Khủng hoảng tuổi lên 1: Khi mẹ đồng hành và thấu hiểu

đăng bởi Nguyễn Khải

 

Khủng hoảng tuổi lên 1 là gì?

1 tuổi là cột mốc đánh dấu em bé đã bước từ giai đoạn sơ sinh non nớt để qua giai đoạn chập chững biết đi. Bé bắt đầu học các kỹ năng để đạt được những mốc phát triển quan trọng như sau:

  • Kỹ năng vận động thô: bò, đứng vịn, đi vịn, tập đi
  • Kỹ năng vận động tinh: phối hợp, kiểm soát được những chuyển động phức tạp hơn của mắt, ngón tay, ngón chân
  • Ngôn ngữ: tập nói những từ đầu tiên, biết chỉ tay để thể hiện nhu cầu hoặc để trả lời khi được hỏi
  • Nhận thức: hiểu được nguyên nhân và kết quả
  • Cảm xúc: bắt đầu xuất hiện những cảm xúc phức tạp hơn được thể hiện ra như lo sợ, bướng bỉnh, đòi hỏi…

>> Khủng hoảng ngủ 18 tháng

Khủng hoảng tuổi lên 1: Khi mẹ đồng hành và thấu hiểu

1 tuổi là mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn bé chập chững biết đi

Trong giai đoạn này, bé vẫn đang tiếp tục định nghĩa thế giới xung quanh. Bé có thể gặp phải những sự vật hoặc sự việc mà bé chưa thể hiểu được. Điều này khiến bé hoang mang lo sợ và không biết cách hỏi để hiểu được cũng như không thể định nghĩa được.

Khác biệt hẳn với thời kỳ sơ sinh, bây giờ bé có thể tự do di chuyển khắp nơi và háo hức khám phá mày mò môi trường xung quanh. Vì các kỹ năng vận động của bé chưa phát triển đầy đủ, bé dễ dàng trở nên thất vọng khi không thể làm tròn một việc như mong muốn. 

Tóm lại, bé MONG MUỐN quá nhiều nhưng kỹ năng, khả năng nói chuyện, bày tỏ cảm xúc còn HẠN CHẾ, vậy nên xảy ra KHỦNG HOẢNG.

 

 

Khủng hoảng tuổi lên 1 biểu hiện như thế nào?

Bé dễ cáu gắt, bực bội, khóc lóc thường xuyên

Đây là đặc điểm nổi bật nhất mẹ dễ nhận ra. Bé dễ dàng nổi cáu nếu không được chiều theo ý mình. Những cơn cáu giận của bé có thể từ khóc lóc, gào thét đến đánh người khác hoặc ném, phá đồ đạc.

Nhiều khi mẹ có thể thấy bé phản ứng nhạy cảm đến độ có thể đoán được mẹ sẽ không cho bé làm việc gì hoặc không đưa cho bé món đồ mà bé đang nghĩ tới.

Biếng ăn và Khóc đêm

Giai đoạn này bé ăn không ngon miệng, ăn ít hơn và có vẻ kén ăn hơn. Việc mải mê khám phá thế giới xung quanh để trải nghiệm những kỹ năng mới học được cũng khiến cho bé lơ là “quên” mất việc cần phải ăn cho no.

Bước qua 1 tuổi, hầu hết các bé đều khó ngủ, ít ngủ hơn trong cả giấc ngày và giấc đêm. 

Bé quá mệt và buồn ngủ khi ngày không ngủ đủ giấc. Với những em bé chưa có khả năng tự ngủ, tình trạng này càng khó khăn hơn khi bé không thể tự dỗ mình đi vào giấc ngủ.

Thêm vào đó, những biến động trong cơ thể cũng khiến bé dễ gặp những giấc mơ khiến bé sợ hãi và căng thẳng. 

Khủng hoảng tuổi lên 1: Khi mẹ đồng hành và thấu hiểu

Bé ăn không ngon miệng, ăn ít hơn và có vẻ kén ăn hơn.

Bé bám mẹ hoặc người chăm sóc nhiều hơn

Khi bé chưa định nghĩa được sự vật, sự việc mới mẻ xung quanh mình, nhận thức nhạy cảm của bé lập tức báo động cho bé về cảm giác nguy hiểm và sự an toàn.

Ở giai đoạn này trong nhận thức của bé, bé và mẹ vẫn là một chỉnh thể không tách rời. Bé chỉ an tâm khi được ở bên mẹ, được mẹ an ủi vỗ về. Việc bé bám mẹ cũng giống như bám vào một con thuyền vững chãi để ra khơi khám phá thế giới.

Có những em bé cảm thấy cần phải bám chặt trên người mẹ, càng chặt càng tốt. Cũng có những em bé chỉ cần mẹ vẫn ở trong tầm mắt bé để thỉnh thoảng bé được trở lại ôm mẹ và “sạc” lại năng lượng.

Tâm trạng thay đổi thất thường

Em bé đang vui vẻ bỗng chỉ một thay đổi nhỏ cũng khiến bé trở nên cáu giận. Bé cũng bắt đầu thể hiện nỗi lo lắng, sợ hãi trước một sự vật, sự việc nào đó, chẳng hạn sự xuất hiện của một món đồ chơi mới hay một thay đổi trong trình tự đi tắm mà bé vẫn quen thuộc. Hoặc mẹ cũng có thể nhận thấy bé dễ tủi thân, hay òa khóc nức nở hơn. Nhiều khi mẹ nghĩ nước mắt ở đâu mà sẵn đến vậy nhỉ!

Khủng hoảng tuổi lên 1: Khi mẹ đồng hành và thấu hiểu

Bé thường xuyên khóc lóc và cáu giận

Khủng hoảng tuổi lên 1 bắt đầu khi nào và kéo dài bao lâu?

Sau sinh nhật 1 tuổi, bé bắt đầu ý thức được sự thay đổi của thế giới xung quanh cũng như những xáo trộn diễn ra trong cơ thể. Cuộc khủng hoảng bắt đầu và thường kéo dài từ 3-6 tuần tùy theo tính cách của bé.

Khủng hoảng tuổi lên 1 và những lưu ý dành cho mẹ

Mẹ lên lịch trình sinh hoạt phù hợp và nhất quán 

Dù ở bất cứ độ tuổi nào, bé luôn cần được ăn uống và nghỉ ngơi đều đặn để giữ tình trạng sức khỏe và tinh thần tốt nhất. Nhờ vậy, mức độ bực bội, cáu gắt của bé cũng giảm đi.

Trong lịch hoạt động hàng ngày, mẹ cố gắng sắp xếp để khuyến khích bé được vận động, nhất là vui chơi khám phá ngoài thiên nhiên. Vận động tích cực và sự gần gũi thiên nhiên không chỉ giúp bé tăng cường nhận thức mà còn giúp bé giải tỏa những căng thẳng bức bối.

 

 

Mẹ tạo môi trường thân thiện cho bé 

Mẹ hãy sắp xếp đồ đạc trong nhà để phù hợp với sự phát triển của bé trong từng thời kỳ nhằm tạo cơ hội cho bé thỏa sức khám phá môi trường xung quanh trong giới hạn an toàn. Từ đó, mẹ khuyến khích bé tự làm những việc trong khả năng của bé để phục vụ nhu cầu cá nhân như tập đánh răng, giúp mẹ lấy đồ, thoa kem dưỡng da, tự lấy sách và đồ chơi trên giá kệ…

Mẹ lưu ý cách xử lý khi có vấn đề xảy ra

Bước 1: Ghi nhận vấn đề, không phán xét đánh giá. Vì sự phán xét của mẹ, dựa trên kinh nghiệm và cả những trải nghiệm cá nhân tích cực hoặc không tích cực của mẹ, sẽ làm ảnh hưởng tới sự quan sát, nhìn nhận vấn đề của bé. 

Bước 2: Gợi ý giải pháp với bé: Bé vẫn đang trong giai đoạn định nghĩa mọi việc trong thế giới mới nên mẹ từ tốn giải thích từng giải pháp để bé lắng nghe và hiểu ngôn ngữ.

Bước 3: Đồng hành thực hiện cùng bé. Mẹ làm mẫu và thực hiện cùng với bé. Mẹ hãy kiên nhẫn đồng hành với bé, để bé thấy mọi vấn đề đều có giải pháp, cứ từ tốn quan sát và thực hiện.

Khủng hoảng tuổi lên 1: Khi mẹ đồng hành và thấu hiểu

Bé thực sự cần có mẹ đồng hành và thấu hiểu.

Mẹ lưu ý cách nói chuyện: Luôn báo trước cho bé về sự việc sắp xảy ra

Lúc này bé càng nhạy cảm với sự thay đổi. Mẹ chú ý luôn giới thiệu trước với bé những điều sắp xảy ra với bản thân bé. Hành động này không chỉ tăng nhận thức và chuẩn bị tâm lý cho bé mà còn hỗ trợ bé xây dựng niềm tin và cảm giác an toàn về thế giới xung quanh. 

Giai đoạn này, nhu cầu có mẹ và nỗi sợ bị bỏ rơi cũng là vấn đề rất nhạy cảm với bé. Nếu mẹ phải vắng mặt, mẹ hãy nói với bé rằng tạm thời mẹ cần phải rời khỏi phòng và mẹ sẽ quay lại. Cho dù bé vẫn sẽ khóc nhưng mẹ cần nói và rời đi dứt khoát, tránh kéo dài thời gian tạm biệt. Dần dần bé sẽ hiểu mọi thứ vẫn ổn khi mẹ không có ở đó một lúc và an tâm rồi mẹ sẽ quay trở lại. Ban đầu mẹ chỉ rời đi khoảng vài phút và trở lại ngay, khi bé bắt đầu hiểu mẹ có thể tăng dân thời gian vắng mặt. Mẹ cũng có thể tập luyện trước cho bé về sự vắng mặt bằng trò chơi trốn tìm với bé.

Mẹ hãy chấp nhận những nỗi sợ vô lý của bé

Trong hành trình trải nghiệm thế giới xung quanh, bé có thể gặp những sự vật, sự việc mà bé chưa hiểu rõ cũng như khám phá ra những mối nguy hiểm mới. Trong khi bé chưa có khả năng diễn đạt những gì mình vừa tìm ra. Mẹ hãy thể hiện cho bé thấy mẹ cũng hiểu cảm giác lo sợ của bé, công nhận nỗi sợ của bé và nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu bằng ngôn từ đơn giản nhất có thể. Chỉ bằng cách đó, nỗi sợ của bé mới từ từ biến mất.

Cuối cùng mẹ cần nhớ mỗi cuộc khủng hoảng lại đánh dấu một chặng đường phát triển mới. Chỉ khi mẹ thấu hiểu và kiên nhẫn đồng hành cùng con, khủng hoảng sẽ luôn là những ngày tháng đáng nhớ bởi sự gắn kết giữa mẹ và con trong giai đoạn phát triển vàng con cần có mẹ nhất.

---

POH tin rằng: Người thầy tuyệt vời nhất của các con chính là cha mẹ.

Chỉ bằng cách tương tác đúng của cha mẹ, trẻ được tự do chọn lựa, hoạt động trong môi trường phù hợp thì chúng sẽ phát huy tối đa tiềm năng sẵn có.

Đó là lý do POH cho ra đời POH Acti (1-3 tuổi): Giáo dục Montessori tại nhà giúp:

• Bé trải qua thời kỳ kiến tạo não bộ và thể chất thuận lợi và tích cực thông qua thiết kế môi trường giáo dục phát triển vận động, giác quan, ngôn ngữ...

Tối ưu tiềm năng trong con bằng cách phát triển trí tuệ cảm xúc EQ, giúp trẻ bộc lộ đam mê, khả năng tập trung, khả năng thích nghi...

• Xây dựng tinh thần lạc quan, tư duy tích cực

Vì người mẹ tốt hơn người thầy tốt!

Giáo dục trong gia đình mới là nơi quyết định tương lai con cái.

POH Acti (1-3 tuổi) giúp con có môi trường giáo dục tốt nhất tại nhà, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có!

Các khóa học khác của POH:

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai Giáo