Tai nạn bỏng ở trẻ sơ sinh rất đáng sợ, không chỉ tổn thương cơ thể con mà còn khiến trẻ rất đau đớn. Trẻ có thể bị bỏng nhiệt nước (nước sôi, hơi nước nóng) và bỏng nhiệt khô (các đồ dùng nóng). Nếu một đứa trẻ bị bỏng nhẹ, vùng da đó sẽ bị ửng đỏ và bong tróc, phồng rộp và sưng tấy. Với vết bỏng nghiêm trọng cần đưa con đi cấp cứu ngay. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những bước sơ cấp cứu bỏng ban đầu và cách phòng tránh tai nạn bỏng ở trẻ sơ sinh.
Bỏng nhiệt khô và bỏng nhiệt ướt khác nhau như thế nào?
Bỏng nhiệt khô và bỏng nhiệt ướt đều gây nên những tổn thương cho da bởi sức nóng của nhiệt nhưng xảy ra do những nguyên nhân khác nhau:
- Bỏng do nhiệt khô xuất phát từ việc tiếp xúc với các vật nóng như bếp điện, lò sưởi, máy duỗi tóc hay kẹp uốn tóc.
- Bỏng do nhiệt ướt bắt nguồn từ việc tiếp xúc với nước nóng hoặc hơi nước nóng.
Một số nguyên nhân khác dù ít phổ biến hơn nhưng cũng có thể gây ra bỏng ví dụ như tiếp xúc với dòng điện hay hoá chất.
Tai nạn bỏng ở trẻ sơ sinh
Tác nhân gây bỏng chủ yếu cho trẻ dưới 5 tuổi là nước nóng. Làn da của con còn mỏng nên rất dễ bị tổn thương do nhiệt. Ngay cả khi mẹ cảm nhận nhiệt độ của nước không quá nóng, nó vẫn có thể làm tổn thương làn da của con.
Vùng da bị bỏng do nhiệt khô hay do nhiệt ướt đều có những biểu hiện như:
- Ửng đỏ và bong tróc
- Phồng rộp
- Sưng tấy
Mẹ nên làm gì khi trẻ bị bỏng?
Thương tích do bỏng gây đau đớn, làm con cảm thấy sợ hãi và hoảng loạn. Khi đó, mẹ hãy nhẹ nhàng an ủi và vỗ về con, đồng thời nhanh chóng tiến hành sơ cứu cho con. Bất kể nguyên nhanh gây bỏng là do nhiệt khô hay nhiệt ướt, mẹ cần thực hiện theo các bước sau:
- Làm mát vùng da bị thương của con càng nhanh càng tốt bằng cách đặt vùng da bị tổn thương dưới vòi nước mát/ấm đang chảy trong tối đa 20 phút, việc này sẽ giúp các vết thương của con bớt đau và hồi phục tốt hơn. Không dùng đá lạnh hoặc nước đá vì có thể làm hạn chế việc cung cấp máu cho vết thương của con, điều này sẽ không tốt cho việc phục hồi các mô da của con sau này.
- Mẹ hãy dùng vòi hoa sen để làm mát vết bỏng của con nếu có thể. Để nước ở mức ấm và chảy với áp lực thấp. Chỉ sử dụng vòi hoa sen để làm mát vùng da bị ảnh hưởng, không dội lên toàn bộ cơ thể khiến con bị lạnh quá.
- Loại bỏ những quần áo chật, bó sát ra khỏi vết bỏng của con trước khi vết bỏng bắt đầu sưng lên. Tuy nhiên mẹ không được cởi bỏ quần áo hay bất kỳ thứ gì dính vào vết bỏng, hãy để các bác sĩ xử lý sau.
- Nâng cao vị trí vùng da bị bỏng của con để giảm sưng nề.
- Không chọc vỡ bất kỳ bọng nước nào trên vết thương.
- Che phủ vùng da bị bỏng của con bằng cách sử dụng màng bọc thực phẩm. Nếu phần tay của của con bị thương, hãy che phủ lại bằng một lớp túi nilon sạch vì nó không bị dính vào vết thương. Nếu mẹ sử dụng màng bọc thực phẩm, mẹ chỉ cần đặt một mảnh lên trên vết thương chứ đừng quấn thành các vòng tròn quanh cánh tay hay quanh chân của con.
- Mẹ hãy gọi cho các bác sĩ nhi khoa để được tư vấn. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ nên điều trị tại nhà khi vết bỏng ở mức độ nhẹ hay con cần được đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu và điều trị.
Không bôi kem dưỡng da, dầu hoặc bơ vào vùng da bị bỏng của con. Làm như vậy chỉ khiến tình trạng bỏng nặng thêm.
Sau khi đã sơ cứu cho con, mẹ có thể cho con uống thuốc giảm đau paracetamol hoặc ibuprofen loại dành cho trẻ em:
- Có thể cho con uống paracetamol khi con được 2 tháng tuổi nếu mẹ mang thai con ít nhất là 37 tuần và con nặng hơn 4kg.
- Ibuprofen chỉ được dùng khi con từ ba tháng tuổi trở lên và nặng ít nhất 5kg.
Khi nào cần đưa trẻ bị bỏng đến bệnh viện?
Khi vết bỏng của con trở nên nghiêm trọng hoặc bác sĩ báo rằng rất phức tạp, con cần nhập viện để được điều trị. Mẹ hãy thực hiện các bước sơ cứu tại nhà cho con một cách tốt nhất và gọi xe cứu thương khi:
- Diện tích vết bỏng của con chiếm nhiều hơn 5% toàn bộ diện tích da trên cơ thể. Theo hướng dẫn sơ bộ, 1% diện tích cơ thể của con có kích thước bằng bàn tay của con.
- Vùng da bị thương của con chuyển sang màu trắng hoặc cháy xém. Đây là dấu hiệu cho thấy toàn bộ các lớp da đã bị phá huỷ. Có thể nhìn thấy các lớp mô nhợt nhạt ở bên dưới.
- Khi con bị bỏng ở mặt, tay, chân hoặc bộ phận sinh dục.
- Vết bỏng bắt chéo qua các khớp, như khớp vai hoặc khuỷu tay của con; vết thương tạo thành vòng tròn quấn quanh một bộ phận nào đó trên cơ thể con, chẳng hạn như bao quanh tay hoặc chân (bỏng vòng tròn).
Các bác sĩ ở bệnh viện sẽ xác định đâu là phương pháp điều trị tốt nhất cho con. Các bác sĩ có thể đề xuất việc chuyển con sang các cơ sở chuyên khoa bỏng.
Phòng tránh tai nạn bỏng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Mẹ hãy sắp xếp, bố trí mọi thứ trong nhà thật an toàn và chú ý cẩn thận khi đang nấu ăn hoặc khi đang mang theo đồ uống nóng. Mẹ có thể thực hiện theo các hướng dẫn sau để hạn chế tai nạn bỏng:
- Không để đồ uống nóng ở những nơi con có thể với tới cũng như không để ở gần con khi mẹ đang bế con hoặc khi con đang chơi trên sàn nhà. Ngoài ra, mẹ không nên truyền tay đồ uống nóng cho người khác qua con, không uống nước nóng khi đang cho con ăn. Đồ uống vẫn đủ nóng để làm con bị bỏng sau khi pha ít nhất là 15 phút.
- Mẹ hãy chú ý cẩn thận khi đang nấu ăn ở trên bếp hay khi dùng lò nướng. Quay cán xoong, chảo vào phía bên trong để con không thể vươn người lên và kéo xuống. Mẹ có thể bố trí một góc vui chơi cho con ở nơi tiện quan sát, theo dõi và giữ con tránh xa mọi nguy hiểm.
Mẹ cần chú ý phòng ngừa tai nạn bỏng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Dùng kẹp giữ dây điện cho dây cắm của ấm đun nước, máy nướng bánh mì và cố định vị trí vào phía sau của kệ bếp. Sử dụng những thiết bị không dây hoặc có ống xoắn bọc dây điện là an toàn nhất.
- Che đậy các vật tỏa ra nhiệt nóng, các đường ống nóng bằng dụng cụ che chắn và nắp đậy. Giữ những vật tỏa nhiệt khó che đậy như thanh treo quần áo ở nhiệt độ thấp hơn bằng thiết bị khống chế nhiệt độ.
- Cất diêm và bật lửa vào tủ hoặc ngăn kéo có khoá, ở những nơi mà con không thể với tới. Nếu như bếp gas không có nút vặn đánh lửa, mẹ hãy dùng bật lửa điện phóng tia để châm bếp, các thiết bị này sẽ an toàn hơn vì chúng không tạo ra những ngọn lửa trần.
- Nếu gia đình có lò sưởi, máy sưởi, quạt sưởi,.. mẹ hãy đặt một khung chắn ở phía trước để bảo vệ con. Đây là một yêu cầu pháp lý bắt buộc cho một căn hộ mới xây/được cho thuê. Không treo đồ đạc phía trên lò sưởi vì sẽ kích thích con trèo lên để với lấy.
- Đặt bình cứu hoả và chăn chữa cháy ở những khu vực dễ xảy ra hoả hoạn như nhà bếp, bên cạnh lò sưởi,… Chỉ cố gắng dập lửa nếu đó là một đám cháy nhỏ và kiềm chế được. Trong các trường hợp khác, hãy đưa tất cả mọi người ra khỏi nhà và gọi cứu hoả.
- Lắp chuông báo khói trong tất cả các phòng ngủ và khu vực gần bếp. Chuông báo cần phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn kiểm định của nhà nước. Kiểm tra các chuông đều đặn hàng tháng để đảm bảo rằng chuông vẫn đang hoạt động.
- Che khuất đèn và dây đèn ở phía sau đồ nội thất có kích thước lớn hoặc che đậy bằng thiết bị kẹp giữ dây điện. Con có thể kéo đổ những chiếc đèn thân cao xuống đất, vì thế mẹ hãy đặt đèn chắc chắn tại một vị trí cố định an toàn đằng sau đồ nội thất.
- Đặt cây nến đang cháy ở ngoài tầm với của con, thổi tắt nến khi mẹ rời khỏi căn phòng. Không bao giờ để con ở trong phòng một mình với một ngọn nến đang cháy.
- Yêu cầu thợ sửa ống nước đặt van trộn nhiệt độ (van trộn nóng lạnh) vào các vòi nước để kiểm soát nhiệt độ nếu gia đình chưa lắp. Những ngôi nhà mới đều được trang bị hệ thống này như một tiêu chuẩn.
- Luôn luôn đổ nước lạnh vào bồn tắm trước rồi mới hòa thêm nước nóng. Mẹ hãy kiểm tra nhiệt độ của nước trước khi tắm cho con bằng khuỷu tay của mình hoặc tốt hơn hết là sử dụng nhiệt kế. Không bao giờ để con ở một mình trong phòng tắm. Nước nóng chảy ra từ vòi/ống nước có thể làm con bị bỏng.
- Để máy sấy tóc, máy duỗi tóc và kẹp uốn tóc ở xa tầm tay của con. Các loại máy tạo kiểu tóc có thể vẫn còn nóng trong khoảng 8 phút sau khi rút phích cắm vì vậy mẹ hãy cất chúng vào túi cách nhiệt.
Kiểm tra mức độ chịu lửa, chống bắt lửa của quần áo con. Những trang phục hóa trang cho trẻ được xếp vào nhóm đồ chơi nên không được xử lý qua các chất hãm sự bắt cháy. Con có thể gặp nguy hiểm vào một số dịp lễ hội như Halloween khi trang phục hóa trang của con có thể bị bắt lửa bởi những quả bí ngô được thắp nến, đốt lửa và bắn pháo hoa.
Nếu quần áo của con bị bắt lửa, mẹ hãy:
- Dập lửa bằng cách dùng một chiếc áo khoác nặng hoặc chăn nặng để trùm lên ngọn lửa
- Đặt con nằm xuống sàn nhà
- Lăn con vòng quanh trên sàn để dập tắt ngọn lửa
Mẹ cũng nên lưu ý rằng cháy nắng cũng có thể gây đau đớn và tổn hại cho làn da của con.
Nguồn: Babycenter
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo