MỤC LỤC
Tình trạng bà bầu nghén nặng không ăn được gì
Ốm nghén là một trong những triệu chứng phổ biến khi mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Tuy nhiên, có nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng nghén nặng đến mức không thể ăn uống, dẫn đến mệt mỏi, suy nhược cơ thể và lo lắng về sự phát triển của thai nhi.
Liệu nghén không ăn được gì có ảnh hưởng đến con không? Làm sao để cải thiện tình trạng này? Mời ba mẹ cùng tham khảo bài viết dưới đây cùng POH nhé!
Tình trạng bà bầu nghén nặng không ăn được gì
Theo thống kê, khoảng 70-80% phụ nữ mang thai sẽ có tình trạng ốm nghén. Tuy nhiên, trong số đó có khoảng 1-3% thai phụ bị ốm nghén nặng, nghén không ăn được gì (hay còn gọi là Hyperemesis Gravidarum).
Đây là trường hợp mà bà bầu không chỉ buồn nôn mà còn nôn mửa liên tục và có nguy cơ mất nước, suy nhược cơ thể. Một số mẹ bầu 3 tháng đầu nghén không ăn được gì và sút cân khiến cả gia đình cực kỳ lo lắng.
Mẹ bầu ốm nghén nặng nôn liên tục và không ăn được gì
Lý do mẹ bầu bị ốm nghén nghiêm trọng có thể do nhiều yếu tố như:
- Lần đầu mang thai: Thông thường lần mang thai đầu tiên các mẹ sẽ nghén nặng hơn do những sự thay đổi trong cơ thể khi mang bầu.
- Sự gia tăng hormone hCG và estrogen: Trong quá trình mang thai, hormone này tăng mạnh gây ra tình trạng buồn nôn và nôn. Nếu cơ thể mẹ nhạy cảm với sự thay đổi hormone sẽ dễ bị nôn không kiểm soát.
- Dạ dày và hệ tiêu hóa: Một số mẹ từng có tiền sử bệnh lý dạ dày hoặc hệ tiêu hóa nhạy cảm, kén ăn cũng dễ bị nghén nặng không ăn uống được gì.
- Yếu tố di truyền: Nếu mẹ hoặc chị em gái của bà bầu từng bị ốm nghén nặng, mẹ bầu đó cũng có nguy cơ bị nghén nặng.
- Mang thai đôi hoặc đa thai: Khi mang đa thai, lượng hormone thai kỳ tăng cao hơn khiến triệu chứng ốm nghén trầm trọng hơn.
- Căng thẳng và lo âu: Tâm lý lo âu, stress có thể tác động mạnh đến triệu chứng ốm nghén, khiến bà bầu nghén không muốn ăn gì.
>> Tham khảo thêm: 19 dấu hiệu bà bầu nghén con trai
Nghén không ăn được có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Ốm nghén là tình trạng bình thường khi mang thai, nhưng nếu mẹ bầu nghén quá nặng đến mức không ăn uống được sẽ dẫn tới những lo lắng về sự phát triển của thai nhi. Bởi việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé ngay từ giai đoạn đầu thai kỳ là rất quan trọng.
Nhưng mẹ cũng không cần quá lo lắng bởi cơ thể mẹ sẽ có cơ chế đặc biệt để bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi ngay cả khi mẹ không ăn uống đầy đủ trong thời gian ngắn.
Cơ thể mẹ sẽ thích nghi với tình trạng ốm nghén bằng những phản ứng như:
- Sử dụng nguồn dưỡng chất dự trữ: Trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi phát triển chủ yếu nhờ vào nguồn dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể mẹ. Nếu mẹ bầu chỉ bị ốm nghén nặng trong vài tuần đầu của thai kỳ, thai nhi vẫn có thể nhận đủ dưỡng chất từ lượng vitamin, khoáng chất đã được tích trữ trước đó.
- Chuyển hóa chậm hơn: Khi bị ốm nghén, cơ thể mẹ có thể giảm tốc độ chuyển hóa thức ăn để hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn từ những gì mẹ ăn vào. Nói cách khác cơ thể sẽ hấp thu tối đa dinh dưỡng ngay cả khi lượng thức ăn mẹ nạp vào cơ thể rất ít.
- Thai nhi được ưu tiên hấp thụ dưỡng chất: Cơ thể mẹ sẽ ưu tiên cung cấp dưỡng chất quan trọng cho thai nhi trước khi cung cấp cho cơ thể. Đây là lý do mà nhiều mẹ bầu dù bị sụt cân nhưng em bé vẫn phát triển bình thường.
Bầu nghén không ăn được gì có sao không?
Tuy nhiên, nếu tình trạng nghén nặng kéo dài quá lâu hoặc mẹ bị nôn mửa liên tục, không thể giữ thức ăn trong dạ dày, thai nhi có thể bị thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng như axit folic, sắt, protein, một số vitamin và khoáng chất khác như canxi, vitamin D, kẽm…
Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch hoặc sử dụng các thực phẩm thay thế qua đường tĩnh mạch để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Hàng ngày, mẹ bầu cũng nên có những biện pháp cải thiện và theo dõi sức khỏe sát sao khi bị nghén nặng để đảm bảo thai nhi không chịu sự ảnh hưởng nào.
Mẹ bầu nghén không ăn được phải làm sao?
Nếu mẹ nôn nghén nhiều và không muốn ăn gì, mẹ có thể thử một số cách giúp giảm triệu chứng nghén dưới đây.
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Thay vì cố gắng ăn ba bữa chính, mẹ có thể chia nhỏ thành 6-8 bữa/ngày. Ăn từng chút sẽ giúp giảm áp lực lên dạ dày, hạn chế cảm giác đầy bụng và buồn nôn.
Ăn thường xuyên để dạ dày luôn có thức ăn, tránh dạ dày trống gây xót bụng và buồn nôn. Nếu mẹ bầu nghén không ăn được cơm thì có thể thử các món dễ tiêu hóa như cháo, súp, bánh mì nướng hoặc cơm mềm.
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để giảm buồn nôn
- Tránh thực phẩm có mùi mạnh
Khi mang thai, khứu giác của mẹ bầu trở nên nhạy cảm, vì vậy các món ăn có mùi tanh, nhiều dầu mỡ hoặc nặng mùi dễ kích thích buồn nôn. Để giảm nghén, nên hạn chế các món thực phẩm có mùi và dễ ngấy trong thực đơn hàng ngày.
Mẹ có thể thử các món ăn có vị nhạt, ít gia vị và ưu tiên chế biến theo cách hấp, luộc thay vì chiên xào. Nếu không thể ngửi được mùi đồ ăn, mẹ có thể nhờ người khác nấu, hoặc mở cửa thoáng mỗi khi nấu ăn.
- Liên tục bổ sung nước
Mất nước có thể làm mẹ càng mệt mỏi hơn, vì vậy mẹ cần chú ý bổ sung nước ngay khi nôn nghén nặng. Mẹ nên uống từng ngụm nhỏ thay vì uống quá nhiều nước một lúc. Nếu được hãy sử dụng nước chanh ấm, trà gừng, trà bạc hà hoặc nước dừa để làm dịu dạ dày và có thêm một chút dưỡng chất.
Tránh các loại đồ uống có caffeine hoặc gas, vì những đồ uống này có thể gây kích ứng dạ dày.
- Nghỉ ngơi và dành thời gian thư giãn
Căng thẳng hay làm việc quá sức sẽ làm tình trạng ốm nghén nghiêm trọng hơn. Để giúp cơ thể thư giãn, mẹ bầu hãy cố gắng nằm trên giường, ngủ đủ giấc để cơ thể có sự cải thiện. Khi khỏe hơn, mẹ có thể thử tập các bài tập yoga bầu, đi bộ, đi dạo… để cơ thể được vận động nhẹ và tranh thủ hít thở không khí trong lành.
Mẹ bầu nên nghỉ ngơi đầy đủ trong thời gian nghén không ăn được gì
Nếu mẹ quá chán khi phải nằm một chỗ, có thể tham khảo thêm các câu chuyện thai giáo để đọc cho em bé trong bụng tại đây!
Một trong những cách giảm ốm nghén 3 tháng đầu khác đó là ngửi các hương thơm tự nhiên như vỏ cam, vỏ chanh, mùi bánh mì nướng, tinh dầu… để giảm cảm giác buồn nôn. Ngoài ra mẹ có thể thử các mẹo chữa nghén nặng trong bài viết sau!
Trường hợp mẹ bầu:
- Nghén quá không ăn được gì kèm theo nôn không kiểm soát, có nguy cơ dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng.
- Sút cân nhanh chóng (giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể), có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, dấu hiệu của mất nước nghiêm trọng.
- Cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu, có thể là dấu hiệu huyết áp thấp hoặc thiếu chất nghiêm trọng.
- Nôn ra máu hoặc có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng như khô miệng, mắt trũng sâu.
Mẹ cần đi khám hoặc nhập viện điều trị ngay khi thấy các dấu hiệu trên. Đây là những biểu hiện cơn ốm nghén đã trở nên nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch, dùng thuốc chống nghén hoặc bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Tình trạng ốm nghén không ăn được gì khiến các mẹ rất mệt mỏi và lo lắng. Hãy cố gắng chia nhỏ các bữa ăn và nghỉ ngơi nhiều để vượt qua giai đoạn này. Thông thường, ốm nghén sẽ nhẹ bớt và dần biến mất khi qua tam cá nguyệt thứ nhất.
Nếu mẹ đã thử nhiều cách nhưng tình trạng nghén không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và nhẹ nhàng!
-----
POH Thai giáo có gì khác với các khóa học thai giáo hiện nay?
POH – Thai giáo là chương trình thực hành thai giáo được CÁ NHÂN HÓA cho từng mẹ bầu và bé.
Mỗi mẹ bầu và bé là một chương trình RIÊNG BIỆT.
Điểm khác biệt của POH – Thai giáo là App hiểu “NGÀY HÔM NAY” con bạn như thế nào và cần gì. Từ đó đưa ra các kiến thức, bài thực hành phù hợp với sự phát triển của con trong “NGÀY HÔM NAY”, giúp kích thích tốt nhất sự phát triển của bạn bé.
Các bài thực hành được chuẩn bị chi tiết, mẹ chỉ cần mở ra, tương tác và chơi với con hàng ngày. Rất tiện lợi và đơn giản.
POH là đơn vị ĐẦU TIÊN và DUY NHẤT ở Việt Nam cung cấp chương trình thực hành thai giáo được cá nhân hóa dành riêng cho bạn và bé.
Giúp con khỏe mạnh, thông minh từ trong bụng mẹ cùng POH Thai giáo
-----