Những triệu chứng sau sinh các chị em không nên bỏ qua

đăng bởi Nguyễn Khải

Sau khi sinh con, bị chảy máu, khó chịu và mệt mỏi là bình thường. Thời gian, nghỉ ngơi và tự thư giãn thường là tất cả những gì cần thiết để các mẹ cảm thấy tốt hơn.

Hầu hết các mẹ phục hồi hoàn toàn và không bị biến chứng sau khi sinh. Nhưng đôi khi có những ca cấp cứu xảy ra trong vài ngày và vài tuần sau khi sinh. Do đó, biết các dấu hiệu cảnh báo và việc nên làm trong những trường hợp này là rất quan trọng.

Chăm sóc mẹ sau sinh mổ, sinh thường cần đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu bất thường.

Sau khi sinh con, các mẹ hãy hỏi nữ hộ sinh làm thế nào để có thể được chăm sóc thai sản khẩn cấp khi cần. Cô ấy có thể cung cấp cho mẹ một số liên lạc cho đơn vị thai sản hoặc phòng chăm sóc sau sinh.

Các mẹ có thể chia sẻ bài viết này với chồng và gia đình để có thể phát hiện ra một số triệu chứng dễ dàng hơn. Đặc biệt, bạn bè và gia đình có thể nhận ra các triệu chứng về vấn đề tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm sau sinh trước khi mẹ có thể tự nhận biết đó.

Những triệu chứng sau sinh nào là trường hợp khẩn cấp?

Các mẹ nên nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây.  

Đột nhiên mất máu nhiều, hoặc liên tục mất máu, bao gồm cả cục máu đông (xuất huyết sau sinh)

Nếu mẹ bị xuất huyết sau sinh, bạn có thể mất 500ml máu trở lên rất nhanh và sẽ cần điều trị khẩn cấp.

Nếu bị chảy máu nhiều trong 24 giờ sau khi sinh, có khả năng mẹ sẽ phải nằm viện, trong trường hợp đó, mẹ sẽ được các nhân viên ở đó điều trị nhanh chóng.

Nếu mẹ ở nhà và bắt đầu chảy máu nhiều, hãy gọi xe cứu thương nếu:

  • Đột ngột chảy máu và mỗi giờ thay băng vệ sinh nhiều lần
  • Có rất nhiều cục máu lớn 
  • Bắt đầu cảm thấy gần ngất hoặc chóng mặt
  • Tim bắt đầu đập nhanh, hoặc nhịp tim trở nên bất thường

Đau đầu dữ dội hoặc kéo dài

Đau đầu dữ dội sau khi sinh có thể là triệu chứng của tiền sản giật. Gọi xe cứu thương nếu mẹ bị đau đầu dữ dội và có các triệu chứng tiền sản giật khác:

  • Tầm nhìn có vấn đề như nhìn mờ, hoa mắt
  • Nôn
  • Ợ nóng nghiêm trọng
  • Mắt cá chân bị sưng

Các triệu chứng tiền sản giật thường xuất hiện trong vòng 72 giờ sau khi sinh.

Đau bụng trên

Có một tình trạng hiếm gặp gọi là hội chứng HELLP có thể phát triển trong khi đang mang thai và kéo dài cho đến khoảng một tuần sau khi con chào đời. Hội chứng này giống tiền sản giật một chút. Các triệu chứng chính là:

  • Đau ở phần trên của bụng, hoặc ở phía trên bên phải của bụng
  • Cảm thấy ốm yếu
  • Cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức
  • Đau đầu

HELLP ảnh hưởng đến hoạt động của gan và quá trình đông máu. Nó có thể rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Nếu mẹ có tất cả các triệu chứng của HELLP, mẹ nên gọi số đã được cung cấp để chăm sóc thai sản khẩn cấp hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất.

Khó thở và/hoặc đau ngực

Nếu chị em bị đau ngực và cảm thấy khó thở thì đó có thể là triệu chứng của tắc mạch phổi. Các triệu chứng khác bao gồm ho ra máu và cảm thấy gần ngất. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, đừng bỏ qua. Gọi xe cứu thương ngay.

Tắc mạch phổi xảy ra khi một mạch máu trong phổi bị chặn, thường là do cục máu đông. Nếu máu không đến được phổi đúng cách, tính mạng của mẹ có thể bị đe dọa, do đó, việc điều trị nhanh chóng là rất quan trọng.

Sốt rất cao (38 độ C trở lên)

Sốt cao có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng máu, đây là một bệnh nhiễm trùng lan truyền từ chỉ một phần cơ thể đến toàn bộ cơ thể.

Khi sốt cao, mẹ có thể đồng thời cảm thấy rùng mình, có nhịp tim và nhịp thở nhanh. Tùy thuộc vào nơi nhiễm trùng bắt đầu, mẹ có thể có các triệu chứng khác như:

  • Đau bụng nặng hoặc đau háng, không đỡ hơn ngay cả khi mẹ đã uống thuốc giảm đau
  • Dịch âm đạo có mùi
  • Ngực đau và mềm
  • Vết thương mổ chuyển màu đỏ và đau đớn, có mủ
  • Đau rát khi đi tiểu, cần đi nhanh hoặc thường xuyên hơn bình thường và nước tiểu có mùi khó chịu

Nếu mẹ bị nhiễm trùng máu, bệnh có thể lan rất nhanh. Nếu có những triệu chứng này, mẹ nên gọi xe cứu thương ngay.

Những triệu chứng sau sinh nào có nghĩa là mẹ cần được tư vấn y tế ngay?

Gọi số điện thoại mà nữ hộ sinh đã cung cấp để được chăm sóc thai sản khẩn cấp, hoặc xin tư vấn của bác sĩ để nhận được lời khuyên khi có những biểu hiện sau đây:

Đau bắp chân

Nếu bạn bị đau ở chân dưới, thường chỉ ở một chân, thì đó có thể là dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Chân cũng có thể trông đỏ, sưng và cảm thấy ấm khi chạm vào.

DVT là cục máu đông trong tĩnh mạch sâu ở chân, có thể đe dọa đến tính mạng nếu cục máu đông di chuyển đến phổi (tắc mạch phổi).

Nhiều phụ nữ bị đau và mỏi chân sau khi mang thai, và DVT cũng có thể phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng nếu các triệu chứng của DVT phát triển, mẹ nên đi kiểm tra ngay nhé!

Thay đổi đột ngột về tinh thần, chẳng hạn như bị kích động, trầm cảm, bối rối hoặc có hành vi hưng phấn

Trong tháng sau khi sinh con, một số bà mẹ trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ về cảm xúc và tinh thần. Nếu mẹ bị ảo giác và ảo tưởng, hoặc trở nên bối rối hoặc trầm cảm, đó có thể là khởi đầu của một tình trạng hiếm gặp gọi là rối loạn tâm thần sau sinh.

Rối loạn tâm thần sau sinh có thể xảy ra với bất kỳ người phụ nữ nào, cho dù họ có bị bệnh tâm thần trước đó hay không. Các triệu chứng nhẹ có thể phát triển thành bệnh tâm thần nghiêm trọng trong vài giờ, do đó, điều quan trọng là bạn phải điều trị càng sớm càng tốt.

Rối loạn tâm thần sau sinh có thể là một trải nghiệm đáng sợ cho tất cả người thân, nhưng mẹ sẽ thường phục hồi hoàn toàn.

Suy nghĩ đến việc tự sát

Nếu bạn có suy nghĩ về việc làm hại chính mình, bao gồm cả suy nghĩ về tự tử, hãy tìm sự giúp đỡ ngay khi có thể. Bạn có thể bị trầm cảm sau sinh nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực cho cả mẹ và bé nếu không được điều trị.

Hãy chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ nếu mẹ có suy nghĩ làm hại bản thân.

Có những suy nghĩ như thế này không có nghĩa là bạn là một bà mẹ tồi, hay con yêu sẽ bị bắt đi nếu mẹ tâm sự với ai đó.

Do đó, hãy liên lạc với bác sĩ, nữ hộ sinh, nhân viên y tế hoặc nói chuyện với bạn bè, người thân, chia sẻ với chồng để nhận được sự hỗ trợ của mọi người. 

Không thể đi tiểu trong vòng sáu giờ sau sinh 

Nếu không thể tiểu trong thời gian này, bạn có thể bị bí tiểu  (khi bàng quang không hề trống rỗng nhưng vẫn không thể bài tiết được). Điều này có thể cực kỳ khó chịu và nếu không được điều trị sẽ có thể gây đau đớn, nhiễm trùng và tổn thương thận nghiêm trọng.

Nếu đã sinh con ở bệnh viện, các nữ hộ sinh sẽ theo dõi xem lượng nước tiểu của mẹ là bao nhiêu. Nếu ở nhà, ngâm nước ấm hoặc tắm có thể hỗ trợ mẹ phần nào. Nếu vẫn không thể đi tiểu, hãy xin lời khuyên của bác sĩ.

Đau đầu dữ dội sau khi gây mê

Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng hay tủy sống trong khi chuyển dạ và sinh khi có thể gây ra đau đầu nghiêm trọng trong tuần đầu sau sinh.

Hiện tượng này là do kim có chứa chất gây mê vô tình làm thủng màng quanh tủy sống của mẹ.

Cơn đau đầu giống như một cơn đau nửa đầu tồi tệ và sẽ càng đau hơn khi ngồi xuống hoặc đứng lên. Mẹ cũng có thể bị đau cổ, cảm thấy mệt mỏi và không thích ánh đèn sáng.

Những triệu chứng sau sinh nào là khẩn cấp, nhưng có thể đợi đến sáng?

Gọi cho nữ hộ sinh, nhân viên y tế tại nhà hoặc bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

Triệu chứng nhiễm trùng, nhưng không sốt 

  • Khó chịu,  dịch âm đạo có mùi. Đây có thể là một bệnh nhiễm trùng trong tử cung hoặc âm đạo.
  • Vết thương mổ lấy thai đau đớn và đỏ. Có thể có chất lỏng có mùi chảy ra từ vết thương.
  • Bụng mềm, có thể là triệu chứng của nhiễm trùng trong tử cung.
  • Đau ở bên hông và đi tiểu khó khăn, chẳng hạn như cần phải đi tiểu gấp và đau rát khi bạn đi tiểu. Đây có thể là một bệnh nhiễm trùng đường tiểu.
  • Ngực sưng và mềm, có thể là viêm vú (nhiễm trùng vú).
  • Đau, sưng và tiết dịch ở khu vực giữa âm đạo và hậu môn (đáy chậu). Đây có thể là vết rách bị nhiễm trùng hoặc vết thương tầng sinh môn.

Tiểu không tự chủ

Khi sinh thường, các cơ xung quanh bàng quang và niệu đạo bị nới lỏng hay tổn thương, khó có thể kiểm soát tốt việc tiểu tiện. Do đó, mẹ có thẻ bị són tiểu trước khi đến nhà vệ sinh.

Trĩ nặng

Nhiều phụ nữ bị trĩ ngay từ trong thai kỳ, nhưng những điều này có thể trở nên đau đớn hơn sau khi sinh con.

Những tĩnh mạch giãn ngay bên trong hậu môn có thể sa xuống. Nếu mẹ bị trĩ nặng, sưng, chảy máu từ trực tràng, hãy nói chuyện với bác sĩ để điều trị kịp thời.

Hội chứng Baby blues không biến mất trong vài ngày

Sẽ  là bình thường khi bạn cảm thấy buồn rầu, mít ướt, mệt mỏi hoặc lo lắng hai ngày đến ba ngày sau khi sinh. Những biểu hiện của hội chứng Baby blues này kéo dài trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Nhưng nếu bạn tiếp tục cảm thấy rất chán nản và không thích làm mẹ, bạn có thể bị trầm cảm sau sinh.

Nếu bạn cảm thấy rất lo lắng và căng thẳng mọi lúc, cảm thấy hoảng loạn, ám ảnh về mọi thứ hoặc bạn không thể tập trung vì bạn cảm thấy quá thất vọng, hãy nói với bác sĩ.

Nguồn: Babycenter

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo