Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da - Khi nào mẹ cần lo lắng?

đăng bởi Thanh Thanh


Vàng da khi mới sinh là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh khi có một lượng bilirubin trong máu cao hơn bình thường. Tình trạng này xuất hiện sau khi trẻ mới sinh ra khoảng 2-4 ngày và tự hết sau 2 tuần. Vậy với trường hợp trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi vẫn chưa hết vàng da thì sao? Ba mẹ cần phải làm gì khi em bé nhà mình gặp trường hợp này?

1. Dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh

60 - 80% trẻ mới sinh được 2 - 4 ngày sẽ bắt đầu có dấu hiệu bị vàng da, tuy nhiên sẽ tự hết sau 1 - 2 tuần. Đó là vàng da sinh lý. Trẻ sinh non dưới 37 tuần càng dễ bị vàng da hơn.

Dưới đây là những dấu hiệu trẻ bị vàng da:

  • Da trẻ hơi vàng, hơi giống một làn da bị rám nắng. Mức độ vàng da có thể nhìn thấy rõ ràng hơn ở củng mạc mắt, lòng bàn chân, lòng bàn tay, miệng, lưỡi.
  • Củng mạc mắt (phần lòng trắng của con ngươi) màu vàng.

Ngoài ra, khi tình trạng vàng da kéo dài quá 2 tuần, khi này đã trở thành vàng da bệnh lý thì bé có thể có thêm các dấu hiệu sau:

  • Nước tiểu có màu sẫm
  • Phân nhạt màu hay màu xanh lá cây hoặc xanh rêu
  • Lừ đừ, ngủ li bì
  • Bú kém, thậm chí bỏ bú.

 


2. Do đâu trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da? 

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị vàng da là do bilirubin trong cơ thể bé dư thừa. Đây là một sắc tố màu vàng, được sản xuất trong quá trình các tế bào hồng cầu cũ bị phá vỡ. Bilirubin sẽ được chuyển hóa qua gan và đào thải ra ngoài qua đường bài tiết chất thải.. 

Trong quá trình mang thai, gan của mẹ sẽ loại bỏ bilirubin cho thai nhi. Còn khi bé đã chào đời, gan của bé sẽ đảm nhiệm công việc này. Tuy nhiên, do mới chào đời nên gan của bé sẽ cần mất một thời gian mới bắt đầu hoạt động. Do đó mà trong 1-2 tuần đầu tiên, sắc tố này sẽ tích tụ trong máu của bé và gây ra hiện tượng vàng da sinh lý.

 

 

Thế nhưng, có trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi vẫn chưa hết vàng da, thì khi này sẽ là bị vàng da bệnh lý. Nguyên nhân là do:

  • Với trẻ sinh non trước 37 tuần thai thì khả năng chuyển hóa bilirubin không nhanh như trẻ được sinh đủ tháng. Nhóm trẻ này cũng có đặc điểm là ít bú hơn và tiểu ít hơn nên quá trình đào thải bilirubin cũng diễn ra chậm hơn.
  • Số lượng tế bào hồng cầu của trẻ bị phá vỡ nhanh hơn bình thường. Do đó mà lượng bilirubin tích tụ nhiều hơn, mất nhiều thời gian đào thải hơn và trẻ lâu hết vàng da hơn.
  • Bất đồng nhóm máu mẹ con. 
  • Bệnh lý tán huyết (thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, trẻ bị nhiễm trùng)
  • Trẻ bị xuất huyết dưới da
  • Trẻ đang bị nhiễm trùng
  • Nhiễm trùng bào thai
  • Trẻ mắc bệnh lý về gan mật bẩm sinh

3. Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi chưa hết vàng da có nguy hiểm?

Nếu trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý, tự hết sau 1 - 2 tuần thì không vấn đề gì cả. Tuy nhiên trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da, tức là trẻ đang bị vàng da bệnh lý, thì có thể sẽ bị những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe như:

  • Bại não cấp tính: Bilirubin gián tiếp thấm vào não gây nhiễm độc thần kinh của trẻ. Trẻ có thể tử vong nhanh chóng hoặc bị bại não suốt đời cho dù được điều trị tích cực ở giai đoạn này.
  • Vàng da nhân: Hay còn gọi là hội chứng bệnh não cấp tính, gây ra bại não, giảm thị lực, mất thính lực vĩnh viễn

Với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng khi trẻ sơ sinh bị vàng da kéo dài như vậy, ba mẹ cần phải nhận biết sớm các dấu hiệu vàng da và nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Phải làm sao khi trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi chưa hết vàng da?

Ngay khi phát triển ra trẻ bị vàng da kéo dài, ba mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Không nên tự ý chữa trị theo mẹo dân gian chữa vàng da ở trẻ sơ sinh được truyền tai, có thể gây nguy hiểm thêm cho trẻ cũng như trẻ không được điều trị đúng cách kịp thời.

Khi được điều trị đúng cách kịp thời, trẻ vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường sau này. Đây sẽ là những phương pháp điều trị vàng da bệnh lý tại các cơ sở y tế hiện nay:

  • Chiếu đèn: Đây là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh được áp dụng rất phổ biến. Hầu hết tại các bệnh viện lớn đều trang bị máy móc điều trị theo cách này. Phương pháp này khá đơn giản, trẻ bị vàng da sẽ được chiếu đèn ánh sáng thích hợp và theo dõi quá trình này. Chi phí điều trị cũng không quá cao.
  • Truyền tĩnh mạch immunoglobulin: Nếu nguyên nhân trẻ bị vàng da do sự bất đồng về nhóm máu giữa hai mẹ con, bác sĩ sẽ chỉ định truyền tĩnh mạch immunoglobulin. Đây là một loại protein trong máu, có khả năng làm giảm nồng độ kháng thể. Từ đó làm giảm vàng da ở trẻ sơ sinh.
  • Thay máu: Khi tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh bị phát hiện muộn, trẻ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm thì bác sĩ sẽ chỉ định thay máu cho trẻ. Sau khi đã an tâm thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm, bác sĩ sẽ cho truyền dịch, theo dõi, chiếu đèn để bé khỏi vàng da hoàn toàn. Chi phí thay máu rất đắt đỏ.

Sau khi trẻ sơ sinh được điều trị vàng da tại cơ sở y tế, trở về nhà ba mẹ vẫn nên tiếp tục theo dõi, quan sát để nếu phát hiện ra bất thường thì cần tái khám lại, hoặc tái khám theo lời hẹn của bác sĩ.

 

 

Trẻ sơ sinh bị vàng da nên bổ sung gì? 

Khi trẻ được trở về nhà sau điều trị, mẹ nên có cách chăm sóc trẻ đúng cách:

  • Nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp, sẽ giúp đào thải sắc tố bilirubin tốt hơn.
  • Tuy nhiên nếu sữa mẹ chưa về nhiều hay chưa đủ cho con bú thì mẹ có thể sử dụng sữa công thức.
  • Mẹ cần ăn uống đa dạng, đầy đủ các nhóm chất, tránh kiêng khem quá mức, nghỉ ngơi để luôn dồi dào sữa cho bé bú.
  • Cần tắm nắng cho bé đúng cách, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách tắm nắng. Không tùy tiện cho bé tắm nắng từ các thông tin chưa được kiểm chứng.

Trên đây là những chia sẻ của POH về vấn đề “Phải làm sao khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi chưa hết vàng da?”. Nếu em bé của ba mẹ không may bị vàng da kéo dài, ba mẹ hãy đưa bé tới cơ sở y tế và tuân thủ theo phương pháp điều trị của bác sĩ để em bé sớm bình phục. Chúc em bé của ba mẹ luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo