Chuẩn bị phòng ngủ cho trẻ sơ sinh tự ngủ

đăng bởi

Chuẩn bị phòng ngủ cho trẻ sơ sinh tự ngủ như thế nào? Nhiệt độ phòng ngủ là bao nhiêu? Chọn đèn phòng ngủ cho trẻ sơ sinh để đảm bảo ánh sáng phòng ngủ? Chuẩn bị nhộng và quấn giúp con ngủ ngon như thế nào? Các thiết bị nào cần thiết trong phòng ngủ của trẻ sơ sinh? Mời ba mẹ cùng tìm hiểu những vấn đề này nhé!

 

 

Nên cho bé ngủ cũi hay ngủ trên giường?

Lý tưởng nhất là bé ngủ ở trong cũi, có thể cùng phòng hoặc không cùng phòng với cha mẹ. Để đảm bảo an toàn ngủ, bên trong cũi tránh để bất cứ vật gì có thể khiến bé bị ngạt thở kể cả chăn, gối hay thú bông.

Quây cũi cũng được AAP - Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên không nên sử dụng để đảm bảo an toàn ngủ cho bé. Khi bé biết lẫy mẹ cần ngay lập tức hạ cũi tránh việc bé lẫy rồi bám vào thành cũi và đẩy người lên, sau đó ngã xuống đất. Luôn luôn dựng thành cũi lên và kéo chốt của cũi mẹ nhé.

Trẻ sơ sinh được đặt trong nôi ngủ chung giường nếu ngủ cùng ba mẹ

Với các bé lớn đã biết trèo ra, và có nguy cơ trèo ra khỏi cũi khi luyện ngủ, bạn hãy đảm bảo khu vực sàn nhà xung quanh cũi đã được trải thảm dày, để đề phòng bé bị ngã.

Thành cũi đủ cao để bé không thể trèo được ra ngoài. Khi bé có hiện tượng muốn trèo ra khỏi cũi, đó là lúc cha mẹ cần bỏ ngay quay cũi để tránh con dùng đó làm bậc thang, gây những tai nạn đáng tiếc.

Không để các sản phẩm nilon, bông gòn dễ bay ở trong phòng ngủ của bé (ví dụ túi nilon...).

 

 

Nếu cha mẹ không có điều kiện sử dụng cũi, hoặc theo trường phái ngủ chung mà vẫn muốn bé tự ngủ, hãy sử dụng hai chiếc đệm riêng biệt, được đặt trên sàn nhà (nếu luyện ngủ vào mùa đông thì cần đảm bảo sàn nhà ấm áp).

Bé có thể nằm bên một chiến đệm nhỏ, để cạnh đệm lớn của cha mẹ, điều này sẽ giúp việc luyện tự ngủ dễ dàng hơn và bé có thể tự đưa mình vào giấc ngủ sau một cữ bú đêm mà không bị phụ thuộc quá mức vào cha mẹ.

Hãy cất hết tất cả chăn, gối của người lớn đi trong quá trình dạy bé tự ngủ. (Nếu bé vẫn còn bú đêm, hãy cho bé bú trên giường của mẹ nhưng rồi đặt bé vào lại giường của bé).

An toàn ngủ cho bé phần 2

Môi trường luyện ngủ (hướng dẫn tự ngủ) an toàn cho con yêu

Máy báo khóc baby monitor

Thiết bị giám sát trẻ/Monitor giám sát (Một dạng camera)/Máy báo khóc là rất cần thiết trong quá trình luyện tự ngủ cho bé áp dụng các phương pháp Để bé khóc hoặc khi bé ngủ riêng hay khi bé không được ngủ trong cũi riêng, nếu có điều kiện, hãy mua một chiếc, nếu không, thì hãy tìm đến các dịch vụ cho thuê các loại máy này.

Nhiệt độ phòng ngủ cho trẻ sơ sinh

Để ý tới nhiệt độ phòng của bé. Quá nóng là một trong những nguyên nhân thất bại của các kế hoạch dạy bé tự ngủ hay của việc các bé không chịu quấn, đặc biệt có thể ảnh hưởng tới an toàn của bé.

Do đó, hãy áp dụng các biện pháp kiểm tra nhiệt độ phòng của con và tình trạng nóng, lạnh của bé đã được trình bày ở trang...để điều chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp cho bé.

Khăn quấn cho trẻ sơ sinh

Với bé từ 0-4 tháng, tốt nhất nên dùng quấn (swaddle) cho bé. Trong trường hợp bé không thích dùng quấn hoặc bé có thể ngủ mà không cần quấn, hay các bé trên 4 tháng tuổi cai quấn hoặc không dùng quấn bao giờ thì khi luyện tự ngủ cho bé, cha mẹ có thể sử dụng túi ngủ tùy theo mùa, hoặc nếu dùng chăn, thì chỉ nên sử dụng chăn lưới mà thôi. Lưu ý khi dùng chăn là chăn phải được dắt thật chặt dưới đệm của bé.

Ba mẹ có thể tham khảo cách quấn bé tại bài viết Hướng dẫn quấn bé của POH nhé!

Ánh sáng phòng ngủ cho trẻ sơ sinh

Sử dụng rèm ngủ tối màu, cản được càng nhiều ánh sáng càng tốt, nếu rèm ngủ không đủ cho việc ngăn cản ánh sáng, hãy dùng giấy bạc (loại giấy dùng để nướng bánh) để dán các cửa kính phòng ngủ của bé lại.

Đối với ánh sáng phòng ngủ cho trẻ sơ sinh, tốt nhất là không nên dùng đèn khi luyện ngủ cho các bé, vì rất nhiều bé (Trẻ Năng Động hoặc Trẻ Nhạy Cảm) sẽ bị kích thích bởi ánh sáng của đèn ngủ, dù đó là ánh sáng dịu nhẹ nhất.

Nếu cần sử dụng đèn ngủ khi cho bé bú hay thay bỉm, hay để trấn an bé, hãy đặt đèn ngủ ở phía chân của bé hoặc dùng đèn hành lang (hoặc phòng ngoài) hắt vào, và dùng loại đèn ánh sáng dịu nhẹ nhất, ánh đèn vàng.

Nếu bé ngủ chung cùng người lớn thì tuyệt đối tránh sử dụng tivi, máy tính, điện thoại di động và tablet khi cho bé ngủ và khi bé đã ngủ rồi, nếu bất đắc dĩ phải dùng, hãy giảm mức ánh sáng trong các thiết bị của bạn xuống thấp nhất và sử dụng ở càng xa chỗ ngủ của bé càng tốt.

Tiếng ồn trắng

Nếu sử dụng tiếng ồn trắng, có nhiều ứng dụng tiếng ồn trắng mà cha mẹ có thể tải về điện thoại và bật qua loa, lý tưởng nhất là mua một thiết bị chuyên dụng để phát tiếng ồn trắng, đặc biệt là với những bé nhạy cảm cần phải bật tiếng ồn trắng cả đêm thì mới ngủ được.

Ti giả và những chú ý khác

Sử dụng ti giả cho con ngủ

Sử dụng ti giả cho con ngủ

Chuẩn bị ti giả, phòng khi cần thiết. Nếu bé dùng ti giả, lưu ý không bao giờ được sử dụng bất cứ loại dây gì đi kèm với ti giả của bé.

Nếu bé sử dụng vật trấn an khác ngoài ti giả, ví dụ như gấu bông, chăn xô …, hãy lưu ý và tìm cách để vật đó không làm ảnh hưởng tới sự an toàn của bé hoặc tốt nhất là chỉ nên sử dụng vật trấn an khác ngoài ti giả khi bé được 4 tháng trở lên.

Nếu muốn sử dụng một vật gì đó có hơi của mẹ, thì tốt nhất nó nên là một chiếc khăn xô hoặc khăn sữa (lót vào ngực mẹ khi cho bé bú) vì như thế khi bé nằm đè lên hoặc có vô tình cho khăn lên mặt cũng không ảnh hưởng đến sự an toàn của bé.

Với các bé nằm đệm dưới đất: đảm bảo các ngăn kéo tủ đã được khóa, tủ được dính chặt vào tường, không có đồ vật sắc nhọn có thể làm đau bé, đồ vật nhỏ có thể làm bé cho vào miệng và bị hóc, các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, hóa chất ở trong phòng khi dạy bé tự ngủ, đặc biệt là với các bé đã có thể di chuyển tốt.

Đương nhiên, cần lưu ý đặc biệt những gia đình không sử dụng cũi để bé tự ngủ hay tự chơi, thì càng cần phải lưu ý đảm bảo an toàn trong cả căn phòng cho bé khi ngủ và cả khi bé thức nữa.

Ngoài ra, để biết thêm về an toàn ngủ cho trẻ sơ sinh, ba mẹ tham khảo bài viết tại link sau: https://poh.vn/an-toan-ngu-cho-tre-so-sinh/

Khi bé tỉnh dậy vào ban đêm

Dù bạn có luyện tự ngủ cho bé hay không và luyện theo phương pháp nào, nếu con ở tình trạng sức khỏe bình thường, thì đều được khuyên là KHÔNG VỘI VÀNG CHẠY VÀO CAN THIỆP NGAY KHI BÉ THỨC GIẤC.

Hãy áp dụng nút chờ theo độ tuổi của bé (ÍT NHẤT 5 ĐẾN 10 PHÚT), lắng nghe tiếng khóc của bé để phân biệt đâu là tiếng khóc tự trấn an, tiếng khóc chuyển giấc và tiếng khóc thực sự cần can thiệp của cha mẹ.

Để kế hoạch dạy con tự ngủ thành công, điều tối quan trọng mà cha mẹ cần lưu tâm đến chính là môi trường ngủ của bé đã được nêu bên trên.

Ba mẹ hiểu về giai đoạn ARA

ARA là viết tắt của cụm từ :

  • Awareness = Nhận thức mơ hồ
  • Rejection = Từ chối, phản kháng
  • Acceptance = Chấp nhận.

Giai đoạn ARA mô tả các sự chuyển biến phản ứng của bé trong quá trình luyện ngủ như sau:

Giai đoạn 1: Nhận thức mơ hồ (Awareness)

Bé chưa nhận thức rõ việc mình sẽ không có ti mẹ hay cánh tay đung đưa để hỗ trợ đi vào giấc ngủ nữa, nên khi mẹ/bố đặt xuống, nếu căn đúng thời gian thức ngủ của bé thì bé rơi vào giấc ngủ khi chỉ khóc thời gian ngắn. Thông thường, bé ở trạng thái nhận thức mơ hồ trong khoảng từ 1-3 ngày, một số ít các bé ở trong giai đoạn này đến ngày thứ 4.

Giai đoạn 2: Từ chối hay phản kháng (Rejection)

Bé đã hiểu và nhận thức rõ hơn về thay đổi trong cách cho ngủ của mẹ khi thấy mẹ không cho ti hay mẹ không rung lắc, bế ẵm, đung đưa như trước đây vẫn làm nữa. Bé phản kháng dữ dội bằng cách khóc dữ dội hơn, dai dẳng hơn, thậm chí còn lăn lộn gây nôn trớ. Với những bé lớn mới luyện ngủ các bé có thể chui ra khỏi cũi hoặc đập đầu vào cũi.

Đây là thời điểm khiến cha mẹ bối rối và hoang mang nhất vì sau ngày 1 (hoặc 2), mẹ/bố cứ nghĩ luyện ngủ thành công rồi thì con lại có phản ứng dữ. Mẹ/Bố không hiểu thì sợ mình làm sai hoặc nghĩ con làm sao (nhất là về mặt tâm lý).

Đây cũng là thời điểm bố mẹ không kiên trì dễ bỏ cuộc nhất. Thông thường, bé ở trạng thái nhận thức mơ hồ trong khoảng từ 2-6 ngày, có một số bé có tính khí mạnh hoặc nhạy cảm có thể từ chối hoặc phản kháng tận 10-14 ngày.

 

 

Giai đoạn 3: Chấp nhận (Acceptance)

Bé hiểu ra rằng dù có từ chối hoặc phản kháng bằng cách gào khóc, hay trèo ra khỏi cũi đi tìm mẹ cũng không làm thay đổi quyết định của mẹ/bố nên chấp nhận ngủ mà không cần phải ti mẹ hay phải bế, mẹ/bố đặt vào giường bé ê a một lát là tự chìm vào giấc ngủ. Khi bé ở trong giai đoạn này được 5 ngày trở lên là bố mẹ đã luyện tự ngủ thành công. Xin chúc mừng các bạn!

Việc hiểu rõ về các giải đoạn chuyển biến phản ứng của bé sẽ giúp cha mẹ không bị hoảng hốt và hoang mang khi bé bước vào giai đoạn từ chối hay phản kháng, từ đó kiên định hơn với kế hoạch của mình.

Cha mẹ hiểu rõ các giai đoạn chuyển biến sẽ có động lực đi đến cùng, thay vì bỏ cuộc và chấp nhận quay trở lại khoảng thời gian khó khăn (thậm chí có thể còn khó khăn hơn) trước khi dạy tự ngủ cho con.

Hachun - Admin

Chúng tôi hiểu rằng, mọi người mẹ đều có quỹ thời gian ít ỏi. Bạn luôn bận rộn chăm sóc em bé và không có thời gian cho chính mình.

POH tồn tại để giúp các mẹ bận rộn nuôi dạy con khoa học thật dễ dàng và bạn có thời gian chăm sóc bản thân.

Các khóa học của POH:

Giúp con ngủ xuyên đêm 11-12 tiếng, mẹ nghỉ ngơi 7-8 tiếng mỗi đêm (0-1 tuổi): POH Easy

Phát triển não bộ, vận động & ngôn ngữ từ sớm cho con yêu (0-3 tuổi): POH Acti 

Giúp con phát triển EQ, IQ tối ưu bằng Kỷ luật tích cực (0-6 tuổi): POH Poti

Thai giáo giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh từ trong bụng mẹ: POH Thai giáo