Sự yêu thương, gắn kết giữa cha mẹ và con cái là tình cảm thiêng liêng nhất. Khi mang thai, mọi người có thể cảnh báo mẹ rằng mẹ sắp yêu hơn bao giờ hết. Nhưng mẹ sẽ không hiểu ý của họ cho đến khi em bé chào đời. Cảm giác yêu thương ập đến ngay khi nhìn thấy bé.
"Cảm giác giống như mình chưa từng sống trước khi nhìn thấy con" một mẹ chia sẻ.
Sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái là một trong những kết nối mạnh mẽ nhất trong tự nhiên.
Sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái là một trong những kết nối mạnh mẽ nhất trong tự nhiên. Tình yêu lãng mạn có thể đến và đi, nhưng một khi đã gắn bó với em bé của mình, cha mẹ có thể bị cuốn hút suốt đời, và dĩ nhiên không phải vì bạn thích viễn cảnh phải thay hàng ngàn chiếc tã.
Tình yêu dành cho con không chỉ là trí tuệ hay văn hóa - đó là một phần cơ bản trong con người bạn. Cho dù là một người mẹ hay cha, là cha mẹ nuôi hay cha mẹ dượng, bạn đều có khả năng hình thành mối liên kết mạnh mẽ với con trong khi bé cũng sẵn sàng để kết nối với bạn.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu sự phát triển của trẻ em đã phát hiện ra những chi tiết thú vị về mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái.
Phát hiện của họ giúp giải thích lý do tại sao trẻ sơ sinh gây hấp dẫn và tại sao chúng ta lại vô cùng yêu thương khi chúng lớn lên - những cơn giận dữ, tranh luận, và tất cả những điều khác.
Mối quan hệ của cha mẹ với con cái sẽ thay đổi qua nhiều năm, nhưng tầm quan trọng của nó không bao giờ phai nhạt.
Mang thai: Yêu trước cái nhìn đầu tiên
Đừng ngạc nhiên khi thấy mình yêu em bé trước cả khi nhìn thấy con. Những người sắp thành cha mẹ thường bị ảnh hưởng bởi sự pha trộn mạnh mẽ của cảm xúc và dự đoán - những cảm xúc này giúp tạo tiền đề cho mối quan hệ của bạn với con.
Nếu đang mang bầu, những hormone “người mẹ” đang hình thành mạnh mẽ sẽ kết nối mối dây liên kết giữa bạn và con. Những cú đá trong thai kỳ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi mỗi tuần trôi qua.
Khi ngày dự sinh đến gần, bộ não bắt đầu sản xuất ngày càng nhiều oxytocin, một loại hormone giúp “đánh thức” người mẹ trong bạn. Với tên gọi khác là “hormone tình yêu”, oxytocin chịu trách nhiệm với các “hành vi làm mẹ” như ấp ủ, chải chuốt lông cho con ở các loài vật từ mèo đến chó.
Với phụ nữ đang mang bầu, chức năng chính của oxytocin là giảm stress, xoa dịu các cảm xúc lo lắng khi đến gần kỳ sinh nở.
Oxytocin đã thu hút sự quan tâm và nghiên cứu chuyên sâu trong những năm gần đây. Các nghiên cứu trên loài vật còn cho thấy oxytocin đóng vai trò quan trọng trong các kỹ năng ứng xử xã hội, từ nuôi dạy em bé đến hình thành mối quan hệ lâu dài.
Những loài vật không sản xuất oxytocin trong cơ thể sẽ không quan tâm đến con cái của chúng và thay đổi bạn tình theo mùa. Những loài có oxytocin thường là những “ông bố bà mẹ” yêu con và “sống với nhau” rất chung thủy.
Bởi thế, khi cơ thể bắt đầu sản xuất oxytocin trong thai kỳ, có nghĩa là tình yêu với con đã bắt đầu chảy trong huyết quản của người mẹ.
Em bé cũng sẽ phát triển mối liên kết này ngay từ trong bụng mẹ. Nhịp tim của mẹ là một sự dỗ dành, hương vị trong đồ ăn của mẹ ảnh hưởng đến nước ối bao quanh con, và trái tim con sẽ đập nhanh hơn khi nghe tiếng mẹ.
Giọng nói của mẹ từ giờ trở đi chính là nhân tố đem lại cho bé sự hứng khởi và cảm giác thoải mái, an toàn.
Nếu là một người cha,hay người mẹ thứ hai trong một cặp đôi đồng giới, hay cha mẹ nuôi đang mong đợi một em bé, bạn sẽ không gặp phải sự tăng cường nội tiết tố và sự gần gũi về cơ thể với đứa bé đang phát triển. Nhưng đừng lo lắng, mối liên kết với con sẽ không bị ảnh hưởng đâu.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có khả năng hình thành mối liên kết chặt chẽ với bất kỳ người chăm sóc nào đáp ứng được nhu cầu về thể chất và tinh thần của chúng.
Thuyết gắn bó (Attachment Theory) - hướng dẫn về nguyên tắc tâm lý của các mối quan hệ giữa con người - cho rằng con người ở mọi lứa tuổi đều trở nên gắn bó sâu sắc với người mang đến cho mình cảm giác an toàn và sự chở che.
Lúc nào họ cũng có khao khát hình thành mối gắn kết đó. Bởi thế, nếu muốn gần gũi hơn với con trẻ thì chẳng bao giờ là quá muộn. Carol Wilson, nhà tâm lý học tại bang Pennsylvania, Erie chia sẻ: "Bất kỳ ai cũng có thể trở thành một người gắn bó với bé".
Mẹ và em bé: Nghiện yêu
Khi chuyển dạ, dòng oxytocin trong não bộ và dòng máu của mẹ trở thành một dòng chảy. Một trong những chức năng của hormone này là gây ra các cơn co thắt và khiến sữa mẹ chảy ra.
(Nó hoạt động tốt đến nỗi các bác sĩ thường xuyên bơm pitocin, một dạng oxytocin tổng hợp, thông qua IV để kích thích chuyển dạ.)
Với một bà mẹ mới, oxytocin sẽ sản sinh ra rất nhiều cho tới khi em bé chào đời. Nó giúp mẹ vượt qua sự kiệt sức và đau đớn khi chuyển dạ để mang lại cho cảm giác phấn chấn và tình yêu mãnh liệt với bé.
Những người cha cũng không tránh được bản chất mê hoặc của trẻ sơ sinh - hay tác dụng của oxytocin. Giống như các bà mẹ, các ông bố sẽ bị tấn công bởi hormone tình yêu khi lần đầu tiên nhìn thấy con mình. Điều đó có thể giúp lý giải về những cảm xúc bất ngờ đôi khi ập đến với các ông bố trong phòng sinh.
Một ông bố đã không hề nghĩ rằng bản thân sẽ khóc khi con gái chào đời, nhưng những giọt nước mắt bắt đầu tuôn rơi ngay khi anh nhìn thấy con. Anh cho biết: "Tôi đã phải kìm nén rất nhiều cho tới khi con xuất hiện và ngửa mặt nhìn tôi."
Những người cha cũng thường trải qua những thay đổi sinh học ấn tượng khác. Năm 2009, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức testosterone của nam giới giảm mạnh khoảng 26%-34% khi họ trở thành cha. "Sự sụt giảm testosterone dường như là một sự điều chỉnh sinh học giúp đàn ông thay đổi các ưu tiên của họ khi có em bé ở bên cạnh", nhà nhân chủng học Christopher Kuzawa giải thích.
Đáng chú ý hơn, một số người đàn ông bắt đầu sản xuất thêm estrogen, và đây có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất về sức mạnh biến đổi của việc làm cha. Theo Diane Witt, một nhà thần kinh học thuộc Quỹ khoa học quốc gia, estrogen làm cho bộ não nhạy cảm hơn với oxytocin, giúp những người cha trở nên yêu thương và săn sóc hơn đối với con cái.
Oxytocin không phải là chất xúc tác tình yêu duy nhất. Dopamine, chất xúc tác chính tạo nên sự hưng phấn trong não bộ, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên kết nối sớm cho mẹ và bé. Khi bạn ôm, nựng hoặc chăm sóc cho con, cả hai đều nhận được một lượng lớn “chất xúc tác hạnh phúc” này.
Trong khi đang tận hưởng niềm vui có con, dopamine sẽ giúp bé gắn bó với cha mẹ về mặt cảm xúc.
Vào năm 2004, các nhà nghiên cứu người Ý đã kết luận được điều này thông qua việc quan sát những con chuột con: Những con chuột không thể cảm nhận được dopamine sẽ không quan tâm đặc biệt đến việc mẹ của chúng có ở bên hay không.
Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy dopamine đóng vai trò quan trọng trong liên kết giữa mẹ và bé.
Theo Witt, cha mẹ nuôi cũng sản sinh ra “chất xúc tác hạnh phúc” oxytocin và dopamine khi ở quanh con cái. Và em bé của họ, giống như tất cả những trẻ sơ sinh khác có sự gắn bó mật thiết với người chăm sóc chúng, sẽ nhận được dopamine thường xuyên từ việc dành thời gian bên cha mẹ.
Tình yêu bị gián đoạn: Nếu không gắn kết ngay lập tức
Khoảng 30% các bà mẹ sẽ không yêu con ngay lập tức, thường là vì con của họ hoặc quá trình sinh nở không như mong đợi.
Thất vọng, căng thẳng hoặc kiệt sức có thể đủ để nhấn chìm các hormone mạnh mẽ của tình yêu – nhưng điều này chỉ là tạm thời thôi nhé. Đại đa số cha mẹ đều phát triển sự gắn kết với em bé của mình trong vài tháng đầu.
Carrie Hook, một cố vấn phòng chống lạm dụng trẻ em và là bà mẹ ba con, đã không có cơ hội gắn bó với đứa con đầu lòng ngay sau khi sinh. Em bé được sinh ra với một lượng nhỏ phân su trong phổi, và các y tá trong bệnh viện ngay lập tức đưa bé đi điều trị.
Hook không thể chăm sóc hoặc thậm chí giữ con trong ít nhất tám giờ đồng hồ. Thậm chí sau đó, cô gặp khó khăn trong việc kết nối với một em bé đang la hét trên tay mình. "Tôi chỉ hình dung rằng mình sẽ cảm nhận sự yêu thương ngay khi con được sinh ra," cô nói. Nhưng đột nhiên, cô không chắc chắn mình đã sẵn sàng làm mẹ.
Hook thường kể câu chuyện của mình cho những bà mẹ đang lo lắng về việc kết nối với con mình. Câu chuyện kết thúc trong một nốt nhạc hạnh phúc: Cuối cùng con cũng ngừng la hét, Hook bắt đầu cảm thấy tự tin hơn, và tình yêu bắt đầu nảy nở.
Nếu bạn không thể bế con ngay sau khi sinh, đừng tuyệt vọng. Witt, nhà khoa học thần kinh từ Quỹ khoa học quốc gia cho biết, không có một "cửa sổ cơ hội" kỳ diệu nào để gắn kết. Cha mẹ nuôi, cha mẹ của những em bé bị sinh non hay những bà mẹ bị biến chứng khi sinh và những cha mẹ khác không thể luôn dành thời gian cho con ngay lập tức, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều thời gian để yêu thương con.
Tuy nhiên, nếu bé bị sinh non và phải dành vài ngày hoặc vài tuần trong lồng ấp, hãy cố gắng dành nhiều thời gian bên con nhất có thể, vì lợi ích của cả mẹ và bé. Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc tiếp xúc da kề da với cha mẹ, thường được gọi là phương pháp chăm sóc Kangaroo Care (Chăm sóc chuột túi), là một trong những liệu pháp tốt nhất cho trẻ sinh non.
Cái chạm của người cha có khả năng xoa dịu giống như mẹ. Một nghiên cứu về trẻ sinh non trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh cho thấy rằng sự săn sóc từ bố có thể mang lại lợi ích sâu sắc, lâu dài. Những em bé thường xuyên được cha tới thăm đã tăng cân nhanh hơn từ khi ở trong bệnh viện. Đồng thời sự phát triển tình cảm cũng tốt hơn sau 18 tháng, có khả năng vì bé tiếp tục nhận được nhiều sự chăm chút của cha mẹ sau khi về nhà.
Tương tự như vậy, nếu mẹ sinh mổ và không thể bế con ngay lập tức, hãy nhờ chồng mình làm thay việc đó. Một nghiên cứu năm 2007 về các em bé được sinh ra bằng phương pháp sinh mổ đã phát hiện ra rằng thời gian da kề da với bố giúp bé khóc ít hơn và khuyến khích con bắt đầu giấc ngủ đầu tiên ở thế giới bên ngoài.
Không chỉ có mẹ mà bố cũng luôn có tình cảm gắn dù con mới chào đời
Tình yêu phát triển theo thời gian - cho cả cha mẹ và bé. Nếu ở cạnh con trong lần đầu tiên bé thức dậy, con có thể nhìn thẳng vào mắt và ghi nhớ khuôn mặt của cha mẹ (hoặc ít nhất là một phiên bản mờ của khuôn mặt).
Sau đó, những nụ cười của bé sẽ sớm giúp cả hai kết nối. Một nghiên cứu được công bố trên Pediatrics năm 2008 cho thấy khi các bà mẹ nhìn vào những bức ảnh của em bé đang cười, não của họ sáng lên ở những khu vực liên quan đến chất xúc tác hạnh phúc dopamine.
Julia Braungart-Rieker, Phó Giáo sư tâm lý học tại Đại học Notre Dame cho biết, trước 7-8 tháng tuổi, em bé sẽ phát triển sự gắn bó tình cảm mạnh mẽ với cha mẹ và những người quan trọng khác trong cuộc đời.
Con sẽ quan tâm sâu sắc đến những người ôm bé khóc và cho bé ăn khi đói. Con sẽ cảm thấy nhớ khi cha mẹ rời khỏi phòng và thấy vui khi cha mẹ quay lại. Đó không hẳn là "yêu" như người lớn định nghĩa, nhưng đó là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất mà bé biết.
Lưu ý: Mẹ sẽ không “làm hư” bé bằng tình yêu, sự chú ý và yêu thương. Khi dỗ dành bé, cha mẹ cũng đang xây dựng một nền tảng của niềm tin và tình cảm sẽ tồn tại suốt đời.
Trẻ mới biết đi: Tình yêu không ổn định?
Mối liên kết giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn mạnh trong những năm tháng chập chững, ngay cả khi bé dường như dành nhiều thời gian dậm chân và la hét. Trong thực tế, những điều này có thể là một minh chứng cho sự gần gũi của cả hai.
Đừng coi tiếng la hét của trẻ mới biết đi hoặc những nắm đấm vung lên là dấu hiệu cho thấy bé không yêu bạn.
Sự bướng bỉnh và giận dữ từ trẻ mới biết đi hơi giống như những cuộc cãi vã của người yêu, theo Emma Adam, một nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Tây Bắc cho biết: "Con có những hành động như vậy là vì con yêu bạn rất nhiều”.
Ngay cả khi cha mẹ vô cùng thất vọng với em bé mới biết đi của mình, đừng lo lắng rằng cả hai sẽ ngừng yêu bé. Một lần nữa, quá trình sinh học sẽ diễn ra trong cơ thể bạn.
Các nhà nghiên cứu người Anh đã quét não của 20 bà mẹ đang nhìn vào những bức ảnh của con họ. Phần não điều khiển khoái cảm - phần tương tự liên quan đến tình yêu lãng mạn - sáng lên như một máy đánh bạc trúng số độc đắc.
Điều đó nói rằng, hành vi của trẻ mới biết đi có thể là một thách thức đối với ngay cả những bậc cha mẹ yêu thương con nhất.
Một cách mà con thể hiện tình cảm của mình là chạy đến chỗ cha mẹ khi bị tổn thương hoặc cần sự dỗ dành. "Trẻ em muốn nhận được giúp đỡ từ những người mà bé tin tưởng nhất", Braungart-Rieker, nhà tâm lý học của Đại học Notre Dame chia sẻ.
Trẻ mẫu giáo và trẻ lớn: Tình yêu lớn lên
Khi con lớn hơn, bé sẽ bắt đầu che giấu nhiều cảm xúc hơn, một phần vì áp lực từ bạn bè xung quanh và một phần vì việc thể hiện ra tất cả cảm xúc khiến con thấy mệt mỏi.
Ngay cả khi con không ôm bạn mọi lúc thì dấu hiệu của tình yêu vẫn sẽ còn đó. Một số em bé rất cởi mở và sẽ cho cha mẹ biết tất cả mọi thứ, trong khi những đứa trẻ khác có nhiều khả năng giữ kín cảm xúc của mình. Nhưng miễn là cha mẹ ở đó khi con cần và sẵn sàng lắng nghe, tình yêu vẫn sẽ chảy theo hai hướng.
Tình yêu đeo bám của thời thơ ấu đang bắt đầu trở nên phong phú và phức tạp hơn.
Bây giờ con đã có thể cảm thấy đồng cảm với cha mẹ và những người khác,con sẽ bắt đầu yêu bạn như một người mẹ chứ không chỉ là một người chăm sóc. Con cũng bắt đầu phát triển sự độc lập nhiều hơn, điều đó có nghĩa là bé thực sự cần tình yêu và sự hỗ trợ của cha mẹ hơn bao giờ hết.
"Điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng cha mẹ càng đảm bảo an toàn cho con thì bé sẽ càng có thể trở nên độc lập hơn", Adam, nhà tâm lý học của Đại học Tây Bắc cho biết.
Ngay cả khi cố gắng trưởng thành theo cách của mình, con cũng không thể phá vỡ sự ràng buộc với cha mẹ. Cả hai có một kết nối giống như trước khi con sinh ra, được củng cố bởi sự yêu thương, ký ức, và hormone.
Khi một người mẹ bế em bé 8 tuổi hoặc xem con chơi ở trường, mẹ sẽ nhận được một chút oxytocin như lời nhắc nhở về những giờ đầu tiên bên cạnh bé.
Và khi cha mẹ hoặc người chăm sóc hôn bé hoặc giúp con làm bài tập về nhà, cả hai sẽ xây dựng nên sự gắn bó tồn tại trong nhiều năm. Nó đủ để khiến bạn yêu lại một lần nữa.
Nguồn: Babycenter
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo