Tiêm phòng vắc xin cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

đăng bởi

Chắc hẳn tác dụng của vắc xin là điều ai cũng biết, nhất là các bố mẹ đang nuôi con nhỏ. Việc tiêm chủng vắc xin đầy đủ sẽ nâng cao sức đề kháng của cơ thể và giúp phòng chống một số bệnh nguy hiểm cho con.

Thế nhưng bố mẹ đã thực sự hiểu tường tận về việc tiêm chủng cũng như các loại vắc xin quan trọng cho sức khỏe của con chưa? Hãy cùng tìm hiểu với POH trong bài viết này nhé!

Toàn bộ những điều ba mẹ cần biết về chích ngừa

Vacxin là gì?

Vacxin là chế phẩm có chứa các kháng nguyên gây bệnh, thường là các virus, vi khuẩn, được tiêm vào cơ thể để kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.

Các virus, vi khuẩn trong vắc xin thường là virus, vi khuẩn đã được giảm động lực, bất hoạt hoặc giết chết nên chúng không đủ khả năng gây bệnh cho con người mà chỉ có tác dụng giúp hệ cơ thể của chúng ta “diễn tập” để tạo ra miễn dịch với loại bệnh đó mà thôi.

 

Tiêm phòng vắc xin đầy đủ là cách tốt nhất bảo vệ con khỏi các bệnh nguy hiểm.

Tùy thuộc vào cách sản xuất mà vắc xin được chia thành các loại khác nhau, trong đó 2 loại phổ biến nhất trong tiêm chủng các bệnh thường gặp là vacxin sống và vacxin chết.

  • Vacxin sống là gì? Vacxin sống được điều chế bằng cách làm yếu đi các virus, vi khuẩn gây bệnh trong môi trường phòng thí nghiệm để chúng không thể gây bệnh thật sự cho con người. Loại vacxin này giúp cơ thể tạo ra miễn dịch gần giống nhất với miễn dịch tự nhiên khi mắc bệnh.
  • Vacxin chết là gì? Là loại vacxin chứa các loại vi khuẩn, virus gây bệnh đã được giết chết bằng các biện pháp khoa học nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên. Vacxin chết thường không tạo được miễn dịch mạnh như vacxin sống nên cần được tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch của cơ thể.

Cơ chế bảo vệ cơ thể của vắc xin như thế nào?

Khi được tiêm vào cơ thể, các virus, vi khuẩn trong vắc xin sẽ được cơ thể coi như là các “vật thể lạ” có khả năng gây nguy hiểm. Từ đó kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng nguyên trung hòa các virus, vi khuẩn trong vắc xin.

 

Trẻ được tiêm vắc xin đầy đủ có thể miễn dịch với bệnh tật tốt hơn, từ đó phát triển khỏe mạnh hơn.

Sau khi quá trình này kết thúc, các tế bào miễn dịch với loại virus trong vắc xin đó được cơ thể tạo ra, giúp hệ miễn dịch luôn sẵn sàng và chủ động bảo vệ cơ thể khỏi bệnh dịch.

Để biết thêm nhiều thông tin hơn về việc tiêm chủng vắc xin, mời bố mẹ đọc thêm bài viết Toàn bộ những điều ba mẹ cần biết về chích ngừa.

Chủng ngừa cho bé có thực sự an toàn?

Các loại vắc xin trước khi được tiêm vào cơ thể con đều được kiểm định rất kĩ càng về độ an toàn, chất lượng cũng như tác dụng đối với sức khỏe của trẻ.

Hiện nay, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất để giúp con phòng chống các bệnh nguy hiểm thường gặp.

Tuy nhiên, cũng giống như các loại thuốc khác, việc tiêm phòng vắc xin cũng có thể có một số tác dụng phụ không mong muốn như sưng, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ và mệt mỏi.

Các tác dụng này thường sẽ tự biến mất sau vài ngày. Ngoài ra bố mẹ cần để ý đến một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng lại nguy hiểm khác có thể xuất hiện sau khi tiêm phòng, đó là sốc phản vệ.

Vậy không tiêm phòng cho trẻ có sao không? Như đã nhắc đến ở phần đầu trong bài viết này, việc tiêm phòng vắc xin sẽ giúp trẻ có khả năng miễn dịch với các bệnh nguy hiểm.

Vì thế nếu không tiêm phòng, con sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao và mức độ bệnh cũng sẽ nặng hơn những trẻ được tiêm phòng đầy đủ.

Mỗi loại vắc xin đều cần được bảo quản và sử dụng đúng cách.

Không có mẹ nào không tiêm phòng cho con mà chắc chắn có thể bảo vệ con hoàn toàn khỏi các tác nhân gây bệnh vì con không chỉ ở trong nhà mà còn cần được đi học, giao tiếp với nhiều người khác nhau.

Vì vậy cách bảo vệ sức khỏe cho con tốt nhất chính là tiêm phòng cho bé.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm phòng, vắc xin cần phải được bảo quản đúng cách, còn hạn sử dụng, tiêm theo đúng chỉ định theo từng loại vắc xin và chỉ nên tiêm khi trẻ không bị ốm, sốt hoặc mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch khác.

Hậu quả của tiêm chủng không an toàn rất nguy hiểm, vì thế trước khi tiêm, bố mẹ nên yêu cầu kiểm tra nhiệt độ cơ thể bé và kiểm tra hạn sử dụng, loại vắc xin tiêm cho con, sau khi tiêm bố mẹ nên cho con ở lại cơ sở tiêm 30 phút để theo dõi các phản ứng của bé.

Mời bố mẹ đọc thêm thông tin trong bài viết Chủng ngừa cho bé có thực sự an toàn?

Các loại bệnh và vắc xin tương ứng cho trẻ

Các loại vacxin dành cho trẻ nên được tiêm theo đúng lịch chỉ dẫn của các cơ sở y tế. Thông thường, loại vacxin con được tiêm sớm nhất là vacxin viêm gan siêu vi B được tiêm ngay sau khi sinh.

Trong các mũi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh, các mẹ thường quan tâm nhất đến hai mũi tiêm phòng vacxin 6 trong 1 và vacxin 5 trong 1. Đây là hai loại vacxin tổng hợp có khả năng giúp con phòng ngừa một số bệnh nguy hiểm, cụ thể như sau:

  • Vacxin 5 trong 1 giúp trẻ phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, các bệnh nhiễm khuẩn do Hib gây ra.
  • Vacxin 6 trong 1 giúp trẻ phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, các bệnh nhiễm khuẩn do Hib và viêm gan B.

 

Henxaxim là vắc xin 6 trong 1 của Pháp được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm pha sẵn.

Hai loại vacxin này cần được tiêm thành nhiều mũi và tiêm nhắc lại đúng lịch, bố mẹ nên theo dõi sát sao lịch tiêm để giúp con phòng bệnh hiệu quả nhé!

Để tìm hiểu về các loại vắc xin cho con, mời bố mẹ đọc thêm bài viết Các loại bệnh và vắc xin tương ứng cho trẻ.

Những lo lắng thường gặp về tiêm chủng cho trẻ

Những tác dụng phụ trẻ có thể gặp sau khi tiêm vắc xin, đặc biệt là sốc phản vệ là điều bố mẹ rất lo lắng, thậm chí nhiều bố mẹ còn phân vân về việc có nên cho con đi tiêm phòng hay không.

Ví dụ vắc xin MMR có khiến trẻ bị tự kỷ hay không đang được cộng đồng các bố mẹ rất quan tâm vì có thông tin cho rằng việc tiêm vắc xin MMR phòng ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỉ ở trẻ.

Tuy nhiên, thông tin này đã được các nhà khoa học chứng minh là không chính xác.

 

Trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ sau khi tiêm phòng.

Tác dụng phụ của vacxin 5 trong 1, tác dụng phụ của vacxin 6 trong 1 hay tác dụng phụ của bất kì loại vacxin nào khác thường xảy ra ở mức độ nhẹ như sốt, sưng đau chỗ tiêm, mệt mỏi,... Các trường hợp xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng khác chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vắc xin, bố mẹ nên kiểm tra kĩ tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi tiêm, tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và chỉ cho trẻ tiêm phòng ở các cơ sở y tế uy tín.

Mời bố mẹ đọc thêm bài viết Những lo lắng thường gặp về tiêm chủng cho trẻ.

Lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Lịch tiêm chủng bắt buộc cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được phân chia theo từng giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ: Sơ sinh, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng,... cho đến khi trẻ 5 tuổi.

Bảng lịch tiêm chủng cho trẻ không chỉ bao gồm các mũi tiêm mà còn bao gồm cả các loại vắc xin dạng xịt và dạng uống.

Ngoài việc cho con tiêm chủng đủ loại vắc xin bắt buộc, bố mẹ cũng nên cho con tiêm chủng đầy đủ một số loại vắc xin dịch vụ phòng các bệnh như thương hàn, viêm gan siêu vi A,...

 

Mẹ nên cho con tiêm phòng đúng lịch để đảm bảo sức khỏe cho bé.

Việc tiêm phòng cho trẻ sơ sinh ở đâu cũng là điều bố mẹ cần lưu tâm vì không phải cơ sở nào cũng đủ điều kiện, trang thiết bị để bảo quản vắc xin đúng cách cũng như có lực lượng nhân viên y tế giàu kinh nghiệm.

Vì thế bố mẹ nên tham khảo điều kiện của các cơ sở y tế trước khi quyết định địa chỉ tiêm phòng cho con.

Bố mẹ có thể tìm thấy lịch tiêm chủng các loại vacxin cho trẻ tại các bệnh viện, cơ sở y tế hoặc tham khảo thêm trong bài viết Lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ của POH.

Chích ngừa cúm cho trẻ

Lịch tiêm ngừa cúm cho bé nên được thực hiện hàng năm khi trẻ trên 6 tháng tuổi vì các loại virus cúm liên tục biến đổi và các loại vắc xin cúm được điều chỉnh hàng năm để phòng tránh các loại virus đó.

Đối với các bé bị dị ứng với trứng, mẹ nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm phòng cúm cho con vì virus có trong vắc xin cúm được nuôi trong trứng gà nên chúng có thể mang đặc tính của trứng và có thể gây dị ứng nguy hiểm cho trẻ.

 

Vắc xin cúm được nghiên cứu và cải tiến hàng năm dựa vào sự thay đổi của virus cúm, vì thế mẹ nên cho bé tiêm phòng cúm mỗi năm một lần.

Giá tiêm phòng cúm cho bé có thể khác nhau tùy theo loại vắc xin và cơ sở y tế. Thông thường một mũi tiêm phòng cúm có giá khoảng 150.000-300.000 đồng.

Nhiều mẹ lo lắng khi bé chích ngừa cúm về bị sổ mũi, nhưng hiện tượng sổ mũi này không gây nguy hiểm cho bé và có thể hết trong vài ngày.

Trẻ chích cúm có bị sốt không? Hiện tượng sốt có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ sau khi tiêm cúm, đặc biệt là với trẻ tiêm cúm lần đầu.

Mẹ nên theo dõi nhiệt độ của bé và nếu thấy con xuất hiện các biểu hiện bất thường khác, mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay.

Mời mẹ tham khảo thêm thông tin trong bài viết Chích ngừa cúm cho trẻ.

Vắc-xin DTaP

Vacxin DTaP thường được biết đến với tên gọi vắc xin 3 trong 1, đây là loại vắc xin sẽ giúp cho trẻ dưới 7 tuổi phòng ngừa ba loại bệnh nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván. Vắc xin DTaP thường bị nhầm lẫn với Tdap nhưng đây là 2 loại vắc xin khác nhau.

Vậy Tdap vaccine là gì? Đây cũng là loại vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, tuy nhiên loại vacxin này chỉ được sử dụng cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên.

DTaP là vắc xin 3 trong 1 phòng ngừa ba loại bệnh nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi.

Lịch tiêm chủng bạch hầu, ho gà, uốn ván của trẻ nhỏ nên tuân thủ đúng chỉ dẫn của các bác sĩ.

Không chỉ có vắc xin 3 trong 1 mới phòng ngừa được 3 loại bệnh nguy hiểm này mà hiện nay đã có cả vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1, bố mẹ nên tham khảo thật kĩ trước khi quyết định tiêm phòng cho trẻ.

Để tìm hiểu về 3 loại bệnh nguy hiểm này cũng như thông tin của vắc xin DTaP, mời bố mẹ đọc thêm bài viết Vắc-xin DTaP.

Vắc-xin phế cầu khuẩn

Lịch tiêm vacxin phế cầu thường được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi với các phác đồ khác nhau tùy thuộc vào từng độ tuổi của trẻ.

Vì thế việc tiêm mũi phế cầu cho trẻ khi nào không nên được bố mẹ tự quyết định mà cần phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Thông thường trẻ sẽ có lịch tiêm phế cầu bắt đầu khi được 6 tuần tuổi và được tiêm nhắc lại 2 lần nữa sau ít nhất một tháng sau khi tiêm mũi trước rồi tiêm mũi cuối cùng cách mũi thứ 3 ít nhất 6 tháng.

 

Vắc xin phế cầu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi.

Giá vacxin phế cầu khuẩn cũng tùy thuộc vào thời điểm và từng cơ sở y tế, đây là loại vắc xin nhập từ nước ngoài có giá khoảng 850.000 đồng đến khoảng hơn 1 triệu đồng.

Nhiều bố mẹ lo lắng trẻ tiêm phế cầu có bị sốt không? Tác dụng phụ phổ biến nhất của mũi tiêm phế cầu khuẩn chính là sốt, chán ăn, đau sưng tại chỗ tiêm và sẽ tự hết sau 2-3 ngày.

Nếu con sốt cao và có các dấu hiệu bất thường khác, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.

Mời bố mẹ đọc thêm tại bài viết Vắc-xin phế cầu khuẩn.

Vắc-xin rotavirus

Các loại vaccine rotavirus sẽ giúp con phòng bệnh tiêu chảy do virus gây ra, bệnh này có thể khiến con tiêu chảy, nôn mửa, mất nước nghiêm trọng và có thể tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Vắc xin phòng rotavirus là vắc xin dạng uống thường được chia thành 2-3 liều. Hiện nay có 3 loại vắc xin phòng rotavirus ở Việt Nam là vắc xin Rotateq của Mỹ, vắc xin Rotarix của Bỉ và vắc xin Rotavin-M1 của Việt Nam.

 

Vắc xin rotavirus là vắc xin dạng uống.

Nếu mẹ cho trẻ uống vacxin rota Việt Nam hay của Mỹ, của Bỉ ở liều đầu tiên thì các liều tiếp theo cần uống đúng loại đó, không nên cho trẻ uống các loại vắc xin phòng rotavirus khác nhau.

Những lưu ý khi cho trẻ uống rota mà mẹ cần nhớ đó là nên thông báo cho bác sĩ về tình trạng dị ứng hoặc tiền sử dị ứng của gia đình và tình trạng sức khỏe của bé trước khi cho con uống vắc xin, cho trẻ uống đúng liều và chỉ định của bác sĩ.

Phản ứng sau khi uống vacxin rota thường nhẹ hơn các loại vacxin tiêm khác, con có thể sẽ cảm thấy khó chịu bụng và bị tiêu chảy nhẹ. Nhưng nếu con đau bụng dữ dội, phân có lẫn máu và nôn mửa thì bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Mời bố mẹ tìm hiểu thêm về loại vắc-xin này trong bài viết Vắc-xin rotavirus.

Vắc xin Hib

Vacxin Hib là vacxin giúp con phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi nghiêm trọng do vi khuẩn Hib gây ra.

Vậy Hib là gì? Hib là viết tắt của từ Haemophilus influenzae tuýp b, đây là một loại vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh viêm phổi, viêm màng não cho trẻ. Nếu không được chữa trị kịp thời, hai bệnh này có thể làm tổn thương hệ thần kinh và hệ hô hấp của trẻ.

Vi khuẩn Hib rất dễ lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với các đồ vật dùng chung, vì thế nên trẻ ở độ tuổi mẫu giáo là đối tượng rất dễ nhiễm vi khuẩn này.

Bố mẹ nên phòng bệnh cho con bằng cách tiêm vắc xin Hib ngay từ khi trẻ đủ tuổi tiêm chủng loại vắc xin này.

 

Tiêm phòng vắc xin Hib giúp bảo vệ con khỏi nguy cơ viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp b gây ra.

Bố mẹ có thể cho trẻ tiêm vacxin Hib 5 trong 1 hoặc vacxin 6 trong 1, cả hai loại vacxin này đều phòng ngừa được bệnh viêm phổi, viêm màng não do Hib và một số bệnh thường gặp khác.

Vậy vacxin Hib giá bao nhiêu? Một mũi tiêm 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 dao động trong khoảng từ 700.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng tùy vào loại thuốc và cơ sở y tế. Bố mẹ có thể tham khảo bảng giá của các cơ sở y tế trước khi đưa con đến tiêm phòng.

Mời bố mẹ tìm hiểu thêm về loại vắc-xin này trong bài viết Vắc xin Hib.

Vắc-xin viêm gan B

Lịch tiêm phòng viêm gan B cho trẻ em thường được thực hiện ngay trong 24h sau khi trẻ chào đời.

Các mũi tiêm sau đó trẻ có thể tiêm các mũi tiêm phối hợp có khả năng phòng ngừa viêm gan B như vắc xin 6 trong 1 theo đúng lịch được bác sĩ chỉ định. Đối với trẻ có mẹ bị viêm gan B thì sẽ có phác đồ tiêm phòng khác.

Việc tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh mấy mũi cũng tùy thuộc vào việc người mẹ có bị nhiễm viêm gan B không. Tuy nhiên mũi tiêm viêm gan B đầu tiên của bất kì trẻ nào cũng nên tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi con chào đời.


Trẻ nên được tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt trong vòng 24h sau khi chào đời.

Tiêm phòng viêm gan B muộn có sao không? Việc tiêm phòng viêm gan B muộn sau 24h sau sinh sẽ làm hiệu lực phòng bệnh của vắc xin giảm từ 85-90% xuống còn 50-57% đối với trẻ có mẹ nhiễm viêm gan B.

Với các trẻ khác cũng vậy, tiêm vắc xin viêm gan B càng muộn thì hiệu lực của thuốc càng giảm.

Mũi tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh bao nhiêu tiền?

Tùy thuộc vào từng bệnh viện mà mức giá này có thể khác nhau, giá của mũi tiêm viêm gan B riêng lẻ thường dao động trong khoảng 100.000-200.000 đồng/mũi, nếu mẹ cho con tiêm mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 thì chi phí sẽ cao hơn.

Mời bố mẹ tìm hiểu thêm về loại vắc-xin này trong bài viết Vắc-xin viêm gan B.

Vắc-xin bại liệt

Vắc xin bại liệt sẽ giúp con phòng ngừa bệnh bại liệt do virus Polio gây ra.

Virus này gây bệnh bằng cách xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương và gây ra các tổn thương cho tế bào thần kinh vận động khiến người bệnh có nguy cơ liệt, tàn tật suốt đời hoặc thậm chí là tử vong.

Vắc xin bại liệt gồm có hai loại là vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) và vắc xin giảm động lực dạng uống (OPV).

Vắc xin bại liệt IPV chứa virus đã được giết chết trong phòng thí nghiệm và được tiêm cho con để kích thích cơ thể bé tạo ra miễn dịch với loại bệnh này.

Phòng bệnh bại liệt bằng đường tiêm vắc xin IPV được cho là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Mũi tiêm này đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta và có thể tiêm phối hợp cùng một số vắc xin khác.

 

Bố mẹ nên trao đổi thật kĩ với bác sĩ để có phác đồ tiêm phòng hiệu quả nhất cho con.

Vaccin bại liệt dạng tiêm có thể kèm theo một số tác dụng phụ không mong muốn giống nhiều loại vắc xin khác như sưng đau ở vết tiêm, sốt nhẹ, đau nhức cơ thể.

Bố mẹ cần theo dõi sát sao các phản ứng cơ thể của con sau khi tiêm để có biện pháp xử lý nếu con xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.

Vậy nên cho con tiêm phòng bại liệt khi nào? Việc tiêm phòng bại liệt nên được tiêm theo chỉ định của bác sĩ và tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ đã uống vắc xin OPV thì lịch tiêm phòng IPV của con cũng khác so với các bạn khác.

Bố mẹ có thể tham khảo lịch uống vacxin bại liệt OPV tại các cơ sở y tế, trẻ thường sẽ được chỉ định uống liều 1, liều 2, liều 3 vào thời điểm 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi.

Mời bố mẹ tìm hiểu thêm về loại vắc-xin này trong bài viết Vắc-xin bại liệt.

Vì sao đã tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh?

Hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể trẻ không phải lúc nào cũng khỏe mạnh mà chúng có thể suy yếu do các vấn đề như thời tiết thất thường, tiếp xúc với các nguồn bệnh, ăn uống không đảm bảo hay thay đổi chỗ ở,...

 

Việc tiêm vắc xin không đúng liều cũng khiến trẻ đã tiêm phòng nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh do con chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Bên cạnh đó, nhiều loại vắc xin không có tác dụng phòng ngừa bệnh suốt đời mà hiệu lực của thuốc sẽ giảm dần theo thời gian, và các chủng virus gây bệnh cũng liên tục biến đổi hàng năm.

Vì thế nên nhiều trẻ tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh, tuy nhiên mức độ bệnh của con sẽ nhẹ hơn rất nhiều khi đã được tiêm phòng.

Để tìm hiểu thêm về nguyên nhân khiến con mắc bệnh khi đã được tiêm phòng, mời bố mẹ đọc trong bài viết Vì sao đã tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh? nhé!

Rủi ro, lợi ích của việc trì hoãn tiêm chủng cho đến khi trẻ lớn hơn?

Nhìn vào lịch tiêm chủng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhiều bố mẹ lo lắng và sợ cơ thể nhỏ bé của con không thể thích ứng được với việc tiêm chủng không chỉ một mà là nhiều mũi tiêm hàng tháng.

Vì thế nhiều gia đình đã trì hoãn việc tiêm chủng cho trẻ và đợi đến khi con lớn hơn.

Việc trì hoãn này có cả lợi ích và rủi ro, bố mẹ nên cân nhắc thật kĩ và trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định. Trong một số trường hợp trẻ gặp vấn đề sức khỏe, bác sĩ có thể sẽ chỉ định hoãn mũi tiêm cho đến khi con khỏe hẳn.


Lịch tiêm phòng của trẻ có thể được hoãn lại nếu con bị sốt.

Nếu trẻ bị sốt có tiêm phòng được không? Câu trả lời là không nên cho trẻ tiêm phòng khi con bị sốt. Khi bị sốt, hệ miễn dịch của con đang bị suy yếu nên việc tiêm vắc xin có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Mời bố mẹ đọc bài viết Rủi ro, lợi ích của việc trì hoãn tiêm chủng cho đến khi trẻ lớn hơn? để hiểu thêm về vấn đề này.

Vắc-xin gây ra chính căn bệnh mà nó chủng ngừa?

Các phương pháp sản xuất vaccine sẽ quyết định nguy cơ vaccine đó có thể gây ra chính căn bệnh mà nó chủng ngừa hay không.

Chỉ có các vaccine có chứa virus sống đã bị suy yếu mới có khả năng gây bệnh nhưng tỉ lệ gây bệnh cũng rất ít và thường người bệnh chỉ bị mắc bệnh mức độ nhẹ.


Mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ nếu con có các dấu hiệu lạ sau khi tiêm phòng.

Vì thế nguyên tắc sử dụng vacxin cần được tuân thủ chặt chẽ để hạn chế tối đa tình trạng này.

Các loại vacxin chỉ được tiêm cho trẻ đã đủ tuổi tiêm chủng, không có vấn đề sức khỏe khiến hệ miễn dịch suy yếu và tiêm đúng đường, liều lượng được quy định.

Mời bố mẹ tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết Vắc-xin gây ra chính căn bệnh mà nó chủng ngừa?

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo