MỤC LỤC
Phân của trẻ sơ sinh trông như thế nào?
Nuôi con bằng sữa bột có ảnh hưởng đến phân của bé?
Phân của trẻ sẽ khác khi chuyển từ sữa mẹ sang sữa bột?
Trước hết, phân của em bé sơ sinh là bình thường hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Bé bao nhiêu tuổi?
- Bé được cho ăn sữa mẹ hay sữa bột?
- Bé đã ăn dặm hay chưa?
Phân của trẻ sơ sinh trông như thế nào?
Phân su của con yêu có bình thường hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Trong những ngày đầu sau khi sinh, phân trẻ sơ sinh được gọi là phân su. Phân su có màu xanh đen, dính và sệt. Nó được tạo thành từ chất nhầy, nước ối và tất cả những gì bé đã tiêu hóa khi đang nằm trong bụng mẹ.
Phân su có thể hơi khó chùi nhưng sự xuất hiện của nó là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bé hoạt động bình thường.
Phân trẻ sơ sinh khi bé bú mẹ
Sữa non của mẹ có tác dụng nhuận tràng, giúp đẩy phân su ra khỏi cơ thể của bé. Sau khoảng ba ngày bú sữa, phân của bé sẽ dần thay đổi. Phân sẽ:
- Có màu sáng hơn, chuyển từ màu xanh nâu sang màu vàng. Phân vàng này có thể có mùi hơi ngọt.
- Hơi lỏng. Thỉnh thoảng phân có thể lợn cợn, giống như trẻ sơ sinh đi ngoài có hạt hoặc vón cục.
Trong những tuần đầu, con bạn có thể đại tiện trong khi ăn hoặc sau mỗi lần ăn. Vậy trẻ sơ sinh đi ngoài mấy lần một ngày?
Trung bình, con sẽ đại tiện bốn lần mỗi ngày trong tuần đầu tiên. Tần suất sẽ giảm dần và hệ tiêu hóa của bé sẽ tự thiết lập chu kỳ thích hợp. Sau đó mẹ có thể thấy rằng bé sẽ đại tiện vào cùng một thời điểm trong ngày.
Sau một vài tuần đầu tiên, một số trẻ bú mẹ sẽ chỉ đại tiện vài ngày một lần hay một tuần một lần. Đây không phải là một vấn đề miễn là phân của con mềm và ra dễ dàng.
Chu kỳ đi ngoài của bé có thể thay đổi khi:
• Mẹ cho bé ăn dặm
• Con cảm thấy không khỏe
• Con bắt đầu bú ít hơn
Nuôi con bằng sữa bột có ảnh hưởng đến phân của bé?
Nếu các mẹ cho con uống sữa bột, phân của con có thể khác với khi bú sữa mẹ. Bạn có thể nhận thấy phân:
• Nhiều hơn so với phân của bé bú sữa mẹ. Lý do là vì bé không dễ dàng tiêu hóa hoàn toàn sữa bột như sữa mẹ.
• Màu vàng nhạt hoặc nâu vàng.
• Nặng mùi, giống phân của người lớn hơn.
Trẻ uống sữa bột dễ bị táo bón hơn trẻ bú mẹ. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu các mẹ cảm thấy con mình có vấn đề về tiêu hóa.
Phân của trẻ sẽ khác khi chuyển từ sữa mẹ sang sữa bột?
Bạn có thể nhận thấy phân bé sẫm màu hơn và giống bột hồ hơn. Trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi thối hơn, phân nặng mùi hơn khi chuyển sang sữa bột. Nếu bạn đang cho con chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức thì hãy cố kéo dài thời gian chuyển đổi nhé, tốt nhất là trong nhiều tuần.
Điều này sẽ cho hệ tiêu hoá của con có thời gian để thích nghi và giúp ngăn ngừa táo bón. Quá trình này cũng làm giảm nguy cơ bị đau, sưng và viêm ngực ở người mẹ. Khi con bạn đã thích nghi với sữa bình, bé có thể sẽ có một chu kỳ đại tiện hoàn toàn mới.
Phân của con sẽ thế nào khi bắt đầu ăn dặm?
Ăn dặm sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến phân của bé. Các mẹ sẽ thấy phân của con bị ảnh hưởng bởi những gì bé ăn. Ví dụ, nếu bạn cho bé ăn cà rốt nghiền thì phân trong tã của bé sẽ có màu cam sáng.
Mẹ cũng có thể thấy các thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như nho khô hoặc đậu nướng xuất hiện nguyên vẹn trong tã. Điều này sẽ thay đổi khi sự phát triển của trẻ sơ sinh thể hiện rõ rệt hơn. Bé có thể tiêu hoá chất xơ hiệu quả hơn.
Khi con làm quen với nhiều loại thức ăn thì phân cũng sẽ đặc hơn, màu phân của trẻ sơ sinh sẫm hơn và bốc mùi hơn.
Có thể mẹ chưa biết: Phân của bé thay đổi khi ăn dặm liệu có bình thường?
Những loại phân nào là không bình thường?
1. Tiêu chảy
Hiện tượng con yêu đi phân lỏng có thể là do bị tiêu chảy
Dấu hiệu tiêu chảy
Con bạn có thể bị tiêu chảy nếu:
• Có hiện tượng đi phân lỏng
• Trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần hơn và lượng phân cũng nhiều hơn bình thường
• Phân trẻ sơ sinh có màu xanh phun ra từ hậu môn
Nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì bé sẽ ít bị tiêu chảy hơn, vì sữa mẹ có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây tiêu chảy.
Trẻ uống sữa bột thường dễ bị nhiễm trùng, đó là lý do tại sao việc khử trùng các dụng cụ và rửa tay là rất quan trọng.
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Nguyên nhân bé bị tiêu chảy có thể là do:
• Nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm dạ dày – ruột
• Ăn quá nhiều trái cây hoặc nước ép trái cây
• Phản ứng với thuốc
• Nhạy cảm hoặc dị ứng với thức ăn
Nếu các mẹ cho bé uống sữa công thức, con có thể phản ứng xấu với loại sữa đang dùng. Tuy nhiên mẹ nên nói chuyện với bác sĩ trước khi chuyển qua loại sữa khác phòng trường hợp có nguyên nhân khác.
Nếu con đang mọc răng, phân sẽ lỏng hơn bình thường nhưng không gây tiêu chảy. Vì vậy nếu bé bị tiêu chảy, đừng cho rằng nguyên nhân là do mọc răng vì rất có thể là do nhiễm trùng.
Ở trẻ lớn hơn, tiêu chảy cũng có thể là dấu hiệu của táo bón nặng. Phân mới có thể rò rỉ qua phần phân cứng.
Tiêu chảy thường tự hết trong 24 giờ mà không cần điều trị. Nếu không thì phải đưa con đi kiểm tra vì bé có nguy cơ bị mất nước. Trong trường hợp bé đã tiêu chảy 6 lần trong 24 giờ qua, mẹ nên gặp bác sĩ ngay lập tức.
2. Táo bón
Nhiều trẻ mặt đỏ tía tai và rặn mạnh khi đại tiện. Đây là điều bình thường.
Dấu hiệu táo bón
Trẻ sơ sinh bị táo bón khi có các dấu hiệu như sau:
• Bé dường như thực sự gặp khó khăn trong việc đại tiện.
• Phân nhỏ và khô, giống như phân thỏ. Ngoài ra, phân cũng có thể lớn và cứng.
• Bé có vẻ cáu gắt, căng thẳng và khóc khi đại tiện.
• Bụng bé có cảm giác cứng khi sờ vào.
• Phân bé có lẫn những sợi máu. Điều này là do những vết nứt trên da, gọi là vết nứt hậu môn, do phân cứng gây ra.
Trẻ chỉ bú mẹ thường ít bị táo bón hơn trẻ uống sữa bột, bởi sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng thích hợp để giữ phân mềm.
Bên cạnh đó, việc pha quá nhiều sữa bột với lượng nước quá ít cũng có thể dẫn đến táo bón. Do đó, mẹ nên làm theo hướng dẫn trong khi pha sữa và chắc chắn rằng đã cho đủ lượng nước cần thiết vào bình trước khi đổ sữa bột vào.
Bé có thể bị táo bón nếu tỉ lệ giữa nước và sữa bột không phù hợp
Nguyên nhân táo bón ở trẻ
Táo bón cũng có thể được gây ra bởi:
• Sốt
• Mất nước
• Thay đổi lượng nước uống
• Thay đổi chế độ ăn uống
• Một số loại thuốc
Đôi khi, trẻ lớn bị táo bón bởi vì chúng đang cố tránh bị đau. Ví dụ, con có thể bị một vết rách gần hậu môn (vết nứt hậu môn). Điều này có thể trở thành một vòng tròn luẩn quẩn. Trẻ nhịn đại tiện và bị táo bón hơn nữa, những cơn đau thậm chí còn tồi tệ hơn khi con buộc phải đi đại tiện.
Luôn đưa bé đi gặp bác sĩ ngay khi bé bị táo bón, đặc biệt nếu như có máu trong phân. Bác sĩ sẽ kiểm tra tất cả những nguyên nhân có thể gây ra táo bón.
Các mẹ có thể sẽ được khuyên nên cho bé uống nhiều nước, ăn thêm chất xơ (nếu bé đã ăn dặm). Nghiền mận khô hoặc mơ cho bé ăn là một biện pháp bổ sung chất xơ rất hiệu quả nhé các mẹ.
Phân trẻ sơ sinh có màu xanh lá cây
Nếu bạn cho con bú sữa mẹ thì không có gì phải lo lắng khi thỉnh thoảng bé đại tiện ra phân xanh. Nhưng nếu con liên tục đi phân xanh, điều đó có thể là do bé bú quá nhanh. Một dòng sữa chảy nhanh vào chiếc bụng đói của con có thể tạo ra bọt khí và dẫn đến tiêu hóa kém.
Mẹ có thể thử tư thế nằm lót. Đây là một tư thế thư giãn, thoải mái cho bé, đồng thời cũng giúp ngăn chặn dòng chảy của sữa nếu nó xuống quá nhanh.
Nếu các mẹ cho con uống sữa bột thì nhãn hiệu mà bạn dùng có thể khiến phân bé biến thành màu xanh đậm. Mẹ có thể nên chuyển sang một loại sữa khác xem có tác dụng hay không.
Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 24 giờ thì mẹ hãy đến bác sĩ. Nguyên nhân có thể là do:
• Nhạy cảm với một loại thức ăn
• Tác dụng phụ của thuốc
• Thói quen, giờ giấc bú sữa của bé
• Vi khuẩn đường ruột
Phân của bé màu nhạt
Trẻ sơ sinh bị vàng da thường có phân màu nhạt
Phân rất nhạt có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da, một bệnh thường thấy ở trẻ sơ sinh. Bệnh vàng da khiến da và tròng trắng mắt của bé ngả vàng và thường là tự hết trong một vài tuần sau khi ra đời. Hãy nói cho bác sĩ hoặc hộ sinh biết nếu con bạn bị vàng da, cho dù bệnh có vẻ sắp hết.
Cũng nên cho bác sĩ biết nếu phân của con đi rất nhạt, hoặc trắng như phấn. Bởi đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan, đặc biệt là khi bệnh vàng da kéo dài hơn hai tuần.
Nguồn: Babycenter
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo