Tất cả về dị ứng thức ăn ở trẻ

đăng bởi Minh Tâm

Khi bé đã ngồi vững, mẹ có thể bắt đầu cho bé làm quen với chế độ dinh dưỡng mới. Ăn dặm là cột mốc thú vị nhưng cũng làm mẹ canh cánh nỗi lo trẻ bị dị ứng thức ăn. Rốt cuộc dị ứng thức ăn là gì, nguyên nhân từ đâu và được chẩn đoán như thế nào? Mời ba mẹ theo dõi bài viết sau đây!

 

 

Dị ứng thức ăn là gì?

Hiện tượng dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ miễn dịch của bé phản ứng quá mức với protein có trong thức ăn, nhẹ thì dẫn đến sự khó chịu nhưng nghiêm trọng hơn có thể đe dọa đến tính mạng. 

Triệu chứng dị ứng thức ăn là gì? 

Dị ứng thức ăn ở trẻ em thường diễn ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn. Các dấu hiệu bé dị ứng thức ăn bao gồm:

  • Phát ban
  • Nổi mẩn
  • Sưng lưỡi, mặt và môi
  • Thở khò khè hoặc có biểu hiện khó thở
  • Nôn mửa, tiêu chảy
  • Da nhợt nhạt
  • Không tỉnh táo

>> Lưu ý quan trọng khi giới thiệu thực phẩm dễ dị ứng cho bé

 

Hình ảnh bé bị dị ứng thức ăn

Điểm danh những thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ

Bất cứ thực phẩm nào cũng đều có khả năng gây nên các triệu chứng dị ứng thức ăn ở trẻ. Tuy nhiên, khoảng 90% nguyên nhân gây dị ứng thức ăn đến từ các loại thực phẩm sau:

  • Sữa bò
  • Trứng
  • Đậu phộng (lạc)
  • Đậu nành
  • Lúa mì
  • Các loại hạt: hạnh nhân, điều, óc chó...
  • Động vật có vỏ (tôm, ngao, sò…)

 Đậu phộng (lạc) nằm trong nhóm các thực phẩm gây dị ứng

Tại sao hiện tượng dị ứng thức ăn lại phổ biến?

Dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ đang dần trở nên phổ biến. Dữ liệu mới nhất cho biết cứ 13 trẻ dưới 18 tuổi thì có 1 trẻ bị dị ứng thức ăn. Tỷ lệ này khá cao và các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân dẫn đến điều này. Tuy nhiên, một vài giả thiết đã được đặt ra. 

Giả thiết thứ nhất cho rằng trẻ em ở các nước phát triển ít có cơ hội được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi từ môi trường xung quanh để hình thành hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ dị ứng thức ăn. 

Giả thiết thứ hai là tỷ lệ mắc dị ứng thức ăn ngày càng cao đơn giản là do trình độ chẩn đoán của y học ngày càng tiên tiến. Tỷ lệ chính xác của các phương pháp chẩn đoán càng cao đồng nghĩa với việc càng nhiều trường hợp mắc dị ứng được phát hiện. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng kết quả chẩn đoán không phải lúc nào cũng chính xác 100%. Thêm vào đó, ngoài thức ăn thì còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến những triệu chứng giống như dị ứng.

Những bệnh lý có triệu chứng giống với dị ứng thức ăn

Trên thực tế, cơ thể con người tiềm ẩn nhiều bệnh lý khác nhau và đôi khi có những triệu chứng rất dễ bị nhầm lẫn. Bé có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy hay nôn mửa sau khi ăn xong chưa hẳn đã là do dị ứng thức ăn. Ba mẹ không thể loại trừ khả năng bé mắc các bệnh lý và vấn đề về sức khỏe dưới đây:

  • Nhạy cảm với thức ăn. Hiện tượng này không giống với dị ứng thức ăn vì không gây nguy hiểm đến tính mạng. Thêm vào đó, nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của bé gặp vấn đề khi xử lý một số thực phẩm nhất định chứ không phải do phản ứng của hệ miễn dịch. 
  • Ngộ độc thực phẩm
  • Trào ngược dạ dày
  • Ăn quá nhiều đường
  • Phản ứng với phụ gia thực phẩm như chất bảo quản hay caffeine

Ngoài ra, những thực phẩm có vị chua như cà chua hay cam, quýt, bưởi... cũng có thể gây kích ứng da, khiến ba mẹ lầm tưởng với biểu hiện dị ứng thức ăn. Nguyên nhân là do có không ít bé bị dị ứng thức ăn nổi mề đay. Trong lúc hoảng hốt, ba mẹ khó có thể phân biệt được nguyên nhân là do dị ứng thức ăn hay các hiện tượng bất thường khác về sức khỏe của con. 

 

 

Làm sao để chẩn đoán dị ứng thức ăn ở trẻ em?

Chuyên gia dị ứng khoa Nhi sẽ sử dụng phương pháp chích da, xét nghiệm máu, thử thức ăn qua đường miệng (cho bé ăn các loại thức ăn có nguy cơ cao gây dị ứng), cho trẻ dừng ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc kết hợp đồng thời nhiều phương pháp với nhau để chẩn đoán.

Nếu sau khi ăn một loại thức ăn nào đó mà cơ thể bé có phản ứng bất thường thì mẹ hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ nhi khoa và chuyên gia dị ứng nhi khoa để biết bé bị dị ứng thức ăn hay không. 

Mẹ cần đưa bé đi khám để chẩn đoán nguy cơ dị ứng thức ăn

Dị ứng thức ăn và cách điều trị

Trẻ bị dị ứng thức ăn phải làm sao? Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị nào hiệu quả hơn việc tránh cho bé ăn các thực phẩm gây dị ứng. Nếu bé có tiền sử sốc phản vệ, ba mẹ cần trang bị sẵn bút tiêm tự động Epinephrine để ứng phó kịp thời. 

Ngoài ra, với những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như ông bà, người chăm sóc, giáo viên mẫu giáo… , ba mẹ cần thông báo cho họ biết con dị ứng với những loại thực phẩm nào và hướng dẫn cách dùng bút tiêm Epinephrine.

Dị ứng thức ăn bao lâu thì hết? 

Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), hiện tượng dị ứng thức ăn, cụ thể là với các loại hạt, cá và động vật có vỏ sẽ không biến mất hoàn toàn. Mỗi khi ăn những thực phẩm này, trẻ sẽ có các triệu chứng dị ứng thức ăn. 

Tuy nhiên, một tín hiệu khả quan là có đến 80-90% trẻ không còn dị ứng với trứng, sữa, lúa mì, đậu nành kể từ 5 tuổi trở đi. Ngoài ra, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ không còn dị ứng với đậu phộng khi lớn lên. 

Nguồn: Babysparks

 

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo