Trẻ say tàu xe và cách phòng chống hiệu quả

đăng bởi Tiên Tiên

Nhiều trẻ có dấu hiệu say tàu xe từ lần đầu tiên di chuyển bằng các phương tiện đó. Trẻ say xe thường nôn nhiều hoặc lả đi, sốt và quấy khóc… Vậy nguyên nhân say xe là gì? Mẹ phải làm gì để chống say xe cho trẻ em? Mời ba mẹ theo dõi bài viết sau!

Hiện tượng say tàu xe ở trẻ

Mặc dù tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị say tàu xe, nhưng trẻ em từ 2 đến 12 tuổi thường bị say tàu xe nhiều nhất. Một số trẻ não phản ứng nhạy cảm với chuyển động hơn sẽ dễ bị say tàu xe hơn những trẻ khác.

Trẻ có thể bị say khi đi thuyền, đi tàu hỏa hoặc đi máy bay, đặc biệt nếu đó là lần đầu tiên con di chuyển bằng các phương tiện này. Các chuyển động khá dữ dội (không khí hỗn loạn hoặc sóng nước gập ghềnh) cũng khiến trẻ dễ bị say. Trẻ thậm chí còn có thể bị say khi lắc xích đu.

Việc say tàu xe, say sóng thường giảm dần khi trẻ lớn hơn.

Nguyên nhân gây ra say tàu xe ở trẻ

Say tàu xe bắt đầu xảy ra khi não của bé nhận được các thông điệp khác nhau về sự chuyển động từ các bộ phận trong cơ thể như mắt, tai trong, dây thần kinh và khớp.

Trẻ sơ sinh say tàu xe thường quấy khóc và cảm thấy khó chịu

Trẻ sơ sinh say tàu xe thường quấy khóc và cảm thấy khó chịu

Ví dụ, khi bé đang nhìn vào một món đồ chơi hoặc một bức tranh trong một chiếc ô tô đang chuyển động, mắt bé sẽ gửi một tín hiệu đến não rằng bé không chuyển động. Nhưng các bộ phận khác trên cơ thể lại phản hồi ngược lại khiến bé cảm thấy rằng con đang chuyển động. Những tín hiệu mâu thuẫn này sẽ làm bé cảm thấy buồn nôn.

Điều tương tự có thể xảy ra trên một chiếc máy bay hoặc trên một chiếc thuyền đi trên sóng lớn. Các triệu chứng này sẽ tồi tệ hơn khi bé căng thẳng và khó chịu.

Mẹ nên làm gì để phòng chống say tàu xe ở trẻ? 

Mẹ hãy kiên nhẫn với con khi bé đang cảm thấy khó chịu và thử áp dụng những mẹo sau:

  • Hãy chú ý tới các dấu hiệu ban đầu của chứng say tàu xe - trẻ thường toát mồ hôi lạnh và chán ăn trước khi bắt đầu nôn mửa. Khi mẹ thấy những dấu hiệu rất rõ ràng báo hiệu con đang bị say xe, mẹ hãy dừng xe lại ngay nếu có thể. Dừng lại bên đường để nghỉ ngơi một chút nếu mẹ đang lái xe hoặc cho con nhìn ra cửa sổ máy bay trong một chuyến bay. Nếu mẹ có thể dừng xe lại, mẹ hãy đặt bé nằm xuống và đặt một miếng vải mát lên trán con. Các triệu chứng sẽ giảm nhanh chóng trong 15 phút.
  • Khi ở trong xe, hãy cho con nhìn thẳng về phía trước. Những tín hiệu truyền đến não của bé sẽ trực quan hơn khi bé nhìn một vật ở xa phía trước trong khi đang di chuyển. Việc này giúp giải quyết vấn đề về những thông điệp chồng chéo truyền đến não của bé.
  • Để bé tiếp xúc với không khí mát mẻ. Để quạt hoặc máy điều hòa không khí thổi nhẹ vào con hoặc mở hé cửa sổ để gió lùa vào nhè nhẹ. Mẹ hãy đưa bé ra boong tàu khi di chuyển bằng thuyền.
  • Khi di chuyển bằng chiếc xe lớn có hai hàng ghế sau, mẹ hãy cho con ngồi ở hàng giữa thay vì hàng sau. Vì an toàn, mẹ không nên cho bé ngồi  phía trước. Khi di chuyển bằng các phương tiện khác, mẹ hãy chọn toa trước của một chuyến tàu; ở phía giữa, tầng trên của một chiếc thuyền; và phía cánh của máy bay. Hãy để bé nhìn thẳng về phía trước và chắc chắn rằng bé đủ cao để có thể nhìn ra ngoài cửa sổ bất cứ lúc nào.
  • Đánh lạc hướng bé. Chứng say tàu xe đôi khi có thể là một trạng thái của não bộ, vì vậy mẹ hãy thử hát hoặc trò chuyện cùng con. Tuy nhiên, mẹ đừng để bé nhìn vào sách hoặc chơi với đồ chơi, bởi vì những thứ này sẽ khiến bé mất phương hướng hơn.
  • Cho bé ăn. Bản năng có thể bảo mẹ làm điều ngược lại, nhưng nếu bé đã ăn một bữa no nê, mẹ cũng hãy chuẩn bị một bữa ăn nhẹ trước chuyến đi. Tại sao lại cần phải làm vậy ư? Vì đôi khi đói làm bé buồn nôn nhiều hơn. Có một số tranh cãi về vấn đề này, vì vậy mẹ hãy lưu ý xem việc ăn một chút đồ ăn nhẹ có giúp ích cho chuyến đi của con không hay cản trở chuyến đi. Từ đó, mẹ sẽ biết cách chuẩn bị cho lần tới.
  • Cố gắng lên lịch cho chuyến đi trong thời gian ngủ trưa, vì bé say xe ít hơn khi bé ngủ. Nếu đã quá thời gian ngủ trưa, mẹ vẫn hãy khuyến khích bé ngủ nếu con mệt.
  • Hoạt động ít nhất có thể. Cố gắng giữ cho con bình tĩnh và đầu bé ít chuyển động nhất có thể.
  • Mẹ có thể thử đeo cho con vòng chống say tàu xe, để hạn chế cơn buồn nôn bằng cách kích thích các huyệt đạo trên cổ tay. Tuy chưa được khoa học công nhận nhưng nhiều cha mẹ cho biết phương pháp này hiệu quả. Khi mẹ nói với con rằng chiếc vòng tay đặc biệt này sẽ giúp bé không bị khó chịu khi đi ô tô hoặc đi máy bay, tâm lí con cũng sẽ dễ chịu hơn. Tuy nhiên, mẹ hãy kiểm tra thông tin sản phẩm để chắc chắn sản phẩm phù hợp với độ tuổi của bé.

Nếu bé bị nôn mửa quá nhiều, mẹ hãy cho bé uống nước để tránh mất nước.

Những loại thuốc nào bé có thể dùng để ngăn ngừa say tàu xe?

Đối với trẻ em từ 2 tuổi trở lên, thuốc chống buồn nôn được bán tại quầy thuốc ở dạng viên nhai và dạng lỏng. Mẹ hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào. Một số loại thể có một số tác dụng phụ như buồn ngủ hoặc dễ bị kích ứng, khô miệng, táo bón và mờ mắt.

Để chắc chắn mẹ hãy mang theo túi nilong, khăn lau hoặc khăn ướt và quần áo để thay cho bé mỗi khi đi tàu xe.

Nguồn: Babycenter

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo