Hóc nghẹn, sặc và nghẹt đường thở trong lúc ăn hoặc do dị vật đường thở là tai nạn thường gặp của trẻ. Biểu hiện là trẻ bị khó thở, ngạt thở, tím tái, ho, nôn khan và tỏ ra khó chịu. Lúc này, mẹ cần sơ cứu nghẹt thở khẩn cấp cho trẻ. Nếu tình trạng nặng hơn và con không tỉnh táo mẹ cần áp dùng kỹ thuật hồi sức tim phổi. Để hiểu rõ hơn về các bước sơ cứu trẻ bị nghẹt thở và các nguyên tắc khi cấp cứu hồi sinh tim phổi mới ba mẹ theo dõi bài viết!
Chắc chắn tất cả các ba mẹ đều không mong muốn con bị rơi vào tình trạng phải cấp cứu, nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra. Em bé có thể bị nghẹt thở do thức ăn, đồ chơi, trượt chân xuống nước trong bồn tắm hay hồ bơi, hoặc do dây rút và dây đai quần áo siết quá chặt.
Các bước hướng dẫn dưới đây sẽ giúp mẹ có những hiểu biết cơ bản về sơ cứu cho trẻ khi bị nghẹt thở và kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR - cardiopulmonary resuscitation).
Tuy nhiên, mẹ cũng đừng nên quá dựa theo các bước này và coi đó là phương pháp sơ cứu duy nhất. Mẹ hãy dành thời gian để tham gia khóa học về các kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để học và thực hành các kỹ thuật phù hợp.
Những kỹ thuật này khác nhau tùy thuộc vào từng độ tuổi của trẻ, và nếu thực hiện các kỹ thuật này không đúng cách sẽ gây hại cho trẻ.
Lưu ý: Những bước hướng dẫn dưới đây phù hợp cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Sơ cứu cho trẻ bị nghẹt thở
Bước 1: Nhanh chóng phán đoán tình trạng của trẻ.
Nếu bé đột nhiên không thể khóc hoặc ho, có lẽ bé đang bị mắc thứ gì đó trong đường thở và mẹ cần phải lấy vật đó ra giúp con ngay lập tức. Ngoài ra còn các triệu chứng như khi bé nói sẽ phát ra những âm thanh kỳ lạ hoặc không thể phát ra âm thanh nào cả. Da bé chuyển sang màu đỏ, tím tái hoặc tái xanh.
Nếu bé ho hoặc nôn khan, có nghĩa là đường thở của bé chỉ bị tắc nghẽn một phần. Trong trường hợp này, mẹ hãy để bé tiếp tục ho. Ho là cách hiệu quả nhất để giải phóng những vật tắc nghẽn.
Ho giúp trẻ giải phóng dị vật đường thở
Nếu bé không thể ho ra dị vật, mẹ hãy thực hiện các thao tác vỗ lưng hoặc ấn ngực cho bé (xem bước 2 bên dưới) đồng thời nhờ ai đó gọi cấp cứu hoặc gọi dịch vụ y tế khẩn cấp tại địa phương.
Nếu chỉ có một mình mẹ bên cạnh trẻ nhỏ, mẹ hãy tiến hành sơ cứu trong vòng 2 phút, sau đó gọi dịch vụ cấp cứu y tế.
Mặt khác, nếu mẹ nghi ngờ rằng đường thở của bé bị tắc nghẽn do phù nề hầu họng, mẹ hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Có thể bé đang có một số phản ứng dị ứng với thức ăn hoặc vết côn trùng cắn hoặc có thể bé bị mắc bệnh, chẳng hạn như viêm thanh khí phế quản.
Nếu bé có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim mạch hoặc đột nhiên mẹ thấy bé ngã quỵ, mẹ cũng hãy gọi cấp cứu ngay.
Bước 2: Cố gắng đẩy vật thể ra bằng cách vỗ lưng hoặc ấn ngực.
Trước tiên hãy vỗ lưng bé
Nếu bé vẫn tỉnh táo nhưng không thể ho, khóc, hoặc thở và mẹ nghĩ rằng có thứ gì đó bị mắc kẹt trong đường thở của con, hãy cẩn thận đặt bé nằm ngửa lên một cánh tay, dùng bàn tay giữ chặt sau gáy của bé.
Đặt bàn tay và cánh tay còn lại lên phía trước bé. Bây giờ bé đang bị kẹp giữa hai cánh tay của mẹ.
Mẹ hãy dùng ngón tay cái và các ngón tay còn lại để giữ hàm của bé rồi xoay người bé lại để con nằm úp xuống cánh tay của mẹ. Sau đó hạ cánh tay của mẹ xuống đùi để đầu bé thấp hơn ngực.
Sử dụng phần tiếp giáp giữa cổ tay và ngón cái của mẹ vỗ mạnh 5 lần vào vùng lưng giữa hai bả vai của bé để cố gắng đẩy vật thể ra ngoài. Đồng thời duy trì việc đỡ đầu và cổ bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ giữ chắc hàm của bé.
Nếu vẫn chưa đẩy được vật thể ra ngoài, mẹ hãy đặt bàn tay đang không đỡ bé (bàn tay đang dùng để vỗ lưng bé) ra phía sau đầu của bé sao cho cánh tay của mẹ nằm dọc theo xương sống của bé. Cẩn thận lật người bé lại trong khi tay còn lại vẫn đang giữ hàm và giữ phía trước bé.
Sau đó thực hiện các thao tác đẩy ngực
Mẹ hãy dùng ngón tay cái và các ngón tay khác giữ hàm của bé trong khi đang kẹp bé giữa hai cánh tay để đỡ đầu và cổ của con. Sau đó mẹ hãy hạ cánh tay đang đỡ lưng của con lên đùi, vẫn giữ đầu bé thấp hơn so với phần còn lại của cơ thể.
Đặt hai hoặc ba ngón tay vào nửa dưới phần xương ức của bé. Khi thực hiện thao tác đẩy ngực, mẹ hãy đẩy thẳng xuống ngực khoảng 4cm. Sau đó thả tay ra để ngực bé trở lại vị trí bình thường.
Thực hiện 5 lần thao tác đẩy ngực. Giữ ngón tay của mẹ tiếp xúc với xương ức của em bé. Mẹ nên đẩy ngực cho bé một cách nhịp nhàng, không nên giật mạnh.
Lặp lại các thao tác vỗ lưng và đẩy ngực
Tiếp tục thực hiện luân phiên 5 lần vỗ lưng và 5 lần đẩy ngực cho đến khi vật thể bị đẩy ra ngoài hoặc khi bé bắt đầu ho, khóc dữ dội, khó thở hoặc không phản ứng lại. Nếu con ho, mẹ hãy để con cố gắng ho ra dị vật.
Nếu bé không phản ứng
Nếu bé đang bị nghẹn thứ gì đó và bị bất tỉnh, mẹ hãy hạ bé xuống đất và bắt đầu hô hấp nhân tạo cho bé (xem bên dưới). Sau mỗi lần ép tim ngoài lồng ngực và trước khi cố gắng hà hơi thổi ngạt, mẹ hãy mở miệng bé ra, tìm kiếm vật thể và lấy ra nếu có thể.
Nhưng mẹ hãy nhớ rằng không bao giờ được đặt ngón tay của mẹ vào miệng bé trừ khi mẹ thực sự thấy vật thể. Nếu mẹ không thể nhìn thấy vật đó và mẹ đặt ngón tay của mình vào miệng bé, mẹ có thể vô tình đẩy vật thể vào sâu hơn trong cổ họng bé. Còn trong trường hợp mẹ có thể thấy vật thể, mẹ hãy sử dụng ngón tay út để lấy vật đó ra ngoài.
Tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đến khi bé tỉnh lại hoặc khi nhân viên y tế đến.
Cách thực hiện các kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR)
CPR là gì?
CPR là viết tắt của từ Cardiopulmonary Resuscitation, nghĩa là kỹ thuật hồi sức tim phổi. Đây là phương pháp sơ cứu mà mẹ có thể thực hiện để cứu một em bé khi bé đột nhiên bất tỉnh hoặc không thở nữa.
CPR sử dụng kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt để làm giàu oxy cho máu lưu thông qua não và các cơ quan quan trọng khác cho đến khi trẻ tỉnh lại hoặc khi nhân viên y tế khẩn cấp đến. Duy trì oxy cho máu đang lưu thông giúp ngăn ngừa não bị tổn thương và tránh nguy cơ tử vong ở trẻ - có thể xảy ra chỉ trong vòng vài phút.
Thực hiện các kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR) cho trẻ sơ sinh không khó. Mẹ hãy thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Kiểm tra lại để chắc chắn rằng trẻ sơ sinh không phản ứng và không thở nữa.
Mẹ hãy hét lên hoặc gọi tên bé để thu hút sự chú ý của trẻ. Nếu con không phản ứng lại, hãy ấn vào lòng bàn chân của con và hét lại đồng thời kiểm tra nhịp thở của con. (Mẹ hãy quan sát xem ngực của bé có phồng lên không, và lắng nghe tiếng thở của bé)
Nếu trẻ sơ sinh không phản ứng lại và không thở hoặc thở hổn hển, mẹ hãy nhờ ai đó gọi cấp cứu ngay hoặc gọi số dịch vụ y tế khẩn cấp tại địa phương. (Nếu chỉ có một mình mẹ bên cạnh trẻ nhỏ, mẹ hãy tiến hành sơ cứu trong vòng 2 phút theo như hướng dẫn dưới đây, sau đó gọi dịch vụ cấp cứu y tế)
Nhanh chóng và nhẹ nhàng đặt bé nằm ngửa trên một bề mặt phẳng vững chắc. Mẹ hãy đứng hoặc quỳ bên cạnh con.
Mẹ phải đảm bảo rằng con không bị chảy máu nghiêm trọng. Nếu bé bị chảy máu nghiêm trọng, mẹ hãy thực hiện các biện pháp để cầm máu bằng cách tạo áp lực lên vùng bị chảy máu đó. Không thực hiện các kỹ thuật hồi sức tim phổi cho đến khi mẹ kiểm soát được việc chảy máu của bé.
Bước 2: Thực hiện 30 lần thao tác ấn tim ngoài lồng ngực
Đặt một tay lên trán trẻ sơ sinh. Đặt hai ngón tay vào giữa ngực của con, ngay dưới đường núm vú. Nén ngực bằng cách đẩy thẳng 2 ngón tay xuống khoảng 4cm, và sau đó nhấc tay lên để ngực trở lại vị trí bình thường. Đẩy mạnh và đẩy nhanh. Mẹ nên đẩy một cách nhịp nhàng, không nên giật mạnh.
Sơ cứu trẻ bằng kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR)
Mẹ hãy nén ngực cho bé với tốc độ hai lần mỗi giây. Vừa thực hiện thao tác vừa đếm to: "Một và hai và ba và ...". Hãy đẩy tay xuống khi mẹ nói số và kéo tay lên khi mẹ nói "và".
Bước 3: Thực hiện hà hơi thổi ngạt 2 lần
Lưu ý: Nếu mẹ thấy bất tiện khi thực hiện thao tác hà hơi thổi ngạt, mẹ cũng hãy thực hiện ép ngực cho bé nhé, bởi chỉ ép ngực thôi thì cũng tốt hơn là không làm gì cả.
Mở đường thở cho bé bằng cách đặt một tay lên trán bé và hai ngón tay lên cằm rồi xoay đầu bé về giữa. Sau đó áp miệng của mẹ sát xuống mũi và miệng của em bé.
Hít một hơi bình thường rồi thổi vào mũi và miệng của em bé trong khoảng một giây. Mẹ hãy nhìn xem ngực của bé có phồng lên không. Nếu ngực bé không phồng lên, hãy ngả đầu bé và đảm bảo miệng mẹ áp sát vào mũi và miệng bé trước khi mẹ thổi lần hai.
Trong trường hợp ngực của bé không phồng lên, có lẽ đường thở của bé đã bị chặn lại. Mẹ hãy mở miệng bé ra, tìm vật thể đó và lấy ra nếu mẹ có thể. Tiếp tục kiểm tra miệng bé xem có vật thể nào không sau mỗi lần ép ngực cho bé.
thực hiện thao tác ép ngực cho đến khi lồng ngực của bé phồng lên do hơi thở của mẹ đã đi được vào trong lồng ngực của bé.
Tiếp tục thực hiện 30 lần ấn tim ngoài lồng ngực và 2 lần hà hơi thổi ngạt cho đến khi:
- Mẹ nhận thật bé có dấu hiệu trở lại một cách rõ rệt.
- Có máy khử rung tim ngoài tự động (AED) đã chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng
- Mẹ đã hô hấp nhân tạo cho bé khoảng 2 phút (5 lần ấn tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt) và có một người khác ép ngực cho bé.
- Mẹ đã hô hấp nhân tạo cho bé khoảng 2 phút (5 lần ấn tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt) và mẹ ở một mình bên cạnh bé cần gọi cấp cứu hoặc gọi dịch vụ y tế khẩn cấp ngay.
- Có một nhân viên dịch vụ y tế khẩn cấp đảm nhiệm việc sơ cứu cho trẻ.
- Mẹ kiệt sức và không thể tiếp tục được nữa
- Mẹ nhận thấy tình trạng của bé ngày càng nguy hiểm.
Ngay cả khi bé có vẻ đã ổn hơn vào thời điểm nhân viên y tế đến, bác sĩ vẫn cần phải kiểm tra để đảm bảo rằng đường thở của bé đã hoàn toàn thông thoáng và con không chịu bất kỳ tổn thương bên trong nào.
Nguồn: Babycenter
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo