Trẻ 3 tuổi hay khóc đêm - Bố mẹ đã biết nguyên nhân và cách xử lý chưa?

đăng bởi Minh Tâm

Khi cùng con vượt qua giai đoạn trẻ 2 tuổi hay khóc đêm và hàng loạt các kì khủng hoảng ngủ trong giai đoạn đầu đời, chắc chắn mẹ đã có rất nhiều kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề liên quan đến giấc ngủ của bé.

Thông thường thì đến khi bé được 3 tuổi là giấc ngủ của con đã tương đối ổn định và con đã có thể tự ngủ, tự chuyển giấc thành thạo. Vì vậy nhiều mẹ tưởng rằng những đêm quấy khóc, những kì khủng hoảng đã thật sự chấm dứt…

Nhưng vào một ngày đẹp trời nào đó của giai đoạn 3 tuổi, con có thể sẽ tự nhiên trằn trọc, quấy khóc giữa đêm và rất khó để có thể ngủ ngon giấc trở lại.

Điều này không chỉ làm đảo lộn giờ giấc sinh hoạt của gia đình mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ.

Mời bố mẹ cùng tìm hiểu nguyên nhân để biết cách giúp con cải thiện giấc ngủ hiệu quả khi trẻ 3 tuổi hay khóc đêm nhé!

 

 

Trẻ 3 tuổi hay khóc đêm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Ông bà ta thường nói rằng “con nhỏ lớn lên trong giấc ngủ” để khẳng định tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Và khi giấc ngủ của con không được tròn giấc thì cũng có nghĩa là sức khỏe của bé đang bị ảnh hưởng đấy bố mẹ ạ!

 

 

Trẻ 3 tuổi hay khóc đêm liên tục có thể sẽ phải đối mặt với một số nguy cơ:

  • Hormone tăng trưởng hGH được tiết ra nhiều nhất khi con ngủ sâu sẽ giảm sút, từ đó con có thể sẽ chậm tăng cân và chậm phát triển chiều cao.
  • Gây áp lực lên các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tim vì các cơ quan này không được nghỉ ngơi đầy đủ khi bé ngủ không ngon.
  • Trẻ quấy khóc vào ban đêm trong thời gian dài có thể làm ức chế hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của bé.
  • Não bộ của con không có điều kiện để phát triển và hình thành các liên kết thần kinh (quá trình này hiệu quả nhất khi bé ngủ đêm) làm con giảm khả năng nhận thức, học tập.
  • Đêm ngủ không ngon sẽ khiến con mệt mỏi, cáu gắt và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của ngày hôm sau.

Đối với bố mẹ, việc con khóc đêm vừa ảnh hưởng đến tâm lý, khiến bố mẹ stress, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khi phải thức đêm trông con mà không được ngủ ngon giấc.

Nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi hay khóc đêm

Nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi hay khóc đêm cũng tương tự như khi trẻ 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét.

Nếu trẻ 4 tuổi khó ngủ về đêm hoặc trẻ 5 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét thì bố mẹ cũng có thể tham khảo các nguyên nhân dưới đây để xem lý do khiến con ngủ không ngon là gì nhé!

Giấc ngủ ngon sẽ giúp con phát triển tốt hơn

Khủng hoảng tuổi lên 3

Đối với trẻ 2 tuổi quấy khóc không rõ nguyên nhân thì lý do cũng có thể là do con đang ở kỳ khủng hoảng ngủ.

Tình trạng khủng hoảng ngủ này thường xảy ra với bé khi con ở giai đoạn 4 tháng tuổi, 8 tháng tuổi, 18 tháng và 2 tuổi.

Đến khi lên 3 tuổi, con đã bắt đầu biết nhận thức rằng mình là một cá thể độc lập. Ở độ tuổi này, con cũng đã có thể tự làm được một số kỹ năng và luôn mong muốn mình được tự chủ làm những việc mình muốn, nhưng lại phải chịu sự kiểm soát của bố mẹ.

Suy nghĩ và nhận thức của con phát triển rất nhanh nhưng khả năng ngôn ngữ của bé còn hạn chế nên con khó có thể biểu đạt được mong muốn, ý kiến của mình một cách trọn vẹn.

Điều này tạo nên những phản ứng tiêu cực của trẻ như dễ cáu gắt, bướng bỉnh, thường làm ngược lại lời bố mẹ nói - đó là những biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 3.

Trẻ thường bắt đầu giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 vào giai đoạn 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi nhưng cũng có bé sẽ có biểu hiện khủng hoảng sớm hơn. 

Cũng giống như các kì khủng hoảng trước đây, khủng hoảng tuổi lên 3 cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ của trẻ, khiến con khó vào giấc ngủ, tỉnh giấc giữa đêm hoặc ngủ không ngon giấc.

Bé khóc đêm có thể do khủng hoảng tuổi lên 3

Con chịu quá nhiều kích thích vào ban ngày

Hệ thần kinh của trẻ 3 tuổi chưa hoàn thiện và vẫn đang phát triển, vì thế nếu ban ngày con hoạt động quá sức hoặc chịu quá nhiều kích thích thì não bộ của con sẽ ở trạng thái hưng phấn và khiến con giật mình tỉnh giấc hoặc thậm chí là la hét vào ban đêm.

Tình trạng này khiến nhiều gia đình lầm tưởng rằng trẻ hay ngủ mơ khóc đêm hoặc trẻ bị ai đó “trêu” khiến con giật mình giữa đêm nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Thay đổi lịch sinh hoạt

Ở giai đoạn này, con có thể vẫn theo lịch EASY 5-6 với 1 giấc ngủ trưa vào ban ngày. Tuy nhiên có những bé sẽ mải chơi, ham khám phá và có dấu hiệu muốn bỏ giấc ngủ này. Nhưng con lại không thể thức một lèo được đến tối mà sẽ ngủ gục vào cuối buổi chiều khiến giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn.

Đó là lý do khiến chất lượng giấc ngủ đêm của con bị ảnh hưởng và con hay thức dậy vào ban đêm.

Môi trường ngủ không nhất quán

Điều này thường xảy ra với các bé chưa có khả năng tự ngủ. Khi bắt đầu vào giấc, con được bố mẹ bế ru hoặc vỗ ru ngủ rồi đặt xuống giường khi bé ngủ say. Và khi chuyển giấc, con không cảm nhận được sự hiện diện của bố mẹ bên cạnh nên con sẽ giật mình và quấy khóc giữa giấc ngủ đêm.

Con đang học kỹ năng mới

Con đang lớn lên và học hỏi các kỹ năng mới mỗi ngày. Lần đầu tiên tự cởi quần áo, tự đi dép hay mới học được một giai điệu mới trên lớp cũng sẽ khiến con phâm tâm tới mức khó ngủ, trằn trọc ngủ không ngon đấy bố mẹ ạ!

Trẻ 3 tuổi hay khóc đêm thường là do các nguyên nhân sinh lý

Cuộc sống của con có gì đó thay đổi

Cũng tương tự như việc học kỹ năng mới, bất kì sự thay đổi nào trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. 

Ví dụ như sự lo lắng, bất an khi trật tự thế giới trong mắt bé bị đảo lộn khi bé có em, hoặc khi con chuyển lên lớp mới, làm quen với cô giáo và các bạn mới, khi gia đình chuyển chỗ ở hoặc đi chơi,...

Con đang ốm hoặc có vấn đề gì đó về sức khỏe

Nếu con đang có triệu trứng bất thường về sức khỏe như ốm, sốt, viêm họng, viêm mũi, đau bụng,... thì con sẽ rất khó có thể ngủ ngon và biểu hiện tỉnh giấc, quấy khóc vào ban đêm là dấu hiệu con thông báo và muốn bố mẹ giúp đỡ mình.

Trong trường hợp con quấy khóc dữ dội và liên tục kèm các biểu hiện đau đớn hoặc bất thường như nôn, ưỡn người, bỏ bú,... thì bố mẹ nên đưa con đi kiểm tra sức khỏe xem con có gặp vấn đề sức khỏe nào không để có biện pháp chữa trị kịp thời.

 

 

Bố mẹ nên làm gì để cải thiện tình trạng trẻ 3 tuổi hay khóc đêm?

Dưới đây là một số cách có thể giúp trẻ 3 tuổi ngủ giấc đêm ngon hơn, bố mẹ cũng có thể áp dụng đối với trẻ 2 tuổi hay khóc đêm, trẻ 4 tuổi ngủ hay giật mình khóc thét, trẻ 5 tuổi hay khóc đêm hay khi con gặp khủng hoảng ngủ ở những độ tuổi khác.

  • Đảm bảo con không gặp vấn đề gì về sức khỏe để giấc ngủ của con không bị gián đoạn vì những nguyên nhân bệnh lý.
  • Điều chỉnh lịch sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi và duy trì kỹ năng tự ngủ của con ngay cả khi con đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3.
  • Tạo môi trường ngủ an toàn và nhất quán trong tất cả các giấc ngủ của con.
  • Kiên trì thực hiện trình tự ngủ giống nhau vào mỗi ngày.
  • Cho con có khoảng thời gian hoạt động yên tĩnh trước khi ngủ, ban ngày thì hạn chế cho con hoạt động quá sức, chịu kích thích quá mức và giảm thiểu thời gian cho con dùng các thiết bị điện tử.
  • Trò chuyện và thấu hiểu những lo lắng, bất an của con nếu trong cuộc sống của con có điều gì đó thay đổi.
  • Hỗ trợ con khi con đang học tập các kỹ năng mới.

---

Để giúp bé 0-3 tuổi phát triển toàn diện và vượt trội, ba mẹ tham khảo POH Acti nhé! POH Acti giúp mẹ thông qua:

Phát triển vận động: nhằm thúc đẩy lượng oxy đưa lên não giúp tuần hoàn tốt hơn; tạo điều kiện thuận lợi để tăng quá trình kết nối các tế bào thần kinh - Giúp hình thành các loại hình thông minh một cách thuận lợi.

Ngôn ngữ: Con biết nói sớm, hoạt ngôn, tự tin bày tỏ nhu cầu, suy nghĩ của bản thân…

• Phát triển giác quan, nhận thức, cảm xúc... tinh tế, nhạy bén...

Giáo dục Montessori tại nhà, giúp trẻ tối ưu tiềm năng sẵn có (0-3 tuổi): POH Acti

---

Các khóa học khác của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai Giáo