Các liệu pháp thay thế - còn được gọi là các liệu pháp bổ sung - bao gồm các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị tự kỷ tại nhà. Việc sử dụng liệu pháp thay thế và cách làm sao để sử dụng hiệu quả các liệu pháp này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Rất nhiều cha mẹ khi điều trị rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ đã thử một số cách tiếp cận khác khi những liệu pháp đang được sử dụng không hiệu quả. Dưới đây là một số thông tin mẹ cần biết:
Có nên thử các liệu pháp bổ sung cho trẻ tự kỷ không?
Thật khó để có thể trả lời câu hỏi này. Nhiều gia đình đang cảm thấy rất khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề của chứng tự kỷ và cố thử bất cứ điều gì miễn là có thể giúp con của họ.
Nhưng các liệu pháp bổ sung rất phức tạp vì không ai biết chính xác tại sao chúng có tác dụng với trẻ này nhưng lại không có tác dụng với trẻ khác.
Chuyên gia Kristin Sohl, Giám đốc y tế Trung tâm Nghiên cứu về chứng tự kỷ và rối loạn phát triển thần kinh của Đại học Missouri nói."Tôi đã nói với nhiều cha mẹ rằng tôi hiểu họ rất quan tâm đến việc tìm kiếm các phương thuốc thay thế. Điều đó cũng tốt thôi. Tuy nhiên, không có phương pháp điều trị thay thế nào là tuyệt đối hiệu quả."
Tuy nhiên một số liệu pháp thay thế cuối cùng cũng được chấp nhận trở thành phương pháp điều trị chính thức. Ví dụ, liệu pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA) khởi đầu như một liệu pháp thay thế dành cho chứng tự kỷ, nhưng sau nhiều nghiên cứu giờ đây phương pháp này đã trở thành một cách tiếp cận tiêu chuẩn.
Liệu pháp phân tích hành vi ứng dụng đã được công nhận là một cách tiếp cận tiêu chuẩn
ABA sử dụng các kỹ thuật như tăng cường hành vi bằng cách đưa vào các yếu tố khích lệ để sửa đổi hành vi của trẻ. Phương pháp này đã từng gây ra tranh cãi, nhưng hiện nay lại được áp dụng rộng rãi.
Susan Hyman, Giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester và là Chủ tịch Tiểu ban Tự kỷ của Bệnh viện Nhi khoa Hoa Kỳ nói: "Thực tế trong những năm 1970 và 1980 mọi người đều nghĩ rằng ABA là thứ rất kỳ lạ. Nhưng bây phương pháp này lại trở thành phương pháp chính thống".
Các liệu pháp như ABA đã được thử nghiệm một cách kỹ lưỡng trong nhiều nghiên cứu với số lượng lớn các bệnh nhân và kết quả của liệu pháp này đã được các chuyên gia kiểm tra lại trước khi công bố trên các tạp chí đáng tin cậy.
Tuy nhiên hầu hết các liệu pháp thay thế chỉ được nghiên cứu trong một vài nghiên cứu nhỏ và điều đó không đủ bằng chứng để chứng minh phương pháp điều trị đó có hiệu quả.
Ngoài ra các nghiên cứu cũng có thể còn tồn tại một vài vấn đề phổ biến như sai sót trong đề án nghiên cứu, các kết quả bị hiểu sai, sai lệch của những người nghiên cứu hoặc số lượng người tham gia nghiên cứu quá ít.
Một vấn đề cần quan tâm khác chính là sự an toàn. Các chuyên gia không biết một vài phương pháp điều trị liệu có an toàn hay không.
Ví dụ, các chất bổ sung trong chế độ ăn uống chẳng hạn như vitamin, melatonin và omega-3 thì không phải chịu quy định nghiêm ngặt như các loại thuốc được kê đơn và các loại thuốc không được kê đơn.
Ngay cả khi các chất bổ sung đó có lợi thì các chuyên gia cũng chưa xác định được liều lượng hợp lý, đặc biệt là khi sử dụng với trẻ nhỏ. Các chuyên gia cũng chưa có kết luận liệu các chất bổ sung đó có thể gây ra tác động đến các loại thuốc khác hay không.
Một mối lo ngại khác bên cạnh vấn đề an toàn đó chính là các chất bổ sung có thể không chứa đúng các thành phần ghi trên bao bì. Thậm chí các thành phần trong đó có nguồn gốc không rõ ràng và bao gồm cả một số chất gây hại cho trẻ.
Vấn đề thứ ba chín là chi phí. Có thể sẽ rất tốn kém khi phải bỏ ra một số tiền lớn để điều trị nhưng không chắc có đem lại hiệu quả hay không.
Cha mẹ có thể phải tự trả tiền cho việc điều trị vì bảo hiểm y tế thường không hỗ trợ cho các liệu pháp chưa được công nhận.
Làm sao để biết liệu pháp bổ sung có phù hợp với trẻ không?
Trước khi mẹ thử bất kỳ một liệu pháp thay thế nào, hãy hỏi bác sĩ của con xem liệu pháp đó có an toàn và đáng thử hay không.
Các bác sĩ thường không phản đối việc thử các liệu pháp thay thế miễn là chúng không có hại hoặc gây cản trở việc điều trị thường ngày.
Và nếu mẹ chọn thử một liệu pháp đặc biệt, hãy thường xuyên trao đổi với bác sĩ của con để bác sĩ có thể phối hợp cùng mẹ trong việc chăm sóc bé.
Đừng thử nhiều liệu pháp mới cùng một lúc. Nếu mẹ làm như vậy, mẹ sẽ không thể đánh giá xem liệu pháp nào thì có tác dụng tốt và liệu pháp nào không hoặc liệu một trong hai liệu pháp đó có thể gây ra tác dụng phụ hay không. Hãy trao đổi với bác sĩ của con để xác định rõ thời gian thử từng liệu pháp.
Các mẹ hãy ghi chép lại cẩn thận để đánh giá xem liệu phương pháp điều trị mẹ đang sử dụng có hiệu quả hay không. Hãy ghi lại bất kỳ thay đổi nào trong các triệu chứng của con hoặc các tác dụng có thể khác trong khi điều trị.
Hãy tìm hiểu về các phương pháp điều trị thay thế một cách cẩn thận và nghiêm túc.
Những liệu pháp bổ sung an toàn
Liệu pháp cảm giác
Nhiều trẻ tự kỷ cảm thấy khó chịu bởi những âm thanh quá lớn, đèn quá sáng hoặc những va chạm. Liệu pháp hành vi cùng với sự kết hợp của các các cảm giác liên quan đến việc cho trẻ tiếp xúc, chuyển động, nghe những âm thanh hoặc ngửi một cách nhẹ nhàng có thể làm giảm bớt các triệu chứng tự kỷ.
Lưu ý:
- Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy việc tự chăm sóc bản thân của một số trẻ cũng như sự phát triển của một số hành vi xã hội nhất định đã được cải thiện. Bên cạnh đó việc phản ứng với các kích thích của trẻ cũng suy giảm.
- Thử nghiệm liệu pháp cảm giác không mang lại mối nguy hại nào cả. Sau một thời gian thử mẹ có thế xác định được xem nó có hiệu quả với con hay không.
Âm nhạc trị liệu
Đối với một số trẻ, sử dụng liệu pháp kết hợp với âm nhạc có thể khiến bé cảm thấy rất thú vị và hấp dẫn. Các chuyên gia nói rằng liệu pháp này giúp giải quyết được nhiều vấn đề như giao tiếp, kỹ năng vận động, kỹ năng nhận thức và biểu hiện cảm xúc. Hơn nữa cũng có thể kết hợp liệu pháp này với các liệu pháp thông thường như ABA.
Lưu ý:
- Có rất ít nghiên cứu chất lượng cho thấy sự hiệu quả của liệu pháp âm nhạc. Một vài bằng chứng khiêm tốn cho thấy liệu pháp này có thể giúp trẻ trong việc giao tiếp và cải thiện một số hành vi xã hội.
- Kết hợp âm nhạc với liệu pháp đang được sử dụng có thể làm giảm căng thẳng và lo lắng. Phương pháp này có thể khiến cả mẹ và bé cảm thấy thích thú.
- Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với tiếng ồn có thể không thích phương pháp này. Nếu mẹ thử liệu pháp này, mẹ nên nhờ bác sĩ trị liệu hỗ trợ trong trường hợp bé có những dấu hiệu nhạy cảm về thính giác.
- Liệu pháp âm nhạc hiện không có rủi ro hoặc các tác dụng phụ rõ rệt.
Yoga
Tập luyện yoga đòi hỏi phải có sự nghiêm túc. Đây có thể là một kỹ năng quan trọng đối với trẻ tự kỷ. Yoga kết hợp giữa thiền và những chuyển động. Những người tập luyện yoga đánh giá rằng yoga giúp cho việc thư giãn, tĩnh tâm và giúp cơ thể khỏe khoắn hơn.
Lưu ý:
- Một vài nghiên cứu nhỏ kết luận rằng yoga có thể giúp giảm các hành vi tiêu cực, bao gồm xa lánh hoặc đe dọa đến xã hội và cải thiện kỹ năng giao tiếp.
- Việc tập luyện yoga xảy ra rất ít rủi ro. Tuy nhiên trước khi tham gia bất kỳ chương trình về vận động nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của con trước.
- Hãy tìm một người hướng dẫn yoga hiểu được nhu cầu cũng như khả năng của con và có thể điều chỉnh các bài tập sao cho phù hợp với bé.
Mát xa
Mát xa là hành động cọ xát và tạo ra áp lực nhẹ lên cơ thể. Việc này có thể giảm đau, giảm lo lắng, trầm cảm và căng thẳng. Đây có thể là một trải nghiệm rất thú vị dành cho trẻ. Các bé sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi được chạm vào cơ thể.
Lưu ý:
- Có rất ít nghiên cứu về chủ đề này, và các nghiên cứu hiện tại thì có quy mô rất nhỏ.
- Mát xa không có khả năng gây ra bất kỳ tác hại nào. Hãy chắc chắn rằng mẹ sẽ chọn một nhà trị liệu mát xa đã có bằng cấp và chuyên môn.
- Cha mẹ cũng có thể học các kỹ thuật mát xa để thực hiện tại nhà với con của mình.
Trị liệu bằng việc cưỡi ngựa
Những người ủng hộ phương pháp trị liệu nhờ động vật như cưỡi ngựa (đôi khi còn được gọi là trị liệu bằng ngựa hoặc trị liệu bằng hà mã) cho biết việc này giúp cải thiện tâm trạng, kiểm soát cảm xúc, phát triển giao tiếp xã hội, kỹ năng vận động và tích hợp cảm giác.
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn để hiểu được cảm xúc và biểu hiện của người khác. Giáo sự Hyman - Giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester và là Chủ tịch Tiểu ban Tự kỷ của Bệnh viện Nhi khoa Hoa Kỳ nói rằng: “Trị liệu bằng việc cưỡi ngựa đòi hỏi phải kiểm soát, tập trung, truyền đạt thông tin và dự đoán chuyển động của con ngựa”.
Luyện tập việc dự đoán một con ngựa sẽ phản ứng như thế nào có thể giúp trẻ phán đoán được phản ứng của mọi người.
Lưu ý:
- Một vài nghiên cứu nhỏ về mối liên hệ giữa cưỡi ngựa và tự kỷ cho thấy liệu pháp này có thể đem lại hiệu quả.
- Một buổi cưỡi ngựa có thể rất tốn kém. Giá cả thường khác nhau, giao động từ 700.000đ đến 1.400.000đ cho một lần cưỡi khoảng 20 đến 45 phút trong phạm vi một sân bóng. Cưỡi ngựa trị liệu chưa được bảo đảm về độ an toàn và cần có một chuyên gia trị liệu chuyên nghiệp giám sát con trong các buổi học.
- Hãy chắc chắn rằng trẻ đã được đội mũ bảo hiểm. Người hướng dẫn hoặc chuyên gia trị liệu phải luôn đi cùng con và kiểm tra xem liệu mũ bảo hiểm, yên xe, bàn đạp và các thiết bị khác đã an toàn hay chưa.
- Ngay cả khi mẹ không nhận thấy con có sự cải thiện rõ rệt nào từ việc cưỡi ngựa trị liệu thì đây vẫn có thể là một hoạt động thú vị cho con và cả gia đình. Giáo sư Hyman nói rằng: "Không cần quá quan tâm đến kết quả điều trị, miễn là con được vui chơi và mẹ có thể trải nghiệm những niềm vui cùng con".
Những rủi ro khi điều trị chứng tự kỷ bằng các liệu pháp bổ sung
Chế độ ăn không có gluten và casein
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao nhiều trẻ tự kỷ lại có thêm các vấn đề về tiêu hóa.
Cha mẹ của những em bé này đôi khi thử loại bỏ gluten (một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen) và casein (một loại protein có trong sữa) từ chế độ ăn của trẻ.
Một số cha mẹ nhận thấy trẻ có sự cải thiện trong các triệu chứng và hành vi của chứng tự kỷ - ví dụ như giao tiếp bằng mắt tốt hơn và chú ý đến nhiều thứ hơn khi bữa ăn của các bé không chứa gluten, casein hoặc cả hai.
Lưu ý:
- Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mối liên hệ nào giữa triệu chứng tự kỷ và casein hoặc gluten được đưa ra đều không thuyết phục.
- Một chế độ ăn kiêng hạn chế có nguy cơ khiến các bé bị mất các chất dinh dưỡng quan trọng bao gồm canxi, protein, chất xơ và vitamin A, D và B. Những trẻ có chế độ ăn không có chứa gluten và casein thường có mật độ xương thấp hơn. Điều quan trọng là cha mẹ phải hỏi ý kiến của các bác sĩ và nếu có thể hãy hỏi một chuyên gia dinh dưỡng để xem chế độ ăn uống của con đã đảm bảo con nhận được đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển lành mạnh hay chưa.
- Chế độ ăn không có chứa casein và gluten rất khó duy trì và khá tốn kém.
- Đừng thay đổi chế độ ăn một cách đột ngột và dứt khoát. Nếu mẹ quyết định cho trẻ thử chế độ ăn này, chú ý chỉ loại bỏ một chất trước chứ đừng loại cả hai ngay khi bắt đầu. Hãy đọc nhãn thực phẩm cẩn thận để tránh loại bỏ các các loại protein này.
- Bác sĩ của con có thể muốn được kiểm tra bệnh celiac (rối loạn hệ miễn dịch lâu dài), một bệnh di truyền trong đó gluten gây tổn hại đến ruột non của con. Bác sĩ có thể kiểm tra xem liệu gluten hoặc casein có thể gây ra vấn đề cho con hay không.
- Lưu ý rằng những chế độ ăn uống hạn chế một số chất này thường đề cao các loại thực phẩm lành mạnh, loại bỏ các thực phẩm chế biến sẵn. Sự thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp ích trong việc cải thiện các triệu chứng. Chẳng hạn nếu mẹ nhận thấy sự cải thiện ở bé sau khi bé ngừng sử dụng các sản phẩm từ sữa thì có thể rút ra kết luận rằng bé không hấp thụ đường sữa chứ không phải gặp vấn đề với casein.
B6, B12 và các vitamin khác
Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy trẻ tự kỷ có sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng của bệnh.
Một giả thuyết cho rằng việc thiếu hụt một số chất dinh dưỡng có thể làm hỏng các tế bào não quan trọng từ đó ảnh hưởng đến các vấn đề về thần kinh. Một số vitamin được sử dụng trong trị liệu bao gồm B6 (đi kèm với magie), B12 (methyl) và vitamin C.
Lưu ý:
- Một vài nghiên cứu nhỏ về liệu pháp vitamin đã mang lại những kết quả thú vị và các nhà nghiên cứu vẫn đang khám phá chúng.
- Bổ sung một liều lượng lớn vitamin có thể gây ra ngộ độc. Ví dụ, một lượng lớn B6 có thể gây tổn thương thần kinh, các vấn đề về tiêu hóa, khó chịu, mất kiểm soát và một số vấn đề khác.
- Việc tránh bổ sung quá nhiều vitamin được kiểm soát bằng cách tiêm một liều lượng vừa đủ. Tuy nhiên hầu hết trẻ đều cảm thấy rất sợ và đau khi bị tiêm.
Melatonin
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc đi ngủ và quen với chỗ ngủ. Nguyên nhân gây ra vấn đề này hiện vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên nhiều nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng hệ thống não điều chỉnh giấc ngủ của những trẻ tự kỷ thường bị gián đoạn.
Melatonin là một loại hormone trong tự nhiên giúp điều chỉnh chu kỳ của giấc ngủ. Việc bổ sung melatonin là một liệu pháp phổ biến dành cho trẻ tự kỷ.
Lưu ý:
- Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy bổ sung melatonin có thể giúp trẻ tự kỷ ngủ dễ hơn và ngủ ngon hơn.
- Melatonin an toàn khi sử dụng một liều lượng nhỏ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên thật khó để có thể nắm rõ thành phần trong một sản phẩm vì ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung phần lớn không được kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, nhiều bà mẹ băn khoăn không biết liệu sử dụng sản phẩm đó lâu dài có an toàn hay không vì không có khuyến nghị chính thức nào về liều lượng sử dụng. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ của con để được hướng dẫn thêm.
- Melatonin có thể không an toàn cho trẻ vì nó có thể ảnh hưởng đến hormone của trẻ và gây ra một số bệnh như bệnh tiểu đường và rối loạn co giật.
- Trước khi quyết định sử dụng melatonin, hãy nói chuyện với bác sĩ của con về việc liệu có thể có một tình trạng nào khác ảnh hưởng đến giấc ngủ của con hay không.
Omega-3
Axit béo omega-3 rất quan trọng cho sự phát triển cũng như các chức năng của não bộ. Nguồn thực phẩm cung cấp omega-3 tốt nhất là hải sản.
Tuy nhiên hiện vẫn không rõ liệu các chất bổ sung khác có cung cấp lượng omega-3 tương tự hay không. Đôi khi trẻ tự kỷ được khuyến nghị bổ sung thêm omega-3 để giảm bớt sự hiếu động và hành vi lặp đi lặp lại.
Lưu ý:
- Một vài nghiên cứu rất nhỏ cho thấy bổ sung omega-3 có thể làm giảm sự hiếu động.
- Rất ít khi xảy ra các tác dụng phụ, tuy nhiên trong một vài trường hợp có thể gây ra một vài các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa như tiêu chảy hoặc khó tiêu.
- Không có một con số chính xác nào về liều lượng hợp lý dành cho trẻ em và cũng thật khó để biết chính xác các thành phần cụ thể trong một loại sản phẩm bổ sung bất kỳ. Bác sĩ của con có thể đề xuất cho mẹ một nhãn hiệu đáng tin cậy và liều lượng tiêu chuẩn.
- Nói chuyện với bác sĩ của con trước khi bắt đầu bổ sung omega-3, bởi omega-3 có thể khiến cho bệnh xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn.
- Mẹ có thể tìm hiểu thêm cách tăng cường bổ sung omega-3 thông qua chế độ ăn thay vì sử dụng các chất bổ sung (nhưng hãy tuân theo các hướng dẫn về chế độ ăn uống để giảm thiểu việc con hấp thụ các chất thủy ngân). Các loại cá chứa ít thủy ngân và nhiều chất béo lành mạnh bao gồm cá cơm, cá trích, cá thu (ở vùng Đại Tây Dương, còn gọi là cá măng nhỏ hoặc cá bống), cá hồi cầu vồng từ các trang trại chăn nuôi), cá hồi (trong tự nhiên hoặc nuôi ở trang trại), cá mòi, cá trích (ở Mỹ) và cá ngần.
Những liệu pháp bổ sung nguy hiểm và không nên áp dụng
Liệu pháp oxy cao áp
Liệu pháp oxy cao áp (Hyperbaric oxygen therapy - HBOT) có thể hiểu là việc hít oxy tập trung trong buồng áp lực, do đó máu chảy qua cơ thể sẽ giàu oxy hơn. HBOT thường được sử dụng để điều trị ngộ độc Cacbon monoxit (CO), các vết thương không lành và giảm bớt các sức áp lực khi lặn dưới nước.
Lưu ý:
- Nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp oxy cao áp có thể cải thiện các triệu chứng tự kỷ bằng cách tăng oxy lên não để giảm kích động, nhưng cho đến nay liệu pháp này dường như không hiệu quả.
- HBOT chưa được nghiên cứu đủ để xác định liệu nó có an toàn cho trẻ hay không.
- Liệu pháp này có thể gây chấn thương tai, co giật và cận thị.
- Các mẹ có thể phải bỏ ra từ 3.500.000đ đến 21.000.000đ cho mỗi lần điều trị theo phương pháp này và việc điều trị tại nhà bằng các buồng áp lực (mỗi buồng có giá lên tới 400.000.000đ) có thể gây ra tử vong do hỏa hoạn hoặc gây ra các vụ nổ.
Sử dụng phức chất
Phương pháp điều trị này được cho là sẽ loại bỏ kim loại nặng khỏi cơ thể trẻ bằng cách sử dụng các loại thuốc có tác động mạnh với sắt, chì, thủy ngân, cadmium, kẽm và một số kim loại khác.
Sau đó các kim loại được loại bỏ khỏi cơ thể trẻ qua đường tiểu. Phương pháp sử dụng phức chất có thể dẫn đến việc bị ngộ độc chì hoặc rối loạn máu gây nên thừa sắt trong máu.
Lưu ý:
- Không có bằng chứng nào cho thấy sử dụng phức chất gây ra bất kỳ tác động nào đến các triệu chứng tự kỷ. Và cũng không có bằng chứng nào cho thấy việc loại bỏ thủy ngân hoặc các kim loại khác bằng phức chất có vai trò trong việc chữa trị chứng tự kỷ.
- Sử dụng phức chất có thể gây hại đến cơ thể trẻ do thiếu các chất như canxi, sắt và magie.
- Liệu pháp này còn có thể gây tổn thương đến thận, nhịp tim không đều và thậm chí dẫn đến tử vong. Đặc biệt việc tiêm phức chất có thể có rủi ro rất lớn. Thực tế đã có một trẻ tự kỷ đã tử vong sau khi được tiêm natri ethylene diamine tetra-acetic acid (EDTA), một loại thuốc dùng để thải sắt.
Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút
Một số người nghi ngờ rằng tự kỷ là do nhiễm virus hoặc nấm và họ đã thử dùng các thuốc kháng vi-rút hoặc thuốc chống nấm để loại bỏ các triệu chứng rối loạn.
Lưu ý:
- Không có bằng chứng cho thấy virus hoặc nấm gây ra chứng tự kỷ.
- Những loại thuốc này có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm dị ứng, thiếu máu và tổn thương gan.
Nguồn: Babycenter
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo