Vận động thô của trẻ và những điều cha mẹ cần nắm rõ

đăng bởi Tiên Tiên

Vận động thô là gì?

Vận động thô là:

  • Các vận động cơ lớn của cơ thể (cơ đầu - cổ, cơ lưng - ngực - bụng, cơ chân…)
  • Phối hợp các nhóm cơ lớn để giúp cơ thể giữ thăng bằng, thực hiện các hoạt động phối hợp (lẫy, ngồi, bò, đứng vịn…)
  • Phối hợp các nhóm cơ lớn để giúp cơ thể kiểm soát thăng bằng (đi mà không lao đầu vào tường, đang chạy có thể dừng lại...)

 

Vận động thô là sự kết hợp các nhóm cơ lớn của cơ thể

Tại sao luyện tập vận động thô lại quan trọng?

  • Vận động thúc đẩy quá trình myelin hóa các tổ chức thần kinh và biến đổi ở võ não bộ. Quá trình myelin hóa mạnh nhất ở giai đoạn trẻ từ sơ sinh đến 2 tuổi và trọng lượng của não tăng nhanh ở giai đọan này. Chậm myelin hóa sẽ làm trẻ chậm phát triển tinh thần và vận động như chậm biết đi, chậm biết nói và giảm khả năng nhận thức.
  • Vận động thô hoàn thiện phù hợp độ tuổi, sẽ thúc đẩy bé chủ động khám phá thế giới và phát triển các khu vực khác như vận động tinh, xã hội, cá nhân ... Bé dần xây dựng niềm tin và tình yêu của bé với chính bản thân mình: mình có thể tự làm một số việc trong khả năng, có thể đi lấy thứ mình quan tâm, cầm bỉm, đi vứt ở sọt rót…- đây là nền tảng quan trọng để phát triển tính lạc quan ở trẻ khi lớn lên.

Mời bà mẹ tham khảo thêm:

Một số lưu ý khi luyện tập vận động thô với bé:

  • Môi trường: Môi trường chơi và người chăm sóc chính (mẹ, bà, bố…) của bé nên được lặp lại ổn định theo nhiều ngày, hạn chế sự thay đổi xáo trộn của môi trường, giúp bé có tâm lý ổn định và cảm giác an toàn trong môi trường.
  • Bé có thể được hỗ trợ nhiều kỹ năng vận động thô trong thời kỳ 0-9 tháng, thông qua:
  • Cách được bế, ẵm;
  • Các hoạt động hàng ngày: thay bỉm, tắm...
  • Tư thế đặt bé xuống;
  • Các trò chơi

Các hoạt động trên đều có thể kết hợp với hoạt động ngôn ngữ và vận động tinh.

Vài điểm khác cần ghi nhớ

  • Khuyến khích con tự mình vận động càng nhiều càng tốt.
  • Nói chuyện với bé - về những điều bạn sẽ làm với bé và muốn bé làm. Hãy tập thói quen mô tả hành động của mình với bé, ngay cả khi bé chưa hiểu được hết toàn bộ nội dung nói của người lớn.
  • Kích thích mọi vận động của bé thực hiện theo đường chéo: nghĩa là xem xét giúp bé nghiêng vai bên này chéo với hông bên kia; hay đặt bàn tay bên này lên đầu gối hoặc bàn chân bên kia.
  • Chỉ nên bắt đầu thật chậm rãi, sau đó tăng dần thời gian cho mỗi hoạt động. Luôn luôn giữ bé thật chắc. Cần hết sức gượng nhẹ với bé. Luôn quan sát và để mắt tới bé. Nếu bé thấy chán hay giật mình, người lớn cần thực hiện chậm lại hoặc ngừng hẳn để tìm hiểu nguyên nhân bé chán hay làm bé giật mình.
  • Kết hợp vận động với các mục đích thực tế/ vui chơi hấp dẫn để bé thấy được mục đích của vận động.
  • Ở lứa tuổi 0-1 tuổi, chia ngắn các trò chơi vận động sẽ tốt hơn là chơi liên tiếp các trò chơi vận động.
  • Ghi nhận những nỗ lực của bé một cách chi tiết tiến trình: Hoan hô, mẹ thấy con đã nhấc được mông lên rồi.
  • Nguyên tắc phát triển các cơ lớn của tiến trình vận động là từ trên xuống dưới, vì thế nếu bé không bắt đầu chương trình này ngay từ lúc khởi đầu, thì cần thiết phải “lấp lỗ hổng” trước khi bạn tiến hành.

Những điều nên tránh 

Các đồ dùng khuyến cáo không nên sử dụng khi vận động, khiến bé có khuynh hướng sử dụng sai các cơ bắp, dẫn đến chất lượng của bài tập vận động không cao:

  • Trẻ tập bò: không nên mặc quần yếm, các loại quần bó sát kèm tất chân, đóng bỉm.

 

Nên chọn loại trang phục rộng rãi,, thoáng mát và thấm mồ hôi cho trẻ tập đi

  • Trẻ tập đi

- Không nên mua khung tập đi/ xe tập đi xoay vòng tròn, xe tập đi quá nhẹ (như xe con gà cộc cộc): Sử dụng xe quá nhẹ sẽ khiến bé đẩy xe quá nhanh, không kiểm soát được tốc độ di chuyển của chân và thăng bằng của cơ thể (có xu hướng đứng bằng mũi bàn chân và ngón chân. Điều này vô tình khiến cơ bắp ở chân của con không phát triển đúng cách và bé sẽ không quen với việc đi bằng cả bàn chân).

- Xe có thùng phía trước sẽ giúp bé điểm soát được tốc độ đi của mình, cả bàn chân bám được trên mặt phẳng. Người lớn hỗ trợ điều chỉnh nặng nhẹ bằng cách quan sát: bé đẩy nhanh quá, lao về phía trước thì đặt thêm đồ (sách, hoa quả…) để bé bước đi chậm lại chắc chắn.

- Một số mẹ hỏi có nên mua ghế tập ngồi không? Theo quan điểm của mình thì không cần.

Nếu ba mẹ hỗ trợ theo đúng tiến trình vận động thô - 65 mục như ở dưới thì không cần. Nhưng nếu con bị quá chậm so với tuổi hoặc có khó khăn trong vận động thì mới cần dùng đến.

Các mốc phát triển về vận động thô của bé từ 0-1 tuổi:

Chú ý: Những tháng ghi ở dưới là khuyến cáo đa số em bé ở tháng tuổi đó đạt được (theo Test Denver II - test đánh giá sự phát triển tâm lý vận động của trẻ 0-6 tuổi); nếu con chậm hơn 1 chút không đồng nghĩa là bé có vấn đề gì. Nếu con phát triển đúng độ tuổi thì sẽ thuận lợi cho cả phát triển các lĩnh vực khác của em bé.

Khi cần đánh giá chính xác mức độ phát triển toàn diện của bé, người lớn có thể đưa bé đến kiểm tra trực tiếp với trắc nghiệm viên/ chuyên gia.

Chi tiết mức độ phát triển của từng mốc, ba mẹ có thể đọc tham khảo tại:** Bảng đánh giá sự phát triển hàng tháng của bé tại app POH Acti.**

0-2 THÁNG

1. Nằm sấp, quay đầu cổ từ bên này sang bên kia.

2. Nằm sấp, ngẩng đầu và vẫn giữ ở 45 độ.

3. Ngẩng đầu khi nằm nghiêng vai (lăn bé nằm nghiêng, đỡ quanh ngực bé, nói chuyện phía vai - bé ngẩng đầu lên khoảng 20 độ).

4. Bé cố ngẩng đầu khi bé được kéo lên để ngồi từ góc 45 độ (dùng tay đỡ nghiêng bé ra sau- khoảng 1 góc 45 độ trên mặt phẳng vững vàng, nhẹ nhàng kéo bé ngồi thẳng lên; bé cố gắng nâng đầu lên thẳng hàng với thân).

3 THÁNG

5. Nằm sấp, ngẩng đầu 90 độ, chống chịu trên hai cẳng tay;

6. Nằm ngửa, cằm chúc xuống, giữ thẳng đầu trên đường giữa (một đường tưởng tượng chạy dài chính giữa cơ thể từ đầu tới gót chân).

7. Nằm ngửa, hai tay đặt vào nhau để lên ngực

8. Kéo bé ngồi lên, đầu chỉ hơi trễ (đặt bé nằm ngửa trên bề mặt phẳng, nắm hai bàn tay và cổ tay kéo bé ngồi lên; bé có thể nâng đầu lên và giữ thẳng hàng với thân, chỉ có một chút thoáng trễ đầu xuống lúc mới chuyển động. Bé có thể ngồi lên với đầu nghiêng qua 1 bên).

9. Được giữ ngồi (bé ngồi được - khi được giữ) đầu vững, cằm đưa ra (đầu bé có thể giữ vững 5 giây, cằm bé vẫn còn nhô ra- nhưng không lắc lư tới trước hoặc qua 1 bên).

10. Được giữ đứng, chịu được 1 phần trọng lượng. (đỡ chắc quanh ngực bé, đặt bé đứng, bé đặt hai bàn chân trên bề mặt vững vàng).

4 THÁNG

11. Nằm sấp, chống chịu trên 2 cẳng tay, 2 khuỷu tay phía trước vai và cằm chúc xuống.

12. Nằm sấp, hai chân không luôn xếp chân ếch, đá lung tung ngẫu hứng.

13. Nằm ngửa, chơi với hai cánh tay giơ cao (Bé nằm ngửa, đưa cho bé đồ chơi yêu thích, bé với đồ chơi lên bằng cả hai cánh tay, hai cánh tay bé phải thẳng ra xa khỏi thân, nhưng không cần thiết để gần nhau).

14. Nằm ngửa, hai bàn tay đặt lên hai đầu gối., hơi nhấc mông khi bé nâng đầu gối lên.

15. Nằm ngửa, lăn nằm nghiêng (Đặt hai bàn tay lên đầu gối- bé lăn nằm nghiêng; Hoặc bé quay được đầu thành thạo, phần cơ thể còn lại cũng quay theo).

16. Được kéo ngồi lên, giữ đầu thẳng với thân. (bé nằm ngửa, nắm hai cổ tay bé và từ từ kéo bé lên. Bé nâng đầu lên và giữ vững ngay sau khi đầu bé rời khỏi bề mặt chỗ bé nằm, bé có thể hơi uốn vai lên hỗ trợ động tác này).

17. Được kéo ngồi từ tư thế nằm nghiêng, giữ vững đầu.

18. Ngồi, giữ đầu vững, cằm chúc xuống.

19. Đứng, chịu được một phần trọng lượng, điều khiển đầu và thân trên (Đặt bé đứng, đỡ quanh thân trên của bé).

5 THÁNG

20. Nằm sấp, chống chịu trên hai cánh tay duỗi thẳng (Bước tiến quan trọng để tiến tới việc bò).

21. Nằm sấp, chống chịu trên 2 cẳng tay, với lấy đồ chơi.

22. Nằm sấp, ngẫu nhiên lăn ra nằm ngửa.

23. Nằm ngửa, giơ thẳng hai cánh tay lên, hai bàn tay sát nhau.

24. Nằm ngửa, lăn nằm nghiêng, vẫn nằm nghiêng chơi.

25. Ngồi không đỡ 1 phút (đang ngồi, bé vẫn chưa sử dụng hai tay để chơi, vì bé còn bận chống tay).

26. Đứng, hai bàn chân phẳng, tựa vào vật đỡ (khi đứng, hai chân bé hơi dang ra, hai đầu gối cùng hai bàn chân xòe ra ngoài; bé vẫn cần đồ đạc để chống chịu một phần sức nặng cơ thể/ hoặc vẫn cần người đỡ).

6 THÁNG

27. Nằm sấp, các phản ứng cân bằng hoàn toàn xuất hiện (đặt bé nằm ngửa trên bề mặt nghiêng được, nghiêng bé qua một bên - bé sử dụng đầu, thân trên và các chi để không bị ngã) (bề mặt nghiêng được: một cái chăn, khăn lớn kéo căng ở mỗi góc hoặc 1 tấm ván thăng bằng).

28. Nằm sấp, chống trên hai cánh tay duỗi thẳng, nâng thân trên và bụng lên. (đặt bé nằm sấp, trước mặt bé là nhiều đồ chơi hấp dẫn, bé chống hai cánh tay duỗi thẳng lên, nâng ngực và bụng lên, chịu trọng lượng trên 2 bàn tay xòe ra).

29. Nằm sấp, nhấc hai chân sau lên, khép lại (bé nằm sấp, bé nâng cả 2 chân ra sau, cách nhau không đến 12cm, rồi vẫn chơi trong tư thế này).

30. Nằm sấp, nửa lăn nghiêng với lấy đồ chơi (bé uốn đầu và thân trên hướng sang bên bé đang với; bé có thể co 1 chân lên khi đang duỗi hai cánh tay).

31. Nằm sấp, cố với tới cùng lúc hai cánh tay duỗi thẳng (khi đang nổ lực lấy đồ chơi, bé chống tay lên quá cao - bật người ra sau; hoặc dường như bơi hai tay, hoặc ngã xuống “Bé tự bật người ra phía sau”).

32. Nằm ngửa, lăn nằm sấp.

33. Được kéo ngồi, bắt đầu cử động đầu, nhấc hai cánh tay lên (Người lớn đưa 2 bàn tay ra, bé chúi cằm xuống, ngóc đầu lên và giơ hai cánh tay lên. Bé sẽ uốn hông, co đầu gối lên, đang lên giữa chừng bé sẽ duỗi hai chân ra - vẫn giữ hông cong).

34. Ngồi, chống hai cánh tay thẳng tới trước tránh ngã (bé đang ngồi không tựa đỡ trên sàn, vỗ nhẹ lưng đẩy bé tới trước; bé biết cách đưa hai bàn tay tới trước đặt lên sàn nhà tránh bị ngã).

35. Ngồi 10 phút, hai cánh tay tự do với và chơi (bé ngồi, đầu giữ vững vàng, cằm chúi xuống và nhìn rõ cổ; lưng thẳng và hông gần thẳng).

36. Đứng, chịu toàn bộ trọng lượng.

7 THÁNG

37. Nằm sấp, xoay nhiều vòng (bé nằm sấp, đồ chơi để bên ngoài tầm với của bé; bé xoay quanh trên bụng, chống hai bàn tay lên; hoặc chống hai bài tay và hai bàn chân để lấy đồ chơi).

38. Nằm sấp, lăn nằm nghiêng và chơi, chống một khuỷu tay.

39. Nằm sấp, chuyển sang tư thế bò và đong đưa.

40. Chuyển từ tư thế bò sang ngồi.

41. Nằm sấp, trườn tới bằng sức kéo hai cánh tay.

42. Nằm ngửa, các phản ứng cân bằng hoàn toàn xuất hiện (đặt bé trên bề mặt nghiêng được - như 1 quả bóng lớn, nghiêng bé từ từ về 1 bên, bé tự ngăn không ngã bằng cách với 1 cánh tay và 1 chân để dốc lên đưa ra rìa ngoài bề mặt, để không bị ngã).

43. Ngồi, xoay-vặn thân trên và ngồi trở lại, hai cánh tay chơi tự do.

44. Từ nằm sấp chuyển sang ngồi.

45. Kéo đứng lên, hai chân thẳng, tay được kéo lên.

46. Đứng chỗ đồ đạc, tựa vào hai cánh tay, nhún nhảy.

8 THÁNG

47. Ngồi, các phản ứng cân bằng thân trên phát triển hoàn toàn lúc này.

48. Ngồi không tựa, không ngã khi với sang 1 bên

49. Ngồi, chống 1 tay để tránh ngã

50. Chuyển từ ngồi sang tư thế bò

51. Bò 1 mình

52. Kéo người quỳ lên, vẫn giữ ở tư thế này (chuẩn bị một chiếc bàn thấp có đồ chơi, bé từ tư thế bò rướn người quỳ lên, vịn vào bàn hoặc tay vịn, và duy trì tư thế này - mông cách gót chân).

53. Đứng chỗ đồ đạc, bé tựa vào nhờ hai chân nhiều hơn hai cánh tay.

9 THÁNG

54. Đứng chỗ đồ đạc, quay sang và với bằng một tay.

55. Chuyển từ đứng sang ngồi xuống sàn bằng cách thả người xuống

56. Đi ngang chầm chậm, tay có vịn xung quanh đồ đạc

57. Kéo đứng lên, nhờ vào hai cánh tay, thông qua tư thế nửa quỳ gối (để bé quỳ hoặc bò gần 1 cái bàn thấp - có đồ chơi phía trên và khuyến khích bé đứng lên).

58. Đi chậm quanh đồ đạc (thấp ở tầm với của bé), hơi chuyển hướng sang đi, mà ít cần vịn.

Lúc này ba mẹ thường mua xe tập đi? có nên mua hay không?

Ưu tiên 1: Không mua, cho bé tập đứng vịn, đi men đồ nội thất thấp và người lớn hỗ trợ bé (nắm vững các giai đoạn đi của bé như list danh sách này).

Ưu tiên 2: Mua xe có thùng đựng.

Ưu tiên 3: Mua sai phải bỏ đi, vì cố dùng sẽ ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát thăng bằng của bé.

59. Đứng, một bàn tay được giữ.

10 - 12 THÁNG

60. Ngồi được với nhiều tư thế khác nhau.

61. Ngồi, chống hai cánh tay thẳng ra sau tránh ngã (bé ngồi, người lớn nhẹ vỗ vào 1 bên vai bé ở phía sau, bé ngã ra sau. Bé biết đặt tay ra sau qua khỏi hông, tránh để mất thăng bằng).

62. Chuyển từ đứng sang ngồi xuống sàn, bám chắc tay vào đồ đạc (bé đứng dựa vào 1 bàn thấp ngang ngực, dưới sàn để đồ chơi, khuyến khích bé tự hạ thấp người để lấy đồ chơi. Bé có thể tự điều chỉnh chuyển người xuống sàn, bằng cách khuỵu cả hai chân, thông qua tư thế nửa quỳ).

63. Chuyển sang đứng thông qua nửa quỳ, hoặc ngồi xổm, nhờ cánh tay được hỗ trợ ít.

64. Đi men theo bức tường.

65. Đi, cả hai tay được giữ thấp (đứng sau giữ lưng bé, giữ cả hai bnà tay bé về phía trước ngang ngực. Bé đi được 2m với bàn tay giữ như trên, bé bước 2 chân tới phía trước- chứ không bước ngang).

>> Làm gì để kích thích các giác quan của bé phát triển 

---

Để giúp bé 0-3 tuổi phát triển toàn diện và vượt trội, ba mẹ tham khảo POH Acti nhé! POH Acti giúp mẹ thông qua:

Phát triển vận động: nhằm thúc đẩy lượng oxy đưa lên não giúp tuần hoàn tốt hơn; tạo điều kiện thuận lợi để tăng quá trình kết nối các tế bào thần kinh - Giúp hình thành các loại hình thông minh một cách thuận lợi.

Ngôn ngữ: Con biết nói sớm, hoạt ngôn, tự tin bày tỏ nhu cầu, suy nghĩ của bản thân…

• Phát triển giác quan, nhận thức, cảm xúc... tinh tế, nhạy bén...

Giáo dục Montessori tại nhà, giúp trẻ tối ưu tiềm năng sẵn có (0-3 tuổi): POH Acti

---

Các khóa học khác của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai Giáo