Bệnh chàm ở trẻ: Nguyên nhân và cách điều trị

đăng bởi Tiên Tiên

Bệnh chàm (chàm da, chàm sữa - lác sữa) là bệnh nhiều trẻ mắc, với triệu chứng là các nốt phát ban trên da. Có nhiều mẹo chữa chàm cho trẻ sơ sinh theo dân gian nhưng chưa có cách trị chàm nào dứt điểm. Cách để cải thiện bệnh chàm ở trẻ em là giữ cho làn da ẩm, giữ da thoáng mát và hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Cùng tìm hiểu thêm nhiều thông tin với bài viết dưới đây!

Bệnh chàm là gì?

Bệnh chàm (Eczema) còn được gọi là viêm da dị ứng, chàm sữa hoặc lác sữa. Đây là một loại phát ban da thường xuất hiện ở trẻ trước 5 tuổi. Trẻ em thường bị chàm trên má (chàm sữa) và da đầu, nhưng nó có thể lan ra trên cánh tay, chân, ngực, hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Sau 1 tuổi, hầu như các vết chàm xuất hiện phía trong của khủy tay, phía sau đầu gối, cổ tay và mắt cá chân, nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở vị trí khác.

 Hình ảnh chàm sữa ở trẻ em

Hình ảnh chàm sữa ở trẻ em

Vết chàm trông khô, dày, da đóng vảy, hoặc có thể là các nốt sưng đỏ nhỏ, rỉ nước hoặc bị nhiễm trùng nếu bị trầy xước. Những vết trầy xước có thể dày lên, sẫm màu và để lại sẹo. Tùy theo dấu hiệu của bệnh chàm mà người ta gọi là chàm sữa, chàm tổ đỉa, chàm đồng tiền, chàm á sừng, chàm da khô...

Bệnh chàm thường xuất hiện và tự khỏi. Bệnh chàm không lây lan, nhưng những vết chàm ngứa dữ dội và khiến trẻ không thoải mái. Những vết trầy xước có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn. 

Nếu vết chàm không được chữa trị sẽ để lại sẹo không được thẩm mỹ. Điều này sẽ gây nên những cản trở về giao tiếp xã hội với trẻ sau này.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chàm thông qua khám và kiểm tra da của trẻ. Sau đó bé sẽ được đưa đến một bác sĩ da liễu để chẩn đoán chính xác và đưa ra lộ trình điều trị cho bệnh chàm.

Nguyên nhân gây ra bệnh chàm ở trẻ

Nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh chàm chưa được xác định, nhưng yếu tố thường gặp là do di truyền. Vì vậy mà trẻ có nguy cơ nhiễm chàm cao hơn nếu một thành viên trong gia đình có tiền sử nhiễm chàm, hen suyễn và dị ứng.

Bệnh chàm không phải do dị ứng với một chất, nhưng các chất dị ứng hoặc chất kích thích trong môi trường (như là phấn hoa hoặc khói thuốc) cũng có khả năng gây nên bệnh chàm. 

Ở một số trường hợp hiếm hơn, trẻ bị chàm do các chất dị ứng trong chế độ ăn của trẻ hoặc chế độ ăn của mẹ (nếu mẹ đang cho con bú)

Bệnh chàm ở trẻ cũng nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với hơi nóng, sự thay đổi về nhiệt độ hoặc khi làn da bị khô. Các chất kích thích như đồ len sợi, hóa chất trong xà phòng, nước hoa, hương liệu và chất tẩy rửa cũng tác động không tốt tới vết chàm. Ngoài ra, sự căng thẳng tinh thần cũng có thể làm các vết chàm bùng phát.

Sự phổ biến của bệnh chàm ở trẻ em

Khoảng 20 % trẻ bị mắc bệnh chàm, bao gồm trẻ sơ sinh còn đang được ẵm ngửa. Trong đó 65% trẻ dưới 1 tuổi và 90% trẻ dưới 5 tuổi đã xuất hiện triệu chứng bệnh.

Chưa thể chắc chắn được các trường hợp mắc bệnh chàm có thể hồi phục hay không, nhưng nếu may mắn bệnh chàm sẽ nhẹ đi theo độ tuổi. Nhiều trẻ em nhiễm chàm từ 2 tuổi nhưng bệnh sẽ nhẹ hơn khi đã trưởng thành..

Chăm sóc trẻ mắc bệnh chàm

Với trẻ mắc bệnh chàm, các mẹ cần chăm sóc cẩn thận da của bé. Chú ý tránh để trẻ bị trầy xước giúp hỗ trợ cho việc điều trị và ngăn chặn bùng phát.

Mẹo chăm sóc da cho trẻ bị bệnh chàm

Tắm và giữ ẩm

Trao đổi với bác sĩ cách mẹ tắm cho trẻ. Nhiều chuyên gia cho rằng cách tắm hàng ngày có thể giúp bé tránh bị chàm. Không nên tắm cho trẻ bằng nước quá ấm vì nước quá ấm sẽ làm da bé bị khô. Mẹ chỉ nên dùng nước có nhiệt độ vừa phải, tốt nhất là gần bằng nhiệt độ cơ thể bé.

Sử dụng sữa tắm có ít hóa chất hoặc không chứa hóa chất để tắm rửa và gội đầu cho bé. Chú ý dùng sữa tắm cuối cùng để bé không phải ngồi trong nước xà phòng. Khi đưa bé ra khỏi bồn tắm mẹ hãy dùng khăn tắm thấm nhẹ (không lau hay chà xát) để loại bỏ phần nước đọng lại trên da bé.

Sau khi tắm xong, ngay lúc da bé vẫn còn ẩm mẹ hãy dùng một lượng kem dưỡng ẩm hoặc thuốc làm mềm da dạng thuốc mỡ, thuốc kem để giúp giữ ẩm cho làn da của bé. Thuốc mỡ và kem bôi chứa nhiều chất làm mềm da hơn so với kem dưỡng da, thường có lợi hơn cho bệnh chàm của trẻ. 

Bác sĩ Michael Smith, phó giáo sư của Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ làm việc trong lĩnh vực da liễu tại Trung Tâm y tế Vanderbilt ở Nashville cho biết nên dùng chất làm mềm da cho trẻ ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên bác sĩ cũng khuyến các ba mẹ nên thử lên da bé trong một thời gian ngắn để chắc chắn các sản phẩm đó không gây kích ứng da bé.

Theo bác sĩ Smith, cách tiếp cận vùng da bị chàm hiệu quả nhất là sử dụng thuốc bôi chứa chất hydrat hóa và làm ẩm da. Giữ cho da luôn ẩm sẽ hạn chế vết mẩn đỏ và tình trạng viêm ngứa, đồng thời cũng tạo thành một lớp bảo vệ trên da bé (Lớp bảo vệ trên da của trẻ bị suy yếu khi con mắc bệnh chàm)

Giữ làn da thoáng mát

Mặc cho bé các loại vải thoáng mát, như vải bông. Hạn chế những trang phục làm từ vải len hoặc các chất liệu gây ngứa có thể gây kích ứng da trẻ. Không nên bao bọc da quá mức khiến con bị nóng lên.

Hạn chế tiếp xúc với xà phòng và chất tẩy rửa

Mẹ hãy chuyển sang sử dụng những loại xà phòng nhẹ, không mùi thơm hoặc sữa tắm và dầu gội không chứa hóa chất. Mẹ có thể sử dụng những sản phẩm dành cho da nhạy cảm. 

Trẻ bị chàm cần hạn chế tối đa tiếp xúc với hóa chất

Trẻ bị chàm cần hạn chế tối đa tiếp xúc với hóa chất khi tắm

Ngoài ra, mẹ cũng nên sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng không chứa mùi hương quá nồng cho quần áo và khăn trải giường, chăn của bé. Tuyệt đối không sử dụng chất làm mềm vải.

Ngăn ngừa trầy xước

Bé sẽ muốn hết ngứa bằng cách dùng tay gãi hoặc cọ mặt vào tấm trải giường khi ngủ. Nhưng việc gãi và cọ xát có thể gây kích ứng hoặc viêm da và làm bệnh của trẻ chuyển biến xấu hơn.

Mẹ hãy hạn chế tình trạng này bằng cách chọn ga trải giường mềm mại và cắt ngắn móng tay của bé.

Nếu trẻ gặp nhiều vấn đề khi ngủ vì bị ngứa, mẹ hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyến nghị mẹ cho trẻ dùng thuốc chống dị ứng để giúp bé ngủ tốt hơn. .

Làm dịu sự bùng phát của bệnh chàm

Trong quá trình phát bệnh mẹ có thể thử chườm mát nhiều lần vào vùng ngứa của trẻ, sau đó thoa kem dưỡng ẩm.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa được thử nghiệm điều trị vào tháng 5/2009 trên trẻ em bị chàm nặng. Những trẻ tham gia nghiên cứu nằm trong độ tuổi từ 6 tháng đến 17 tuổi.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng cho trẻ ngâm trong nước có dung dịch nước tẩy pha loãng 5 đến 10 phút 2 lần một tuần sẽ có hiệu quả điều trị gấp 5 lần so với nước thường. Sự hỗ trợ điều trị này tốt tới nỗi các nhà nghiên cứu đã dừng việc thực nghiệm với nhóm trẻ em sử dụng nước thường và chuyển qua sử dụng nước có chứa dung dịch nước tẩy pha loãng.

Nhà nghiên cứu Amy Paller là tác giả của nhóm nghiên cứu và Giáo sư Walter L.Hamlin, trưởng khoa da liễu và giáo sư Nhi khoa tạo Đại học Y khoa Freinberg chia sẻ rằng với sự chấp thuận của bác sĩ, cha mẹ các bé bị chàm từ trung bình đến nặng cũng muốn thử phương pháp này, đặc biệt là những trẻ bị nhiễm trùng da.

Ông Paller cũng khuyến nghị lượng dung dịch thích hợp là hòa 2 muỗng cà phê nước tẩy vào một khối nước tắm. Thực hiện ít nhất hai lần mỗi tuần. Tuy nhiên mẹ cần hết sức chú ý khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo trẻ không uống nước đó. Hòa dung dịch nước tẩy trong bồn trước khi đưa bé vào ngâm và không để chất tẩy rửa dính lên da bé.

Bác sĩ Smith ở Nashville cũng đồng tình với cách giải quyết của nhà nghiên cứu Paller. Bác sĩ Smith chia sẻ: “Phương pháp này an toàn và dễ áp dụng. Về cơ bản giống với nước bể bơi được khử trùng bằng Clo giúp tiêu diệt mầm bệnh.

Phương pháp này hữu ích đối với trẻ bị tái nhiễm trùng da liên quan đến bệnh chàm và đã được chứng minh là hiệu quả trong việc loại bỏ vi khuẩn và hỗ trợ điều trị bệnh chàm.” Ngoài ra bác sĩ cũng khuyến nghị các bậc cha mẹ hòa ⅓ đến ½ tách trà với một bồn đầy. Bác sĩ cũng đề nghị tắm rửa sạch sẽ ngay sau khi ngâm để loại bỏ mùi của thuốc tẩy.

Tránh làm bệnh bùng phát

Sự thay đổi nhiệt độ nhanh có thể làm bệnh chàm nặng hơn, vì vậy không nên để trẻ tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

Nếu bệnh chàm của trẻ bùng phát do dị ứng môi trường như dị ứng theo mùa mẹ nên thảo luận với các chuyên gia dị ứng về các phương pháp đối phó với kiểu dị ứng này.

Mẹ cũng nên giữ trẻ tránh xa khói thuốc. Khói thuốc sẽ khiến bệnh của trẻ nặng hơn.

Ngoài ra, cố gắng chỉ ra những vấn đề khiến trẻ căng thẳng có thể khiến bệnh chàm của trẻ bùng phát và giảm đến mức tối đa. Giúp bé đối mặt với sự căng thẳng như dành thời gian yên tĩnh cho bé hoặc giúp con chuẩn bị bài kiểm tra trên lớp.

Những thực phẩm dễ khiến trẻ phát bệnh chàm

Bệnh chàm không phải là một dị ứng cụ thể với yếu tố nào. Tuy nhiên ở một số trường hợp, có những thực phẩm gây dị ứng khiến bệnh chàm phát triển tồi tệ hơn. Nếu mẹ hoặc bác sĩ phát hiện ra bệnh của trẻ bị ảnh hưởng khi ăn phải một số thực phẩm, hãy chú ý tới sữa bò, trứng, đậu nành, bột mì, đậu phộng và cá. Đây là những thực phẩm dễ gây dị ứng.

Mẹ hãy loại bỏ những thực phẩm này khỏi chế độ ăn của bé, kể cả chế độ ăn của mẹ nếu đang trong thời gian cho con bú. Loại bỏ từng thực phẩm mẹ nghi ngờ ảnh hưởng đến bệnh của trẻ. Với mỗi thực phẩm mẹ cần kéo dài 2 tuần để quan sát hiệu quả vì đó là thời gian đủ để trẻ loại bỏ hoàn toàn thực phẩm này ra khỏi hệ thống tiêu hóa.

Một điều mẹ cần chú ý là nếu bé bị chàm và mẹ đang sử dụng sữa công thức thì bác sĩ có thể đề nghị mẹ chuyển sang sử dụng một loại sữa không gây dị ứng cho trẻ, đặc biệt không phải sữa đậu nành. Đây không phải là giải pháp nhưng là cách mẹ có thể thử để hỗ trợ việc điều trị.

Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ giữa thực phẩm và bệnh chàm. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2007, các nhà nghiên cứu Đức đã tìm thấy mối liên hệ giữa các bé bị bệnh chằm vào năm 2 tuổi với chế độ ăn nhiều bơ thực vật, dầu thực vật và chuối trong 4 tuần cuối của thai kỳ.

Trong khi chưa có công bố chính thức nào thì một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy việc bổ sung men vi sinh trước khi sinh con và giai đoạn sơ sinh có thể giúp ngăn ngừa bệnh ở trẻ sơ sinh có nguy cơ dị ứng hoặc bị chàm cao. Một số nghiên cứu cũng chứng minh men vi sinh làm giảm mức độ nghiêm trọng của chàm khi phát bệnh.

Tuy nhiên, ba mẹ cần chú ý rằng thực phẩm chỉ gây ra khoảng 10% các trường hợp mắc bệnh chàm. Mẹ vẫn cần lưu ý cách chăm sóc da và nhiều yếu tố khác.

Nên làm gì nếu bệnh chàm ở trẻ không cải thiện?

Mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia về da liễu nhi. Nếu bệnh không tiến triển sau khi áp dụng các phương pháp trên, bác sĩ sẽ khuyến nghị sử dụng các hợp chất hữu cơ Steroid bôi ngoài da. Thuốc này có thể mua ở hầu hết các hiệu thuốc.

Nếu loại Steroid không kê đơn này vẫn không có tác dụng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc Steroid mạnh hơn. Một loại kem steroid hoặc thuốc mỡ đôi khi giúp điều trị bệnh chàm một cách kì diệu.

Các nhà nghiên cứu đang phát triển một loại thuốc chuyên trị cho người bị bệnh chàm. Nếu trẻ đang phải chịu sự khó chịu của bệnh chàm, mẹ có thể hỏi bác sĩ về các biện pháp điều trị bệnh chàm mới nhất. 

Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (vùng bị chàm nóng, có dịch rỉ ra hoặc phát triển lớp vảy màu vàng) mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ.

Nếu trẻ đã đến nhà trẻ hoặc trường học mẹ hãy trao đổi với giáo viên về việc con bị mắc bệnh chàm. Hãy nhờ giáo viên lưu ý vì đây không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng có thể khiến con bị bạn bè trêu chọc.

Nếu trẻ đủ lớn, mẹ hãy hỏi con về cảm giác của mình và lắng nghe những chia sẻ từ trẻ. Hãy nghĩ đến cảm nhận của con. 

Nếu mẹ thấy con cần được giúp đỡ, mẹ có thể hỏi bác sĩ để được tư vấn.

Nguồn: Babycenter

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo