Nuôi con bằng sữa ngoài khiến mẹ phải lo lắng về “đảm bảo an toàn cho bé uống sữa công thức”. Nhiều mẹ sẽ thắc mắc về cách pha sữa công thức, hâm sữa đúng cách cũng như các lưu ý khi bảo quản, lưu ý khi sử dụng sữa công thức. Thậm chí nhiều mẹ cũng chưa biết xử lý sữa công thức không uống hết như thế nào. Những kinh nghiệm nuôi con bằng sữa công thức dưới đây sẽ giúp gỡ rối cho mẹ!
Pha sữa công thức cho bé thì không khó, nhưng điều quan trọng là phải pha với nước theo đúng tỷ lệ để bé nhận được lượng dinh dưỡng phù hợp.
Hơn nữa việc chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bé khỏi các bệnh do thực phẩm gây ra cũng rất quan trọng, bởi vì bé chưa có khả năng miễn dịch với vi trùng, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa mẹ nên biết:
Kiểm tra hạn sử dụng của sữa công thức
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm yêu cầu các nhà sản xuất sữa bột trẻ em phân tích từng lô hàng để xác minh mức độ dinh dưỡng. Các nhà sản xuất cũng phải đóng dấu “hạn sử dụng” lên mỗi thùng - giống như trên sữa tươi, trứng và các thực phẩm dễ hư hỏng khác.
Kiểm tra hạn sử dụng là nguyên tắc hàng đầu đảm bảo an toàn cho trẻ dùng sữa công thức
Khi mẹ đi mua sắm cùng con nhưng bé lại liên tục quấy khóc, mẹ có thể vội vàng lấy ngay một hộp sữa nào đó và đi tiếp mà không kiểm tra lại.
Tuy nhiên, mẹ hãy nhớ rằng, chỉ mất một vài giây để kiểm tra hạn sử dụng thôi, và điều này giúp đảm bảo chất lượng của sữa cũng như sự an toàn cho bé.
Mời mẹ tham khảo bài viết: Những lưu ý khi chọn sữa công thức cho trẻ sơ sinh
Nếu mẹ mua một số lượng lớn, hãy kiểm tra lại ngày sử dụng mỗi khi mẹ mở một hộp mới. Các mẹ cũng nên nhớ rằng sữa công thức dạng bột chỉ duy trì chất lượng được tốt trong vòng một tháng sau đã mở.
Nếu em bé sơ sinh của mẹ còn quá nhỏ, mẹ hãy đợi thêm một vài tháng để thiết lập thói quen bú cho bé trước khi dự trữ sữa. Bằng cách đó, mẹ có thể tính toán được lượng sữa công thức mẹ sẽ sử dụng trước khi để hết hạn.
Nếu mẹ vô tình mua phải sữa công thức đã hết hạn, hãy trả lại hộp sữa nguyên, chưa mở cho cửa hàng và đổi lấy một hộp sữa mới nếu được.
Lưu ý: Nếu mẹ mua loại sữa công thức lỏng đóng sẵn trong hộp, hãy đảm bảo hộp sữa không bị bóp méo. Vì khi bị bóp méo có nghĩa là lớp thiếc bên trong đã bị nứt, làm cho sữa tiếp xúc trực tiếp với vỏ thép, gây ra rỉ sét. Thậm chí là có lỗ thủng ở trên hộp, dẫn đến hỏng sữa ở bên trong.
Nguyên tắc bảo quản sữa công thức trong tủ lạnh
Mẹ lưu ý chỉ làm mát sữa công thức chứ không đông lạnh.
- Nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể làm suy giảm các chất dinh dưỡng trong sữa công thức, vì vậy các mẹ hãy bảo quản chai sữa công thức dạng lỏng chưa mở và hộp sữa công thức dạng bột ở những nơi mát mẻ. Nhiệt độ bảo quản tối ưu nhất là từ 13 đến 24 độ C, và hãy chắc chắn rằng sữa được bảo quản dưới 35 độ C và trên mức đóng băng (0 độ C).
- Hãy để sữa trên một cái tủ hoặc một cái kệ nằm cách xa bếp, lò nướng, ống sưởi hoặc ống nước nóng. Đừng để chai sữa trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hoặc trong một chiếc ô tô nóng. Tuyệt đối không đặt chúng trong tủ đá.
- Tốt nhất không nên cho sữa bột vào tủ lạnh hoặc để ở những nơi ẩm ướt, vì độ ẩm có thể khiến bột bị vón cục lại, khiến cho lượng sữa lúc lấy ra quá nhiều. Các mẹ chỉ cần bảo quản ở một nơi khô ráo, thoáng mát là được.
- Sau khi đã mở hộp sữa rồi, chỉ pha sữa đủ cho bé ăn hoặc bảo quản sữa đã pha trong tủ lạnh. Nếu đã mở chai sữa quá 48 giờ, hãy bỏ chai sữa đó ngay.
Mẹ có thể tham khảo 5 bước pha sữa công thức an toàn sau:
1. Rửa dụng cụ pha sữa thật sạch
Hãy chà chai sữa và núm vú bằng bàn chải chuyên dụng cùng với nước ấm, xà phòng, và sau đó rửa thật sạch. Công đoạn này nhằm giết chết hầu hết các vi trùng.
Một số chuyên gia khuyên rằng nên khử trùng tất cả các chai, núm vú, cốc đo lường, thìa và nắp của bình sữa. Những người khác thì nói rằng không cần thiết phải làm vậy nếu mẹ hoàn toàn chắc chắn về sự an toàn của nguồn nước nơi mình sống.
Một số người thì khuyên nên khử trùng dụng cụ cho bé ăn nếu bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi.
Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về việc có nên khử trùng bình sữa và dụng cụ cho ăn mới trước khi sử dụng lần đầu tiên không. Đồng thời hỏi lời khuyên của bác sĩ về cách tốt nhất để làm sạch dụng cụ cho bé ăn sau này
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị rằng các bậc cha mẹ không nên cho bất kỳ loại chai nhựa nào vào nước sôi, máy rửa chén, lò vi sóng hoặc bất kỳ thiết bị nào sử dụng nhiệt, vì nhiệt độ cao có thể làm giải phóng hóa chất từ nhựa.
Hãy rửa chai nhựa bằng tay với nước ấm, xà phòng và rửa thật sạch. Hoặc sử dụng chai làm bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ, an toàn để rửa bằng máy rửa chén.
Nên rửa dụng cụ cho ăn và bình sữa ngay sau mỗi lần ăn để tránh sữa công thức bị khô và dính lại ở bên trong. Tháo rời tất cả các bộ phận của chai để làm sạch tất cả các bề mặt.
Nếu mẹ muốn khử trùng, đơn giản chỉ cần cho dụng cụ vào nước sôi trong khoảng năm phút là được. Mẹ cũng có thể sử dụng máy tiệt trùng hiện đại. Ngoài ra, mẹ nên rửa núm vú bằng hỗn hợp nửa nước, nửa giấm nhằm ngăn ngừa nấm phát triển.
Để chai và dụng cho ăn trên giá phơi cho tự khô, hoặc sử dụng khăn giấy để lau nếu mẹ cần sử dụng ngay. (Đừng sử dụng bát đĩa để thay thế vì chúng có thể chứa vi khuẩn).
Các núm vú mẫu mà mẹ nhận được tại bệnh viện hoặc văn phòng của bác sĩ thường có các gói tiệt trùng và mẹ có thể sử dụng trực tiếp gói tiệt trùng ấy. Nhưng vì những gói này chỉ dùng một lần nên hãy bỏ ngay đi sau khi đã sử dụng.
2. Rửa và lau khô nắp của hộp sữa công thức trước khi mở
Việc này nhằm loại bỏ bụi bẩn và có thể là cả các chất lỏng đã bị đổ lên trên nắp. Sử dụng dụng cụ sạch để mở hộp. Rửa sạch dụng cụ mở trước mỗi lần sử dụng.
3. Rửa tay
Trước khi pha sữa công thức, mẹ hãy rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây. Sau đó lau khô tay bằng khăn giấy.
4. Thực hiện các bước pha sữa chính xác theo đúng hướng dẫn sử dụng trên vỏ hộp
Cách hướng dẫn pha trộn khác nhau tùy thuộc vào từng nhà sản xuất. Và tỷ lệ pha giữa nước với sữa công thức cũng phụ thuộc vào loại sữa đó là dạng bột hay dạng lỏng, vì vậy các mẹ hãy nhớ đọc nhãn cẩn thận.
Pha sữa công thức đúng hướng dẫn trên bao bì
Pha quá ít nước có thể gây hại cho thận của bé và gây mất nước. Pha quá nhiều nước thì lại làm loãng lượng calo và chất dinh dưỡng có trong sữa công thức, và có thể gây ra suy dinh dưỡng, phát triển không tốt ở trẻ nếu trẻ phải uống sữa quá lỏng thường xuyên.
Để có độ chính xác cao hơn, mẹ hãy sử dụng cốc đo tiêu chuẩn thay vì đo bằng các vạch trên bình sữa của bé.
5. Sử dụng nước sạch, an toàn
Nếu mẹ đang sử dụng các loại sữa công thức cô đặc dạng bột hoặc dạng lỏng, phải pha cùng với nước sạch và an toàn.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ (AAP), có thể sử dụng nước máy miễn là bộ phận y tế địa phương chứng nhận nước đó là an toàn và có thể uống.
Xả nước máy ra trong một hoặc hai phút cho đến khi thấy nước lạnh để loại bỏ bớt chì hoặc các chất gây ô nhiễm khác. Nếu gia đình có một bể chứa riêng, hãy kiểm tra nước trước khi sử dụng để pha sữa bột cho bé.
Nếu muốn khử trùng nước, mẹ hãy đun sôi nước đó trong vòng một phút. (Nếu đun sôi nước trong thời gian dài có thể cô đặc các khoáng chất và tạp chất.)
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh khuyến nghị nên sử dụng nước nóng để pha sữa nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng bởi một loại vi khuẩn hiếm gặp nhưng đã được tìm thấy trong sữa công thức dạng bột, loại vi khuẩn này có tên là Cronobacter.
Để tiêu diệt vi khuẩn này (nếu có), mẹ phải trộn sữa công thức với nước sôi ngay, trước khi nước nguội xuống dưới 70 độ C.
Nếu mẹ pha một bình sữa công thức với nước đun sôi, đừng để ở ngoài tủ lạnh để nó tự nguội.
Thay vào đó mẹ hãy đặt thẳng vào tủ lạnh, hoặc làm lạnh bằng cách đặt chai dưới vòi nước lạnh cho đến khi nguội bớt để có thể sử dụng được ngay (tuy nhiên cách này không hiệu quả lắm).
Một cách khác có thể sử dụng là đặt chai vào một bát nước lạnh hoặc nước đá (đảm bảo mực nước trong bát nằm dưới miệng chai là được).
Lưu ý rằng nước đóng chai không phải loại nào cũng được tiệt trùng và nước chảy các qua bộ lọc cũng vậy. Các bộ lọc (trong bình hoặc trên vòi) không thay thường xuyên cũng có thể chứa vi khuẩn trong đó.
Các mẹ có thể mua nước đóng chai đã được tiệt trùng, nhưng hãy chắc chắn rằng trên nhãn có ghi rõ đã được tiệt trùng. Nếu trên nhãn không ghi "tiệt trùng", hãy đun sôi nước đó trong vòng một phút.
Mẹ cũng nên nói chuyện với bác sĩ về chất lượng nước trong khu vực mẹ đang sống. Trao đổi với bác sĩ xem có cần đun nước để pha sữa công thức cho bé hay không.
Các chuyên gia sức khỏe cho biết nếu sử dụng nước có chứa chất flo để pha chế sữa công thức thì cũng không có vấn đề gì cả. Nhưng hãy nhớ rằng những em bé uống sữa công thức được pha bằng nước có chứa flo sẽ có nguy cơ mắc các bệnh có liên quan đến flo cao hơn.
Bệnh này không ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, nhưng có thể gây ra những đốm trắng nhỏ trên răng của bé gây mất mỹ phẩm. Nếu mẹ thấy lo lắng về vấn đề này, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc nha sĩ của bé.
Pha sữa, sử dụng trong vòng 24 giờ, bảo quản trong tủ lạnh và loại bỏ nếu còn thừa
Dựa trên lượng sữa mà bé cần, mẹ chỉ pha lượng vừa đủ để sử dụng hết trong vòng 24 giờ. Khi mẹ đã pha sữa công thức cô đặc dạng bột hoặc dạng lỏng với nước, hãy cho bé sử dụng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh. Chỉ sử dụng sữa công thức đã pha trong vòng 24 giờ và loại bỏ nếu vẫn còn thừa.
Mời ba mẹ tham khảo: Cách bảo quản sữa công thức đã pha
Lưu ý:
- Nếu mẹ để lại sữa công thức còn thừa bên ngoài tủ lạnh - cho dù nó có được làm lạnh hoặc được hâm nóng lại thì cũng chỉ sử dụng trong vòng hai giờ. Bởi vì nhiệt độ trong phòng là điều kiện hoàn hảo để vi trùng sinh sôi trong sữa công thức, hãy vứt bỏ ngay sữa công thức đã để hơn hai giờ đồng hồ ở bên ngoài.
- Nếu bé đã bắt đầu bú bình nhưng không bú hết, mẹ hãy vứt phần sữa còn lại sau một giờ. Bởi vi khuẩn từ miệng của trẻ có thể bám vào chai, làm sữa công thức bị nhiễm khuẩn và nếu bé uống sau thời gian đó, bé sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
- Nếu mẹ muốn mang bình sữa của bé theo, hãy cất nó trong túi ăn trưa cách nhiệt, tốt nhất là để cùng với một túi nước đá. Nếu không thể, mẹ hãy mang theo một chai nhỏ sữa công thức đã pha sẵn nhưng chưa mở. (Một số thương hiệu có cung cấp các chai sữa công thức đã pha sẵn, có thể sử dụng được ngay. Chỉ cần gắn núm vú vào và mẹ có thể cho bé ăn ngay được.)
- Để tránh lãng phí và tiết kiệm thời gian, hãy pha một lượng lớn sữa công thức vào buổi sáng và chia thành các chai 90ml hoặc 120ml có thể bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng trong suốt cả ngày.
Cách hâm nóng bình sữa lấy trong tủ lạnh ra đúng cách
Không cần thiết phải làm ấm bình sữa của bé, nhưng nếu mẹ nghĩ bé thích sữa ấm hơn thì cũng có một số cách an toàn để làm điều này. Lấy bình sữa từ tủ lạnh ra ngay trước khi dùng và sử dụng một trong các phương pháp sau:
- Đặt chai dưới vòi ấm, xả nước trong vòng một đến hai phút, cho đến khi bình ấm lên. Đừng để nước vào trong chai hoặc bám trên núm vú.
- Đặt bình sữa trong một bát nước ấm trong vòng tối đa 15 phút. (Đảm bảo mực nước ở dưới nắp chai. Xoay hoặc lắc bình sữa thường xuyên để đảm bảo sữa ấm đều.)
- Sử dụng máy hâm sữa đặt trên mặt bàn.
Mẹ hãy nhớ không bao giờ được sử dụng lò vi sóng để hâm nóng bình sữa. Ngay cả khi mẹ đã lấy ra ngoài được một thời gian và bình sữa dường như đã nguội hơn rồi, nhưng sữa có thể vẫn còn nóng một vài chỗ và làm miệng em bé bị bỏng.
Kiểm tra nhiệt độ bình sữa của bé bằng mu bàn tay trước khi mẹ đưa cho bé. (Mu bàn tay của mẹ nhạy cảm hơn cổ tay). Chỉ cần cảm thấy âm ấm là được
Có thể trộn sữa công thức với sữa tươi, bột ngũ cốc hay bột ăn dặm không?
Không bao giờ được thêm bất kỳ thành phần nào khác - kể cả vitamin hoặc ngũ cốc - vào sữa công thức của bé trừ khi được bác sĩ khuyến nghị.
Sữa công thức là một hợp chất được xây dựng cẩn thận với số lượng chính xác của hàng chục chất dinh dưỡng. Việc tùy ý thêm bất cứ thứ gì vào sữa công thức cũng có thể gây ra nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
Sữa bò rất khó tiêu hóa, do đó không bao giờ được pha sữa bò với sữa công thức hoặc cho bé uống trực tiếp cho đến khi bé được ít nhất một tuổi. Và việc thêm sữa mẹ vào sữa công thức sẽ lãng phí sữa mẹ nếu bé không uống hết bình sữa đó.
Triệu chứng của các bệnh từ thực phẩm
Các triệu chứng phổ biến nhất của các bệnh do thực phẩm gây nên là:
- Nôn mửa
- Bị tiêu chảy
- Sốt
- Ăn không ngon
- Quấy khóc bất thường
- Thiếu năng lượng
Nếu thấy con có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, mẹ hãy gọi cho bác sĩ ngay. Bệnh do thực phẩm gây ra có thể rất nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, dẫn đến tình trạng mất nước, tổn thương thận và thậm chí là tử vong.
Nếu trẻ sử dụng sữa công thức xảy ra vấn đề gì, mẹ hãy báo cáo ngay lập tức. Đôi khi, sữa bột bị thu hồi rất có thể là do sữa đã bị ô nhiễm, vì vậy tốt nhất là mẹ nên nắm rõ về việc sản phẩm có bị thu hồi hay không.
Nếu mẹ có khiếu nại hoặc quan tâm về sữa bột trẻ em, đặc biệt là nếu mẹ nghi ngờ loại sữa công thức nào đó làm cho bé bị bệnh, mẹ có thể báo cáo vấn đề với Cục AN toàn thực phẩm . Mang theo hộp đựng sữa công thức để mẹ có thể báo cáo các thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, chẳng hạn như tên của nhà sản xuất và ngày hết hạn của sản phẩm.
Mẹ cũng nên thông báo cho nhà sản xuất loại sữa công thức đó về bất kỳ vấn đề nào mà mẹ gặp phải. Mẹ có thể tìm thấy số điện thoại chăm sóc khách hàng miễn phí có ghi trên nhãn.
Nguồn: Babycenter
Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.
POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.
Các khóa học của POH:
Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy
Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti
Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti
Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo