Nuôi dạy con lành mạnh bằng kỷ luật tích cực

đăng bởi Thanh Thanh

Đầu tiên, ba mẹ cần biết rằng bác sĩ nhi khoa là nguồn tư vấn về những vấn đề liên quan đến việc quản lý hành vi của trẻ, bao gồm cả những cách kỷ luật hợp lý để uốn nắn con, dạy con đâu là hành vi sai trái, không được làm. 

Những cách dạy con tiêu cực như các hình thức trừng phạt thể xác, la mắng hoặc làm trẻ xấu hổ thường rất kém hiệu quả và cũng chỉ tác dụng trong thời gian ngắn. Ngoài ra, những nghiên cứu mới chứng minh rằng trẻ bị trừng phạt thể xác có nguy cơ tăng những hành vi, nhận thức, tâm lý, cảm xúc tiêu cực.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cung cấp hướng dẫn để khuyến khích các bác sĩ nhi khoa, những trung tâm chăm sóc trẻ em giúp ba mẹ hiểu hơn về cách nuôi dạy con bằng những cách kỷ luật tích cực và hiệu quả trong từng giai đoạn phát triển của trẻ. Ba mẹ cần phải biết rằng người lớn nên tránh dùng hình phạt thể xác và bạo lực ngôn ngữ với trẻ em. 

Giới thiệu

Bác sĩ nhi khoa là một nguồn thông tin quan trọng về nuôi dạy con của ba mẹ. Hiện nay, ngày càng nhiều ba mẹ tìm đến các bác sĩ nhi khoa để được tư vấn về cách nuôi dạy con. Theo các cuộc khảo sát định kỳ của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, đến năm 2012 có 51% bác sĩ nhi được khảo sát trả lời rằng 75 - 100% những lần khám tổng quát để kiểm tra sức khỏe cho trẻ từ 0 -10 tuổi đều có ba mẹ thảo luận với họ về kỷ luật cho con.

Một cuộc khảo sát năm 2016 chỉ ra rằng hầu hết các bác sĩ nhi khoa ở Mỹ không tán thành việc trừng phạt thể xác. 78% những người được hỏi không nghĩ rằng đánh đòn là “cách duy nhất để khiến trẻ cư xử đúng mực” và 75% những người được khảo sát không ủng hộ quan điểm “đánh đòn là một phần bình thường của việc nuôi dạy con cái”

Bối cảnh

Năm 1989, Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Quyền Trẻ em đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên cấm trừng phạt thể xác trẻ em và xây dựng các chương trình giáo dục dựa trên kỷ luật tích cực thông qua Ủy ban về Quyền Trẻ em. Trong báo cáo của Liên Hợp Quốc, điều 19 viết, “Các Quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp về lập pháp, hành pháp, xã hội và giáo dục để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị đánh đập hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao nhãng chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả sự xâm phạm tình dục, trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng chăm sóc của cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, của một hay nhiều người giám hộ pháp lý, hoặc của bất kỳ người nào khác được giao việc chăm sóc trẻ em.”

Tổ chức Nỗ Lực ​​Toàn Cầu Nhằm Chấm Dứt Mọi Hình Phạt Thể Xác Đối Với Trẻ Em đã đưa ra một định nghĩa toàn diện về đánh đòn và trừng phạt thể xác: “Định nghĩa về trừng phạt thể xác được Ủy ban về Quyền trẻ em thông qua trong Bình luận chung số 8 có nội dung chính là, 'bất kỳ hình phạt nào sử dụng vũ lực nhằm mục đích gây ra sự đau đớn hoặc khó chịu dù chỉ là mức độ nhẹ'. Theo ủy ban, những hình phạt thể chất chủ yếu là đánh, đánh đòn, tát trẻ em bằng tay hoặc bằng dụng cụ (roi, gậy, thắt lưng, giày dép…), nhưng nó cũng có thể là đá, lắc, xô đẩy, cào, véo, cắn, giật tóc hoặc đấm; buộc trẻ phải giữ nguyên những tư thế không thoải mái; làm trẻ bị bỏng hoặc ép trẻ ăn (ví dụ: rửa miệng trẻ bằng xà phòng hoặc ép trẻ nuốt đồ đang nóng). Ngoài ra, các hình thức trừng phạt tinh thần một cách tàn nhẫn ví dụ hạ thấp, sỉ nhục, bôi nhọ, đe dọa hoặc chế nhạo trẻ cũng không phù hợp với công ước về quyền trẻ em. Theo ủy ban, trừng phạt thân thể luôn luôn đi kèm với hạ thấp nhân phẩm.”

Từ kết quả của các cuộc nghiên cứu và những kiến thức con người mới khám phá ra được về sự phát triển của bộ não, các bác sĩ nhi khoa được khuyến cáo nên khuyên cha mẹ không sử dụng bất kỳ hình thức trừng phạt thể xác nào. Hơn thế nữa, cha mẹ bạo lực ngôn ngữ trẻ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và sỉ nhục cũng tác động xấu đến lòng tự trọng của con. 

Kỷ luật hiệu quả hỗ trợ trẻ phát triển một cách bình thường

Sự phát triển tối ưu của trẻ cần có sự tham gia tích cực của người lớn - những người giúp trẻ hiểu được hành vi nào là nên và không nên làm. Trong tiếng Anh, từ "kỷ luật" (discipline) có nguồn gốc từ tiếng Latin "disciplinare", có nghĩa là dạy hoặc đào tạo. Các phương pháp kỷ luật hiệu quả là các phương pháp phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ, dạy trẻ cách điều chỉnh hành vi của chính mình; giúp trẻ không bị tổn thương; nâng cao các kỹ năng, các hoạt động nhận thức, cảm xúc xã hội.

Trừng phạt thể xác

Các bậc phụ huynh sử dụng các hình thức trừng phạt thể xác

Nhiều khảo sát gần đây cho thấy rằng ngày càng nhiều cha mẹ ở Mỹ không còn ủng hộ sử dụng hình thức trừng phạt thể xác nữa. Theo số liệu những năm 2004, khoảng ⅔ số cha mẹ được hỏi cho biết đã sử dụng các cách trừng phạt thể xác. Họ cho biết là khi trẻ đến lớp 5, 80% các em đã bị đánh đòn . Ngoài ra, 85% thanh thiếu niên cho biết từng bị trừng phạt thể xác, 51% cho biết đã bị đánh bằng thắt lưng hoặc những đồ tương tự. Số liệu này cho thấy vào năm 2004, nhiều bậc cha mẹ coi việc đánh đòn là một hình thức kỷ luật được xã hội chấp nhận. Nhưng đến gần đây, một cuộc khảo sát mang quy mô quốc gia cho thấy sự ủng hộ việc đánh đòn trẻ em ngày càng giảm, đặc biệt là ở các bậc cha mẹ trẻ.

Một cuộc khảo sát ý kiến năm 2013 đã phát hiện ra rằng tỷ lệ ủng hộ quan niệm “đôi khi, để kỉ luật trẻ thì cần đánh đòn mạnh tay” đã giảm từ 84% năm 1986 xuống còn 70% vào năm 2012. Đa số các cặp cha mẹ dưới 36 tuổi tin rằng đánh đòn không phải là cách duy nhất, và chỉ một nửa trong số này cho biết đã từng đánh con cái của họ. Một báo cáo nghiên cứu về cuộc khảo sát quốc gia năm 2016 cho ra kết quả là những người trả lời có con nhỏ trong nhà, không ủng hộ trừng phạt thể xác, bất kể họ là chủng tộc, sắc tộc gì đều “cho thấy khả năng có sự thay đổi các chuẩn mực xã hội về trừng phạt thể xác giữa các thế hệ trong gia đình”

Theo dõi trực tiếp việc trừng phạt thể xác

Mặc dù những nghiên cứu về vấn đề thực hiện kỷ luật với trẻ em thường sử dụng kết quả quan sát được trong những lần đến thăm nhà trực tiếp, nhưng một nghiên cứu nhỏ được công bố vào năm 2014 dùng các bản ghi âm giọng nói để khám phá các tương tác giữa cha mẹ và con cái trong các hoạt động hàng ngày. Các bản ghi âm cho thấy 15/33 (45%) trong số các gia đình được nghiên cứu sử dụng hình thức trừng phạt thể xác. Hầu hết các cặp cha mẹ đã sử dụng hình thức kỷ luật bằng lời nói trước khi dùng hình thức trừng phạt thể xác. Nhưng, chỉ sau 1 khoảng thời gian trung bình là 30 giây họ đã sử dụng hình phạt thể xác, cho thấy rằng cha mẹ có thể đã “phản ứng một cách bốc đồng hoặc theo cảm tính hơn là một cách lý tính”. Ảnh hưởng của trừng phạt thể xác cũng chỉ thoáng qua: trong vòng 10 phút, hầu hết trẻ em (73%) đã tiếp tục hành vi tương tự.

 

POH Acti (0-1 tuổi) - Khóa học Giáo dục từ sớm Uy tín

 

Sự kém hiệu quả của trừng phạt thể xác

Một phân tích tổng hợp kết quả của những cuộc nghiên cứu từ trước đến năm 2016 cho thấy trừng phạt thể xác không có hiệu quả lâu dài. Trước đó cũng đã có những phân tích tổng hợp cho thấy ảnh hưởng của trừng phạt thể xác chỉ mang tính ngắn hạn. Chỉ kết quả thống kê của một nghiên cứu duy nhất năm 1981 trên 24 trẻ em cho thấy trừng phạt thể xác có hiệu quả kéo dài hơn những phương pháp khác (nghiên cứu này chỉ diễn ra trong 1 thời gian ngắn với một nhóm đối tượng được kiểm soát)

Vòng luẩn quẩn giữa trừng phạt thể xác và hành vi chống đối của trẻ

Bằng chứng thu được từ một nghiên cứu thuần tập theo thời gian (nghiên cứu thu thập thông tin về đối tượng nhiều lần, với đối tượng là một nhóm người có đặc điểm chung hoặc sống trong cùng 1 khoảng thời gian) cho thấy có sự liên quan giữa trừng phạt thể xác và hành vi chống đối ở trẻ 1 tuổi. Nghiên cứu Tương lai của Gia đình và Sức khỏe trẻ em là một nghiên cứu về khoảng 5000 trẻ em ở 20 thành phố lớn của Hoa Kỳ từ năm 1998 đến 2000; dữ liệu được thu thập khi mới sinh và lúc trẻ được 1, 3, 5 và 9 tuổi. Vào lúc 3 tuổi, những trẻ bị đánh đòn từ 2 lần trở lên mỗi tháng sẽ hung hăng hơn các trẻ khác khi được 5 tuổi. Một nghiên cứu về những đứa trẻ này vào năm chúng 9 tuổi cho thấy mối quan hệ giữa việc đánh đòn khi chúng 5 tuổi với mức độ chúng có những hành vi thể hiện thái độ xấu cao hơn và có điểm ngôn ngữ thấp hơn những trẻ khác không bị đánh đòn.

Một nghiên cứu sau đó đã phân tích dữ liệu từ cả 4 đợt và kết luận rằng tần suất đánh đòn tăng lên sẽ dẫn đến tần suất trẻ có những hành vi thể hiện thái độ xấu tăng theo, và bố mẹ sẽ tiếp tục đánh trẻ nhiều hơn. Mối quan hệ qua lại giữa đánh đòn và hành vi tiêu cực cứ tiếp diễn như vậy; các tương tác tiêu cực (cha mẹ thì đánh đòn, trẻ thì có hành vi xấu) sẽ diễn ra như thể đó là đương nhiên tạo thành một vòng xoáy tiêu cực.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu tìm hiểu về các phương pháp kỷ luật của cha mẹ, các nhà nghiên cứu thấy rằng cả cha mẹ người Mỹ gốc Âu và người Mỹ gốc Phi đều sử dụng các hình thức kỷ luật mạnh tay dần đối với trẻ từ 6 - 8 tuổi. Cả hai nhóm cha mẹ đều sử dụng lý lẽ trước khi la mắng. Tiếp đến là ngừng cho trẻ những đặc quyền (được ra ngoài chơi, xem TV, ipad…) và đánh đòn là phương pháp ít được sử dụng nhất. Tương tự, một nghiên cứu năm 2002 khác cũng cho biết các cặp bố mẹ thường coi việc đánh đòn là phương pháp cuối cùng.

Đối tượng đặc biệt

Những trẻ ở cơ sở bảo trợ từng bị lạm dụng hoặc bỏ rơi có thể có những hành vi chống đối. Tuy nhiên, đã có các chương trình hỗ trợ cha mẹ nuôi trong vấn đề kỷ luật trẻ. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu lâm sàng mô tả những tác động của việc ngược đãi đến hành vi sau này của trẻ và đưa ra các gợi ý để giúp những đứa trẻ này được chữa lành. Các bác sĩ nhi khoa thường khuyên cha mẹ nuôi xem xét các hành vi là hậu quả của việc bị lạm dụng trước đây để hiểu trẻ đã phản ứng, thay đổi như thế nào trước những nỗ lực uốn nắn của cha mẹ nuôi.

Cha mẹ của những trẻ cần được chăm sóc đặc biệt có thể được cần hỗ trợ tư vấn thêm về các cách kỷ luật thích hợp. Những cách kỷ luật thích hợp này cần phải phù hợp với các điều kiện thể chất, cảm xúc, nhận thức của trẻ.

Các yếu tố dẫn đến sự phụ thuộc vào hình thức trừng phạt thể xác của cha mẹ

Cha mẹ bị trầm cảm

Một nghiên cứu về mối liên quan giữa trừng phạt thể xác, cha mẹ bị trầm cảm, nhận thức tiêu cực và hành vi thể hiện thái độ xấu của trẻ. Đối tượng nghiên cứu bào bao gồm 245 trẻ em và hầu hết các cha mẹ có là người Mỹ gốc Âu, đã kết hôn, thuộc tầng lớp trung lưu. Kết quả cho thấy nếu bố mẹ có triệu chứng trầm cảm thì trẻ thường có những hành vi xấu hơn và thường xuyên bị trừng phạt về thể xác hơn, đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng dự đoán trẻ sẽ có mức độ thể hiện các hành vi có thái độ xấu cao hơn bình thường. 

Ảnh hưởng từ chấn thương trong quá khứ của cha mẹ

Một nghiên cứu phỏng vấn 30 bà mẹ có thu nhập thấp và cho kết quả rằng các bà mẹ đã kết nối hành vi tiêu cực của con cái họ với trải nghiệm trong quá khứ của chính họ; và sử dụng hình phạt thể xác để giúp trẻ không có những hành vi xấu trong tương lai.

Trừng phạt thể xác là một yếu tố góp phần tạo nên sự phát triển không tối ưu ở trẻ em

Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đánh đòn trẻ em và những hậu quả bất lợi sau đó. Nhiều nghiên cứu đã cung cấp thêm thông tin giúp hiểu sâu hơn về tác động của trừng phạt thể xác. Hậu quả của việc cha mẹ dùng các hình thức trừng phạt thể xác được tóm tắt như sau

  • Đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi, trừng phạt thể xác làm tăng khả năng trẻ bị tổn thương thể chất
  • Sử dụng các hình phạt thể xác nhiều lần có thể dẫn đến trẻ thể hiện các hành vi chống đối và ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
  • Trừng phạt thể xác có thể dẫn đến việc gia tăng hành vi hung hăng ở trẻ em mẫu giáo và cấp 1
  • Bị trừng phạt thể xác khiến trẻ em có nhiều khả năng trở nên ngang ngược và hung hăng hơn trong tương lai;
  • Trừng phạt thể xác có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần và các vấn đề về nhận thức khác
  • Khi gia đình đang gặp phải những yếu tố gây căng thẳng, chẳng hạn như khó khăn về kinh tế gia đình, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bạo lực thì nguy cơ sử dụng các hình thức trừng phạt thể xác cũng tăng theo
  • Chỉ riêng việc đánh đòn trẻ cũng dẫn đến những hậu quả xấu tương tự như ở trẻ bị bạo hành

Mối liên hệ giữa trừng phạt thân thể và hậu quả bất lợi cho sức khỏe ở người trưởng thành cũng đã được nghiên cứu năm 2017, kết quả cho thấy đánh đòn cũng là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến thời thơ ấu của một người. Trong nghiên cứu Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu năm 1998, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đánh đòn có thể tăng tỷ lệ tự tử, uống rượu từ mức độ vừa phải đến nặng và rối loạn sử dụng chất kích thích ở tuổi trưởng thành.

Những thay đổi sinh lý liên quan đến trừng phạt thể xác và bạo lực ngôn ngữ

Chụp cộng hưởng từ đã cho thấy những thay đổi trong não bộ của những người có tiền sử bị cha mẹ trừng phạt thể xác và bạo lực ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu một nhóm 23 thanh niên tuổi từ 18–25 đã bị trừng phạt thể xác lặp đi lặp lại trong 1 thời gian dài và so sánh kết quả chụp cộng hưởng từ não với những người trong nhóm 22 người khác không bị trừng phạt thể xác. Kết quả cho thấy nhóm 23 người có khối lượng chất xám trước trán và chỉ số IQ giảm. Một nghiên cứu tương tự, nhóm 16 thanh niên bị cha mẹ bạo lực ngôn ngữ cho thấy kết quả chụp cộng hưởng từ có sự khác biệt trong các vùng chất trắng. Một nghiên cứu khác cho ra kết quả về sự liên quan giữa trừng phạt thể xác và nồng độ cortisol (hormone giúp kiểm soát tình trạng căng thẳng). Nồng độ cortisol tăng cao phản ánh tình trạng căng thẳng và có thể dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc não bộ.

Bạo lực ngôn ngữ ảnh hưởng đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên

Năm 2009, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã định nghĩa “la hét và sử dụng lời nói khắc nghiệt để kỷ luật là hành vi gây hấn về mặt tâm lý đối với trẻ em.” \ Trong một nghiên cứu dài hạn để tìm hiểu mối quan hệ giữa hành vi bạo lực ngôn ngữ của cha mẹ và hậu quả ở trẻ, các nhà nghiên cứu thấy rằng trẻ bị bạo lực ngôn ngữ trước 13 tuổi có thể gia tăng các vấn đề về hành vi khi ở độ tuổi thanh thiếu niên và có thể có các triệu chứng trầm cảm ở độ tuổi từ 13 đến 14. Hành vi của thanh thiếu niên đồng thời cũng ảnh hưởng ngược lại đến hành vi của cha mẹ; việc thanh thiếu niên 13 - 14 tuổi có nhiều hành vi sai trái sẽ làm gia tăng việc sử dụng các hình thức kỷ luật khắc nghiệt của cha mẹ. Hơn nữa, sự ấm áp của tình cảm gia đình không ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa kỷ luật khắc nghiệt của cha mẹ với hành vi của thanh thiếu niên và các triệu chứng trầm cảm.

Những cách để tăng hiệu quả của các hình thức kỷ luật

Các hình thức kỷ luật hiệu quả phải được dựa trên kiến thức về sự phát triển bình thường của trẻ. Các bậc cha mẹ thường rất coi trọng lời khuyên từ bác sĩ nhi khoa của họ, một nghiên cứu năm 2012 với sự tham gia của 500 phụ huynh ở New Orleans, Louisiana. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cha mẹ có khuynh hướng làm theo lời khuyên của bác sĩ nhi khoa hơn so với các chuyên gia khác và gần một nửa (48%) nói rằng họ có nhiều khả năng tiếp thu ý kiến từ ​​​​bác sĩ nhi khoa về vấn đề trừng phạt thể xác. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết có 2 yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan niệm về trừng phạt thể xác, một là các chuẩn mực xã hội, hai là ý kiến của các chuyên gia.

Bối cảnh lâm sàng

Bác sĩ nhi khoa có thể hỗ trợ bố mẹ bằng cách tư vấn về sự phát triển của trẻ và các cách nuôi dạy con hiệu quả. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về cách kỷ luật con trẻ có thể không thuận lợi và không hiệu quả mấy.

Hướng dẫn 

Một cuộc thảo luận trực tiếp về việc ngừng sử dụng các hình thức trừng phạt thể xác có thể sẽ hữu ích. Bác sĩ nhi khoa có thể tư vấn cho các thành viên trong gia đình rằng đánh đòn không phải là cách kỷ luật hiệu quả khi thích hợp. Các bậc cha mẹ cần được biết rằng mặc dù đánh đòn có vẻ như sẽ ngăn chặn hành vi sai trái của trẻ, nhưng nó không có hiệu quả lâu dài. Đối với nhiều trẻ em, đánh đòn làm tăng tính hung hăng và sự tức giận thay vì dạy về trách nhiệm và sự tự chủ. Các bác sĩ nhi khoa nên đưa ra lời khuyên này kết hợp với việc cung cấp thêm cho cha mẹ các cách giáo dục nhân văn và hiệu quả hơn. Các phương pháp giáo dục trẻ em sẽ thay đổi khi trẻ lớn lên và phát triển nhận thức.

Hướng dẫn cha mẹ những cách giáo dục hiệu quả giúp họ tránh việc phải sử dụng hình thức trừng phạt thể xác. Trong một nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên, cha mẹ đã được dạy về phương pháp dạy con time-out. Ngoài ra, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật phỏng vấn tạo động lực để giúp cha mẹ học các cách kỷ luật không đòn roi khác.

Khi thảo luận về vấn đề trừng phạt thể xác với cha mẹ, các bác sĩ nhi khoa có thể hiểu hơn về những trải nghiệm hiện tại, sự phát triển cảm xúc xã hội trước đây, thái độ và niềm tin của cha mẹ. Nếu cha mẹ được học về các cách kỷ luật không đòn roi hiệu quả, họ có thể đánh đòn ít hơn hoặc thậm chí là tiến đến việc hoàn toàn nói không với đòn roi. Cha mẹ có thể tham khảo thêm với các bác sĩ nhi khoa để được tư vấn hiệu quả dựa trên tình trạng riêng của con.

Phương pháp giáo dục

Các khóa học nuôi dạy con cũng có thể giúp phụ huynh tiến đến giáo dục không đòn roi bằng cách giới thiệu hoặc cung cấp tài liệu cho họ. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những video được phát tại văn phòng có thể truyền tải thông điệp đến nhiều bậc phụ huynh. Các cặp bố mẹ sẽ giảm thái độ tích cực với việc trừng phạt thể xác con nếu đọc được những bản nghiên cứu tóm tắt về nó. Cha mẹ càng tiếp xúc với thông điệp giáo dục không đòn roi càng nhiều thì sẽ càng hướng đến nó, và mong muốn được học các kỹ năng nuôi dạy con hiện đại.

Cha mẹ có thể sử dụng phương pháp củng cố tích cực để giúp con hiểu những hành vi như thế nào là nên làm. Ví dụ, trẻ nhỏ luôn mong muốn nhận được sự chú ý của người lớn, vì vậy, cha mẹ có thể nói với con rằng: “Mẹ thích con làm…” để củng cố hành vi cha mẹ muốn con làm.

Kết luận

Khi các bậc phụ huynh tìm đến những khóa học nuôi dạy con để được tư vấn những vấn đề bao gồm cả kỷ luật trẻ như thế nào, hãy luôn nhớ rằng, các nghiên cứu đã chứng minh trừng phạt thể xác không có hiệu quả lâu dài và gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức lẫn sức khỏe tâm thần. Khi bố mẹ muốn sử dụng đòn roi với con cái, những tư vấn viên có nhiệm vụ thấu hiểu cảm xúc và giúp họ xác định rõ mục đích của việc sử dụng đòn roi là gì. Sau đó có thể cung cấp thông tin về các cách giáo dục khác.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị các bậc phụ huynh nên sử dụng các hình thức kỷ luật lành mạnh, chẳng hạn như củng cố tích cực, đặt ra các giới hạn, chuyển hướng sự chú ý và đặt ra các kỳ vọng trong tương lai. Viện còn khuyến cáo rằng cha mẹ không nên đánh đòn, đánh, tát, đe dọa, xúc phạm, sỉ nhục hoặc làm xấu hổ trẻ ở nơi công cộng.

Nguồn: publications.aap.org 


POH Acti (0-1 tuổi) - Khóa học Giáo dục từ sớm Uy tín

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo