vắt cả hai vú sẽ tiết kiệm thời gian. Một mẹo nhỏ là mẹ hãy nghĩ về con hoặc cầm một đồ vật gì có mùi của con khi vắt sữa. Điều này sẽ kích hoạt các hormone phù hợp và khuyến khích cơ thể mẹ tạo ra càng nhiều sữa.

Mẹ cần vắt thường xuyên, ít nhất tám lần trong một ngày để nguồn cung sữa ổn định cho đến khi con có thể bú trực tiếp. Một số bé cần được cho ăn bằng ống hoặc cốc trước khi có thể bú mẹ hoặc bú bình.

Mẹ có thể bảo quản sữa trong tủ lạnh hoặc đông lạnh trong các hộp vô trùng để sau này con dùng dần. Hãy dán nhãn cho mỗi hộp theo quy định của bệnh viện, gồm thông tin như tên mẹ, ngày và thời gian vắt sữa để con ăn theo thứ tự vắt.

Việc ghi nhãn theo quy định rất quan trọng bởi nếu không có nhãn chính xác, sữa mẹ vắt trước sẽ không được bảo quản tốt và bị vứt đi.

Không được bế con tận tay cho con bú mà chỉ có thể vắt sữa sẽ khiến mẹ cảm thấy buồn và hơi thất vọng. Nhưng mẹ cần lạc quan và tin tưởng rằng con sẽ được về với mẹ sớm thôi. Sữa mẹ vắt ra đang tăng tăng cường sức mạnh và khả năng miễn dịch cho trẻ hàng ngày, đặc biệt là trẻ sinh non.

Mẹ có bị đau vú khi cho cặp song sinh bú không?

Mẹ sẽ không bị đau khi cho hai con bú.

Mẹ sẽ đau khi con không ngậm đúng khớp chứ không phải bởi số lượng hay tần suất cho con bú. Nếu mẹ bị đau núm vú, hãy hỏi y tá hoặc nhân viên y tế về tư thế để con ngậm đúng. Hoặc mẹ cũng có thể hỏi chuyên gia về nuôi con bằng sữa mẹ để nhận được giúp đỡ.

Nếu mẹ đang cho con bú cùng lúc, hãy thử cho ăn riêng cho đến khi mẹ quen với việc con ngậm vú. Điều này có thể mất thời gian, nhưng con bú đúng khớp ngậm sẽ giúp mẹ đỡ đau núm vú hơn.

Nếu núm vú bị đau hoặc bị thương, mẹ có thể xoa một ít sữa đã vắt lên. Sữa mẹ có đặc tính sát trùng và chữa bệnh.

Hoặc mẹ có thể dùng kem thoa núm vú, chẳng hạn như thuốc mỡ lanolin tinh chất, ngay sau khi cho con bú. Kem sẽ ngăn ngừa các vết nứt vú bị khô và bong vảy khi đang lành mặc dù dùng sữa mẹ đã vắt ra cũng sẽ có tác dụng tượng tự.

Mẹ có được nghỉ ngơi khi nuôi cả 2 con bằng sữa mẹ không?

Những tháng đầu tiên cho cả hai con bú sẽ rất vất vả. Mẹ chỉ cần tập trung vào việc cho con bú và ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ.

Mẹ không cần phải vội vã cố gắng làm mọi thứ khi con đang ngủ. Nếu mẹ có người giúp, mẹ không cần phải vội vã giặt quần áo làm gì. Thay vào đó, hãy nghỉ ngơi hoặc thưởng thức một tách trà.

Khi tâm trạng mẹ thoải mái thì mẹ mới có tinh thần để chăm lo cho hai em bé cùng lúc.

Cho con bú nơi công cộng

Không chỉ mẹ mà rất nhiều chị em đều lo lắng về việc cho con bú nơi công cộng. Sẽ cần một thời gian trước khi mẹ có thể quen và tự tin với điều này. Nếu mẹ lo lắng về việc vô tình bị lộ việc cho con bú, hãy mua các loại áo có chỗ mở ẩn.

Những phẩn mở ẩn này sẽ giúp mẹ cho con bú mà không cần phải kéo áo lên xuống, giúp mẹ đỡ ngại hơn.

Hãy ra ngoài cùng các chị em cũng đang cho con bú và cho ăn bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào con muốn. Mẹ sẽ sớm không còn ngại ngần với việc đặt nhu cầu của bé lên hàng đầu. 

Mẹ có thể nhận được sự trợ giúp từ ai?

Từ trước khi sinh, mẹ hãy sắp xếp để có người giúp mẹ chăm em bé. Mẹ không nên chịu thêm áp lực khi phải cố gắng tìm sự giúp đỡ.

Hãy nhờ chồng, gia đình và bạn bè hỗ trợ việc vặt và việc nhà sau khi sinh. Điều mẹ cần nhất là thời gian nghỉ ngơi và tập trung vào hai em bé.

Nguồn: Babycenter

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo